Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

SƠ LƯỢC VỀ CƠ CHẾ PHÒNG VỆ (Phần 1)


Khái niệm.

“Khái niệm cơ chế phòng vệ (defense mechanism) lần đầu tiên được Sigmund Freud đề cập đến trong một bài báo có tựa đề “The Neuro-Psychoses of Defense” vào năm 1894 và tiếp sau đó được thảo luận trong bài “Futher Remarks on the Neuro-Psychoses of Defense” vào năm 1896 và bài “The Aetiology of Hysteria”. Lần cuối cùng cụm từ này xuất hiện trong bài báo với tựa đề “Instincts and Their Vicissitude” vào năm 1915, đã có những thay đổi về bản chất và hoàn toàn đối lập với trước đây, thêm vào đó là dồn nén và thăng hoa được xem như là những cơ chế phòng vệ.

Trong các tác phẩm của Sigmund Freud, hai từ “phòng vệ” và “cơ chế phòng vệ” không có sự khác biệt rõ ràng. (Sau này chúng được xem là một tiến trình của vô thức có tác dụng phòng vệ). Theo Sigmund Freud, khái niệm phòng vệ được xem là sự cố gắng của cái Tôi đáp ứng trước những biến đổi của tinh thần như: sự đau đớn, những vấn đề không thể chịu đựng nỗi, hay những điều không thể chấp nhận được. Một giai đoạn sau đó, dường như Sigmund Freud đã quên lãng cụm từ này và thay vào đó là khái niệm về sự “dồn nén”.



 “Sigmund Freud là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ cơ chế phòng vệ vào năm 1894 nhưng ông không phân loại chúng mà chỉ xem cơ chế phòng vệ đơn giản là một hiện tượng của dồn nén. Sau đó, con gái ông là bà Anna Freud đã tiếp tục mở rộng học thuyết của Sigmund Freud vào những năm 1930”.

“Với sự phát triển mạnh của xu hướng Tâm lý học cái Tôi (Ego-Psychology) Anna Freud đã nghiên cứu về chức năng của cái Tôi và bà đã liệt kê và mô tả những cơ chế phòng vệ của cái Tôi. Theo Anna Freud, “mọi sự thăng trầm có khả năng xuất phát từ hoạt động của cái Tôi”.

Anna Freud đã nhận dạng 9 cơ chế phòng vệ gốc đó là:
Thoái lùi (regression),
Dồn nén (repression),
Phản ứng ngược (reaction-formation),
Sự cô lập (isolation),
Sự huỷ hoại (undoing),
Phóng chiếu (projection),
Nội chiếu (introjection),
Sự đổi hướng chống lại bản thân (turning against the self)
Sự đảo lộn (reversal)

Vậy cơ chế phòng vệ là gì?

Giáo trình Sức khỏe tâm thần và tâm lý bệnh học của bác sĩ Lâm Xuân Điền viết “cơ chế phòng vệ là những thao tác của bộ máy tâm trí nhằm giảm thiểu những căng thẳng bên trong. Chúng thường có giá trị che chở sự toàn vẹn của bộ máy tâm lý, nhưng hiệu quả không giống nhau. Chúng cũng dễ bị sự điều hành của các quá trình tiên phát và như vậy có thể gây bệnh và cản trở hoạt động tâm thần”.

Từ điển Tâm lý do Nguyễn Khắc Viện chủ biên, NXB Ngoại Văn, Trung tâm nghiên cứu Tâm lý trẻ em  Hà Nội, 1991 cho rằng “cơ chế phòng vệ thường là vô thức, chủ thể, nói đúng hơn là cái Tôi vận dụng để gạt bỏ, che dấu, làm dịu đi tình trạng căng thẳng, khó chịu do một ý nghĩ, một ham muốn khó chấp nhận. Trong cuộc sống xã hội, dồn nén là cơ chế phòng vệ chung; Phân tâm học còn phân biệt nhiều cơ chế, như là chuyển di, phóng chiếu, thăng hoa. Khi khám nghiệm hay trị liệu, cần nhận rõ những cơ chế phòng vệ này để giúp đương sự nhận thức ra và nhờ đó giải toả được những mặc cảm sâu kín vì bao giờ một người bị rối loạn tâm lý, đứng trước người khác cũng vận dụng một cơ chế phòng vệ”.

Theo tôi, “cơ chế phòng vệ là một cách để đối phó với lo âu, giảm căng thẳng và phục hồi lại trạng thái thăng bằng cảm xúc của một người. Cơ chế phòng vệ thường xuất hiện ở cấp độ vô thức và có khuynh hướng bóp méo sự thật làm cho chúng ta dễ dàng hơn trong việc đối phó với vấn đề. Con người sử dụng cơ chế phòng vệ như một cách để làm dịu đi lo âu. Khi cơ chế phòng vệ được sử dụng một cách quá mức chúng sẽ cản trở những khả năng của con người. Cơ chế phòng vệ thường được sử dụng riêng lẽ hay kết hợp với một số cơ chế phòng vệ khác. Cơ chế phòng vệ được sử dụng ở những mức độ khác nhau và tuỳ thuộc vào việc chúng phù hợp như thế nào với những nhu cầu của chúng ta.

Cơ sở tâm lý của cơ chế phòng vệ

Một trong những luận điểm quan trọng của Sigmund Freud đó là luận điểm về tảng băng tâm trí (Mental Iceberg).




Freud cho rằng, cấu tạo tâm trí của con người của chúng ta giống như cấu tạo của một tảng băng có 3 phần gồm: ý thức (conciousness), tiền ý thức (preconciousness) và vô thức (unconciousness).

Trong đó ý thức là phần chiếm tỉ lệ rất ít bao gồm những gì mà chúng ta có thể biết được,  tư duy được vào bất cứ lúc nào. Tiền ý thức là phần nằm gần ý thức nhất và có khả năng chuyển lên cấp độ ý thức. Tiền ý thức bao gồm trí nhớ và những kiến thức được lưu trữ thông qua quá trình ghi nhớ. Vô thức là phần chiếm tỉ lệ lớn nhất bao gồm: sự sợ hãi, những ham muốn tình dục không thể chấp nhận được, những động cơ trái với luân thường đạo lý, những ước muốn không hợp lý, những trải nghiệm không tốt…mà chủ thể không ý thức được.

 “Một phép so sánh sau đây có thể giúp bạn đánh giá đúng ảnh hưởng rộng lớn của vô thức. Ban ngày chúng ta không thể thấy được những ngôi sao, chúng ta nói như thể chúng chỉ “mọc ra” vào ban đêm nhưng thực ra chúng vẫn luôn ở đó trên bầu trời. Chúng ta cũng ước lượng quá thấp con số chính xác của các ngôi sao. Chúng ta nhìn lên bầu trời thấy những đám sao lác đác mờ tỏ và cứ tưởng rằng đó là tất cả. Khi đã đi xa khỏi ánh đèn thành phố, chúng ta nhìn thấy bầu trời khảm đầy sao và chúng ta bị ngập chìm trong sự rực rỡ của thiên hà. Nhưng chỉ khi nghiên cứu thiên văn học chúng ta mới biết hết sự thật rằng hàng trăm ngàn ngôi sao chúng ta thấy trong một đêm không trăng và trời trong chỉ là một phần rất nhỏ của số sao trong vũ trụ và rất nhiều những đốm sáng mà chúng ta tưởng là một ngôi sao thực ra là cả một thiên hà. Với vô thức cũng vậy, những suy nghĩ có luận lý và trật tự của tư duy ý thức chỉ là một tấm màng mỏng phủ lên vô thức là khu vực vẫn hoạt động mãnh liệt và có hiệu lực trong mọi lúc mọi nơi”

Theo Freud, hoà lẫn vào ba phần trong tâm trí của tảng băng tâm trí còn có sự hiện diện của ba yếu tố không thể thiếu đó là: cái Ấy (The Id), cái Tôi (The Ego) và cái Siêu Tôi (The Supper Ego).

Dưới cái nhìn của học thuyết Phân tâm cổ điển thì một em bé mới sinh chỉ có cái Ấy. Trong đó, cái Ấy bao gồm tất cả những gì thuộc về bản năng của con người, chúng tồn tại ở cấp độ vô thức và chi phối hành vi. Cái Ấy có chức năng là duy trì cơ thể sống trong trạng thái thoải mái và hoạt  động  theo “nguyên lý khoái lạc”  nên nó đòi hỏi đem lại sự thoả mãn ngay lập tức. Vì vậy mà cái Ấy được xem như là “đứa con hư của nhân cách”. 

Cái Tôi được phát triển thông qua sự tương tác với môi trường, tồn tại chủ yếu ở cấp độ ý thức và một phần của vô thức. Cái Tôi vận hành theo “nguyên lý thực tế” và cố gắng kiềm chế sự đòi hỏi tự phát của cái Ấy và sự đòi hỏi nghiêm ngặt của cái Siêu Tôi. Có thể ví cái Tôi như một  ông quan toà “cầm cân nảy mực” thực hiện “quyền hành pháp” đối với nhân cách của mỗi cá nhân.

Cái Siêu Tôi là những qui định về đạo đức, pháp luật… thông qua sự giáo dục của cha mẹ, thầy cô…và xã hội. Cái Siêu Tôi được hình thành thông qua quá trình thưởng và phạt. Nó tồn tại ở cả 3 cấp độ nhưng chủ yếu là vô thức. Cái Siêu Tôi luôn hướng đến sự hoàn hảo và  lý tưởng. Bản chất của cái Siêu Tôi là: lương tâm và cái Tôi lý tưởng. Freud nói về cái Tôi, cái Ấy và cái Siêu Tôi như 3 anh chàng be bé nhưng một anh thì đam mê và hư hỏng, một anh có lý trí và anh cuối cùng thì có đạo đức. Ba anh chàng be bé này thường xuyên bóp cổ nhau. Sự xung đột giữa cái Ấy và cái Siêu Tôi xảy ra nhưng cái Tôi không làm tròn vai trò của mình dẫn đến lo âu.

Một luận điểm quan trọng thứ hai của Sigmund Freud không thể không nhắc đến đó là các giai đoạn phát triển tâm sinh lý tính dục (psychosexual stages of development). Theo Freud, mọi đứa trẻ đều trải qua 5 giai đoạn phát triển tâm sinh lý tính dục. Đó là những giai đoạn: môi miệng, hậu môn, dương vật, ẩn tàng và giai đoạn sinh dục.

1. Giai đoạn môi miệng: kéo dài từ sơ sinh đến 1,5 tuổi. Ở giai đoạn này, khoái cảm mà đứa trẻ nhận được chủ yếu tập trung ở vùng miệng: môi, lưỡi… thông qua các hoạt động: bú, mút, nhai, nuốt, cắn. Quan sát những đứa trẻ này chúng ta có thể thấy chúng mút ngón tay, đầu chăn hay một số đồ chơi mềm. Đứa trẻ còn cảm nhận được sự hẫng hụt và lo hãi.

2. Giai đoạn hậu môn: kéo dài từ 1,5 - 3 tuổi. Khoái cảm mà đứa trẻ nhận được ở giai đoạn này tập trung chủ yếu ở vùng hậu môn. Quan sát những đứa trẻ ở giai đoạn này chúng ta sẽ thấy rằng sau khi đi tiêu chúng có hành vi nghịch với phân. Kiểm soát hoạt động đi vệ sinh quá nghiêm ngặt hoặc quá sớm sẽ phát sinh sự lo hãi ở trẻ, trẻ có thể có hiện tượng táo bón hay đi đại tiện vào những giờ không phù hợp.

3. Giai đoạn dương vật: Kéo dài từ 3 tuổi đến 6 tuổi. Ở giai đoạn này đứa trẻ nhận được khoái cảm thông qua sự tự kích thích vào cơ quan sinh dục của mình. Lo hãi bị thiến, sự ghen tị về dương vật và tiêu biểu nhất là phức cảm Ơđíp/Electra xuất hiện. Phức cảm Ơđíp có liên quan đến mong muốn gắn bó với mẹ chúng và thủ tiêu người cha của đứa bé trai. Phức cảm Electra  thì có liên quan đến ước muốn gắn bó với bố và thủ tiêu mẹ của đứa bé gái.

4. Giai đoạn ẩn tàng: Kéo dài từ 6-12 tuổi. Giai đoạn này tương đối êm ả. Trẻ quên đi các xung năng tính dục và thay vào đó là các hoạt động học tập và vui chơi. Trẻ thu hái những kỹ năng nhận thức và những giá trị văn hoá trong quá trình giao tiếp với các đối tượng khác như: bạn bè cùng trang lứa, thầy cô giáo, hàng xóm…

5. Giai đoạn sinh dục: Từ 12 tuổi đến trưởng thành. Xung năng tính dục bị dồn nén tái xuất hiện mãnh liệt do những biến đổi ở tuổi dậy thì. Đối tượng hướng đến của trẻ lúc này là một người cùng trang lứa khác giới. Tình dục lúc này mang tính sinh học là sinh sản và bảo tồn nòi giống. Tình yêu cũng trở nên vị tha hơn, trẻ ít quan tâm đến khoái cảm của cá nhân hơn các giai đoạn trước.

Freud cho rằng, việc xung đột giữa cái Ấy và cái Siêu Tôi xảy ra nhưng cái Tôi không làm tốt nhiệm vụ của mình hay khi bị người lớn kiểm soát hoạt động mút tay, việc đi vệ sinh quá nghiêm ngặt… qua các giai đoạn phát triển tâm sinh lý tính dục, việc chia tách trẻ ra khỏi mẹ và những sang chấn khác… sẽ làm nảy sinh lo âu.

Chức năng của lo âu là cảnh báo với chúng ta rằng nếu như tiếp tục có những hành vi như thế nữa thì sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm. Theo Freud, giữa lo âu và những cơ chế phòng vệ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ông cho rằng, “con người có xu hướng giảm sự căng thẳng để giảm cảm xúc lo âu. Lo âu là trạng thái khó chịu ở bên trong và khi đó thì con người tìm kiếm sự tránh né hay tìm cách thoát khỏi những lo âu đó. Con người tìm kiếm những cách để giảm lo âu thông qua các cơ chế phòng vệ.

Những cơ chế phòng vệ có thể có lợi cho sức khoẻ về mặt tâm lý hay đó là sự thích nghi không tốt nhưng cả hai đều vì một mục đích là giảm sự căng thẳng…Freud đã chia sự lo âu ra làm ba loại chính:

Lo âu thực tế (Reality Anxiety): Đây là dạng cơ bản nhất, có nguồn gốc từ những vấn đề trong thực tế. Như sợ chó cắn, sợ một sự cố nào đó sắp xảy ra. Phương pháp làm giảm lo âu thường được sử dụng là tránh những tình huống có thể ảnh hưởng không tốt đến bản thân.
Lo âu loạn thần kinh chức năng (Neurotic Anxiety): Lo âu nảy sinh từ một nỗi sợ vô thức do những xung năng tính dục của cái Ấy sẽ nắm quyền kiểm soát. Dạng lo âu này là hệ quả của việc sợ hãi sẽ bị phạt vì đã bộc lộ những ham muốn của cái Ấy không thích hợp.
Lo âu lương tâm (Moral Anxiety): Là kết quả từ những sợ hãi việc làm trái với lương tâm hay chuẩn mực đạo đức của xã hội. Lo âu lương tâm xuất hiện khi chúng ta cảm thấy tội lỗi hay hổ thẹn.
Một khi một trong số các loại lo âu trên xuất hiện, tâm trí chúng ta sẽ phản ứng theo hai cách. Cách thứ nhất là chúng ta nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề. Cách thứ hai là phát sinh ra cơ chế phòng vệ. Cơ chế phòng vệ là những cách mà cái Tôi xây dựng để đối phó với cái Ấy và cái Siêu Tôi.

Tất cả các cơ chế phòng vệ đều có hai đặc tính: Chúng có thể hoạt động ở cấp độ vô thức. Chúng có thể bóp méo sự thật, làm biến đổi hay làm sai lệch sự thật. Việc thay đổi nhận thức thực tế cho phép chúng ta giảm thiểu sự lo âu, giảm những căng thẳng về mặt tâm lý”.

Trích lược từ Luận văn của Ths Ngô Minh Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét