Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

BẠN PHẢI CÓ CHA MẸ LÀNH MẠNH


Cái tội đi cafe sớm, đang nói chuyện bông đùa với thằng bạn, nhận được hai câu hỏi tiêu biểu (trời ơi) từ một người lạ ngồi bên cạnh - vì bị thu hút khi “nghe anh nói chuyện liên quan đến Tâm lý”. Người bạn hỏi như sau: 

1. Cái gì anh nói liên quan đến “con người” thì phải “tôn trọng tối đa”… 
Vậy Con người là gì và đóng vai trò gì trong xã hội này mà cần phải “tôn trọng tối đa”?

2. Anh hay nói tới chữ “Lành mạnh” trong Tâm lý, vậy thì “Làm sao để Lành mạnh”?

Toàn câu hỏi hay! 

Nhìn mặt người hỏi, mình thấy họ thực sự hỏi một cách nghiêm túc, nên đành bấm bụng hứa sẽ trả lời… Và xin phép trả lời câu thứ 2 trước vì dễ và tóm gọn được nhanh hơn chút xíu.. hehe…

Bạn muốn lành mạnh thì điều đầu tiên và cơ bản: BẠN PHẢI CÓ CHA MẸ LÀNH MẠNH!

1. Cha mẹ bạn phải yêu chính bản thân họ: “Cha mẹ thế nào thì con cái thế ấy!” → Khả năng “tự nhận thức” của cha mẹ ảnh hưởng trên con cái… Đứa trẻ sẽ học dần, bằng nhiều hình thức khác nhau, cách mà cha mẹ chúng đối xử với chính bản thân họ.. Trong một gia đình mà có người Cha nghiện rượu thì luôn có một tỷ lệ cao thế hệ sau sẽ dễ dàng lập lại “mô thức đối xử với bản thân của người cha” ở một trong những đứa con của ông. 

2. Cha mẹ phải yêu thương lẫn nhau: Khi con trẻ lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ yêu thương nhau theo cách mà chúng thấy và cảm nhận được từ họ, chúng cũng sẽ lớn lên và trưởng thành với cảm giác đầy hạnh phúc và tự tin. Vì chúng biết đang được sống trong một môi trường tràn đầy an toàn và yêu thương.

3. Cha mẹ phải yêu thương con cái: dĩ nhiên, cũng phải theo cái cách mà bọn trẻ có thể thấy và cảm nhận được – điều này đang là một giới hạn trong gia đình VN, vì đa phần các bậc cha mẹ không quen biểu lộ tình cảm và cảm xúc của mình đối với con cái như trong gia đình phương Tây.

Chính khi Cha mẹ yêu thương và tôn trọng bản thân mình, Yêu thương lẫn nhau một cách vô vị lợi và Yêu thương con cái với một Tình yêu vô bờ bến thì cũng chính là lúc mà Cha mẹ mang lại cho con cái sự Lành mạnh trong Tâm lý. Con cái phải luôn được trao ban tình yêu thương và phải cảm thấy hoàn toàn được yêu thương. 

Nền tảng của sự không Lành mạnh và bất ổn về mặt Nhân cách đối với một cá nhân chính là thiếu vắng Tình yêu trong gia đình.

Trải nghiệm đau buồn nhất một đứa trẻ có thể phải chịu đựng, là không có được tình thương từ cha, mẹ hoặc cả hai.

Việc thiếu tình thương hay việc không nhận được một lượng yêu thương đầy đủ từ tấm bé và trong những năm tháng trưởng thành làm cho bạn sẽ tìm kiếm nó trong suốt cuộc đời…

(Và đây cũng là nguồn gốc của Tâm bệnh nơi những người trưởng thành, luôn khao khát và muốn sở hữu tình thương nơi người khác một cách lệch lạc, mang tính chiếm hữu… Người ta có thể làm đủ mọi cách, kể cả giết người, vì không muốn người nào khác ngoài “tôi” có được nó.)


Túm lại, một đứa trẻ khi còn nhỏ phải luôn chịu “sự chỉ trích tiêu cực” và “thiếu tình thương” từ cha mẹ thì luôn lớn lên với một nhân cách khập khiễng, không thể lành mạnh trong cách cư xử và giao tiếp trong cuộc sống. Và do đó, không thể Lành mạnh.

Xin nhắc lại: 

Chính khi Cha mẹ yêu thương và tôn trọng bản thân mình, Yêu thương lẫn nhau một cách vô vị lợi và Yêu thương con cái với một Tình yêu vô bờ bến thì cũng chính là lúc mà Cha mẹ mang lại cho con cái sự Lành mạnh trong Tâm lý. Con cái phải luôn được trao ban tình yêu thương và phải cảm thấy hoàn toàn được yêu thương. 

Chính trong cái nôi tràn đầy Yêu thương đó từ gia đình, mà một cá nhân phát triển Lành mạnh về Tâm lý!


Những ngày đầu năm con Dê, 2015

Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

TIẾN TRÌNH THÀNH NHÂN - Phần 08

Chương 6:

THÀNH NHÂN CÓ NGHĨA LÀ GÌ?

*****


Tôi đã diễn thuyết nội dung chương này lần đầu tiên nhân một buổi Hội ở Đại học Oberlin năm 1954. Tôi cố gắng diễn lại dưới một hình thức hoàn toàn chặt chẽ hơn  một vài quan niệm về trị liệu mà tôi đã theo đuổi.

Như thường lệ, tôi cố gắng để cho sự suy tư của tôi được theo sát căn nguyên của kinh nghiệm thực sự trong những cuộc phỏng vấn trị liệu, vì thế tôi đã dựa vào những cuộc phỏng vấn được ghi âm lại như những nguồn gốc của những suy diễn mà tôi đã đưa ra.

*****

Khi làm công việc hướng dẫn tại Đại học Chicago, tôi đã có cơ hội tiếp xúc với những người có nhiều vấn đề riêng tư khác nhau. 
Thí dụ, cậu sinh viên này lo nghĩ về thi rớt ở trường, bà nội trợ kia gặp rắc rối về hôn nhân, ông nọ đang cảm thấy mình loạng choạng đi vào chỗ bế tắc tâm lý… Ông kia, phung phí quá nhiều thì giờ vào chốn ăn chơi, và khi làm việc thì lại không hữu hiệu chút nào. Lại cũng có cậu học trò xuất sắc thường đứng nhất lớp, nhưng lại thấy mình bị tê liệt quá vì tin rằng mình là người không thích nghi đến độ tuyệt vọng và vô phương cứu chữa. Lại có người cha ngã lòng về cách cư xử của đứa con mình. Cô gái kia bị xúc phạm nặng nề vì bị kỳ thị màu da, chị nọ lo sợ rằng cuộc sống và tình yêu đang dửng dưng trôi qua và thành tích học tập tốt đẹp của chị là một đền bù không xứng đáng. Cũng có một ông cứ đinh ninh rằng những thế lực mạnh mẽ và nham hiểm đang âm mưu chống lại ông ta… 

Còn rất nhiều người khác đã đến với tôi với biết bao vấn đề riêng tư của họ. Nói được là họ đã đem lại những kinh nghiệm của cuộc sống. Tuy nhiên tôi cũng không hài lòng chút nào về việc làm một bảng phân loại nào đó vì kinh nghiệm đã cho tôi biết là một vấn đề được đưa ra trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sẽ không còn là vấn đề được thấy lại trong giờ thứ hai hay thứ ba sau đó. Và cứ như vậy đến cuộc phỏng vấn thứ mười, thì vấn đề đó sẽ hoàn toàn khác hoặc sẽ biến thành một lô những vấn đề khác.

Tuy nhiên, mặc dù gặp phải tình trạng quá phức tạp này, tôi vẫn đi đến chỗ tin rằng có lẽ chỉ có một vấn đề  mà thôi. Khi tôi theo dõi kinh nghiệm của nhiều thân chủ qua tương giao trị liệu mà tôi cố gắng tạo cho họ, thì dường như tôi nhận thấy là mỗi thân chủ chỉ đặt ra một vấn đề tương tự. Nghĩa là nằm dưới bề mặt của vấn đề mà thân chủ đang bực bội – nào khó khăn về việc học, lôi thôi với vợ ở nhà, bất mãn với chủ nhân, hoặc khó chịu về những thái độ kỳ lạ và những tình cảm đáng lo sợ của mình – vẫn che dấu một thứ khắc khoải chung. Dường như tôi thấy từ đáy lòng của mỗi người đang phát ra câu hỏi: “Thực sự, tôi là ai? Làm cách nào tôi có thể nhận diện được cái “tôi thực” đó đang ẩn dưới mọi hành động bề ngoài của tôi? Làm sao tôi trở nên chính tôi?”


TIẾN TRÌNH THÀNH NHÂN


ĐẰNG SAU MẶT NẠ

Mục tiêu mà một cá nhân ước muốn nhất để đạt được cứu cánh mà người đó vô tình hay hữu ý đang theo đuổi dường như là được trở thành chính con người của mình. Nói thế nghĩa là gì?

Khi có người đến với tôi, bối rối vì bao khó khăn chồng chất, thì điều tốt nhất là cố gắng tạo nên một mối tương giao để người đó cảm thấy được bình an và tự do. Mục đích của tôi cốt để tìm hiểu đường lối cảm nghĩ của người đó trong thế giới nội tâm, chấp nhận y và tất cả con người hiện tại của y và tạo nên một bầu không khí tự do trong đó y có thể cảm nghĩ và hành động theo bất cứ chiều hướng nào y mong muốn. Y sử dụng cái tự do này như thế nào?

Theo kinh nghiệm của tôi, y sẽ sử dụng tự do đó để càng lúc càng trở nên con người mình. Y bắt đầu gỡ bỏ những mặt nạ giả dối hoặc những vai trò mà y đã đóng trong đời sống. Y tỏ ra cố găng khám phá ra một cái gì có vẻ căn bản hơn, một cái gì thực sự là của mình hơn. Trước hết, y gạt bỏ ra một bên những mặt nạ mà ở một mức độ nào đó, y biết đã đeo vào. Trong một cuộc phỏng vấn trị liệu, một nữ sinh viên trẻ tuổi đã mô tả một trong những “mặt nạ” mà cô đã “đeo” từ bao lâu nay và cho biết sự hoang mang của cô, không biết phía sau cái mặt nạ cốt làm vui lòng người khác đó – có một cái gì thực sự đáng tin cậy hay không:

“Tôi cũng từng nghĩ về vấn đề tiêu chuẩn và cố gắng đề ra một thái độ sống làm cho những người quanh tôi được cảm thấy thoải mái và giải quyết mọi vấn đề một cách êm đẹp. Thực tế cũng đã có những người hài lòng với tôi và có những dịp hội họp hoặc tiệc tùng, tôi đã giúp tạo bầu không khí vui tươi đầm ấm. Nhưng đôi khi tôi cũng làm cho tôi phải sửng sốt vì thấy mình lý luận chống lại điều mà mình đã thực sự nghĩ, khi tôi thấy rằng người phụ trách sẽ không hài lòng nếu tôi không làm như vậy. Nói khác đi, tôi không luôn luôn thấy tôi dứt khoát đối với sự việc ở đời. Lý do là vì tôi đã xử sự như vậy quá nhiều trong gia đình. Tôi đã không đứng lên bảo vệ những xác tín của tôi cho tới ngày tôi không còn biết tôi có xác tín nào nữa không. Cho đến nay, tôi vẫn chưa thực sự chân thành là tôi, nghĩa là chưa thực sự biết mình là ai. Tôi mới chỉ đóng một thứ vai trò giả tạo!”

Qua những câu đối thoại được ghi lại dưới đây, bạn có thể thấy cô nữ sinh viên trên nhìn lại chiếc mặt nạ mà cô thường đeo, nhận ra sự bất mãn của cô về cái mặt nạ đó và tự hỏi phải làm gì để đến với con người thực của cô núp sau cái mặt nạ đó, nếu thực sự có một con người như vậy.

Trong nỗ lực khám phá con người thực của mình thân chủ sử dụng mối tương giao để dò tìm, để quan sát những khía cạnh khác nhau trong kinh nghiệm riêng của mình ngõ hầu nhận diện được những mâu thuẫn sâu xa mà mình thường phát hiện. Y nhận thấy trong hành vi của mình cũng như trong tình cảm sẵn có của mình, có những điều không xác thực, không phát xuất từ những phản ứng chân thực của lòng mình mà chỉ là những cái tạo nên lớp vỏ bề ngoài – một thứ bình phong – mà mình vẫn nấp sau đó từ bao lâu nay. Người đó khám phá rằng đời mình đã biết bao nhiêu lần được hướng dẫn bởi những động lực thực sự không phải là của mình. Thường thường y thấy mình sống chỉ cốt để đáp ứng những đòi hỏi của người khác, từ cảm nghĩ đến hành động, nhất nhất đều do sự chi phối chung quanh hơn là phản ánh thực sự con người thật của mình. Dường như y thấy mình chẳng có gì gọi là bản sắc riêng cả.

Trình bày những sự kiện này khiến tôi ngạc nhiên nhớ lại những điều mà triết gia Đan Mạch Soren Kierkegaard đã mô tả một cách rất chính xác – với một kiến thức sắc bén về tâm lý – tình trạng nan giải của con người cách đây hơn một thế kỷ. Theo ông, sự tuyệt vọng thông thường nhất đối với một cá nhân là không được lựa chọn, không muốn được là mình, mà lại chọn làm một người khác hơn chính mình. Đây là sự tuyệt vọng sâu xa nhất! Mặt khác, trở thành chính mình thì  thoát khỏi tuyệt vọng đó và chọn lựa này  là trách nhiệm nặng nề nhất của con người. Khi tôi đọc một số tác phẩm của ông, tôi có cảm tưởng là ông đã từng nghe những lời tâm sự của các thân chủ tôi, giải bày tiến trình tìm lại con người thực của họ ra sao.



Công cuộc khám phá này trở nên gay cấn hơn vào lúc các thân chủ trên bắt đầu gỡ bỏ những mặt nạ trước đây họ không biết là giả dối. Họ bắt đầu công việc đáng sợ là khám phá ra những tình cảm đôi khi dữ dội nơi chính họ. Gỡ bỏ đi mặt nạ mà trước đây bạn vẫn nghĩ nó là phần quan trọng con người thực của bạn thì chắc chắn không phải là một việc dễ làm. Nhưng khi có được một bầu khí tự do để cảm nghĩ và là mình thì bạn sẽ thấy làm được việc trên. Sự kiện này sẽ được thấy rõ qua một vài lời tâm sự của một nữ thân chủ đã hoàn tất cuộc trị liệu. Cô đã từng dùng nhiều hình dung từ khi mô tả cô đã tranh đấu gay go thế nào để tìm lại con người thực của cô:

“Bây giờ khi tôi nhìn sự việc đã qua, tôi phải cố gỡ dần đi từng lớp phòng vệ. Tôi đã xây dựng chúng, rồi gạt chúng ra trong lúc tôi vẫn là tôi. Tôi không biết có gì chứa chất trong đáy lòng, nhưng tôi vẫn phải cố tìm mặc dù cũng rất sợ khi khám phá ra. Trước hết, tôi cảm thấy không có gì ở trong tôi – một sự trống rỗng khi tôi cần và muốn một cái tâm vững chắc. Rồi tôi bắt đầu cảm thấy rằng tôi đang đứng trước một bức tường gạch kiên cố, không thể trèo qua hay chui qua được vì quá cao và quá dày. Một ngày nọ bức tường trở nên trong suốt. Sau đó, dường như bức tường lại biến mất, nhưng ở phía ngoài tôi lại thấy một cái đập đan ngăn những giòng nước lũ chảy xiết. Tôi thấy dường như tôi đang ra sức ngăn cản sức mạnh của những giòng nước đó, và nếu tôi để hở một lỗ nhỏ thôi, thì tôi và tất cả mọi vật chung quanh tôi đều bị thác nước tình cảm – tượng trưng bằng giòng nước kia -  cuốn phăng đi mất. Cuối cùng, tôi không còn sức để ngăn cản nữa và đành để nước tràn bờ. Thực sự  những gì mà tôi đã làm là buông lỏng trong vòng vị kỷ, hờn ghét rồi thương yêu. Sau kinh nghiệm này, tôi có cảm tưởng mình nhảy từ bờ vực này sang bờ vực kia, mặc dù hơi loạng choạng một chút. Bây giờ tôi không biết là trước đây tôi đang tìm kiếm cái gì hay là tôi đang đi đâu, nhưng lúc đó, tôi cảm thấy tôi đang tiến tới. Đây cũng là điều tôi vẫn thường cảm thấy mỗi khi tôi sống thực sự”.

Tôi tin rằng những điều tôi vừa trình bày ở trên cũng tiêu biểu khá đầy đủ cho những tình cảm của nhiều cá nhân, nghĩa là khi cái hàng rào giả tạo, bức tường hoặc con đê bị phá bỏ, thì cơn cuồng phong tình cảm chất chứa từ lâu trong vực thẳm tâm hồn sẽ cuốn đi tất cả những gì nó đụng phải. Điều này cũng nói lên sự cần thiết thôi thúc cá nhân tìm cách để trở thành con người thực của mình, như trường hợp của người nữ thân chủ mà tôi đã đề cập.

KINH NGHIỆM VỀ TÌNH CẢM

Nói về kinh nghiệm tình cảm, tôi thấy nó tương tự như khám phá ra những yếu tố bí mật trong con người của ta. Hiện tượng mà tôi đang cố gắng mô tả là một cái gì thực khó có thể diễn tả một cách dễ hiểu. Trong đời sống hằng ngày của chúng ta, có hàng ngàn lẻ một lý do ngăn cản chúng ta có kinh nghiệm trọn vẹn về những thái độ của chúng ta. Dường như kinh nghiệm được những thái độ đó một cách tự do và đầy đủ cũng rất nguy hiểm và tai hại nữa. Nhưng trong không khí an toàn và tự do của tương giao trị liệu, những thái độ đó có thể được và thường được kinh nghiệm một cách trọn vẹn đến mức tôi nghĩ nó giúp con người nhận rõ rằng lúc đó mình là sự lo sợ, sự giận dữ, sự trìu mến đang diễn ra trong chính mình.


Có lẽ để làm sáng tỏ thêm về điểm này, tôi xin ghi lại dưới đây trường hợp của một thân chủ. Đây là một sinh viên đã tốt nghiệp,từng khắc khoải rất nhiều về một cảm nghỉ mơ hồ trong anh. Anh đã dần dần nhận ra đó là một thứ tình cảm hoảng sợ – sợ thi rớt không lấy được bằng tiến sĩ  (Ph.D.). 

Sau đây mời độc giả nghe đoạn băng ghi âm những lời đối thoại giữa nhà trị liệu và thân chủ trên.

Thân chủ: Hình như có hai cảm quan đang giằng co trong tôi. Như hai “cái tôi”. Một cái thì sợ sệt, một cái muốn bám giữ lấy mọi thứ, cái tôi đó, tôi đang cảm thấy nó rõ rệt lúc này. Ông biết không, tôi cần một cái gì để bám lấy – và tôi cảm thấy hơi sợ…

Nhà trị liệu: Ừ, ừ… có lẽ đó là cái anh có thể cảm thấy đúng trong phút này, cũng như đã cảm thấy từ trước đến giờ trong tương giao của chúng ta…

Thân chủ: Liệu ông không thể để cho tôi có được cái đó hay sao, vì tôi cần nó lắm. Nếu không có được thì chắc tôi cô đơn và kinh sợ lắm.

NTL: Ừ, để tôi cố bám lấy nó xem sao, vì nếu không được thì tôi cũng thấy sợ hãi kinh khủng. Cứ để tôi thử bám lấy nhé… (ngừng một lúc).

TC: Nó là một thứ, liệu ông không thể giúp tôi có được luận án hay văn bằng tiến sĩ hay sao… Tôi cần nó ghê lắm… Tôi muốn nói…

NTL: Cả hai cái trên cũng chỉ là một điều van xin thôi phải không? Hãy để cho tôi có cái đó vì tôi cần nó ghê lắm. Không có nó thì thật khủng khiếp cho tôi… (Ngừng một lúc lâu).

TC: Tôi có cảm giác… Tôi không thể tiến xa hơn nữa… dù sao đây chỉ là một đứa bé đang van nài… Dáng điệu van xin này như thế nào? (Anh chắp hai tay lại như lúc cầu nguyện)… Trông thế có nực cười không? Bởi vì…

NTL: Anh chắp tay lại như để van nài điều gì…

TC: Dạ đúng! Liệu ông có thể cho tôi cái đó không? Khủng khiếp quá… Ai? Tôi? Mà lại van xin à?…

Những câu đối thoại trích trên có lẽ phản ảnh một ít điều mà tôi đã nói ở trên về vấn đề kinh nghiệm tình cảm cho tới tận cùng. Ở đây, người thân chủ trên – trong một lúc – thấy mình chỉ còn là một cậu bé đang van xin, nài nỉ, thế thôi. Nhưng sau đó cậu đã lập tức tỉnh ngộ bằng cách tự hỏi: Ai? Tôi? mà lại đi van xin? Tuy nhiên kinh nghiệm van xin kia vẫn để dấu vết lại. Sau này cậu đã nói: “Phát hiện được những sự kiện mới lạ có trong tôi là điều kỳ thú. Mỗi lần nghĩ lại, tôi thấy ngạc nhiên vì cái cảm giác sợ hãi đó đã chất chứa trong tôi từ lâu”. Cậu nhận ra tình cảm đó đã sôi sục từ lâu, lúc này cậu sống sự lệ thuộc, và lúc đó cậu rất đỗi ngạc nhiên khi thấy mình như vậy.

Không phải chỉ có tình cảm lệ thuộc được phát hiện bằng cách trên. Người ta có thể khám phá những tình cảm khác như đau đớn, buồn rầu, ghen tị, giận dữ, ước muốn sâu xa, tự tin, kiêu hãnh, điệu đàng và cả tình yêu đang dâng hiến. Tóm lại, bất cứ xúc động nào của con người.

Điều mà tôi đã dần dần học hỏi được từ những kinh nghiệm trên là cá nhân – trong lúc phát hiện tình cảm của mình như vậy – đã trở nên chính con người thực của mình. Qua trị liệu, khi một người được kinh nghiệm lại tất cả những xúc động của mình một cách có ý thức và cởi mở, người đó đã kinh nghiệm con người thực của mình với tất cả sự phong phú của nó, và trở nên đúng là mình.

KHÁM PHÁ RA MÌNH TRONG KINH NGHIỆM

Trở nên chính mình nghĩa là gì? Đó  là một câu hỏi hóc búa nhất – và để trả lời – tôi lại xin mượn lời của một nữ thân chủ viết trong lúc được phỏng vấn trị liệu. Bà ta kể cho biết có bao nhiêu bộ mặt khác nhau mà bà đang mang vào và đã đổ vỡ, đến nỗi bà cảm thấy bối rối nhưng cảm thấy dễ chịu hơn. Bà viết như sau:

“Dường như tôi thấy tất cả mọi nỗ lực nhằm đặt mình vào khuôn khổ đều vô ích và phí phạm. Bạn nghĩ bạn phải trở nên cái khuôn nhưng có rất nhiều mảnh và rất khó sử dụng thích hợp những mảnh vụn đó. Đôi khi bạn đặt chúng không đúng chỗ cho đến khi bạn chán nản và bối rối để đành chấp thuận một tình trạng hỗn loạn; như vậy tốt hơn là tìm cách điều chỉnh nó. Sau đó bạn khám phá ra rằng để cho những cái hỗn độn đó mặc sức tung hoành trong bạn, thì lại thấy xuất hiện một khuôn mẫu sống động mà bạn không phải cố gắng chút nào để tạo ra. Như vậy công việc của bạn chỉ là khám phá nó – và trong tiến trình này – bạn sẽ tìm thấy bạn và chỗ đứng của bạn. Bạn hãy để cho kinh nghiệm của bạn nói cho bạn biết ý nghĩa của nó. Khi bạn tìm cách định nghĩa nó, thì chính là lúc bạn tự tuyên chiến với bạn”.

Bây giờ tôi thử tìm hiểu xem những lời lẽ thơ mộng trên đây của cô có ý nghĩa thế nào. Theo tôi thì cô ấy muốn nói rằng cô ta là cô ta ở chỗ tìm ra cho mình một khuôn mẫu, một trật tự cố định luôn luôn tồn tại trong dòng kinh nghiệm không ngừng thay đổi của cô. Nói khác đi, muốn là con người thực của mình, cô phải khám phá ra sự đồng nhất và hài hòa luôn luôn tồn tại trong những tình cảm và phản ứng thực sự của cô thay vì cố gắng đặt kinh nghiệm của mình vào khuôn khổ của một bộ mặt nào đó, hoặc tạo cho nó thành một hình thức giả tạo, không thích hợp với nó.
Tóm lại, cái bản sắc thực sự là cái gì được khám phá từ trong kinh nghiệm của một cá nhân chứ không phải là cái mình cố tạo ra.


Qua những lời được trích dẫn lại của các thân chủ trên, tôi muốn nói lên ở đây cái bầu không khí thân mật và sự hiểu nhau trong tương giao với nhà trị liệu. Chính nhờ bầu không khí thuận lợi này, mà cá nhân dần dần  khám phá ra có cái gì đằng sau mặt nạ mà mình đã hiện ra trước mọi người và đã tự lừa dối mình. Cá nhân được trị liệu cũng có dịp kinh nghiệm một cách sâu xa và sống động nhiều khía cạnh khác nhau vẫn ẩn dấu từ lâu trong con người của mình.

Do đó, đến một mức độ gia tăng nào đó, cá nhân trở nên chính mình, không mang mặt nạ làm vừa lòng người khác, không khinh miệt phủ nhận mọi loại cảm tình, không đóng kịch ra vẻ trí thức thuần lý, mà là sống tự nhiên với những cảm nghĩ và thay đổi. Nói tóm, trở thành chính con người của mình.

CON NGƯỜI XUẤT HIỆN

Tôi tưởng tượng ra một số bạn đang hỏi tôi: “Con người mà cá nhân trên trở thành là người thế nào? Có phải chỉ cần bỏ mặt đi là đủ không? Con người đứng sau mặt nạ đó là loại người nào? Câu trả lời sẽ không dễ vì lý do rõ rệt nhất là mỗi cá nhân đều muốn trở thành một con người độc đáo, và tách biệt với người khác. Tuy nhiên, tôi ước muốn nêu ra một vài đặc tính mà tôi đã ghi nhận được. Thật ra không có một cá nhân nào hoàn toàn tiêu biểu cho những đặc tính này và cũng không ai hoàn toàn có được những nét mà tôi sắp mô tả. Tôi đã dựa vào mối tương quan trị liệu với nhiều thân chủ để rút ra những nét tổng quát này.

THÁI ĐỘ MỞ RỘNG TRƯỚC KINH NGHIỆM

Trước hết, trong tiến trình trở thành con người của mình, cá nhân tỏ ra cởi mở hơn đối với kinh nghiệm của mình. Đây là điều có ý nghĩa lớn lao đối với tôi, vì đó chính là sự đối lập với thái độ phòng vệ. Kết quả nghiên cứu tâm lý đã cho thấy là nếu dữ kiện mà giác quan của chúng ta kinh nghiệm được lại mâu thuẫn với hình ảnh con người thực của ta, thì dữ kiện đó bị bóp méo. Nói khác đi, chúng ta không thể kinh nghiệm được tất cả những điều giác quan ta ghi nhận, mà chỉ nhận thức những gì phù hợp với hình ảnh chúng ta mà thôi.


Trong không khí an toàn thuận lợi của tương giao trị liệu, thái độ phòng vệ dần dần được thay đổi bởi thái độ cởi mở đối với kinh nghiệm. Cá nhân trở nên ý thức rõ hơn về những cảm nghĩ và thái độ sống của mình đúng như những cảm nghĩ và thái độ tồn tại trong y. Y cũng trở nên ý thức về thực tế ở bên ngoài y, thay vì nhận thức nó trong những phạm trù tiền định. Y thấy rằng không phải mọi cây cối đều xanh, mọi người đàn ông đều là những người cha khắc nghiệt, mọi người đàn bà đều từ khước y và mọi kinh nghiệm thất bại đều minh chứng y vô dụng… Y có thể nhìn nhận sự thật hiển nhiên của một hoàn cảnh mới, đúng như nó là như vậy thay vì bóp méo nó đi theo một khuôn khổ mà y đã có. Nhờ thái độ rộng mở đối với kinh nghiệm như vậy mà y sẽ trở nên thực tế hơn khi giao tế với những người mới trong những hoàn cảnh mới với những vấn đề mới mà y sẽ gặp sau này. Nghĩa là niềm tin của y sẽ không cứng nhắc và y có thể dung thứ sự hàm hồ. Y có thế đón nhận nhiều bằng chứng xung đột nhau mà không muốn xóa bỏ hoàn cảnh tạo ra chúng. Tôi tin rằng thái độ rộng mở ý thức trước thực tại đang diễn ra trong cá nhân ở phút hiện tại là một đặc tính quan trọng của một người đang xuất hiện trong trị liệu.

Có lẽ để làm sáng tỏ thêm ý nghĩa trên, tôi xin trích lại sau đây một cuộc phỏng vấn được ghi âm của một thanh niên, trong đó anh tường trình cho biết anh đã ý thức như thế nào về một số cảm giác cơ thể và một số tình cảm khác của anh.

Thân chủ: Thuật lại tất cả những thay đổi mà mình kinh nghiệm là điều tôi thấy dường như không ai có thể làm được. Nhưng có điều chắc chắn là mới đây tôi đã cảm thấy kính trọng hơn và cũng khách quan hơn đối với thân xác của tôi. Tôi muốn nói là tôi không kỳ vọng quá nhiều về tôi. Trước kia tôi thường chống lại một cảm giác mệt mỏi nào đó mà tôi cảm thấy sau bữa cơm tối. Nhưng bây giờ thì tôi cảm thấy chắc chắn là tôi thực sự mệt mỏi – mặc dù tôi không làm cho tôi mệt mỏi. Vậy mà dường như trước đây tôi luôn luôn chỉ trích sự mệt nhọc của tôi.

Nhà trị liệu: Như vậy anh có thể cứ để cho anh cảm thấy mệt mỏi, thay vì cùng lúc chỉ trích sự mệt mỏi của anh.

TC: Nhưng trước đây tôi cứ bắt tôi không được cảm thấy như vậy. Bây giờ thì tôi thấy rằng tôi không thể chống lại cái cảm giác ấy, vì thực sự tôi thấy mệt nhọc, và cảm thấy như vậy có gì đáng sợ đâu. Tôi nghĩ rằng tôi hiểu tại sao tôi phản ứng như thế khi nhớ đến cách cha tôi phản ứng trước những việc tương tự. Chẳng  hạn nếu tôi đau thì tôi nói thẳng như vậy và cha tôi thường than: Ôi trời ơi, lại thêm lôi thôi nữa. Nghĩa là dường như…

NTL: Dường như thực sự có một cái gì bực bội về đau ốm thể xác phải không…

TC: Đúng vậy, tôi chắc rằng cha tôi không ưa cái trạng thái đó của thân thể ông, cũng như tôi trước đây vậy. Tôi nhớ lại mùa hè vừa rồi, tôi vặn mình một vòng và và nghe tiếng “răng rắc” ở phía sau lưng. Lúc đó tôi thấy đau đớn thực sự. Tôi bèn đi khám bác sĩ và được cho biết là không có gì trầm trọng. Chỗ đau sẽ lành dần nếu tôi không cúi mình xuống nhiều nữa. Đã mấy tháng rồi, gần đây tôi mới nhận thấy vết thương sau lưng đau nhức thực sự – và đó không phải là lỗi tại tôi.

NTL: Điều đó đâu có chứng tỏ rằng anh cố tình.

TC: Không đâu – nhưng tôi thấy dường như tôi mệt mỏi hơn cả mức tôi tưởng, có lẽ là vì tình trạng căng thẳng thường xuyên này. Vì thế, tôi lại đến thăm một ông bác sĩ ở bệnh viện và yêu cầu cho tôi được rọi quang tuyến X, hoặc làm việc gì khác. Đến đây tôi đoán ông có thể nói rằng hiện nay tôi có vẻ nhạy cảm chính xác hơn trước – một thứ nhạy cảm khách quan đối với một trạng thái trong thân thể. Vâng quả thật, tôi có thể nói đây là một sự thay đổi lớn lao trong tôi. Giờ đây, tôi thấy mối tương giao giữa tôi với vợ và hai con tôi cũng đã thay đổi – tôi thấy dường như không có gì tốt đẹp con cái của mình cũng như đón nhận tình yêu đó. Tôi không biết phải nói thế nào nữa về điểm này. Cả hai vợ chồng tôi đều đã tỏ ra tôn trọng Judy hơn (con gái anh), và chúng tôi nhận thấy khi chúng tôi biểu lộ như vậy, con gái chúng tôi đã thay đổi rất nhiều và dường như đây là điều khá sâu.

NTL: Tôi có cảm tưởng là anh đang nói rằng bây giờ anh có thể lắng nghe anh một cách chính xác hơn. Nghĩa là nếu cơ thể anh mệt mỏi, anh để ý ngay và tin chắc như vậy, thay vì chỉ trích sự kiện đó. Nếu thấy đau đớn, anh tin là mình đau đớn, và nếu anh thực sự cảm thấy yêu vợ con anh, anh cứ cảm thấy đúng như vậy và hành động thích hợp trong mỗi hoàn cảnh khác nhau như thế, phải không?

Những lời đối thoại được trích dẫn trên đây có thể tiêu biểu quan trọng cho những điều mà tôi đã nói về thái độ cởi mở đối với kinh nghiệm. Thân chủ trên trước đây không thể để mình tự do cảm thấy đau đớn hoặc bệnh hoạn vì khi ấy bệnh tật đối với anh có nghĩa là điều mà anh không thể cảm thấy trìu mến hay thương yêu nó, vì những tình cảm này có nghĩa là yếu đuối đối với anh, cho nên anh muốn giữ bề ngoài của một con người mạnh. Nhưng bây giờ anh có thể chân thực cởi mở đối với kinh nghiệm của cơ năng anh – anh có thể cảm thấy mệt mỏi, hay đau đớn khi cơ thể anh cho anh biết vậy. Anh cũng có thể tự do cảm thấy tình thương mà anh dành cho đứa con gái của anh, cũng như có thể biểu lộ sự bực mình đối với nó, anh có thể sống tràn đầy với những kinh nghiệm của toàn thể cơ năng anh, thay vì không thèm để ý đến chúng như trước kia.

TIN CẬY NƠI BẢN THÂN MÌNH


Thực khó mà mô tả đặc tính thứ hai của những người xuất hiện nhờ trị liệu. Dường như người đó khám phá thêm rằng cơ năng của mình thực đáng tin cậy, nghĩa là nhờ cơ năng y có thể tìm ra hành động thỏa đáng nhất trong mỗi hoàn cảnh.

Có lẽ để giúp bạn hiểu rõ hơn điều tôi muốn diễn tả, tôi xin bạn hãy cùng tôi hình dung ra một người bị đặt trước những chọn lựa như thế này: “Tôi sẽ trở về với gia đình tôi trong dịp nghỉ hè, hay sẽ đi chơi riêng một mình ở nơi khác? Tôi có nên uống nốt ly rượu thứ ba này nữa hay không? Và đây có phải là người mà tôi ước mơ được yêu thương và sống trọn đời không?” 

Bạn hãy nghĩ đến những trường hợp như trên, và thử tìm hiểu xem con người thực xuất hiện qua tiến trình trị liệu sẽ hành động như thế nào. Nếu người đó đạt đến mức độ cởi mở đối với mọi kinh nghiệm, y sẽ nắm vững được mọi dữ kiện cần thiết để chọn lựa thái độ thích hợp cho từng hoàn cảnh. Y biết rõ những cảm nghĩ và những thôi thúc của mình thường thường phức tạp và mâu thuẫn như thế nào. Y có thể tự do cảm thấy những đòi hỏi của xã hội, từ những luật lệ xã hội tương đối cứng nhắc cho đến những ước muốn của bè bạn và gia đình. Y có thể gợi lại trong ký ức của mình những thái độ sống khác nhau và những hậu quả của nó trong nhiều hoàn cảnh tương tự. Bây giờ y cũng có một nhận thức tương đối chính xác về hoàn cảnh ngoại tại với tất cả sự phức tạp của nó. Và y cũng tỏ ra hữu hiệu hơn trong việc vận động cơ thể và ý thức của mình, nhận xét, cân nhắc và dung hòa mỗi kích thích và nhu cầu tùy theo cường độ đòi hỏi của nó. Ngoài ra, y cũng còn có thể nhận thấy mình phải hành động thế nào để thỏa mãn nhanh chóng nhất mọi nhu cầu cấp bách cũng như lâu dài của y tùy theo trường hợp.

Khi cân nhắc và dung hòa mọi yếu tố của sự chọn lựa một nếp sống, cơ thể của y chắc chắn có thể lầm lẫn. Vẫn có thể có những chọn lựa sai lầm. Nhưng nhờ thái độ cởi mở đối với kinh nghiệm, y sẽ ý thức được tức khắc và rõ rệt hơn những hậu quả không được khích lệ của những chọn lựa ấy và sẽ mau mắn sữa chữa những sai lầm.

Chúng ta thấy phần nhiều khuyết điểm của chúng ta trong việc cân nhắc và dung hòa là ở chỗ chúng ta cứ qui nạp những sự kiện không nằm trong kinh nghiệm của chúng ta và loại bỏ những yếu tố thực sự có trong kinh nghiệm mình. Vì thế, có người cứ nằng nặc bảo rằng mình uống được rượu mạnh, nhưng nếu nhìn lại kinh nghiệm dĩ vãng, thì điều quả quyết này khó đúng sự thực. Cũng vậy, một thiếu nữ có thể chỉ thấy những đức tính tốt nơi người hôn phu của mình mặc dù nơi người này cũng có nhiều khuyết điểm nếu thẳng thắn nhìn vào kinh nghiệm của cô.

Nói chung, thực tế cho thấy là khi một thân chủ tỏ ra cởi mở đối với kinh nghiệm của mình, y sẽ thấy cơ thể của ý đáng tín nhiệm hơn. Y cảm thấy ít sợ hãi trước những phản ứng tình cảm của y, và sẽ gia tăng thêm tín nhiệm và mến chuộng đối với những tình cảm và khuynh hướng phức tạp, phong phú trong con người của y.

Tóm lại, đứng trước mọi trạng thái tình cảm và lý trí cũng như mọi năng hướng và kích động của tâm hồn, thái độ thẳng thắn ý thức có tác dụng tốt đẹp hơn là thái độ canh chừng sợ sệt.

THẨM ĐỊNH GIÁ TRỊ NƠI MÌNH

Trong tiến trình trở thành con người thực của mình, một yếu tố quan trọng nữa phải được nêu lên là động cơ làm phát xuất mọi chọn lựa và quyết định hay những phán đoán lượng giá. Con người tiến đến trưởng thành càng ngày càng cảm thấy rằng động lực của sự lượng giá đó nằm trong con người của mình. Càng ngày anh càng ít nhìn vào người khác để chờ đợi nơi họ sự khen hay chê, hoặc những tiêu chuẩn phải theo khi chọn lựa hay quyết định. Giờ đây, y nhìn nhận sự có mặt của động lực đó trong y và câu hỏi quan trọng duy nhất của y là: “ Có phải tôi đang sống theo một đường lối làm thỏa lòng tôi một cách sâu xa và cũng thực sự biểu lộ được tôi là tôi hay không?"

Theo tôi, có lẽ câu hỏi này là vấn đề quan trọng nhất đối với một cá nhân có tinh thần sáng tạo.


Để làm sáng tỏ thêm nữa, tôi xin được trích dẫn một đoạn ngắn trong cuộc phỏng vấn được ghi âm với một nữ sinh viên tốt nghiệp, đến nhờ tôi hướng dẫn. Trước kia có cô đã bối rối vì nhiều vấn đề và có lúc đã nghĩ đến chuyện tự tử. Khi nói chuyện với tôi, một trong những tình cảm mà cô đã khám phá được là cô rất ước muốn được nương tựa vào người khác để được chỉ giáo cho đường lối sống ở đời.

Cô chỉ trích nặng nề những ai đã không chỉ dẫn đầy đủ cho cô. Bao nhiêu giáo sư mà cô đã có dịp học hỏi đều làm cho cô thất vọng vì chẳng ai dạy cho cô điều gì có ý nghĩa sâu xa. Dần dần cô bắt đầu nhận thức rằng sự khó khăn của cô một phần là ở chỗ cô đã không có sáng kiến nào khi tham dự những lớp học đó. Sau đây là phần trình bày ý kiến của cô. Tôi hy vọng rằng phần này sẽ làm sáng tỏ thêm kinh nghiệm chấp thuận một động lực thẩm định giá trị nằm trong mỗi người chúng ta. Đây là phần trích lại một trong những cuộc phỏng vấn sau này với thiếu nữ trên, trong đó cô bắt đầu nhận thức rằng có lẽ cô đã chịu trách nhiệm một phần về những khiếm khuyết trong việc học hành của cô.

Thân chủ: Bây giờ tôi tự hỏi không biết có phải trước đây tôi chỉ hiểu lờ mờ về mọi vấn đề, chứ không đào sâu hay nắm vững được…

Nhà trị liệu: Nghĩa là cô mới chỉ hiểu phớt qua mỗi cái một chút chứ chưa đi sâu vào vấn đề.

TC: Vâng, đó chính là vấn đề tại sao tôi nói… (ngập ngừng và có vẻ rất suy tư)… tôi không thể trông cậy vào ai giúp tôi học hỏi… tôi phải tự tìm hiểu lấy (nói nhỏ lại) Tôi phải học một mình.

NTL: Như vậy cô đã bắt đầu hiểu. Chỉ có một người là có thể chỉ giáo cho cô. Có lẽ cô nhận thức được rằng không ai có thể dạy cô được!

TC: (ngồi suy nghĩ một lúc lâu) Tôi cảm thấy nhiều triệu chứng sợ hãi (khẽ cười)

NTL: Sợ? Đó là một điều đáng sợ, phải cô muốn nói như vậy không?

TC: (ngừng một lúc rất lâu, dường như để phấn đấu với tình cảm của cô) Hừ, hừ.

NTL: Cô có thể nói thêm về điều cô vừa nói không, quả thực làm cho cô hoảng sợ à?

TC: (cười) Tôi không biết có phải như vậy không. Tôi muốn nói là dường như tôi bị lâm vào một trạng huống hiểm nghèo – nhưng tôi đã nói lên điều đó một cách bất ngờ chính tôi cũng không hay. Đó là một điều thoát ra được.

NTL: Gần như không phải là một khía cạnh trong con người của cô.

TC: Vâng, tôi cảm thấy ngạc nhiên.

NTL: Tựa hồ như là: Trời ơi, tôi nói như vậy sao? (cả hai cười khúc khích).

TC: Đúng vậy, trước đây tôi đã không cảm thấy như thế. Nhưng bây giờ tôi cảm thấy như nó thực sự là một thực thể trong tôi vậy. Tôi cảm thấy một sức mạnh, một cảm giác như là sợ hãi gì đó.

NTL: Nghĩa là có phải cô muốn nói rằng khi đề cập đến chuyện đó cô vừa thấy mình có can đảm nói ra, đồng thời vẫn cảm thấy sợ sệt về điều mình nói, có phải vậy không?

TC: Dạ, dạ tôi cảm thấy như vậy. Tôi đang cảm thấy trong lòng tôi có một cái gì muốn vươn lên, muốn phát ra ngoài. Cái đó lớn và mạnh thực sự. Nhưng trước đây nó hầu như chỉ là một cảm giác muốn được tách khỏi một sự nâng đỡ…

NTL: Cô cảm thấy có một cái gì thâm thúy và mạnh mẽ đang vươn lên và đồng thời cô cũng cảm thấy như cô muốn cắt đứt khỏi mọi trợ giúp khi cô nói đến cái đó phải không?

TC: Có lẽ như vậy – Tôi không rõ. Tôi nghĩ đó là sự rối loạn về một thái độ mà tôi đã theo đuổi từ bao lâu nay.

NTL: Như là một đường lối đang bị lay chuyển.

TC: (Ngừng lại, và với vẻ tự tin) Tôi có cảm tưởng là tôi sắp bắt đầu thực hiện nhiều điều tôi cần làm. Tôi phải tìm ra những cách xử thế mới cho nhiều phạm vi sống của đời tôi. Có lẽ, tôi thấy tôi đang tiến bộ đôi chút về một số lãnh vực nào đó…

Tôi hy vọng những lời trích dẫn trên đây sẽ gợi ý thêm về yếu tố sức mạnh tinh thần mà một cá nhân thuần nhất, chịu trách nhiệm về mình, có thể kinh nghiệm được. Tuy nhiên, nhận định rằng mình là người chọn lựa và thẩm định giá trị cho kinh nghiệm của mình là một nhận định vừa làm phấn khởi vừa gây lo sợ.

ƯỚC MUỐN ĐƯỢC THÀNH NHÂN QUA MỘT QUÁ TRÌNH

Tôi xin trình bày nốt đặc tính cuối cùng về những người cố gắng trở thành chính mình. Với đặc tính này, cá nhân ước muốn trở thành chính mính qua một tiến trình (process) hơn là nhìn nhận mình như một sản phẩm có sẵn (product). Khi đi vào tương giao trị liệu, người thân chủ nào cũng muốn đạt được một tình trạng cố định. Y muốn tiến đến chỗ mà y có thể giải quyết mọi vấn đề của mình, hoặc làm việc được hữu hiệu hơn, hoặc được thỏa mãn về hôn nhân. Nhưng trong tự do của tương giao trị liệu, y loại bỏ những mục tiêu cố định và chấp nhận một ý thức thích đáng hơn, theo đó, y không phải là một thực thể cố định mà đang trên một tiến trình thành nhân.


Có một thân chủ, sau khi trị liệu, đã nói một câu có vẻ khó hiểu như sau: “Tôi chưa hoàn tất việc phối trí và tổ chức lại con người tôi. Tôi nhận thấy công việc này là một tiến trình liên tục khá rắc rối nhưng không làm nản lòng. Tiến trình này rất thích thú và phấn khởi, tuy có lúc ta cũng cảm thấy bối rối tâm trí nhưng được khích lệ vì cảm thấy mình đang hành động. Biết được mình đang được hướng về một nơi nào đó dù không ý thức được rõ rệt nơi đó là chỗ nào.” Qua câu nói này, bạn có thể thấy thái độ tín nhiệm đối với cơ năng của mình như tôi đã nói ở phần trên, cũng như nhận thức được tiến trình trở thành mình như thế nào. Câu nói trên cũng cho thấy cá nhân đó chấp nhận mình là một dòng suối đang hình thành, chứ không phải là một công trình đã hoàn tất. Tiến trình này ví như một dòng sông đang chảy với những thay đổi từ từ hơn là một khối cố định và cứng nhắc – hay hơn nữa – là một khối tiềm năng đang thay đổi liên tục chứ không phải là một thực thể cố định với những sắc thái sẵn có.

Câu nói sau đây cũng nói lên cùng một ý nghĩa đó: “Tất cả kinh nghiệm và những ý nghĩa của nó mà tôi đã tìm được cho đến nay đã cho tôi biết là tôi đang ở trên một tiến trình vừa kỳ thú và đôi khi cũng kinh hoàng. Tôi thấy dường như kinh nghiệm đã lôi cuốn tôi tiến tới hướng này, rồi lại đưa đến những mục tiêu mà tôi chỉ ý thức được một cách lờ mờ, nếu tôi cố tìm hiểu ý nghĩa hiện tại của kinh nghiệm đó. Tôi có cảm giác trôi nổi bồng bềnh giữa dòng kinh nghiệm phức tạp, mặc dù có thể cố gắng tìm hiểu được tính chất phức tạp luôn luôn thay đổi đó”.

KẾT LUẬN

Trên đây là những điều nhận xét của tôi về cuộc sống của những người mà tôi được hân hạnh giao cảm trong nỗ lực giúp họ trở thành chính con người thực của họ. Tôi đã cố gắng mô tả thật chính xác những ý nghĩa dường như có liên quan đến tiến trình thành nhân của con người. Tôi tin chắc rằng tiến trình này không phải chỉ diễn ra trong trị liệu. Tôi cũng tin chắc rằng tôi chưa hiểu rõ hoàn toàn về tiến trình đó, vì kiến thức của tôi cũng luôn luôn thay đổi về vấn đề này. Tôi hy vọng bạn sẽ chấp nhận tiến trình đó như một bức tranh sống động mà tôi đã phác họa những nét tạm thời, chứ không phải điều gì ổn định.

Lý do tôi muốn nhấn mạnh đến tính chất tạm thời này là tôi ước mong không nói với bạn những câu đại khái như: “Đây là cái bạn trở nên, kia là mục đích của bạn”. Trái lại, tôi chỉ muốn nói đến những ý nghĩa mà tôi cũng như các thân chủ của tôi đã cùng chia sẻ trong kinh nghiệm. Hy vọng bức tranh kinh nghiệm của người khác sẽ làm sáng tỏ thêm ý nghĩa một số kinh nghiệm của riêng bạn.


Tôi cũng nêu rõ rằng mỗi cá nhân dường như đang hỏi mình hai câu thế này: “Tôi là ai? Và làm thế nào tôi có thể trở thành chính tôi?” Tôi cũng nói rằng trong một bầu không khí tâm lý thuận lợi, tiến trình thành nhân sẽ diễn ra, trong đó cá nhân lần lượt gỡ bỏ những mặt nạ ẩn dấu trong con người của mình. Cá nhân cũng khám phá ra một người lạ mặt vẫn hoạt động ở phía sau những mặt nạ ấy. Người lạ mặt ấy chính là y. Tôi đã cố gắng nêu lên những đặc tính phụ thuộc của một người đang hình thành, một người tỏ ra cởi mở hơn đối với tất cả mọi khía cạnh của kinh nghiệm cơ năng, để đi đến tín nhiệm cơ thể của mình như một phương tiện sống rất nhạy cảm. Con người hình thành đó cũng chấp nhận có trong mình một động lực thẩm định giá trị và tìm cách tham dự vào tiến trình đang còn uyển chuyển tiếp diễn, trong đó y liên tục khám phá ra những khía cạnh mới về mình qua dòng kinh nghiệm. Tóm lại, theo thiển ý của tôi, đây là một số những yếu tố liên quan đến tiến trình trở thành một con người thực.

(Còn tiếp)