Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Có nên đồng nhất Tham vấn với Tư vấn?


Có nhiều cách gọi khác nhau về Tư vấn hoặc Tham vấn. Dưới đây tôi xin chuyển tới các bạn một ý kiến của người trong ngành về sự phân biệt này. Chị hiện là giảng viên của Trường ĐH Lao động Xã Hội - Ths. Bùi Thị Xuân Mai. Đây là ý kiến cá nhân, các bạn có thể Comment ý kiến của mình dưới bài viết này.

Có thể nói, cuộc tranh luận về thuật ngữ tham vấn, tư vấn hay trị liệu tâm lý vẫn luôn là vấn đề nóng hổi hiện nay trong các diễn dàn bàn về tham vấn tại Việt nam. Trong không ít hội thảo có người phê phán việc sử dụng tư vấn khi tham vấn. Đồng thời cũng có ngưới lại đồng nhất hai khái niệm này. Bên cạnh đó cũng không ít người lại băn khoăn liệu có gì khác nhau giữa tham vấn và trị liệu tâm lý. 
Bài viết này xin cung cấp một số thông tin nhằm giúp bạn đọc cũng như các nhà nghiên cứu có quan tâm hiểu rõ hơn về sự giao thoa cũng như và khác biệt giữa các thuật ngữ trên làm cơ sở cho việc sử dụng chúng một cách đúng đắn trong những bối cảnh có liên quan.
Tư vấn và tham vấn
Tư vấn - trong tiếng anh là Consultation - được xem như quá trình tham khảo về lời khuyên hay sự trao đổi quan điểm về vấn đề nào đó để đi đến một quyết định.
Tư vấn trong từ điển tiếng Việt được định nghĩa như là sự phát biểu ý kiến về những vấn đề được hỏi đến, nhưng không có quyền quyết định. Hoạt động này phần nhiều diễn ra dưới dạng Hỏi –và Đáp.
Tác giả Trần Tuấn Lộ đã mô phỏng hoạt động tư vấn như sự tham khảo và cung cấp ý kiến giữa một bên A- có thể là một cá nhân, một tổ chức cần tìm câu trả lời cho một thắc mắc hoặc tìm giải pháp với bên B- một cá nhân, một tổ chức khác có chuyên môn, kinh nghiệm và giúp họ giải đáp những thắc mắc hay vấn đề của họ.
Tư vấn được các tác giả nước ngoài hiểu theo nhiều cách với vai trò khác nhau của người tư vấn.
- Tư vấn có thể được xem là mối quan hệ mà ở đó người chuyên gia đưa ra sự trợ giúp cho cá nhân hay tổ chức có nhu cầu giải quyết vấn đề khó khăn (A.M. Douherty, 1990). 
- Tư vấn được M. Fall, (1995) định nghĩa một cách rất đơn giản rằng “Tư vấn là việc tôi và anh cùng nói về người đó, điều đó nhằm mục đích để thay đổi”. 
- Người tư vấn có thể đóng vai trò như người chịu trách nhiệm tìm ra những giải pháp (R. Schein, 1969), hay thu thập thông tin, chẩn đoán vấn đề và đề xuất giải pháp (D.J. Kurpius & J.C. Brukbaker 1976) hoặc là chỉ là người định hướng, điều phối tiến trình giải quyết vấn đề (R. Blake & J.S.Mouton 1976). 
- Một nghiên cứu chỉ ra rằng, các nhân viên tham vấn tại cộng đồng trung bình sử dụng 10% công việc cho làm công tác tư vấn (L.Stone & J. Archer, 1990). Như vậy cũng không nên tuyệt đối hóa việc không làm tư vấn trong tham vấn. 
- Grace M. (1998) cho rằng Tham vấn là một kỹ thuật trợ giúp trong Công tác xã hội cá nhân và việc cho lời khuyên là một kỹ thuật của tham vấn. Tuy nhiên bà nhấn mạnh lời khuyên đó không nên mang tính áp đặt mà cần khách quan, phù hợp với nhu cầu của đối tượng được xác định trên cơ sở thảo luận và dựa vào kiến thức chuyên môn ví dụ như kiến thức về kế hoạch hóa gia đình. 
Tuy nhiên ở nước ta hiện nay, khi làm tham vấn người ta thường thiên về đưa ra lời khuyên mang tính áp đặt ý chí chủ quan khá nhiều, khiến cho hoạt động tham vấn bị lu mờ và ý nghĩa của tư vấn bị hiểu sai lệch.
Những quan điểm trên cho thấy, việc trao đổi ý tưởng, cung cấp thông tin, và có thể là những lời khuyên trong tư vấn đã tham gia một phần vào quá trình giải quyết vấn đề. Thực tế cho thấy tồn tại nhiều loại hình tư vấn như tư vấn hướng nghiệp, tư vấn giáo dục, tư vấn sức khỏe, tư vấn pháp luật, tư vấn kinh tế, kinh doanh. 
Các hoạt động tư vấn về các vấn đề tâm lý xã hội qua báo chí, qua đài hay điện thoại, thậm chí ngay tại các trung tâm tư vấn tâm lý hiện nay cũng phần lớn hoạt động theo phương thức này. Hình thức hỏi và đáp, cung cấp thông tin trong các hoạt động tư vấn trên đã phần nào giải đáp được những thắc mắc cũng như quan tâm của nhiều người. 



Song cần nhấn mạnh rằng chức năng của tham vấn không phải đưa ra lời khuyên. Do vậy có sự khác biệt giữa tham vấn và tư vấn ở những điểm sau đây:
- Thứ nhất, về mục tiêu: Tư vấn chủ yếu hướng tới giải quyết vấn đề hiện tại, còn hoạt động tham vấn còn hướng tới mục tiêu lâu dài hơn đó là giúp cá nhân nâng cao khả năng giải quyết vấn đề sau khi được tham vấn.
- Thứ hai, về tiến trình: tư vấn thường là cung cấp thông tin hay đưa ra lời khuyên. do vậy nó diễn ra trong một thời gian ngắn, giải quyết vấn đề tức thời, còn tham vấn có thể diễn ra trong thời gian có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng thậm chí hàng năm.
- Thứ ba, về mối quan hệ: Trong tư vấn: có thể là mối quan hệ trên- dưới giữa một người là được xem là “uyên bác” với những thông tin chuyên môn, còn bên kia là người “thiếu hiểu biết” về vấn đề nào đó, bên cạnh mối quan hệ ở đây không đòi hỏi sự tương tác rất tích cực từ phía đối tượng. Trong khi đó ở tình huống tham vấn, mối quan hệ mang tính ngang bằng, bình đẳng và đòi hỏi có sự tương tác rất chặt chẽ và hợp tác tích cực giữa hai bên, có thể nói nó đóng vai trò như một công cụ quan trọng cho sự thành công của ca tham vấn
- Thứ tư, về cách thức tương tác: Trong tư vấn cách thức can thiệp chính là cung cấp thông tin và lời khuyên bổ ích từ người tư vấn với đầy kiến thức chuyên sâu về vấn đề cần tư vấn. Trong tham vấn sự thành công phụ thuộc vào kỹ năng tương tác của nhà tham vấn để đối tượng tự nhận thức, hiểu chính mình và hoàn cảnh của mình để chủ động tìm kiếm giải pháp phù hợp và thực hiện nó.
Như vậy rõ ràng tư vấn và tham vấn là hai hình thức trợ giúp có sự khác biệt nhất định ở một số khía cạnh. Mặc dù khi tư vấn có tham gia vào quá trình tham vấn song để giúp đối tượng nâng cao được năng lực giải quyết vấn đề trong cuộc sống thì việc sử dụng hình thức tham vấn tỏ ra hữu hiệu hơn.
Tài liệu tham khảo:
1.
Trần Thị Minh Đức, Tư vấn và Tham vấn – thuật ngữ và cách tiếp cận Tạp chí Tâm lý học, số 8 năm 2002
2.
A.E Evey Counseling and Therapy, SAGE (1993):
3.
Gustad J.W “The definition of Counseling” – Minnesota Studies in student personal work Roles and Relatiónhip in counseling, Uniniversity of Minnesota press. (1953)
4.
ED Neukrug, The world of counselor, Brooks/Cole 1999.
5.
Perez J.F. Counseling: Theory and Practice Reading, Mas, Addison –Wesley (1965 )
6.
Richard Nelsson Jones. Basis counseling skills. SAGE 2003
7.
Hoàng Phê – Từ điển tiếng Việt 2000
8.
Kỷ yếu hội thảo Xây dựng và phát triển mạng lưới tham vấn trong trường học. 10/2006
9.
S. Narayana, Counseling Psychology – McGraw – Hill Publishing Company 1981
(Ths Bùi Thị Xuân Mai, Đại học Lao động Xã hội)

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

VÔ THỨC LÀ GÌ ?



Theo quan điểm của FREUD, nhà sáng lập Phân Tâm Học, Nội tâm bao gồm ba thành tố hay là ba cơ cấu tổ chức, khác biệt nhau, nhưng có những liên hệ mật thiết với nhau và thường xuyên tác động qua lại hai chiều trên nhau.

Cấu trúc thứ nhất là Tự Ngã,

Cấu trúc thứ hai là Siêu Ngã,

Cấu trúc thứ ba là Bản Ngã.

1.-TỰ NGÃ

Cấu trúc Tự Ngã còn mang tên là « Cái Ấy » (le Ça trong tiếng Pháp và The Id trong tiếng Anh). Cấu trúc nầy thành hình và xuất hiện rất sớm, trước hai cấu trúc kia. Xét về phương diện thứ tự thời gian, cấu trúc Tự Ngã đã có mặt, khi đứa bé đang còn là một thai sinh, trong lòng mẹ.

Nội dung của Tự Ngã bao gồm nhiều Xung Năng (Pulsion trong tiếng Pháp, hay là Urge và Drive trong tiếng Anh).

Để hiểu rõ một phần nào xung năng là gì, trong đời sống của một đứa bé sơ sinh, chúng ta cần phân biệt những yếu tố sau đây:

- Thứ nhất, xung năng là những sức ép hay là sức đẩy bật hướng đến sự sống, hoàn toàn tự nhiên và phản xạ, phát xuất từ những tầng sâu trong cơ thể của đứa bé. Khi đạt tới cao điểm, trong những chu kỳ và nhịp độ biến chuyển, xung năng sẽ tạo nên cho đứa bé, một tình trạng bực bội, khó chịu, căng thẳng... thúc ép nó đi tìm một đối tượng ở bên ngoài, để được giải tỏa, khai phóng và thỏa mãn.

- Thứ hai, trong những năm đầu tiên của cuộc sống, đứa bé còn ở trong tình trạng hoàn toàn vô thức và lệ thuộc. Các em chưa thể nhận biết xung năng của mình là gì, bắt nguồn từ đâu, hướng đến mục đích gì, đối tượng nào có thể đáp ứng và thỏa mãn. Các em chưa thể nào tự mình giải quyết những vấn đề do cuộc sống đặt ra. Các em chưa có khả năng dùng lời nói, để giải thích cho kẻ khác biết các em đang cảm nghiệm thế nào và đang có những nhu cầu như thế nào.

- Thứ ba, nhằm bộc lộ ra ngoài một cách khách quan, tình trạng bức xúc đang xảy ra trong nội tâm, các em chỉ có một số hành vi rất hạn chế như: khóc la, thét gào, vùng vẫy tay chân, thay đổi sắc mặt...

- Thứ bốn, lúc ban đầu duy người mẹ - hay là người thay thế mẹ - có mặt liên tục, suốt ngày đêm với đứa bé, mới có thể từ từ ý thức được nhu cầu của đứa bé và tìm cách đáp ứng, thỏa mãn những nhu cầu ấy. Chính vì lý do nầy, người mẹ được gọi là « đối tượng đầu tiên, nguyên thủy » của đứa bé mới sinh, trước tất cả mọi đối tượng khác. Đồng thời, người mẹ cũng đang đảm nhiệm vai trò « làm Siêu Ngã » cho đứa con.

- Thứ năm, trong ba năm đầu tiên của cuộc sống, nếu đứa bé không có mẹ và không có ai liên tục thay thế mẹ, trong vòng từ ba đến sáu tháng, em ấy sẽ phải chết, hay là trầm mình trong bệnh hoạn. Thể theo lối nhìn của Bác sĩ R. SPITZ, hội chứng « Thiếu Tình Thương » (carence affective hay là hospitalisme), đã bẻ gãy và vùi dập, trong đứa bé, mọi xung năng phát xuất từ sự sống và hướng đến sự sống (1). Nói cách khác, trước kia xung năng là một sức đẩy bật hướng đến sự sống. Bây giờ, vì sự sống không được đón nhận và nhìn nhận, xung năng đã đi vào con đường tàn lụi, hướng đến sự chết. Đó là Xung năng hướng đến sự chết. Lối nói được sử dụng trong tiếng Pháp là « pulsion de mort ».




2.- SIÊU NGÃ

Khi quan sát từ ngoài một đứa bé sơ sinh, trong những tháng ngày đầu tiên, chúng ta sẽ ý thức được thế nào là Tự Ngã, ở thể trạng thuần đơn, trước khi tiếp thu và hội nhập ảnh hưởng của hai cấu trúc kia là Siêu Ngã và Bản Ngã. Cuộc sống thường ngày, lúc bấy giờ, được phân chia thành 5 hoặc 6 chu kỳ. Mỗi chu kỳ bao gồm sáu giai đoạn tiếp nối nhau:

- Giai đoạn một: Giấc ngủ thâm sâu và bình lặng.

- Giai đọan hai: Giấc ngủ náo hoạt.

- Giai đoạn ba: Giai đoạn chuyển tiếp giữa ngủ và thức.

- Giai đoạn bốn: Tỉnh thức hoạt bát nhưng bình lặng.

- Giai đọan năm: Tỉnh thức náo động.

- Giai đoạn sáu: khóc la inh ỏi, trước khi trở lại giai đoạn một.

Một cách đặc biệt, vào giai đoạn Tỉnh thức hoạt bát và bình lặng (giai đoạn bốn), sau ngày sinh độ một tuần lễ, đứa bé đã bắt đầu vận dụng một cách năng động năm giác quan của mình, nhất là thị, thính và xúc giác.

Người lớn, nhất là bà mẹ, dựa vào ba giác quan chính yếu nầy, có thể kích thích đứa bé và trao đổi với em, miễn là bà biết tôn trọng một cách nghiêm chỉnh hai loại ngưỡng kích thích: không bao giờ ở dưới ngưỡng sơ khởi, không bao giờ vượt quá ngưỡng chịu đựng, còn được gọi là ngưỡng khổ đau.

Khi yếu tố kích thích ở dưới ngưỡng sơ khởi, đứa bé không phản ứng, không trả lời. Khi bà mẹ vượt quá ngưỡng chịu đựng của đứa con, tự khắc em sẽ có những phản ứng từ chối như khóc la, thét gào, rút lui, khép kín mình, ngoảnh mặt qua chỗ khác, múa động chân tay...

Trong cuốn sách « Quan Hệ Mẹ Con: bài học đầu tiên của cuộc sống », xuất bản năm 2000 (2), tôi đã trình bày và giới thiệu một số động tác cụ thể, mà bà mẹ hay là những người lớn trong gia đình có thể thực hiện, một cách dễ dàng, để tổ chức cuộc sống cho đứa bé sơ sinh, từ những ngày em mới sinh ra.

Khi tổ chức như vậy, người mẹ và những ai đang tiếp tay cho bà mẹ, đã bắt đầu đảm nhiệm « vai trò làm Siêu Ngã », nghĩa là từ từ chuyển biến Tự Ngã của đứa bé thành Bản Ngã, bằng cách cung ứng từ ngoài những khuôn khổ, những qui luật cũng như những đường hướng hoạt động.

Không có cái KHUNG « tạo an toàn » nầy, để đứa bé có thể nương tựa, qui chiếu và ngày ngày điều hướng cuộc đời, em sẽ suốt đời bơ vơ, loạn động, không có khả năng lớn lên, tăng trưởng, phát triển và trở nên người.

Sau nhiều năm quan sát, nghiên cứu, học hỏi... tác giả T.B. BRAZELTON đã đưa ra những điểm mốc sau đây (3):

- Chung quanh 3 tuổi, trẻ em cảm thấy rất quan trọng tất cả những gì mà em tự mình có thể làm ra,

- Khi trẻ em lên tới 5 tuổi, em sẽ cảm nghiệm chính con người của mình là « trung tâm » và « trọng tâm » của vũ trụ. Tất cả những điều còn lại đều là phụ thuộc, xoay vần chung quanh trung tâm ấy để phục vụ,

- Từ 6-7 tuổi trở lên, trẻ em bắt đầu có khả năng hướng mình ra bên ngoài, để học tập, tiếp thu những bài học về THỰC TẾ, và QUI LUẬT. Đây là yếu tố quyết định, cho cuộc sống thành người. Hẳn thực, bao lâu chúng ta chưa ý thức một cách rõ rệt về những khả năng và giới hạn cụ thể của mình, nghĩa là biết những gì mình làm được và những gì mình không có phép làm, chúng ta chưa thể TỰ LẬP và TRƯỞNG THÀNH, mặc dù tuổi đời đã vượt quá 20.

Để có thể thực thi và kiện toàn tiến trình xây dựng bản thân nầy, một đứa bé từ ngày sinh ra, cần bàn tay tổ chức và giúp đỡ của những người lớn trong gia đình, bắt đầu từ bà mẹ, là nhân vật gần gũi với em, hơn tất cả những người khác. Theo thuật ngữ của Phân Tâm Học, các vị ấy đang đóng vai trò làm Siêu Ngã cho đứa bé, trong suốt tiến trình học làm người.


Vai trò làm Siêu Ngã bao gồm hai chức năng trọng yếu:

- Thứ nhất là soi sáng và hướng dẫn đứa bé về tất cả những gì em có thể làm hay là không thể làm. Đó là nguyên tắc thực tế (Réalité trong tiếng Pháp).

- Thứ hai là nâng đỡ, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, để em có thể từng bước đi lên, chấp nhận những bài học về qui luật làm người, một cách dễ dàng và hứng thú. Đó là nguyên tắc vui thích (Plaisir).

Thực ra, theo lối nhìn của Freud, thực tế và vui thích là hai bộ mặt khác nhau của một nguyên tắc duy nhất, trong cuộc sống làm người. Để trẻ em có thể tiếp thu và hội nhập một cách nhuần nhuyễn một bài học, trong bất kỳ lãnh vực nào, bài học ấy phải tạo vui thích và gây hứng thú cho trẻ em. Bằng không, em sẽ khước từ hay là bỏ cuộc giữa chừng. Đồng thời, bài học ấy phải tạo nên cho em một kỹ năng tinh nhuệ, khả dĩ giúp em sống tự lập sau này. Khoa Tâm Lý Sư Phạm càng ngày càng lắng nghe, tiếp thu và ứng dụng tin tức nầy, trong hai lãnh vực giáo dục và trị liệu.

Ngôn ngữ là một minh họa có khả năng giúp chúng ta hiểu rõ về mối liên hệ mật thiết giữa hai bộ mặt của nguyên tắc vui thích và thực tế. Sở dĩ trẻ em học nói huyên thuyên suốt ngày, vì em thích bắt chước người mà em thương mến. Đồng thời, nhờ biết nói, em có thể hiểu người khác và làm cho kẻ khác hiểu mình, trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi bình thường hằng ngày.

Tuy nhiên, không phải bất cứ bà mẹ nào, khi sinh con ra, đều có khả năng làm Siêu Ngã, với những chuẩn mực quân bình và lành mạnh, như Freud đã đề xuất, nghĩa là hướng dẫn, soi sáng, thay vì áp đặt, cưỡng bức, ức chế, từ trên và từ ngoài. Thêm vào đó, để có thể hướng dẫn một cách hài hòa và hữu hiệu, bà mẹ phải học quan sát, lắng nghe đứa con của mình và tìm cách tiếp xúc, trao đổi với em. Những gì em đã bắt đầu làm được, bà mẹ sẽ khuyến khích em làm một mình, theo tốc độ của em. Không làm thay làm thế. Không bao che từ đầu chí cuối.

Có dịp quan sát cách làm của nhiều bà mẹ đem con đến khám tại phòng mạch của mình, Bác sĩ Phân Tâm D.W.WINNICOTT đã ghi nhận nhiều cách can thiệp khác nhau của các bà, sau khi họ nghe đứa con của mình khóc la, và đang có một vấn đề cần giải quyết (4).

Loại thứ nhất: bà mẹ trả lời quá sớm, trước khi đứa con có thì giờ cảm nhận hay là mơ tưởng, bằng một hình ảnh, vấn đề hiện tại của mình.

Loại thứ hai: bà mẹ trả lời quá chậm, sau khi đứa con thét gào và tỏ ra mệt mỏi, kiệt quệ, « đầu hàng », bỏ cuộc, vì không có ai lắng nghe, một cách đúng lúc và đúng tầm.

Loại thứ ba: cách thức bà mẹ trả lời không thích hợp với nhu cầu thực sự của đứa con. Ví dụ: đứa con bị ướt tã, khó chịu. Người mẹ lấy bình sữa ra, cho con bú.

Loại thứ bốn: bà mẹ trả lời theo nguyên tắc cố định, không tìm hiểu nhu cầu thực sự của đứa con nằm ở chỗ nào. Ví dụ: bây giờ là 4 giờ chiều. Theo ý của bà, bé khóc vì đòi cữ sữa thông lệ, đương khi nhu cầu thực sự của bé lúc ây là muốn đi ra chơi bên ngoài.

Loại thứ năm: bà mẹ trả lời, theo lối giải thích hoàn toàn tùy tiện và chủ quan, trước khi tìm cách kiểm chứng giả thuyết của mình. Ví dụ: theo ý của bà mẹ, bé khóc ghen, vì mẹ nói chuyện với bác sĩ... đương khi lý do thực sự là bé sợ người lạ mặt.



Lẽ đương nhiên, như trên đây tôi đã đưa ra nhận xét, vì thân phận và điều kiện làm người, không một bà mẹ nào, ngay từ ngày đầu tiên, khi đứa con sinh ra, đã biết làm Siêu Ngã, một cách hoàn hảo và tuyệt vời. Sai lầm là lẽ thường tình, tự nhiên. Điều cốt yếu là bà mẹ biết học. Biết dừng lại, khi thấy mình sai lầm. Biết lắng nghe, tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm và kỹ năng tinh nhuệ, trong lãnh vực nuôi dạy con cái. Và điều tôi muốn nhấn mạnh, trước tất cả mọi điều khác, là: Bà mẹ hãy HỌC với đứa con của mình. Chính thái độ và tác phong của em sẽ giúp chúng ta điều chỉnh những gì đã sai lệch, kiện toàn những gì đã tốt đẹp, bổ túc những gì còn thiếu sót. Và khi đứa con đã biết nói, chúng ta hãy tiếp xúc, trao đổi, lắng nghe, tìm hiểu, tạo cho em một khung gian diễn tả, bộc lộ nhu cầu của mình.

Với những điều kiện hành xử như vậy, khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Thất bại hay là lầm lỡ nào cũng có thể trở thành một bài học hay là một kinh nghiệm quí hóa, trong vai trò làm Siêu Ngã hướng dẫn và giúp đỡ con cái thành người.

Hẳn thực, khi đứa con bắt đầu tỏ thái độ phản kháng, chống đối hay là bị động, lệ thuộc, chúng ta cần lập tức nêu ra câu hỏi: phải chăng tôi đang thao tác một loại Siêu Ngã quá độc tài và nguyên tắc hay là quá bao che và nương chìu, khi không cần thiết.

Trong thuật ngữ « Siêu Ngã », được Freud sử dụng, (Sur-moi trong tiếng Pháp và Super-ego trong tiếng Anh), hai từ được ghép lại với nhau. Từ thứ nhất là « Siêu », có nghĩa là « ở trên », về mặt ý thức và hiểu biết. Nói cách khác, để có thể soi sáng và hướng dẫn đứa con của mình, người mẹ cần có một lối nhìn bao quát, toàn diện, nghĩa là nhận ra những liên hệ mật thiết giữa những tầng lớp khác nhau trong nội tâm của đứa con. Ngoài ra, bà còn phải thấy được ảnh hưởng của nhiều yếu tố có mặt trong môi trường đang tác động, bằng cách nầy hay cách khác, trên cơ thể non yếu của bé.

Từ thứ hai là Ngã, nghĩa là người mẹ đã hành xử như một chủ thể, có khả năng làm chủ bản thân và cuộc sống của mình. Cho nên, bà có khả năng « đồng cảm » với đứa con. Hiểu biết em từ bên trong. Khám phá hay là phát hiện được những nhu cầu và nguyện vọng của em, mặc dù em chưa có điều kiện và phương tiện diễn tả những tình trạng nội tâm, và nhất là những xúc động buồn lo, tức giận, sợ hãi...

Những nhà Phân Tâm, thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba sau Freud, sẽ sử dụng thuật ngữ « Bản Ngã Trợ Tá », (le moi auxiliaire), để xác định vai trò của người mẹ, đối với đứa con của mình, ít nhất trong những ngày tháng đầu tiên của cuộc sống. Hẳn thực, khi người mẹ làm « Bản Ngã Trợ Tá », bà đang tạo ra cho đứa con những điều kiện thuận lợi, để đứa con từ từ trở nên một Bản Ngả tự lập. Bà mẹ là một tấm gương soi, trong đó đứa con nhận thấy con đường đi tới của mình. Ngày ngày, bà là người « bắc nhịp cầu », hay là người « làm trung gian », để đứa con có thể rời bỏ bến bờ lệ thuộc và từ từ đi qua bến bờ tự lập và hiểu biết.

Thông thường, người mẹ đảm nhận công việc nầy, với tất cả vốn liếng tự nhiên và trực giác có sẵn của mình. Trái lại, những nhà Tâm Lý Trị Liệu đặc trách về các trẻ em có những rối loạn tiếp xúc hay là những hội chứng Tự Kỷ « Autisme » (sống bít kín, không hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa), cần kinh qua hơn bốn năm học, với nhiều lý thuyết chuyên môn và thực tập, mới có khả năng làm « Bản Ngã Trợ Tá » cho những loại trẻ em nầy. Họ tìm cách « đồng hóa » với trẻ em, nhằm giúp trẻ em từ từ « ngoại hiện », nghĩa là « phóng ra ngoài » những xung năng đang bị ứ đọng và kềm kẹp, ở bên trong nội tâm. Nhờ đó, trẻ em mới có cơ may khám phá và thực tập đời sống tiếp xúc và trao đổi với những trẻ em khác cùng lứa tuổi.

Tôi cố tình nêu lên một vài nhận xét chuyên môn như vậy, để nhấn mạnh rằng: Bắc nhịp cầu trung gian hay là làm Siêu Ngã « đứng đắn và lành mạnh », để giúp kẻ khác trở thành người, trong những quan hệ tiếp xúc hằng ngày là trách nhiệm, mà mỗi người trong chúng ta cần phát huy và học tập, để phục vụ anh chị em đồng bào. Đó là một cách « dựng Nước và giữ Nước », chưa được chúng ta lưu tâm, một cách thiết thực và nghiêm chỉnh.

3.- BẢN NGÃ (le Moi hay là the Ego)

Từ ngày sinh ra cho đến lúc lìa đời, học làm người là một tiến trình không bao giờ có dứt điểm. Tuy nhiên, gần như ở khắp nơi, trên mặt địa cầu, xã hội thường ấn định hai điểm mốc quan trọng: 7 tuổi là tuổi biết suy luận và phân biệt điều nào tốt nên làm, điều nào xấu phải tránh. Chung quanh hai mươi tuổi là điểm mốc thứ hai. Từ đây, mỗi người bước vào tuổi trưởng thành, phải đảm nhận trách nhiệm, trước mặt xã hội, về tất cả những hành vi của mình.



Thế nhưng, trong thực tế, ai đã thực sự làm người trưởng thành ? Ai có thể khẳng định rằng: tôi đã trở thành một Bản Ngã, tôi đã biết mình tôi là ai, cần làm gì, có những giá trị nào. Một cách đặc biệt, những người đã chọn lựa cho mình một lý tưởng, trong tinh thần « hoàn toàn tự do và sáng suốt », phải chăng họ đã nắm vững mọi đường đi nẻo về của mình, trong lòng cuộc đời ?

Trước một thách đố lớn lao tình cờ xảy ra, ngoài mọi dự tính, tất cả chúng ta đều có nguy cơ « bị dao động, mất quân bình ». Lúc bấy giờ, chúng ta lại phải tìm cách trả lời những câu hỏi cơ bản:

- Tôi là ai ?

- Phải chăng tôi có những khả năng cần thiết, để đương đầu với những vấn đề đang xảy đến cho tôi ?

- Phải chăng tôi vẫn còn là con người có giá trị ?

- Phải chăng tôi luôn luôn là con người được yêu thương và tôn trọng, trong những quan hệ với bạn bè, người thân và những ai quen biết ?

- Trong hoàn cảnh cụ thể hiện tại, tôi phải làm điều gì ? Điều nào là ưu tiên số một, cần được tôi thực thi, không trì hoãn ?

Trong những năm được cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ trong gia đình, và suốt những tháng ngày được thầy cô và bao nhiêu người khác giáo dục, tại trường học và ngoài xã hội, phải chăng tôi đã được trang bị, một cách đầy đủ và kỹ lưỡng, để tiếp tục hiên ngang và can trường làm người, làm bản ngã ?

Cha mẹ tôi đã qua đời từ lâu, các thầy cô đã ra đi, khi nhiệm vụ hoàn tất... nhưng những « khuôn khổ », những bài học làm người, mà tôi đã tiếp thu và hội nhập với các vị, phải chăng đang còn là những vốn liếng sống động, quí báu có khả năng giúp tôi vượt qua những chặng đường gian truân ?

Nói một cách vắn gọn, phải chăng « cách họ dạy », hay là « cách họ làm Siêu Ngã » đang còn là động cơ thiết thực và hữu hiệu, ngày ngày thúc giục tôi HỌC làm bản ngã ? Ngày ngày làm kim chỉ nam, hướng dẫn tôi, trong chiều hướng học làm người ?

Sau khi QUÊN MẤT tất cả, tôi vẫn còn NHỚ được cái gì ? Điều nào đang luôn luôn sinh động cho tôi, với tôi và trong tôi, trên suốt con đường làm người, hay là làm bản ngã ?

Câu trả lời của tôi - bắt nguồn từ những bài học của Phân Tâm Học - bao gồm ba chiều hướng trọng yếu:

- Thứ nhất, làm bản ngả là BIẾT« đồng hành và chia sẻ » với bao nhiêu người khác đang chung sống hai bên cạnh. Sống làm người là một cuộc hành trình với nhiều bạn bè. Không ai là một cô đảo cô đơn, cô độc.

- Thứ hai, làm bản ngã là BIẾT « hướng dẫn và nâng đỡ » những người đang cần đến chúng ta, trong vấn đề vật chất, cũng như trên bình diện tinh thần. Ai ai trong chúng ta cũng đã thừa kế một gia tài. Đến lượt, chúng ta có trách nhiệm truyền lại gia tài ấy, cho người đến sau.

- Thứ ba, làm bản ngã là BIẾT « sống hạnh phúc » và « tạo hạnh phúc cho kẻ khác », với tất cả những vốn liếng sẵn có trong tầm tay của mình, không đứng núi nầy trông núi nọ, không chờ đợi có đủ mọi điều kiện, rồi mới bắt tay vào làm. Tạo hạnh phúc như vậy cũng là một cách « đồng hành và chia sẻ » với anh chị em đồng bào, đồng loại. Không một ai trong chúng ta là người hoàn toàn « vô sản ». Chúng ta đang có rất nhiều điều, để chia sẻ với người khác: một ánh mắt, một nụ cười, một lời yêu thương, một vành tai biết lắng nghe, một con tim « đồng cảm »...Sống hạnh phúc còn có nghĩa là « biết hóa giải hay là chuyển biến những khổ đau » thành vật liệu xây dựng bản thân và cuộc đời.

Để có thể biết vận dụng ba con đường làm người trên đây, chúng ta không thể không HỌC. Học mỗi ngày. Học với mọi người. Học ăn, học nói, học gói, học mở.

***

Cách HỌC, vừa được nêu ra trên đây, theo lối nhìn của FREUD là không ngừng chuyển biến Vô thức thành Ý thức, biến điều chưa biết thành điều biết. Khi không biết hay là chưa biết, tôi sẵn sàng đặt ra câu hỏi và yêu cầu kẻ khác trả lời. Trái lại, khi nói về chính mình, tôi cần phân biệt một cách rõ ràng và chính xác điều nào thuộc về thực tế và thực tại của tôi, điều nào chỉ là giả định, suy đoán hay là thuộc về xu thế tổng quát hóa mà thôi.

Những điều tôi vừa đề xuất, xem ra có vẽ đơn sơ, hiển nhiên, thuộc khả năng bình thường của mỗi người, trong mọi tình huống tiếp xúc và trao đổi hằng ngày giữa người với người. Trong thực tế cụ thể, những cách làm ấy đòi hỏi một mức độ ý thức rất thành khẩn và bén nhạy, kết quả của bao nhiêu ngày tháng học hỏi, thực tập và tôi luyện. Chính vì những cách làm ấy chưa được coi trọng đúng tầm, « sau bốn nghìn năm văn hiến », chúng ta vẫn còn chưa « biết học ». Chúng ta chưa rút ra những kinh nghiệm làm người, từ lịch sử đầy máu xương và các câu chuyện Huyền sử. Ngày ngày, chúng ta vẫn còn « sắp hàng thành hai phe Sơn Tinh và Thủy Tinh », trong một chiến trận « nồi da xáo thịt » hay là « gà một nhà bôi mặt đá nhau ». Chúng ta tự hào đã thắng địch thù xâm lăng từ phương Bắc, phương Tây, phương Nam và phương Đông. Nhưng chúng ta đang ngã quị trước tên địch thù đã ăn đời ở kiếp, trong cõi lòng của chúng ta. Tên địch thù ấy là VÔ THỨC, còn mang tên là VÔ MINH trong Tâm Lý Phật Giáo.

GS Nguyễn Văn Thành

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

CÁM ƠN TẤT CẢ CÁC BẠN


Dự định tổ chức một "Lớp Đào tạo về Tâm lý" - MIỄN PHÍ HOÀN TOÀN để cám ơn 150 bạn đầu tiên đã LIKE giúp để trang này được xuất hiện trên Facebook. Không biết ý các bạn ra sao?

Có 3 chủ đề đang tính thực hiện:

1. BIÊN TẬP LẠI ĐỜI MÌNH
2. TÂM KỊCH - MỘT CUỘC CHƠI THÚ VỊ
3. ĐỘC THÂN - CHỌN LỰA HAY BẮT BUỘC




Các bạn chọn đề tài nào? Mọi phản hồi tại đây hoặc qua Blog Tham vấn Tâm Lý http://ngthienhoang.blogspot.com/

Hoặc email: ngthienhoang@gmail.com
                   thamvantamly@hotmail.com

Chỉ cần có 20 bạn đăng ký thì sẽ tổ chức được một lớp học. Hy vọng sẽ giúp ích được cho các bạn! 

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA THAM VẤN - TƯ VẤN - TRỊ LIỆU TÂM LÝ ( Phần 02)

Tham vấn là gì?

Tham vấn là một mối quan hệ, một quá trình nhằm giúp đỡ thân chủ cải thiệt cuộc sống củahọ bằng cách khai thác, nhận thức và thấu hiểu những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của họ.

Tham vấn không phải là tư vấn (cố vấn)

Ở Việt Nam vẫn có sự nhầm lẫn về định nghĩa tham vấn và thuật ngữ thích hợp nên sử dụng để định danh nghề tham vấn. Thuật ngữ "Tư vấn" hay "Cố vấn" trong tiếng Việt được sử dụng rộng rãi với nghĩa tham vấn, hiểu theo nghĩa đen là "consultant" người cung cấp sự hỗ trợ cho thân chủ (giống như trong hợp đồng kinh tế). 

Thuật ngữ "tham vấn" được sử dụng phổ biến hơn ở miền Nam, ngụ ý rằng yếu tố tâm lý giúp ích cho việc tăng cường khả năng cho thân chủ. Do đó thuật ngữ "tham vấn" tương đối phù hợp nhằm mô tả quá trình hỗ trợ của tham vấn vì nó biểu đạt chính xác hơn các kỷ năng, kiến thức và chuyên môn mà công việc đòi hỏi.




Nhà tham vấn  thường bị hiểu nhầm như  một người đưa ra những lời khuyên hoặc các gợi ý cho thân chủ để giải quyết các vấn đề của họ (giống như nhà cố vấn). Nhưng những cuộc giao tiếp theo kiểu cố vấn này hàm chứa một mối quan hệ "phụ thuộc" trong đó một "chuyên gia" "đầy hiểu biết" và "năng lực" sẽ cung cấp "cách giải quyết" vấn đề cho người kia giống như một bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

Việc đưa ra lời khuyên chuyển tải đến thân chủ một bức thông điệp rằng: "Tôi hiểu vấn đề của anh/chị và sử lý nó tốt hơn anh/chị. Anh/chị không thể tự giải quyết vấn đề của mình". Nói thân chủ "nên" làm gì không chỉ làm họ chán nản mà còn thể hiện sự tôn trọng khả năng tự giải quyết vấn đề của thân chủ.

Tham vấn là một nghề nghiệp đầy thách thức
Những người không nắm được kỷ năng tham vấn và những yêu cầu của tập huấn tham vấn thường cho rằng đó là một nghề "dễ dàng"; xét cho cùng có việc gì dễ hơn là chỉ nghe người khác nói? Nhưng đây là một sự hiểu nhầm đáng tiếc; trên thực tế tham vấn là một nghề rất khó. Hàng ngày, nhà tham vấn phải đối mặt với những vấn đề phức tạp và căng thẳng. Chẳng hạn, khi tham vấn với trẻ em, nhà tham vấn thường phải đối mặt với những tình huống như bị bỏ rơi, hoặc lạm dụng tình dục hoặc thân thể. Nhiều thân chủ không muốn gặp gỡ nhà tham vấn hoặc có thể miển cưỡng khi phải thay đổi nhận thức, tình cảm và những cách xử sự đã hình thành từ lâu trong cuộc sống. Thân chủ thường bày tỏ các vấn đề thuộc về hành vi và cảm xúc (thường là kết quả của những nỗi đau hay các vấn đề tâm lý khác)

Một nhà tham vấn cần hiểu rằng những vấn đề phức tạp trong cuộc sống của thân chủ không thể giải quyết được trong một khoản thời gian ngắn. Quá trình tham vấn đòi hỏi sự kiên nhẫn và khả năng giải quyết các vấn đề trong sự kiểm soát của than chủ. Chẳng hạn, không thể tách sự đau khổ ra khỏi những tra'i nghiệm tổn thương, hoặc xóa đi những ký ức không vui từ ý thức của họ. Tuy nhiên vẫn có thể giúp thân chủ giải tỏa những cảm xúc liên quan đến những sự  kiện đó, đặt những sự kiện vào bối cảnh và triển khai cách giải quyết. Mặc dù việc "khoét sâu" vào những trải nghiệm đau đớn là không dễ dàng cho thân chủ nhưng cũng không nên khuyến khích họ "quên" chúng. 

Nhà tham vấn cố gắng giúp đỡ thân chủ "làm rõ" những điều sai trái trong cuộc sống của họ và tiếp cận cuộc sống với thái độ mới và tích cực hơn. Cho dù tham vấn không thể làm cho vấn đề biến mất một cách kỳ diệu nhưng sức mạnh  của sự lắng nghe và được lắng nghe là một phần quan trọng của quá trình chữa lành vết thương và có thể ngăn chặn thân chủ khỏi việc sử dụng những hành vi mang tính hủy hoại như những biện pháp để đối diện với những cảm xúc áp chế.

Mọi người thường muốn trốn tránh hoặc phớt lờ những vấn đề tâm lý. Ví dụ, người lớn thường nói với trẻ em rằng: "đừng băn khoăn" "những điều phiền muộn của cháu sẽ qua đi cùng với thời gian" "đừng nghĩ về những chuyện buồn của cháu nữa". Trái lại, nhà tham vấn thừa nhận rằng, các cảm xúc là những khía cạnh tự nhiên trong hành vi của con người. Những cảm xúc đó nên được biểu đạt ra ngoài và giải tỏa. Những cảm xúc không được giải tỏa sẽ bị "kìm nén" và những người chôn giấu các cảm xúc cuối cùng sẽ thể hiện bản thân theo những cách tiêu cực.

Nhà tham vấn không nên hy vọng có thể giải quyết các vấn đề của mọi thân chủ mà họ tham vấn. Họ có thể giúp đở thân chủ bằng cách lắng nghe, ủng hộ, thông cảm thân chủ. Nhà tâm lý hướng dẫn các kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề để thân chủ có thể sử dụng trong cuộc sống của họ. Luôn luôn ghi nhớ rằng thay đổi nhằm cải thiện trạng thái tâm lý là trách nhiệm của thân chủ; nhà tham vấn hỗ trợ và hướng dẫn thân chủ trong quá trình tạo ra những thay đổi tích cực cho cuộc sống, nhưng sự lựa chọn cuối cùng nằm ở thân chủ.

SỰ KHÁC NHAU GIỮA THAM VẤN VÀ CỐ VẤN (TƯ VẤN)

THAM VẤN
CỐ VẤN
Là một cuộc nói chuyện mang tính cá nhân giữa nhà tham vấn với một hoặc một vài người đang cần sự hỗ trợ để đối mặt với khó khăn hoặc thách thức trong cuộc sống. Tham vấn khác nói chuyện ở chỗ trọng tâm của cuộc tham vấn nhằm vào người nhận tham vấn.
Là một cuộc nói chuyện giữa một "chuyên gia" về một lĩnh vực nhất định với một hoặc nhiều người đang cần lời khuyên hay chỉ dẫn về lĩnh vực đó.
Nhà tham vấn hỗ trợ thân chủ ra quyết định bằng cách giúp họ xác định và làm sáng tỏ vấn đề, xem xét tất cả các khả năng, và đưa ra lựa chọn tối ưu nhất cho chính họ sau khi xem xét kỹ lưỡng các quan điểm khác nhau
Nhà cố vấn giúp thân chủ ra quyết định bằng cách đưa ra những lời khuyên "mang tính chuyên môn" cho thân chủ
Mối quan hệ tham vấn quyết định kết quả đạt được của quá trình tham vấn, nhà tham vấn phải xây dựng lòng tin với thân chủ và thể hiện thái độ thừa nhận, thông cảm và không phán xét.
Mối quan hệ giữa nhà cố vấn và thân chủ không quyết định kết quả cố vấn bằng kiến thức và sự hiểu biết của nhà cố vấn về lĩnh vực mà thân chủ đang cần cố vấn
Tham vấn là một quá trình gồm nhiều cuộc nói chuyện hoặc gặp gỡ liên tục (bởi vì những vấn đề của mỗi người hình thành và phát triển trong một khoản thời gian, do đó cũng cần có thời gian để giải quyết chúng) 
Quá trình cố vấn chỉ diễn ra trong một lần gặp gỡ giữa thân chủ và nhà cố vấn. Kết quả cố vấn không lâu bền; vấn đề sẽ lập lại vì các nguyên nhân sâu xa của vấn đề chưa được giải quyết.
Nhà tham vấn thể hiện sự tin tưởng vào khả năng tự ra các quyết định tốt nhất của thân chủ; vai trò của nhà tham vấn chỉ là để "lái" cho các thân chủ đến những hướng lành mạnh nhất
Nhà cố vấn nói với thân chủ về những quyết định họ cho là phù hợp nhất đối với tình huống của thân chủ thay vì tăng cường khả năng của thân chủ
Nhà tham vấn có kiến thức về hành vi và sự phát triển của con người. Họ có các kỹ năng nghe và giao tiếp, có khả năng khai thác những vấn đề và cảm xúc của thân chủ
Nhà cố vấn có kiến thức về những lĩnh vực cụ thể và có khả năng truyền đạt những kiến thức đó đến người cần hỗ trợ hay hướng dẫn trong lĩnh vực đó ( chẳng hạn quản lý tài chính)
Nhà tham vấn giúp thân chủ nhận ra và sử dụng những khả năng và thế mạnh riêng của họ
Tập trung vào thế mạnh của thân chủ không phải là xu hướng chung của cố vấn
Nhà tham vấn phải thông cảm và chấp nhận vô điều kiện với những cảm xúc và tình cảm của thân chủ
Nhà cố vấn đưa ra những lời khuyên, họ không quan tâm đến việc thể hiện sự thông cảm hay chấp nhận thân chủ.
Thân chủ làm chủ cuộc nói chuyện: Nhà tham vấn lắng nghe, phản hồi, tổng kết và đặt câu hỏi
Sau khi thân chủ trình bày vấn đề, nhà cố vấn làm chủ cuộc nói chuyện và đưa ra những lời khuyên

Theo http://www.honviet.com.vn/tam-ly-va-doi-song/tu-van-tam-ly/688-tham-vn-tam-ly