Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

THẾ NÀO LÀ "NGƯỜI CÓ VẤN ĐỀ VỀ TÂM LÝ"? (Phần 1)




Vài tháng gần đây, ở nhiều buổi nói chuyện, tôi nhận được khá nhiều các câu hỏi thuộc dạng tế nhị từ những người thân quen và các thân chủ: 


"Anh coi dùm em xem ảnh có bình thường không vậy? Có bị làm sao không?"

Hay "Tại sao con bé đó kỳ cục như vậy? Nó có vấn đề gì về tâm lý hay không?"

Hoặc chính bản thân đương sự hỏi: "Sao em không có bạn? Sao em có cảm giác mọi người chung quanh đều muốn xa lánh và không muốn kết bạn với em? Thật sự em rất muốn biết em có bị làm sao không?"... 

Nhìn chung, tất cả các câu hỏi đều xoay quanh việc muốn tìm hiểu: 

- Thế nào là người "có vấn đề về tâm lý"? 
- Làm sao để nhận ra và phân biệt được "người có vấn đề về tâm lý" và "người bình thường"?

Nhiều người còn muốn biết sâu hơn: 

- Thế nào là tâm lý "bình thường" và tâm lý "bất bình thường"? 
- Thế nào là "lành mạnh" và "không lành mạnh" về tâm lý?
- Làm sao để biết "tôi" hay "người khác" là "lành mạnh" hay "không lành mạnh", "bình thường" hay "bất bình thường"? Đâu là tiêu chí để phân biệt và nhận ra điều đó?

Thậm chí có bạn còn cẩn thận hỏi cho chắc ăn:

- Có người nào được coi là bình thường hay lành mạnh 100% không? 
- Hay ai cũng có thể có một chút gì đó gọi là "không bình thường" trong "một thời điểm nào đó" trong cuộc sống? Và điều đó cũng được coi là bình thường? 
- Tôi phải làm gì khi phát hiện ra "mình không bình thường"?



Tôi hiểu động cơ và nguyên nhân của những câu hỏi được nêu ra. Và tôi cũng hiểu câu trả lời sẽ mang lại cho cá nhân một lợi ích nhất định trong những mối quan hệ gia đình hoặc xã hội. Nhưng cũng chính vì vậy mà việc trả lời cho các câu hỏi trên một cách thuyết phục không hề dễ dàng, thậm chí mất rất nhiều thời gian. 

Vì nếu câu trả lời mang tính "sách vở" quá thì sẽ khô khan và làm mọi người chán nản khi đọc, còn nếu câu trả lời mang tính "bình dân học vụ" thì không chuyển tải hết được tất cả ý nghĩa của nó; chưa kể là, mọi người thường rất hay sử dụng yếu tố cảm tính khi đề cập tới những khái niệm "bình thường" và "không bình thường", "lành mạnh" và "không lành mạnh"... 

Trong phạm vi của lãnh vực tâm lý, xin được đưa ra một vài gợi ý mang tính chủ quan, dung hòa hai cách thức trên, với hy vọng mang lại một chút lợi ích cho mọi người.

Và để có câu trả lời thỏa đáng, chúng ta bàn đến các ý chính sau:

 1. KHÁI NIỆM SỨC KHỎE TINH THẦN
 2. KHÁI NIỆM “BÌNH THƯỜNG” VÀ “KHÔNG BÌNH THƯỜNG”
 3. PHÂN BIỆT “LÀNH MẠNH” VÀ “KHÔNG LÀNH MẠNH”
 4. LÀM GÌ KHI NHẬN RA “TÔI KHÔNG BÌNH THƯỜNG”?
 5. LÀM CÁCH NÀO ĐỂ SỐNG “BÌNH THƯỜNG” VÀ “LÀNH MẠNH”?

1. Tất cả những câu hỏi mà chúng ta đang đối diện đều liên quan đến Tâm lý của một cá nhân. Mà các vấn đề Tâm lý thì liên quan đến lãnh vực Sức khỏe Tinh thần.

Vì vậy, đầu tiên, phải hiểu thế nào là Sức khỏe? Rồi mới hiểu được thế nào là Sức khỏe Tinh thần?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, đóng vai trò thẩm quyền điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế, định nghĩa về Sức khỏe như sau:

"Sức khoẻ là một trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải là chỉ là không có bệnh tật hay tàn phế".
Các nền văn hóa khác nhau, các đánh giá chủ quan và các giả thuyết khoa học khác nhau đều có ảnh hưởng tới định nghĩa về khái niệm "sức khỏe tinh thần". Mặt khác, tình trạng thoải mái, không có rối loạn nào về tinh thần chưa chắc đã được coi là sức khỏe tinh thần.

Có một cách để nhận xét sức khỏe tinh thần là xem xem một người thể hiện chức năng của mình thành công tới mức nào. Cảm thấy có đủ khả năng tự tin, có thể đối mặt với những mức tình trạng căng thẳng ở bình thường, luôn giữ được các mỗi quan hệ một cách thoải mái, có một cuộc sống độc lập, và dễ hồi phục sau những tình huống khó khăn... đều được coi là các dấu hiệu của một sức khỏe tinh thần. 

Sức khỏe chia làm ba loại:

a. Sức khỏe Thể chất: Được thể hiện một cách tổng quát là sự sảng khoái và thoải mái về thể chất. Càng sảng khoái, thoải mái càng chứng tỏ bạn là người khoẻ mạnh. Cơ sở của sự sảng khoái, thoải mái về thể chất là Sức lực, sự Nhanh nhẹn, sự Dẻo dai, khả năng Chống được các yếu tố gây bệnh, khả năng Chịu đựng các điều kiện khắc nghiệt của Môi trường.

b. Sức khỏe Tinh thần: Là hiện thân của sự thỏa mãn về mặt Giao tiếp xã hội, Tình cảm và Tinh thần. Nó được thể hiện ở sự sảng khoái, ở Cảm giác dễ chịu, Cảm xúc vui tươi, thanh thản, ở những ý nghĩ lạc quan, yêu đời, ở những quan niệm sống tích cực, dũng cảm, chủ động; ở khả năng chống lại những quan niệm bi quan và lối sống không lành mạnh.

Sức khoẻ tinh thần là sự biểu hiện của nếp sống lành mạnh, văn minh và có đạo đức. Cơ sở của sức mạnh tinh thần là sự thăng bằng và hài hoà trong hoạt động tinh thần giữa lý trí và tình cảm.



c. Sức khoẻ Xã hội: Sức khỏe xã hội thể hiện ở sự thoải mái trong các mối quan hệ chằng chịt, phức tạp giữa các thành viên: Gia đình, Nhà trường, Bạn bè, Xóm làng, Nơi công cộng, Cơ quan... Nó thể hiện ở sự được tán thành và chấp nhận của xã hội. Càng hoà nhập với mọi người, được mọi người đồng cảm, yêu mến càng có sức khỏe xã hội tốt và ngược lại.

Cơ sở của sức khỏe xã hội là sự thăng bằng giữa hoạt động và quyền lợi cá nhân với hoạt động và quyền lợi của xã hội, của những người khác; là sự hoà nhập giữa Cá nhân, Gia đình và Xã hội.

Dựa vào những định nghĩa trên, chúng ta đã có được một vài gợi ý cho câu trả lời về vấn đề tâm lý của một cá nhân:

Khi hỏi một người có vấn đề gì về tâm lý hay không, là chúng ta đang hỏi đến Sức khỏe tinh thần của người đó như thế nào? Hay đồng nghĩa với việc chúng ta muốn biết người đó có vấn đề gì về sức khỏe tinh thần hay không?

 Sức khỏe tinh thần bắt nguồn từ Sức khỏe thể chất, kéo theo tình hình Sức khỏe Xã hội của cá nhân đó.

Người La Mã đã có một câu chí lý: 

“Anima sana in corpore sano” (Một tinh thần minh mẫn, trong một thân thể tráng kiện)

Có khỏe mạnh về thể chất (Thân) thì mới khỏe mạnh về Tinh thần (Tâm và Trí), để có thể giao tiếp tốt với các mối quan hệ xã hội. 



Nếu một cá nhân có Thân không khỏe, Tâm không an (rối nhiễu, lệch lạc) thì Trí không thể minh mẫn, sáng suốt để kiểm soát bản thân và tạo dựng các mối quan hệ xã hội tốt đẹp được.

Như vậy, người có vấn đề về tâm lý là người có sự bất ổn về Sức khỏe tinh thần, dẫn tới không thể kiểm soát được hành vi và khó chủ động được trong các mối quan hệ xã hội.

Ví dụ:  Người ta thường hay kể cho nhau nghe về trường hợp của “các bà cô không chồng khó tính”. Đa phần bắt nguồn từ việc hành xử khác người của họ, làm phật lòng những người chung quanh và không thể tạo dựng các mối quan hệ xã hội nào cho ra trò…



Dĩ nhiên không phải ai cũng là một bà cô không chồng khó tính và hành xử khác người. Nhưng một thực tế không thể phủ nhận: phụ nữ khi đã qua 30 tuổi mà chưa có chồng, đồng nghĩa với việc không kiếm cho mình được một đối tượng phối ngẫu, dẫn tới sinh lý không điều hòa, kéo theo tâm lý không ổn định, từ đó có những hành vi thất thường, khó đoán trước, mang tính khắt khe (mà thiên hạ gọi là khó tính)… tạo nên khó khăn cho các mối quan hệ xung quanh.

Chúng ta không bàn sâu vào việc tìm hiểu động cơ, nguyên nhân là gì, và như thế nào là không thể kiểm soát được hành vi cũng như khó chủ động được trong các mối quan hệ xã hội... Đó là công việc cụ thể của các nhà Tham vấn Tâm lý.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét