Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

CHẤT LƯỢNG CỦA CÁC CHUYÊN GIA THAM VẤN


ĐI THAM VẤN/ TƯ VẤN TÂM LÝ:

CẨN THẬN VỚI CÁC CHUYÊN GIA KÉM CHẤT LƯỢNG

Một cách rất tự nhiên và có ích, chúng ta tìm đến thầy thuốc khi thấy trong người không được khỏe hoặc khi phát hiện thấy có những dấu hiệu bất thường trong cơ thể. Cũng thế khi thấy tâm trạng không tốt kéo dài, hay khi gặp khó khăn trong các mối quan hệ… chúng ta có thể tìm đến các nhà tham vấn tâm lý. Thế nhưng câu hỏi cần phải đặt ra là làm sao để chúng ta biết được một chuyên gia tâm lý nào đó là có chất lượng và đáng tin cậy?

Đã có khá nhiều thông tin trên các phương tiện đại chúng cảnh báo với người dân về những “thầy lang băm” chữa trị bá bệnh bằng các cách thức rất phản khoa học và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng con người, còn về lĩnh vực tâm lý thì dường như còn mơ hồ lắm. Tôi đã từng được nghe, được biết những trường hợp người dân phải mất tiền, mất sức với các chuyên gia tâm lý nhưng lại không giải quyết được những khó khăn của họ. Đương nhiên có nhiều lý do khác nhau để giải thích cho chuyện đi tham vấn mà không giải quyết được gì, nhưng trong chừng mực nhất định những lý do xuất phát từ các chuyên gia như: không đủ năng lực, không được đào tạo (tay ngang) hoặc không tuân giữ đạo đức nghề nghiệp… làm ảnh hưởng xấu đến thân chủ là không thể phủ nhận.

Dưới đây tôi xin giới thiệu 10 kiểu chuyên gia không chất lượng đã được hai tác giả Margaret Thaler Singer và Janja Lalich chỉ ra trong cuốn sách xuất bản năm 1996 của họ: “Các liệu pháp tâm lý điên rồ” (Crazy therapies)

1. Chuyên gia lợi dụng tình dục. Nhà tham vấn cố gắng để có mối quan hệ tình dục với thân chủ hoặc nhà tham vấn gợi ý rằng có mối quan hệ tình dục với họ chính là một “liệu pháp hữu hiệu”. Sự thật là, quan hệ tình dục, bao gồm cả các hành vi thân mật như hôn môi, vuốt ve hay làm tình giữa nhà tham vấn và thân chủ luôn luôn là hành vi không phù hợp và không bao giờ được chấp nhận.

2. Chuyên gia bóc lột người khác. Nhà tham vấn cố gắng nhờ vả thân chủ làm các công việc ngoài lề như dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, phụ làm vườn, hay bất kỳ loại công việc nào khác tương tự. Nhớ rằng, vai trò duy nhất của nhà tham vấn tâm lý là hỗ trợ tâm lý cho thân chủ, và thân chủ không bao giờ có trách nhiệm làm bất cứ việc gì nhằm phục vụ cho lợi ích riêng của nhà tham vấn.

3. Chuyên gia lệch lạc chức năng. Nhà tham vấn sử dụng quá nhiều thời gian trong suốt các buổi tham vấn để nói về những vấn đề cá nhân của họ, chẳng hạn như nói về vấn đề bệnh tật hay các thói quen riêng tư của chồng hoặc vợ của họ, hoặc nói về chuyện của một thân chủ khác, hoặc về những nhu cầu tình dục của nhà tham vấn… Chắc chắn rằng thời gian các buổi tham vấn là dành cho thân chủ chứ không phải dành cho nhà tham vấn.

4. Chuyên gia cần được sùng bái. Nhà tham vấn yêu cầu thân chủ phải cắt đứt hết các mối quan hệ với vợ/ chồng, con cái, cha mẹ và những người thân yêu khác để chỉ chú tâm đến mối quan hệ với nhà tham vấn, và giải thích rằng đó là điều kiện để thành công trong việc tham vấn tâm lý. Sự thật không bao giờ như vậy, thân chủ luôn phải được ở trong và luôn được quyền duy trì các mối quan hệ bình thường của họ trong suốt quá trình tham vấn.

5. Chuyên gia thông thái một cách xuẩn ngốc. Nhà tham vấn khẳng định rằng họ có thể biết ngay được vấn đề của thân chủ là gì và làm thế nào để giải quyết chúng, dù rằng những thông tin về lịch sử của thân chủ vẫn chưa được được tìm hiểu một cách thấu đáo. Chắc chắn rằng không một chuyên gia nào có thể biết ngay hoặc biết hết được vấn đề của người khác, nhất là khi chưa dành đủ thời gian và công sức để tìm hiểu kỹ càng.


6. Chuyên gia phù thủy. Nhà tham vấn yêu cầu thân chủ phải được thôi miên thì mới có thể khám phá những ký ức hoặc thực tại nào là nguyên nhân gây ra các vấn đề của thân chủ. Thôi miên là một liệu pháp được dùng từ rất xa xưa và chỉ đáng tin khi được thực hiện bởi những chuyên gia có bằng cấp chuyên nghiệp trong lĩnh vực đó mà thôi. Mặt khác nguyên nhân gây ra các khó khăn tâm lý không hề đơn giản để chỉ bằng cách thôi miên là có thể khám phá ra được toàn bộ.

7. Chuyên gia tất cả trong một. Nhà tham vấn không chuyên chú trong việc tham vấn/ trị liệu thân chủ với các vấn đề cụ thể như trầm cảm hay lo âu, nhưng lại làm việc theo kiểu cho rằng tất cả mọi vấn đề đều chỉ do một nguyên nhân duy nhất gây ra. Sự thật là các vấn đề khó khăn trong tâm lý không bao giờ chỉ do một nguyên nhân duy nhất gây ra.

8. Chuyên gia ảo thuật. Nhà tham vấn đòi sử dụng một kỹ thuật được cho là thần diệu hoặc giống như ma thuật (phép mầu) để “chữa trị” cho những người mà từ trước đến nay được xem như hoàn toàn không còn hy vọng chữa khỏi. Nhớ rằng, trên đời này chẳng bao giờ có một kỹ thuật thần kỳ như phép mầu để giải quyết được các khó khăn tâm lý.

9. Chuyên gia khoa học vạn năng. Nhà tham vấn sử dụng một bảng liệt kê sẵn các điều mục được cho là công cụ tuyệt hảo để tìm ra những đau khổ của thân chủ theo một cách chủ quan do nhà tham vấn đưa ra, và khẳng định rằng thân chủ đã được kiểm tra một cách chất lượng. Sự thật là không bao giờ có một công cụ vạn năng và tuyệt hảo như vậy cả.

10. Chuyên gia khoa học giả hiệu thời đại mới. Nhà tham vấn yêu cầu như là một điều kiện để tiến hành tham vấn/ trị liệu tâm lý thành công bằng cách đề nghị thân chủ phải chấp nhận theo một tôn giáo, một lý thuyết siêu hình, hoặc một ý tưởng khoa học giả hiệu nào đó. Nhớ rằng, thân chủ hoàn toàn có quyền từ chối tất cả các lời đề nghị như vậy vì theo hay không theo một tôn giáo hay một chủ thuyết nào đó là sự lựa chọn tự do của thân chủ.


Tham vấn tâm lý là một ngành nghề chuyên nghiệp và chỉ được cung cấp bởi những chuyên gia có năng lực và có ý thức tuân giữ đạo đức trong lúc hành nghề. Sẽ là khó khăn cho người dân để biết được chuyên gia tham vấn tâm lý nào có chất lượng khi mà tại Việt Nam chưa có cơ quan nào đảm nhận việc cấp chứng nhận hoặc giấy phép hành nghề trong lĩnh vực này. Do vậy, khi có nhu cầu tham vấn tâm lý, chúng ta đừng ngại hỏi thẳng các cơ sở cung cấp dịch vụ này về bằng cấp và lĩnh vực chuyên môn của vị chuyên gia mà mình sẽ được làm việc. Cũng vậy, khi phát hiện thấy một chuyên gia nào đó “có vấn đề” cũng đừng ngại trao đổi điều đó với tổ chức mà chuyên gia đó đang làm việc.

Saigon 18/ 06/ 2010
Ths Ngô Minh Uy



Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

THẾ NÀO LÀ "NGƯỜI CÓ VẤN ĐỀ VỀ TÂM LÝ"? (Phần 1)




Vài tháng gần đây, ở nhiều buổi nói chuyện, tôi nhận được khá nhiều các câu hỏi thuộc dạng tế nhị từ những người thân quen và các thân chủ: 


"Anh coi dùm em xem ảnh có bình thường không vậy? Có bị làm sao không?"

Hay "Tại sao con bé đó kỳ cục như vậy? Nó có vấn đề gì về tâm lý hay không?"

Hoặc chính bản thân đương sự hỏi: "Sao em không có bạn? Sao em có cảm giác mọi người chung quanh đều muốn xa lánh và không muốn kết bạn với em? Thật sự em rất muốn biết em có bị làm sao không?"... 

Nhìn chung, tất cả các câu hỏi đều xoay quanh việc muốn tìm hiểu: 

- Thế nào là người "có vấn đề về tâm lý"? 
- Làm sao để nhận ra và phân biệt được "người có vấn đề về tâm lý" và "người bình thường"?

Nhiều người còn muốn biết sâu hơn: 

- Thế nào là tâm lý "bình thường" và tâm lý "bất bình thường"? 
- Thế nào là "lành mạnh" và "không lành mạnh" về tâm lý?
- Làm sao để biết "tôi" hay "người khác" là "lành mạnh" hay "không lành mạnh", "bình thường" hay "bất bình thường"? Đâu là tiêu chí để phân biệt và nhận ra điều đó?

Thậm chí có bạn còn cẩn thận hỏi cho chắc ăn:

- Có người nào được coi là bình thường hay lành mạnh 100% không? 
- Hay ai cũng có thể có một chút gì đó gọi là "không bình thường" trong "một thời điểm nào đó" trong cuộc sống? Và điều đó cũng được coi là bình thường? 
- Tôi phải làm gì khi phát hiện ra "mình không bình thường"?



Tôi hiểu động cơ và nguyên nhân của những câu hỏi được nêu ra. Và tôi cũng hiểu câu trả lời sẽ mang lại cho cá nhân một lợi ích nhất định trong những mối quan hệ gia đình hoặc xã hội. Nhưng cũng chính vì vậy mà việc trả lời cho các câu hỏi trên một cách thuyết phục không hề dễ dàng, thậm chí mất rất nhiều thời gian. 

Vì nếu câu trả lời mang tính "sách vở" quá thì sẽ khô khan và làm mọi người chán nản khi đọc, còn nếu câu trả lời mang tính "bình dân học vụ" thì không chuyển tải hết được tất cả ý nghĩa của nó; chưa kể là, mọi người thường rất hay sử dụng yếu tố cảm tính khi đề cập tới những khái niệm "bình thường" và "không bình thường", "lành mạnh" và "không lành mạnh"... 

Trong phạm vi của lãnh vực tâm lý, xin được đưa ra một vài gợi ý mang tính chủ quan, dung hòa hai cách thức trên, với hy vọng mang lại một chút lợi ích cho mọi người.

Và để có câu trả lời thỏa đáng, chúng ta bàn đến các ý chính sau:

 1. KHÁI NIỆM SỨC KHỎE TINH THẦN
 2. KHÁI NIỆM “BÌNH THƯỜNG” VÀ “KHÔNG BÌNH THƯỜNG”
 3. PHÂN BIỆT “LÀNH MẠNH” VÀ “KHÔNG LÀNH MẠNH”
 4. LÀM GÌ KHI NHẬN RA “TÔI KHÔNG BÌNH THƯỜNG”?
 5. LÀM CÁCH NÀO ĐỂ SỐNG “BÌNH THƯỜNG” VÀ “LÀNH MẠNH”?

1. Tất cả những câu hỏi mà chúng ta đang đối diện đều liên quan đến Tâm lý của một cá nhân. Mà các vấn đề Tâm lý thì liên quan đến lãnh vực Sức khỏe Tinh thần.

Vì vậy, đầu tiên, phải hiểu thế nào là Sức khỏe? Rồi mới hiểu được thế nào là Sức khỏe Tinh thần?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, đóng vai trò thẩm quyền điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế, định nghĩa về Sức khỏe như sau:

"Sức khoẻ là một trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải là chỉ là không có bệnh tật hay tàn phế".
Các nền văn hóa khác nhau, các đánh giá chủ quan và các giả thuyết khoa học khác nhau đều có ảnh hưởng tới định nghĩa về khái niệm "sức khỏe tinh thần". Mặt khác, tình trạng thoải mái, không có rối loạn nào về tinh thần chưa chắc đã được coi là sức khỏe tinh thần.

Có một cách để nhận xét sức khỏe tinh thần là xem xem một người thể hiện chức năng của mình thành công tới mức nào. Cảm thấy có đủ khả năng tự tin, có thể đối mặt với những mức tình trạng căng thẳng ở bình thường, luôn giữ được các mỗi quan hệ một cách thoải mái, có một cuộc sống độc lập, và dễ hồi phục sau những tình huống khó khăn... đều được coi là các dấu hiệu của một sức khỏe tinh thần. 

Sức khỏe chia làm ba loại:

a. Sức khỏe Thể chất: Được thể hiện một cách tổng quát là sự sảng khoái và thoải mái về thể chất. Càng sảng khoái, thoải mái càng chứng tỏ bạn là người khoẻ mạnh. Cơ sở của sự sảng khoái, thoải mái về thể chất là Sức lực, sự Nhanh nhẹn, sự Dẻo dai, khả năng Chống được các yếu tố gây bệnh, khả năng Chịu đựng các điều kiện khắc nghiệt của Môi trường.

b. Sức khỏe Tinh thần: Là hiện thân của sự thỏa mãn về mặt Giao tiếp xã hội, Tình cảm và Tinh thần. Nó được thể hiện ở sự sảng khoái, ở Cảm giác dễ chịu, Cảm xúc vui tươi, thanh thản, ở những ý nghĩ lạc quan, yêu đời, ở những quan niệm sống tích cực, dũng cảm, chủ động; ở khả năng chống lại những quan niệm bi quan và lối sống không lành mạnh.

Sức khoẻ tinh thần là sự biểu hiện của nếp sống lành mạnh, văn minh và có đạo đức. Cơ sở của sức mạnh tinh thần là sự thăng bằng và hài hoà trong hoạt động tinh thần giữa lý trí và tình cảm.



c. Sức khoẻ Xã hội: Sức khỏe xã hội thể hiện ở sự thoải mái trong các mối quan hệ chằng chịt, phức tạp giữa các thành viên: Gia đình, Nhà trường, Bạn bè, Xóm làng, Nơi công cộng, Cơ quan... Nó thể hiện ở sự được tán thành và chấp nhận của xã hội. Càng hoà nhập với mọi người, được mọi người đồng cảm, yêu mến càng có sức khỏe xã hội tốt và ngược lại.

Cơ sở của sức khỏe xã hội là sự thăng bằng giữa hoạt động và quyền lợi cá nhân với hoạt động và quyền lợi của xã hội, của những người khác; là sự hoà nhập giữa Cá nhân, Gia đình và Xã hội.

Dựa vào những định nghĩa trên, chúng ta đã có được một vài gợi ý cho câu trả lời về vấn đề tâm lý của một cá nhân:

Khi hỏi một người có vấn đề gì về tâm lý hay không, là chúng ta đang hỏi đến Sức khỏe tinh thần của người đó như thế nào? Hay đồng nghĩa với việc chúng ta muốn biết người đó có vấn đề gì về sức khỏe tinh thần hay không?

 Sức khỏe tinh thần bắt nguồn từ Sức khỏe thể chất, kéo theo tình hình Sức khỏe Xã hội của cá nhân đó.

Người La Mã đã có một câu chí lý: 

“Anima sana in corpore sano” (Một tinh thần minh mẫn, trong một thân thể tráng kiện)

Có khỏe mạnh về thể chất (Thân) thì mới khỏe mạnh về Tinh thần (Tâm và Trí), để có thể giao tiếp tốt với các mối quan hệ xã hội. 



Nếu một cá nhân có Thân không khỏe, Tâm không an (rối nhiễu, lệch lạc) thì Trí không thể minh mẫn, sáng suốt để kiểm soát bản thân và tạo dựng các mối quan hệ xã hội tốt đẹp được.

Như vậy, người có vấn đề về tâm lý là người có sự bất ổn về Sức khỏe tinh thần, dẫn tới không thể kiểm soát được hành vi và khó chủ động được trong các mối quan hệ xã hội.

Ví dụ:  Người ta thường hay kể cho nhau nghe về trường hợp của “các bà cô không chồng khó tính”. Đa phần bắt nguồn từ việc hành xử khác người của họ, làm phật lòng những người chung quanh và không thể tạo dựng các mối quan hệ xã hội nào cho ra trò…



Dĩ nhiên không phải ai cũng là một bà cô không chồng khó tính và hành xử khác người. Nhưng một thực tế không thể phủ nhận: phụ nữ khi đã qua 30 tuổi mà chưa có chồng, đồng nghĩa với việc không kiếm cho mình được một đối tượng phối ngẫu, dẫn tới sinh lý không điều hòa, kéo theo tâm lý không ổn định, từ đó có những hành vi thất thường, khó đoán trước, mang tính khắt khe (mà thiên hạ gọi là khó tính)… tạo nên khó khăn cho các mối quan hệ xung quanh.

Chúng ta không bàn sâu vào việc tìm hiểu động cơ, nguyên nhân là gì, và như thế nào là không thể kiểm soát được hành vi cũng như khó chủ động được trong các mối quan hệ xã hội... Đó là công việc cụ thể của các nhà Tham vấn Tâm lý.

(Còn tiếp)

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

07 QUY LUẬT THÀNH CÔNG


Hãy cùng nhau hướng đến thành công:




Bảy quy luật thành công

1.  QUY LUẬT TIỀM NĂNG VÀ THUẦN KHIẾT

Bạn hãy

· Mỗi ngày dành ra 1 khoảng thời gian để IM LẶNG
· Mỗi ngày dành ra 1 khoảng thời gian để ngắm nhìn và tận hưởng thiên nhiên (đơn giản ngắm mặt trời, ngửi 1 mùi hoa…)
· Thực hiện phương pháp “không phán xét bất cứ điều gì xảy ra”.

2. QUY LUẬT CHO – NHẬN

- Bất cứ nơi nào tôi đến, bất cứ người nào tôi gặp. tôi đều sẽ tặng họ 1 món quà (lời khen ngợi, nụ cười, lời cầu nguyện …) và xem đó như sự luân chuyển niềm vui, sự giàu có và dư dả trong cuộc sống của mình cũng như trong cuộc sống của những người khác.
- Hôm nay tôi sẽ rất biết ơn khi nhận được tất cả những gì cuộc sống cho tôi:  ánh mặt trời, tiếng chim hót … lời khen lời chúc và cả tiền bạc.
- Cam kết giữ cho sự giàu có luân chuyển trong cuộc sống của mình bằng cách cho đi và nhận lại những món quà quý giá nhất:  SỰ QUAN TÂM, CHĂM SÓC, THẤU HIỂU …và YÊU THƯƠNG  để cuộc sống của tôi và những người chung quanh luôn tràn ngập hạnh phúc, niềm vui và tiếng cười.

3.  QUY LUẬT NHÂN QUẢ 
(NGUYÊN NHÂN VÀ KẾT QUẢ)

· Luôn nhớ, mỗi hành động đều tạo ra sức mạnh quay lại (phản lực) giống như ban đầu phát ra … Gieo cây nào gặt quả ấy. Và khi chúng ta lựa chọn những hành động mang lại hạnh phúc và thành công cho người khác, trái ngọt của nghiệp quả sẽ là HẠNH PHÚC VÀ THÀNH CÔNG.
· Cách tốt nhất để chuẩn bị cho tương lai chính là việc ý thức đầy đủ ngay từ hiện tại.
· Bất cứ lúc nào đưa ra 1 lựa chọn, tôi sẽ tự hỏi “Những hệ quả của lực chọn này là gì ? liệu nó có mang lại hạnh phúc cho tôi và cho những người chịu sự tác động nầy không ?”




4.  QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU

· Thực hiện việc chấp nhận và chịu trách nhiệm về hoàn cảnh của mình và về tất cả những vấn đề mà mình cho là khó khăn. Không đổ lỗi cho bất cứ ai hay bất cứ điều gì đối với hoàn cảnh của mình.
· Xem khó khăn là 1 cơ hội nguỵ trang để biến nó thành lợi ích to lớn hơn
· Sẽ từ bỏ nhu cầu bảo vệ quan điểm của mình. Cảm thấy không cần thiết phải thuyết phục hay làm cho người khác phải chấp nhận quan điểm của mình. Cởi mở với mọi quan điểm chứ không cứng nhắc thiên về 1 quan điểm cụ thể nào trong số đó.

5. QUY LUẬT MỤC ĐÍCH VÀ KHÁT VỌNG

· Liệt kê danh sách những khát vọng của mình
· Không cho phép những trở ngại làm hao mòn và phân tán sự chú tâm cao độ của tôi trong thời điểm hiện tại để thể hiện tương lai qua những mục đích và khát vọng sâu xa, tha thiết nhất.

6. QUY LUẬT BUÔNG BỎ: BUÔNG BỎ ĐỂ ĐƯỢC TỰ DO SÁNG TẠO

· Cho phép mình và những người xung quanh được tự do là chính họ, không cứng nhắc áp đặt ý kiến của mình rằng mọi thứ nên như thế nào.
· Trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, luôn tìm thấy sự hào hứng, bất ngờ và bí ẩn cho nên không ôm chặt quá khứ, không thấy tiếc nuối, tham đắm vì phải bỏ đi những gì đang có khiến mình luôn là tù nhân của những nhu cầu trần tục, tuyệt vọng ….

7. QUY LUẬT DARHMA * (MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI)

 · Lập ra danh sách những tài năng đặc biệt của mình. Liệt kê những điều mình muốn làm để bộc lộ tài năng.
· Tạo ra sự giàu có cho bản thân để phục vụ mọi người .

(TRẦN LÊ NGUYỄN)
Đăng trên Blog của  Alan Phan.


(*) Phùng Hoài Ngọc chú thích




 Khái niệm Dharma (tài liệu trên viết nhầm là Darhma) là hạt nhân cơ bản trong học thuyết Bà la môn giáo ở Ấn Độ, về sau Đức Phật phát triển tiếp tục. Xin giới thiệu mấy ý kiến đơn giản về Dharma (được dịch là “pháp”)

“Pháp – Dharma" 

Joseph Goldstein giảng. Nguyễn Duy Nhiên dịch

“Trong sự tu tập, ở giai đoạn đầu, mặc dầu chúng ta có thể cảm thấy tâm mình như là một con trốt sinh hoạt quay cuồng, nhưng dần dần sự nhiệm mầu của thiền tập sẽ giúp ta phân định, sắp đặt lại tất cả. Theo thời gian chúng ta sẽ trở nên an ổn và vững vàng, có thể định tâm để nhìn thấy được yếu tố nào sẽ đem lại cho ta an lạc hoặc khổ đau. Tất cả mọi sự trên cuộc đời này – hạnh phúc hay khổ đau – đều xảy ra đúng theo luật định của nó. Sự tự tại của ta nằm ở sự minh triết của mình trong vấn đề chọn lựa.

Khi đi theo con đường tỉnh thức, ta sẽ nhận thấy rằng mục tiêu tối hậu của sự tu tập là làm sao để phát triển được những thiện tính trong tâm mình.”.

PHN.