Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Khủng hoảng dưới góc độ tâm lý học



Trong cuộc sống, chúng ta thường dùng khái niệm khủng hoảng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính chị, khủng hoảng tinh thần… Song, thực tế nội hàm của khái niệm khủng hoảng tinh thần là gì không phải ai cũng nắm rõ.

Trong từ điển tiếng Việt khủng hoảng tinh thần được định nghĩa là: Tình trạng rối loạn, mất sự cân bằng, bình ổn, do nhiều mâu thuẫn chưa giải quyết được: khủng hoảng tinh thần. 

Trong tâm lý học, nhiều nhà tâm lý cũng tổng kết và đưa ra những định nghĩa khác nhau về khủng hoảng tinh thần. 

Định nghĩa của Vruce Sidney & Sidney Bloch

Khủng hoảng là sự mất cân bằng giữa những yêu cầu do một tình huống, một vấn đề đặc biệt đặt ra và nỗ lực sẵn có để giải quyết những nhu cầu đó. Khi những nguồn lực thông thường để giải quyết tình huống yêu cầu không có tác dụng và những nỗ lực để làm giảm thiểu khó khăn đó cũng không mang lại giá trị con người bước vào thời kỳ xuất hiện mâu thuẫn. 

Định Nghĩa của Đ.B.Enconhin:

 Khủng hoảng là sự mâu thuẫn bên trong giữa nhu cầu phát sinh trong một tình huống xã hội mới (VD: Sự thay đổi: tình trạng hôn nhân gia đình, công việc, chức vụ, mức lương, nơi ở, bạn bè, điều kiện sống …, hay những mất mát, những may mắn bất ngờ trong cuộc sống: trúng sổ số…) và năng lực thỏa mãn nhu cầu ấy. 

Căn cứ vào những định nghĩa trên, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản là: 

Khủng hoảng (crisis) là trạng thái mất thăng bằng về hoạt động cảm xúc và lý trí khi một người phải đối diện với một sự kiện xảy ra bất ngờ, thường là những sự kiện có nguy cơ gây nguy hại; hoặc đối diện với một giai đoạn chuyển tiếp trong phát triển có độ thách thức cao.

Cũng có thể hiểu khủng hoảng là một giai đoạn hay một trạng thái không ổn định đặc biệt là khi có những thay đổi nghiêm trọng ngoài mong đợi hay những tình huống đã đến giai đoạn nguy kịch. 


Nhiều người nhầm lẫn, coi khủng hoảng là một rối nhiễu tâm lý; hay một bệnh lý về tinh thần. Song thực tế Khủng hoảng chỉ là một trạng thái tâm lý, có mở đầu, diễn biến và kết thúc. Đôi khi khủng hoảng diễn ra theo từng cơn, trong khoảng thời gian ngắn. Cũng có trường hợp, do không được hỗ trợ, hoặc không có chiến lược ứng phó phù hợp, khủng hoảng có thể quay trở lại mỗi khi có sự kiện gợi nhớ về nỗi tổn thương cũ; hoặc diễn ra triền miên trong cuộc sống của một người. 

Song có một điều chắc chắn rằng khủng hoảng không tồn tại mãi nếu chúng ta biết cách đương đầu với khủng hoảng. 

Thời gian kéo dài của Khủng hoảng ở bạn là bao lâu – Bạn là người quyết định 

Mức độ ảnh hưởng của Khủng hoảng đối với sức khỏe, cuộc sống và các mối quan hệ của bạn – Bạn có thể kiểm soát. 

Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể đến gặp chuyên viên tham vấn tâm lý để được hỗ trợ. Bạn đừng e ngại và sợ mọi người cho rằng bạn yếu đuối, hay đang có vấn đề về tâm thần nên mới tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý. 

Việc bạn tìm đến sự hỗ trợ của những nhà chuyên môn chỉ có ý nghĩa rằng: Trong cuộc sống có những thời điểm ai cũng có thể có thời điểm gặp khó khăn mà không thể tự vượt qua một cách an toàn và tốt nhất; và bạn không hề đơn độc khi phải tự đối mặt với những khó khăn, sự đau khổ, tổn thương quá lớn của mình. 

Sự trợ giúp sớm sủa có tác dụng hữu hiệu nhất và có thể chặn những rắc rối trước khi chúng trở thành thâm căn. Với sự hỗ trợ đúng, tiến trình hồi phục sau sự kiện đau thương có thể không quá đau khổ cho cả bạn và người thân của bạn. 

Đoàn Thị Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét