Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

TỔNG QUAN CÁC MÔ HÌNH THAM VẤN HIỆN NAY


1. Liệu pháp Phân tâm (Psychoanalytic therapy)
Bao gồm lý thuyết về sự phát triển nhân cách, triết học về bản chất của loài người, và phương pháp trị liệu tâm lý tập trung vào những yếu tố vô thức là động lực thúc đẩy hành vi. Sự chú ý được hướng về những sự kiện trong 6 năm đầu của cuộc đời quyết định những sự phát triển nhân cách sau này của nhân cách. Nhà tâm lý tiêu biểu: Sigmund Freud.
2. Liệu pháp Adler (Adlerian therapy)
Đây là một mô hình liệu pháp phát triển nhấn mạnh vào việc có trách nhiệm, tạo ra một vận mệnh riêng của một người, và tìm ra ý nghĩa và những mục tiêu để làm định hướng cho cuộc sống. Những khái niệm chính yếu được sử dụng trong hầu hết những liệu pháp hiện nay. Nhà tâm lý tiêu biểu: Alfred Adler, và sau này Rudolf Dreikurs được công nhận là người đã truyền bá rộng rãi đến Hoa Kỳ.

3. Liệu pháp hiện sinh (Existential therapy)
Chống lại với xu hướng nhìn liệu pháp tâm lý như một hệ thống của những kỹ thuật được xác định rõ ràng, mô hình này nhấn mạnh đến việc xây dựng liệu pháp trên những điều kiện cơ bản của sự hiện hữu của con người, như là sự lựa chọn, sự tự do và trách nhiệm để tạo dựng nên cuộc đời của một người, và sự quyết định cho chính mình. Mô hình này tập trung vào chất lượng của mối quan hệ mang tính trị liệu con người – con người. Nhà tâm lý học tiêu biểu: Viktor Frankl, Rollo May, và Irvin Yalom.
4. Liệu pháp tập trung vào con người hay Thân chủ trọng tâm (Person-centered therapy)
Cách tiếp cận này được phát triển trong suốt những năm 1940 như một phản ứng gián tiếp chống lại với liệu pháp phân tâm. Dựa trên một cái nhìn chủ quan về những trải nghiệm của con người, cách tiếp cận này đặt sự tin tưởng và giao trách nhiệm cho thân chủ trong việc giải quyết các vấn đề. Sáng lập: Carl Rogers.
5. Liệu pháp Gestalt (Gestalt therapy)
Một liệu pháp thực nghiệm nhấn mạnh đến sự nhận thức và phân tích, mô hình này phát triển như một phản ứng chống lại liệu pháp phân tâm. Nó kết hợp chức năng của cơ thể và trí tuệ. Sáng lập: Fritz Perls và Laura Perls.
6. Liệu pháp hành vi (Behavior therapy)
Cách tiếp cận này ứng dụng những nguyên lý của việc học tập trong việc giải quyết những rối loạn hành vi cụ thể. Những kết quả là chủ đề để thử nghiệm liên tục. Kỹ thuật này luôn nằm trong tiến trình của sự luyện tập. Nhà tâm lý học tiêu biểu: B. F. Skinner, Arnold Lazarus, và Albert Bandura.
7. Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive behavior therapy)
Liệu pháp hành vi – cảm xúc – lý trí, một mô hình có tính giáo huấn cao, nhận thức và định hướng hành động về liệu pháp tâm lý nhấn mạnh đến vai trò của tư duy và hệ thống niềm tin như là căn nguyên của những vấn đề cá nhân. A. T. Beck xây dựng liệu pháp nhận thức. Nhà tâm lý học tiêu biểu: Albert Ellis
8. Liệu pháp thực tại (Reality therapy)
Cách tiếp cận ngắn hạn này tập trung vào hiện tại và nhấn mạnh đến những thế mạnh của một con người. Thân chủ học nhiều hơn những hành vi thực tế và từ đó họ đạt được những thành quả. Sáng lập: William Glasser.
9. Liệu pháp bình quyền cho phụ nữ (Feminist therapy)
Hướng tiếp cận này nảy sinh từ nỗ lực của rất nhiều phụ nữ. Khái niệm chính yếu là quan tâm đến những vấn đề bị đàn áp về mặt tâm lý của phụ nữ. Tập trung vào sự kiềm nén bị áp đặt bởi tình trạng chính trị – xã hội mà ở đó người phụ nữ nằm ở thứ hạng thấp (hoặc bị loại bỏ), hướng tiếp cận này tìm kiếm sự phát triển đặc tính, ý niệm về bản thân, những mục tiêu và khát vọng, và sự khỏe mạnh cảm xúc của người phụ nữ.
10. Những cách tiếp cận hậu hiện đại (Postmodern approaches)
Có rất nhiều nhà tâm lý học tiêu biểu có liên quan đến sự phát triển của những cách tiếp cận đa dạng đến liệu pháp tâm lý theo hướng này. Tất cả những hướng tiếp cận như chủ nghĩa cấu trúc xã hội, liệu pháp tập trung giải quyết vấn đề nhanh, và liệu pháp kể chuyện đều thừa nhận rằng không có một sự thật đơn lẻ; Hơn thế, họ tin rằng thực tế tính xã hội được cấu trúc thông qua những tương tác của con người. Những hướng tiếp cận này cho rằng thân chủ chính là chuyên gia cho những vấn đề của cuộc sống riêng của họ.
11. Liệu pháp hệ thống gia đình (Family systems therapy)
Có rất nhiều nhà tâm lý học tiêu biểu là những người tiên phong cho hướng tiếp cận hệ thống gia đình. Hướng tiếp cận hệ thống này dựa trên kết luận rằng chìa khóa để thay đổi cá nhân chính là sự thông hiểu và hoạt động cùng với gia đình.
Ngô Minh Uy


Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Khủng hoảng dưới góc độ tâm lý học



Trong cuộc sống, chúng ta thường dùng khái niệm khủng hoảng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính chị, khủng hoảng tinh thần… Song, thực tế nội hàm của khái niệm khủng hoảng tinh thần là gì không phải ai cũng nắm rõ.

Trong từ điển tiếng Việt khủng hoảng tinh thần được định nghĩa là: Tình trạng rối loạn, mất sự cân bằng, bình ổn, do nhiều mâu thuẫn chưa giải quyết được: khủng hoảng tinh thần. 

Trong tâm lý học, nhiều nhà tâm lý cũng tổng kết và đưa ra những định nghĩa khác nhau về khủng hoảng tinh thần. 

Định nghĩa của Vruce Sidney & Sidney Bloch

Khủng hoảng là sự mất cân bằng giữa những yêu cầu do một tình huống, một vấn đề đặc biệt đặt ra và nỗ lực sẵn có để giải quyết những nhu cầu đó. Khi những nguồn lực thông thường để giải quyết tình huống yêu cầu không có tác dụng và những nỗ lực để làm giảm thiểu khó khăn đó cũng không mang lại giá trị con người bước vào thời kỳ xuất hiện mâu thuẫn. 

Định Nghĩa của Đ.B.Enconhin:

 Khủng hoảng là sự mâu thuẫn bên trong giữa nhu cầu phát sinh trong một tình huống xã hội mới (VD: Sự thay đổi: tình trạng hôn nhân gia đình, công việc, chức vụ, mức lương, nơi ở, bạn bè, điều kiện sống …, hay những mất mát, những may mắn bất ngờ trong cuộc sống: trúng sổ số…) và năng lực thỏa mãn nhu cầu ấy. 

Căn cứ vào những định nghĩa trên, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản là: 

Khủng hoảng (crisis) là trạng thái mất thăng bằng về hoạt động cảm xúc và lý trí khi một người phải đối diện với một sự kiện xảy ra bất ngờ, thường là những sự kiện có nguy cơ gây nguy hại; hoặc đối diện với một giai đoạn chuyển tiếp trong phát triển có độ thách thức cao.

Cũng có thể hiểu khủng hoảng là một giai đoạn hay một trạng thái không ổn định đặc biệt là khi có những thay đổi nghiêm trọng ngoài mong đợi hay những tình huống đã đến giai đoạn nguy kịch. 


Nhiều người nhầm lẫn, coi khủng hoảng là một rối nhiễu tâm lý; hay một bệnh lý về tinh thần. Song thực tế Khủng hoảng chỉ là một trạng thái tâm lý, có mở đầu, diễn biến và kết thúc. Đôi khi khủng hoảng diễn ra theo từng cơn, trong khoảng thời gian ngắn. Cũng có trường hợp, do không được hỗ trợ, hoặc không có chiến lược ứng phó phù hợp, khủng hoảng có thể quay trở lại mỗi khi có sự kiện gợi nhớ về nỗi tổn thương cũ; hoặc diễn ra triền miên trong cuộc sống của một người. 

Song có một điều chắc chắn rằng khủng hoảng không tồn tại mãi nếu chúng ta biết cách đương đầu với khủng hoảng. 

Thời gian kéo dài của Khủng hoảng ở bạn là bao lâu – Bạn là người quyết định 

Mức độ ảnh hưởng của Khủng hoảng đối với sức khỏe, cuộc sống và các mối quan hệ của bạn – Bạn có thể kiểm soát. 

Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể đến gặp chuyên viên tham vấn tâm lý để được hỗ trợ. Bạn đừng e ngại và sợ mọi người cho rằng bạn yếu đuối, hay đang có vấn đề về tâm thần nên mới tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý. 

Việc bạn tìm đến sự hỗ trợ của những nhà chuyên môn chỉ có ý nghĩa rằng: Trong cuộc sống có những thời điểm ai cũng có thể có thời điểm gặp khó khăn mà không thể tự vượt qua một cách an toàn và tốt nhất; và bạn không hề đơn độc khi phải tự đối mặt với những khó khăn, sự đau khổ, tổn thương quá lớn của mình. 

Sự trợ giúp sớm sủa có tác dụng hữu hiệu nhất và có thể chặn những rắc rối trước khi chúng trở thành thâm căn. Với sự hỗ trợ đúng, tiến trình hồi phục sau sự kiện đau thương có thể không quá đau khổ cho cả bạn và người thân của bạn. 

Đoàn Thị Hương

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

7 Bài Học Làm Người


Đại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học liền học thạc sĩ, rồi lại học tiến sĩ, sau nhiều năm đèn sách cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.

Một hôm người đệ tử này trở về, thưa với Đại sư. Thưa thầy nay con đã có học vị tiến sĩ rồi, sau này con phải học những gì nữa? Ngài Tinh Vân bảo: Học làm người, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.


Thứ nhất, “HỌC NHẬN LỖI“. Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.

Thứ hai, “HỌC NHU HÒA“. Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập.

Thứ ba, “HỌC NHẪN NHỤC“. Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.

Thứ tư, “HỌC THẤU HIỂU“. Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?

Thứ năm, “HỌC TỪ BỎ“. Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới tự tại được!

Thứ sáu, “HỌC CẢM ĐỘNG”. Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu, tâm Bồ tát, tâm Bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.

Thứ bảy, “HỌC SINH TỒN”. Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.

Nguyễn Hiền Nhu

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

CÁCH TIẾP CẬN THEO TRƯỜNG PHÁI THÂN-CHỦ-TRỌNG-TÂM CỦA CARL ROGER

Carl Ransom Rogers (January 8, 1902 – February 4, 1987) 

QUAN NIỆM VỀ CON NGƯỜI.


Cách tiếp cận theo hướng “Thân chủ - trọng tâm” trong tham vấn cho rằng con người là tích cực, luôn hướng về phía trước, cơ bản là tốt, có lý trí, thích nghi xã hội, có óc thực tế, hợp tác, có tính cách xây dựng và xứng đáng với sự tin cậy của người khác. Về cơ bản, con người thể hiện đầy đủ tiềm năng của mình. Ngoài ra, con người còn có năng lực nhận thức được những rắc rối từ sự thích nghi về tâm lý. Con người có khả năng và có khuynh hướng điều chỉnh từ trạng thái này sang một trạng thái tâm lý thích nghi khác. Vì thế, con người có khả năng hướng dẫn, điều hoà và điều chỉnh bản thân theo những cách lựa chọn của mình. Tuy nhiên cần phải có sự hướng dẫn trực tiếp thông qua những thao tác của nhà trị liệu (Roger, 1951)

NGUỒN GỐC CỦA NHỮNG KHÓ KHĂN

Sự đối lập giữa thực tế của bản thân và những ý nghĩ của bản thân, ý nghĩ và thực tế, bản thân và sự từng trải, nhận thức về bản thân và những nhận thức của người khác theo hướng không thích hợp. Quá trình cố gắng để đạt đến một hình ảnh lý tưởng là nguyên nhân đánh mất sự thật của vấn đề và mang lại những điều không hợp lý, làm cho con người không thực tế và không đúng với chính họ. Điều này dẫn đến thất bại trong việc nhận diện giá trị của bản thân (Roger, 1951).

MỤC TIÊU CỦA THAM VẤN

Những cá nhân này cần được giúp đỡ để có đầy đủ những chức năng, với sự thích nghi về mặt tâm lý tốt nhất để trưởng thành và vững vàng, không giấu giếm những gì họ đã trải qua. Nói một cách khác, họ cần được giúp đỡ để thể hiện một cách này đủ tiềm năng của bản thân hay cảm thấy rằng sự thật là họ có đầy đủ nhân tính thông qua việc yêu thích cuộc sống trong tất cảc các tương quan (Roger,1951).

VAI TRÒ CỦA THAM VẤN VIÊN

Tham vấn viên phải thừa nhận con người thân chủ, nhận biết được thế giới quan của thân chủ như chính thân chủ nhận thấy, nhận thức được thân chủ như chính thân chủ nhận thức về bản thân mình và phải hiểu thân chủ bằng sự đồng cảm (Roger, 1965). 

Tham vấn viên phải thừa nhận rằng thân chủ đến với những vấn đề cần được giải quyết và điều đó chứng tỏ họ mong đợi vấn đề của họ cần được giải quyết.

Hướng đến những mục tiêu trong tham vấn, tham vấn viên phải thực hiện mấy nhiệm vụ:

1. Tham vấn viên có mặt kịp thời và có khả năng giúp đỡ thân chủ.
2. Tập trung vào những gì xảy ra ở hiện tại (here and now) thông qua mối quan hệ trong tham vấn.
3. Tham vấn viên phải hiểu và thấu cảm với những gì xảy ra với thân chủ.
4. Rời bỏ những trách nhiệm ban đầu trong tiến trình tham vấn với thân chủ khi thân chủ đã có khả năng chuyển hướng về tình trạng ổn định tâm lý.
5. Tham vấn viên phải chủ động tạo ra những điều kiện thuận lợi và tạo ra những mối quan hệ, thân chủ được tự do thể hiện những gì muốn nói và tự do từ chối nếu không cảm thấy thoải mái. Thông qua đó, tham vấn viên có thể tìm hiểu những vấn đề mà thân chủ phủ nhận trong cuộc sống.

Roger xác nhận vai trò của tham vấn viên không phải là giải quyết vấn đề. Vai trò của tham vấn viên là tạo bầu không khí cho thân chủ, thông qua việc tìm hiểu tình trạng của thân chủ để thân chủ thấy rõ bản thân hơn. Từ đó, thaân chuû thấy rõ hơn cách giải quyết vấn đề.


NHỮNG KĨ NĂNG VÀ TÍNH CÁCH CỦA THAM VẤN VIÊN

Những tính cách của tham vấn viên cần có và cần được biểu lộ (Roger, 1961):

1. Kỹ năng lắng nghe.
2. Thành thật chấp nhận.
3. Quan tâm một cách tích cực vô điều kiện.
4. Thái độ không phán xét.
5. Không đòi hỏi thân chủ nhiệt tình tham gia.
6. Thấu cảm phù hợp.
7. Cụ thể
8. Vững vàng và xác thực.

HƯỚNG DẪN VÀ SỰ ĐÁP LẠI

1. Chấp nhận.
2. Trình bày lại vấn đề của thân chủ.
3. Làm rõ vấn đề.
4. Tóm tắt vấn đề.
5. Những hướng dẫn cơ bản.
6. Thấu cảm trong giao tiếp.
7. Phản chiếu những cảm xúc của thân chủ.
8. Lời diễn giải.
9. Thân chủ tự nhận diện vấn đề.
10. Đưa ra phản hồi.

* Tham vấn viên phải tránh những điều sau:

1. Cho lời khuyên.
2. Đánh giá
3. Bình phẩm
4. Phán xét.
5. Nghi ngờ/tìm kiếm sự thật.
6. Lên lớp/thuyết giảng.
7. Áp đặt những giá trị.


TẬP TRUNG VÀO NHỮNG VẤN ĐỀ CHÍNH

Những cảm xúc và những nhận định chủ quan của thân chủ về thực tế, những điều liên quan đến ý nghĩ, thế giới quan, nhân sinh quan của họ. Thân chủ là người tập trung vào việc khám phá khả năng của chính họ, những cách họ va chạm thực tế. Những cảm giác ở hiện tại và nhận thức của thân chủ, xa hơn nữa là những cảm xúc và những việc được thân chủ chú ý.

NHỮNG KĨ THUẬT TRONG THAM VẤN

Tham vấn tiếp cận theo hướng “Thân chủ trọng tâm” không phải là một định hướng về mặt kĩ thuật, nó đề cập đến việc thiết lập mối quan hệ giữa thân chủ và tham vấn viên. Vì thế, nghĩ đến những kĩ thuật phải xem xét mối quan hệ giữa tham vấn viên và thân chủ. 

Sự thể hiện và sẵn sàng chấp nhận, sự tôn trọng và thấu hiểu sẽ giúp thân chủ biết được tham vấn viên đang cố gắng theo dõi tâm trạng của mình, điều này có liên quan đến tư duy, cảm xúc và việc tìm hiểu thân chủ. 

Thân chủ sẽ trải qua việc điều trị của tâm lý liệu pháp thông qua những mối quan hệ với người có thể giúp họ làm những việc mà họ không thể làm cho bản thân.Vấn đề trọng tâm là tạo điều kiện cần và đủ cho tiến trình trị liệu (Roger, 1965) bao gồm những yếu tố hợp thành mối quan hệ này:

1. Sự tiếp xúc của hai người - Thân chủ và nhà trị liệu.
2. Thân chủ đang trong tình trạng không vững vàng, sẽ dễ dàng bị tổn thương hay lo lắng.
3. Nhà trị liệu phải vững vàng trong mối quan hệ .
4. Nhà trị liệu phải quan tâm đến thân chủ một cách tích cực vô điều kiện.
5. Nhà trị liệu phải thấu hiểu những suy nghĩ bên trong của thân chủ.
6. Thân chủ nhận thấy nhà trị liệu có vài quan tâm tích cực vô điều kiện và sự thấu hiểu .


NHỮNG BƯỚC TRONG THAM VẤN

Sau đây là những bước chính trong tiến trình tham vấn. Rogers (1942) đã xác nhận rằng những bước chính trong tiến trình tham vấn không loại trừ lẫn nhau và cũng không nên làm chúng một cách cứng nhắc.

1. Thân chủ đến cần sự giúp đỡ. Đây là điều cần thiết cho thân chủ chấp nhận trách nhiệm của họ là đến vào những buổi tham vấn. Vì vậy, thân chủ phải có trách nhiệm với việc tiếp tục tiến trình tham vấn.

2. Vấn đề giúp đỡ được xác định. Thân chủ phải nhận thức rằng tham vấn viên không phải là những người trả lời câu hỏi nhưng trong quá trình tham vấn, tham vấn viên sẽ cung cấp những nơi mà thân chủ có thể đến để được giúp đỡ giải quyết vấn đề của mình.

3. Tham vấn viên khuyến khích thân chủ tự do thể hiện những cảm xúc về vấn đề của mình. Sự thân thiện và quan tâm của tham vấn viên làm cho thân chủ thấy rằng khuyến khích thể hiện sự chống đối và lo âu, những mối quan tâm và mặc cảm tội lỗi, sự mâu thuẩn trong tư tưởng, và thiếu quả quyết. Vấn đề giúp đỡ thân chủ diễn ra một cách tự nhiên để họ thấy rằng thời gian cho họ sử dụng như họ muốn.

4. Tham vấn viên chấp nhận, nhận diện và làm rõ những cảm xúc tiêu cực. Tham vấn viên cố gắng dùng lời và hành vi để đáp lại những cảm xúc cơ bản nội dung những hiểu biết về lời nói của thân chủ và tạo bầu không khí cho thân chủ có thể nhận ra sự tồn tại của những cảm xúc tiêu cực và chấp nhận chúng như một phần của mình thay vì lôi chúng ra khỏi những cái khác hay giấu chúng dưới những cơ chế tự vệ.

5. Nhượng bộ và thăm dò những thúc đẩy tích cực để tạo ra sự phát triển khi những cảm xúc tiêu cực của thân chủ đã được thể hiện khá đầy đủ. Những biểu lộ tiêu cực sâu kín và mãnh liệt của thân chủ sẽ được thể hiện với điều kiện là chúng được chấp nhận và được thừa nhận, chắc chắn hơn đó là những biểu lộ tích cực của tình yêu, những thúc đẩy của xã hội, chủ yếu là sự tôn trọng bản thân và mong muốn trưởng thành.

6. Tham vấn viên chấp nhận và thừa nhận việc thể hiện những cảm xúc tích cực trong những điều mà thân chủ đã chấp nhận và thừa nhận là những cảm xúc tiêu cực. Chấp nhận cả sự trưởng thành và không trưởng thành, sự gây hấn và những thái độ xã hội, các cảm giác tội lỗi và những thể hiện tích cực là những gì mang đến cho thân chủ cơ hội để hiểu bản thân mình hơn.

7. Tham vấn viên phải có những hướng dẫn sáng suốt để hiểu và chấp nhận vị thế của thân chủ, đây là một khía cạnh quan trọng trong toàn bộ tiến trình tham vấn. Điều này sẽ cho thấy những thay đổi cơ bản của thân chủ trong việc hướng đến những cấp độ mới của sự hoà nhập.


8. Một tiến trình làm rõ vấn đề để có thể ra những quyết định tích cực và qúa trình hành động được kết hợp chặt chẽ với việc hiểu thấu được bản chất bên trong vấn đề của thân chủ. Trong khoảng thời gian mà thân chủ dần hiểu ra vấn đề cùng với một chút thất vọng là làm thế nào điều chỉnh và tạo một vị thế cho bản thân, tham vấn viên cần giúp đỡ thân chủ phân tích những lựa chọn khác nhau, lựa chọn nào có thể làm được và nhận ra những cảm xúc sợ hãi, thiếu can đảm trong những lựa chọn đó. Chức năng của tham vấn viên không phải là thúc đẩy thân chủ hành động hay cho thân chủ lời khuyên.

9. Một thời gian ngắn nhưng những hành động tích cực đầy ý nghĩa được bắt đầu. Khi thân chủ hiểu được bản chất của vấn đề thì sau đó rất có khả năng thân chủ sẽ có những hành động đáng phục cùng với những suy nghĩ mới mẻ.

10. Khi thân chủ đã hiểu được bản chất của vấn đề và hành động để thay đổi nhưng vẫn còn sợ hãi thì cố gắng thực hiện những hành động tích cực. Những gì còn lại là môi trường cho sự phát triển xa hơn của thân chủ. Khi thân chủ đã can đảm hơn để thấy sâu hơn những hành động của họ, xa hơn nữa là việc hiểu bản chất của vấn đề làm cho thân chủ hiểu bản thân mình đầy đủ và chính xác hơn.

11. Tăng những hoạt động hoà nhập tích cực như những phần nổi bật của thân chủ. Thân chủ trực tiếp hành động để giảm sợ hãi trong những lựa chọn và tự tin hơn

12. Thân chủ cảm thấy giảm nhu cầu giúp đỡ và nhận ra rằng mối quan hệ tham vấn phải kết thúc. Tham vấn viên chấp nhận và thừa nhận quá trình thay đổi của thân chủ, giảm nhu cầu tiếp tục liên hệ với tham vấn viên.

NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA THÂN CHỦ TRONG QUÁ KHỨ

Những vấn đề của thân chủ trong quá khứ không cần thiết (Corey, 1977). Nó có thể cản trở việc thiết lập sự quan tâm tích cực vô điều kiện và thái độ không phán xét của tham vấn viên, nó hoàn toàn trái với mục tiêu tập trung vào hiện tại (here-and-now) của tham vấn.

(Ngô Minh Duy - Dịch từ “Western Approach to Counseling in the Philippines”, IMELDA VIRGINIA G. LILLAR, De La Salle University Press, INC, Phaàn II, Chương 3, trang 65-72).