Tham vấn tâm lý (Tư vấn tâm lý) là một thuật ngữ tương đối mới mẻ ở nước ta, song lại đang được quan tâm khá nhiều trong thời gian gần đây. Tại một số hội thảo trong nước bàn về vấn đề an sinh xã hội, công tác xã hội v.v... tham vấn được nhắc tới như một dịch vụ cần thiết, mặc dù đã có không ít các tranh luận về khái niệm và sự phân định với các dịch vụ khác hiện đang có ở Việt Nam.
Trong một số đề tài khoa học, tạp chí
chuyên ngành, tài liệu giảng dạy, người ta cũng thấy nó được đề cập ngày một
nhiều hơn. Trong thực tiễn triển khai các chính sách, chương trình phát triển
xã hội, tham vấn tỏ ra là một trong những kỹ năng quan trọng, giúp các cán bộ
xã hội thực thi nhiệm vụ của mình.
Chính vì vậy, vào những năm gần đây, tại
các khoá tập huấn của các ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Dân số,
Trẻ em và Gia đình, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, các khoá tập huấn của các tổ
chức quốc tế tại Việt Nam như của UNDP, UNICEF, Trăng lưỡi liềm đỏ, các tổ chức
NGO... nội dung tham vấn đã được đưa vào như một phần quan trọng của chương
trình.
Gần đây nhất, tháng 11 năm 2004, trong
chương trình đào tạo cử nhân Công tác xã hội do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt,
tham vấn được coi như một môn học bắt buộc nằm trong chương trình cứng đối với
tất cả những trường đại học hay cao đẳng đào tạo cán bộ xã hội ở nước ta.
Vậy tham vấn là gì? Và tại sao nó lại được quan tâm ngày một
nhiều hơn ở nước ta hiện nay?
Ở nhiều nước trên thế giới, tham vấn (tiếng
Anh là Counselling) là một thuật ngữ quen thuộc với người dân, đặc
biệt là đối với các cán bộ làm việc trực tiếp (còn gọi là cán bộ thực hành -
Practitioner), các nhà đào tạo hay nghiên cứu về lĩnh vực an sinh xã hội
(Social Welfare), công tác xã hội (Social Work) hoặc sức khoẻ tâm thần (Mental
Health) v.v...
Tuy nhiên, không ít các nhà nghiên cứu về
vấn đề này đều nhận định rằng hiện chưa có một định nghĩa thống nhất về tham vấn,
thậm chí nó còn được sử dụng ở nghĩa rất rộng và tạo ra những cách hiểu khác
nhau ở nhiều người.
Ở Việt Nam, Counselling được dịch ra với
nhiều cái tên khác nhau như tham vấn, tư vấn, tư vấn tâm lý, trị liệu v.v...
Ban đầu, thuật ngữ tư vấn được sử dụng rất
phổ biến. Sau này, để phân biệt rõ với các hình thức tư vấn pháp luật, tư vấn
kinh tế v.v... trong một số tài liệu nó được gọi với cái tên cụ thể đó là tư vấn
tâm lý.
Tuy nhiên, người ta gặp một số khó khăn
khi dịch thuật các khái niệm Counseling và Consultation sang tiếng Việt bởi
chúng đều được dịch thành tư vấn và ngược lại.
Theo các chuyên gia nước ngoài, đây là hai
khái niệm khác biệt bởi sự khác nhau về phương pháp tiếp cận: người làm
Consultation là cho đối tượng lời khuyên, chỉ bảo cho họ nên làm gì, còn khi thực
hiện Counselling người cán bộ bằng mối quan hệ tương tác tích cực giúp đối tượng
tự nhận thức và tự lựa chọn giải pháp phù hợp nhất đối với họ.
Tại các hội thảo trong nước về tham vấn,
phần đông cán bộ tư vấn có kinh nghiệm cũng ghi nhận rằng cách thức trợ giúp hiện
nay thiên về khía cạnh tư vấn (Consultation) hơn là Counseling. Trong bài viết
này, chúng tôi sẽ sử dụng thuật ngữ tham vấn.
Sau đây xin giới thiệu một số khái niệm về
tham vấn.
Rogers Jenny trong cuốn Caring for
people USA, 1990, cho rằng, tham vấn là "hoạt động nhằm giúp đỡ con
người tự giúp chính họ, hoạt động này giúp đối tượng (người cần được tham vấn)
nâng cao khả năng tự tìm giải pháp, đối phó với vấn đề và thực hiện tốt chức
năng của mình trong cuộc sống".
J. Mielke (1999) định nghĩa "tham vấn
là một quá trình, một mối quan hệ nhằm giúp đỡ thân chủ cải thiện cuộc sống của
họ bằng cách khai thác, nhận thức và thấu hiểu những suy nghĩ, cảm xúc và hành
vi của thân chủ".
PGS. TS. Trần Thị Minh Đức định nghĩa
"tham vấn là một quá trình tương tác giữa nhà tham vấn - người có chuyên
môn và kỹ năng tham vấn, có các phẩm chất đạo đức của nghề tham vấn - với thân
chủ (còn được gọi là khách hàng) - người đang có vấn đề khó khăn về tâm lý cần
được giúp đỡ. Thông qua sự trao đổi, chia sẻ thân mật, tâm tình (dựa trên những
nguyên tắc đạo đức và mối quan hệ mang tính nghề nghiệp), thân chủ hiểu và chấp
nhận thực tế của mình, tự tìm lấy tiềm năng bản thân để giải quyết vấn đề của
chính mình".
Nghiên cứu những khái niệm trên ta thấy những
yếu tố cơ bản và chung nhất của tham vấn là:
Thứ nhất: Mục tiêu của quá trình tham vấn là giúp đối
tượng nâng cao nhận thức về bản thân, môi trường và hoàn cảnh, tăng cường khả
năng ra quyết định phù hợp với hoàn cảnh của mình và thực hiện quyết định một
cách hiệu quả. Mục tiêu cuối cùng của tham vấn là giúp cho đối tượng tăng cường
khả năng đối phó với vấn đề cũng như chức năng xã hội của họ.
Thứ hai: Đây là một hoạt động trợ giúp - giúp đối
tượng "tự giúp chính mình" thông qua mối quan hệ tương tác
tích cựcgiữa nhà tham vấn với người cần được tham vấn. Như vậy, ở đây đòi hỏi
có sự tham gia nhiệt tình của cả hai phía vào toàn bộ quá trình giải quyết vấn
đề: từ thu thập thông tin tới ra quyết định, triển khai thực hiện và đánh giá kết
quả.
Thứ ba: Nhà tham vấn với những đạo đức nghề nghiệp,
sử dụng kiến thức, kỹ năng chuyên môn khai thác hoàn cảnh, cảm xúc và hành vi của
đối tượng để giúp họ tạo sự thay đổi. Kiến thức nền tảng của nhà tham vấn là lý
thuyết về tâm lý, những hiểu biết về hành vi con người. Các kỹ năng nhà tham vấn
cần được trang bị là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đặc thù trong tham vấn.
Thứ tư: Người cần được tham vấn là người vì lý do
nào đó trở nên mất cân bằng trong cuộc sống, khiến họ lúng túng, bối rối, cảm
thấy không thể tìm ra giải pháp. Trong tình huống đó, họ thường có những cảm
xúc, hành vi, suy nghĩ không phù hợp.Để giúp đỡ các cá nhân và gia đình duy trì
được sự thăng bằng tâm lý, tăng cường khả năng đối phó với các vấn đề nảy sinh
trong cuộc sống hàng ngày, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát
triển đã sử dụng dịch vụ tham vấn như một công cụ đắc lực. Nếu như ngành y là
công cụ để giúp con người trở nên khỏe mạnh, cường tráng về thể lực thì các hoạt
động trợ giúp (helping profession) trong đó có tham vấn đóng vai trò giúp cho
cá nhân và gia đình đảm bảo tình trạng sức khoẻ tâm thần, nâng cao chất lượng
cuộc sống.
Bùi Thị Xuân Mai
Theo Tạp chí Tâm lí học
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét