Mỗi người chúng ta khi mới sinh ra tâm thức còn rất gần với sự minh triết và nhờ có năng lực tinh thần đó giúp tạo ra tình cảm an toàn và đầy kinh ngạc thán phục.
Trong quá trình trưởng thành thì mối liên hệ giửa ta với tâm thức dần dần mờ nhạt và thay thế vào đó là sự bảo vệ một cách an toàn của bố mẹ hoặc bà con họ hàng. Họ dạy bảo cho ta biết về cái thiện, cái ác, cái tốt, cái xấu, về cách phải quyết định, hành động và phản ứng như thế nào cho mỗi hoàn cảnh cụ thể.
Rồi mối liên hệ với tâm thức được nới lỏng và dần dần mất hẳn, và tâm thần trẻ thơ của chúng ta cố gắng một cách vô vọng thay thế cái minh triết nguyên thủy bẩm sinh bằng bản ngã hoạt động. Khốn thay các tiếng nói của bố mẹ dù ở bề mặt hay trong nội tâm đều là chưa đủ, đó chỉ là phần bề mặt bên trên chưa đủ thay thế tâm thức và vì vậy người ta phải tạo ra một bản ngã giả tạo.
Cái bản ngã giả tạo là sự cố gắng đầu tiên của chúng ta để dựng lại tâm thức của ta. Ta dùng phương cách ấy để diễn tả rằng “ta là như thế”. Chúng ta mang một bản ngã giả tạo để làm vừa lòng thiên hạ, để họ chấp nhận và đem lại an toàn cho ta. Với bản ngã giả tạo, ta cố gắng dựng nên mối quan hệ với người khác bởi vì đó là việc “phải” làm, nhưng cố gắng đó không có tầm sâu. Bởi vì nó phủ nhận bản chất thực của nhân cách, nỗi sợ hãi và các tình cảm tiêu cực của chúng ta.
Mặc dù chúng ta cố gắng để tạo cho được bản ngã giả tạo nhưng cuối cùng vẫn thất bại vì nó không thể đem lại cảm nhận an toàn chân thật trong nội tâm mà ta hằng mong tìm kiếm.
Thực ra, nó làm nảy sinh trong ta cái cảm tưởng lừa bịp, bởi vì chúng ta cố gắng biểu hiện một lòng tốt thường trực trong khi nó thực sự chỉ có ở từng lúc lẻ tẻ. Cảm nhận sự giả dối đó càng làm tăng nổi sợ của chúng ta. Và chúng ta liền tăng gấp đôi sự cố gắng để tuân theo tiếng nói của bố mẹ trong nội tâm một cách vô ích. Sợ hãi lại càng tăng hơn, trước một sự đánh cuộc không thể thắng, tạo ra thực sự một vòng xoắn, một cảm giác của lừa bịp và sợ hãi. Nó từ chối vai trò của khổ đau và giận dữ vì nó phủ nhận chân ngã đích thực. Bản ngã giả tạo muốn bảo vệ chủ thể khỏi chịu trách nhiệm về hành vi hoặc tư tưởng xấu của mình.
Đối với bản ngã giả tạo, khổ đau và giận dữ không phải là thành phần của chân ngã và do đó ta chẳng có trách nhiệm gì, bản ngã giả tạo vẫn ở đó để bảo vệ con người bằng cách vứt bỏ trách nhiệm về mọi cử chỉ, ý nghĩ và hành động tiêu cực. Đó chỉ là một sự giả tạo và cự tuyệt. Nó từ chối vai trò người che dấu nỗi đau và giận dữ, bởi vì nó phủ nhận sự tồn tại nội tâm của nhân cách.
Đối với bản ngã giả tạo của chúng ta, nỗi đau và giận dữ chỉ tồn tại ở ngoài nhân cách. Chúng ta không có trách nhiệm gì. Mọi nhân tố tiêu cực là lỗi của người khác, chúng ta chê trách họ đồng thời trút lên họ sự giận dữ và nỗi đau.
Cách duy nhất để “duy trì” sự giả dối này là chúng ta không ngừng “tự giới thiệu mình là người tốt”. Trong thâm tâm, chúng ta khó lòng chiụ đựng được cái áp lực thường xuyên mà ta tự đặt cho mình. Chúng ta thử cuộc chơi, nếu không thành công ta phải chứng minh làm sao là mình đúng và người khác sai.
Chúng ta “khó chấp nhận” cách sống phải tuân theo các quy định của người khác: Đó là một nhiệm vụ rất to lớn, chúng ta thích hành động theo bản năng. Sự mệt nhọc rồi giận dữ đến với chúng ta, mặc kệ chúng ta xổ ra những lời phàn nàn và lên án chúng ta làm việc xấu. Năng lượng để giữ cái bản ngã giả tạo rồi sẽ đánh (tác động) vào người khác và cả các điều này chúng ta cũng phủ nhận vì chúng ta cần được an toàn bằng bất gì giá nào và bằng cách chứng minh ta là người tốt. Chúng ta hoán chuyển năng lượng xấu của ta sang người khác, ta nói hắn “thiển cận, nông cạn…” đó là lối thoát ra của lời nói nhằm làm cho nhẹ nhõm, một sự an ủi, có một cái gì đó làm ta thích thú khi ta trút cái tiêu cực sang người khác. Người ta gọi đó là “sự thích thú tiêu cực” được sinh ra từ “cái ngã thấp hèn”.
NIỀM VUI TIÊU CỰC VÀ BẢN NGÃ THẤP HÈN
Bạn hãy giữ lại cái kỷ niệm về sự vui sướng khi cảm nhận được lúc mà bạn thực hiện một hành động tiêu cực. Vả lại, mọi hành động đều cần năng lượng tích cực hay tiêu cực, và là cái nguồn của vui sướng vì nó giải phóng một năng lượng được tích tụ từ bên trong ta.
Lúc năng lượng đầu tiên được giải phóng dù bạn có cảm nhận đau đớn, thì bao giờ theo sau đó cũng là vui sướng, bởi vì đồng thời với đau đớn năng lượng sáng tạo được giải phóng, điều này luôn là cảm giác dễ chịu.
“Niềm vui tiêu cực” bắt nguồn từ “cái ngã thấp hèn” của ta, cái phần bản ngã mà đã từ lâu ta quên hẳn. Đó là một thành phần trong toàn bộ tâm thần của ta được nảy sinh trong quá trình sống tiêu cực, xa lìa mọi người từ đó tạo nên hệ quả là nó phản ứng lại.
Cái ngã thấp hèn của chúng ta không phủ nhận tiêu cực mà còn thích thú và tìm kiếm nó. Cái ngã thấp hèn đó còn lương thiện hơn cái bản ngã giả tạo, nó bảo vệ những ý định tiêu cực và không hướng về một đức tính tốt vì nó không thực hiện được. Nó hành động công khai một cách ích kỷ như muốn nói: “Tôi lo cho tôi chứ không phải lo cho anh”.
Đó là hậu quả của lối sống cô lập, ích kỷ cá nhân. Nó luôn tìm kiếm những niềm vui tiêu cực. Không phải nó không biết có đau đớn trong nhân cách, bởi vì dự hướng của bản ngã thấp hèn là sống cô lập, hành động theo sở thích và chẳng bao giờ cảm thấy đau khổ.
HÃY HƯỚNG VỀ BẢN NGÃ CAO THƯỢNG
Chắc chắn rằng trong quá trình phát triển, toàn bộ tư tưởng tình cảm của ta không hoàn toàn tách khỏi tâm thức tốt lành ban đầu. Vẫn còn sót lại một thành phần trong sáng dễ thương không thể nào mất được. Đó chính là thành phần được nối kết với ánh hào quang siêu nhiên mà thiên nhiên ban cho mỗi người chúng ta. Thành phần này rất khôn ngoan, yêu mến mọi người và can đảm, rất gần với quyền năng của vũ trụ, nhờ đó mà ta hưởng được nhiều sự tốt lành may mắn trong đời sống. Đó là phần bản ngã làm cho ta không thể bị vong thân được.
Mỗi lúc có hoà bình, vui sướng sự hoàn thành nhiệm vụ cuộc đời chúng ta thì đó là biểu hiện của cái cao thượng của ta theo nguyên lý sáng tạo.
Khi bạn tự hỏi cái ý nghĩa: ”Ta đích thực là ai?” hay “Cái ngã đích thực là ai?”, thì chính lúc đó bạn có câu trả lời vì đó là biểu hiện của bản chất đích thực của bạn. Bạn hãy biết rằng cái mặt tiêu cực của cuộc đời bạn không thể là cái biểu hiện cái không phải là bạn.
Bản ngã cao thượng hướng đến chân lý, cảm thông, kính trọng biểu lộ được con người thật của bạn và hoà nhập với vũ trụ.
Sự khác nhau căn bản giữa “cái ngã cao thượng”, “cái ngã thấp hèn” và “bản ngã giả tạo” chính là ở ý định thầm kín của mỗi người và tính chất của năng lượng xuất phát từ ý định đó.
Hầu như đa số hành động của con người tùy thuộc vào ý nghĩa khác nhau của chúng. Lời nói của chúng ta xuất phát từ ba nguồn gốc: bản ngã cao thượng, bản ngã thấp hèn, hoặc bản ngã giả tạo và mang nhiều ý nghĩa khác nhau.
Khi bản ngã cao thượng thực sự muốn nói: “Chúng ta là bạn bè thân thiện”, thì bản ngã giả tạo lại nói: “Chúng ta là bạn khi mà tôi là người tốt và anh đừng nghi ngờ cái ảo ảnh nầy”, trong khi bản ngã thấp hèn lại nói: “Chúng ta là bạn bè thân thiện vì tôi muốn thế. Sau đó hãy thận trọng, tôi đối xử tốt với anh là nhằm vào điều tôi mong đạt được và để tránh những tổn thất. Nếu anh lấn sân hoặc cản đường tôi, tôi sẽ loại trừ anh!”.
(Trong trường hợp này có ý nghĩa là: Mọi biện pháp đều tốt để nhằm ngăn chặn đối thủ hoặc bằng sự im lặng, sự tranh luận, việc sử dụng sức mạnh và thậm chí cả bạo lực).
Kinh nghiệm bản thân đã dạy tôi biết rằng sự mất cân bằng thường xuyên là do hệ thống bảo vệ quen thuộc hàng ngày tác động lên trường năng lượng của ta là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến khổ đau và bệnh tật trong con người chúng ta.
Đến phần mô tả về trường năng lượng của con người, chúng ta sẽ hiểu rõ vì lý do nào hệ thống bảo vệ hàng ngày của ta bị mất cân bằng và dẫn đến sự rối loạn chức năng của các trường năng lượng, rồi lần lượt bệnh tật có điều kiện bộc khởi trong cơ thể chúng ta. Các sơ đồ bảo vệ xuất hiện trong các trường như một hệ thống bảo vệ năng lượng, sự mất cân đối trong hệ thống bảo vệ hàng ngày của ta được xem như là một hệ thống luôn được cần đến cho bản ngã giả tạo.
Cũng vì hệ thống bảo vệ này mà chúng ta càng vùi sâu vào nỗi đau và sự giận dữ đồng thời chúng ta càng khép kín tình cảm tốt đẹp của ta. Nỗi buồn phiền sinh ra, đời sống trở nên nhàm chán, làm ta thất vọng và lần lần dẫn đến thất bại.
Chúng ta rơi vào vòng lẩn quẩn quen thuộc, không có khả năng tạo dựng những gì chúng ta mong muốn trong cuộc đời. Thân xác cũng bị đau đớn, chúng ta bắt đầu mất lòng tin vào cuộc sống. Khi ta tìm cách chôn vùi nổi khổ đau cũng là lúc ta chôn vùi cái nhân tâm thức tốt lành ban đầu của ta. Chúng ta quên mình là ai và hoàn toàn đánh mất bản chất của sự sống. Chúng ta không còn liên hệ với các năng lượng chủ yếu tạo nên đời sống cho ta nữa…
Kết luận: Bảo vệ hoặc phủ nhận vết thương lòng chỉ càng làm tăng thêm nổi khổ đau. Bản ngã giả tạo càng làm biến dạng các hành động bật ra từ tâm thức thì chúng ta càng dùng lời chê trách để chứng minh hành động của ta là đúng.
Chúng ta càng phủ nhận cái ngã thấp hèn bao nhiêu thì chúng ta càng làm suy yếu đi khả năng của ta bấy nhiêu. Càng cự tuyệt lại nguồn năng lực sáng tạo của tâm thức, ta càng cảm thấy nỗi khổ đau và bất lực nặng nề thêm. Cái vòng lẩn quẩn này ngày càng lớn lên, thì nỗi khổ đau hay còn gọi là vết thương lòng càng trầm trọng hơn.
Nỗi khổ đau này nặng nề đến nỗi làm cho ta khiếp sợ và sẵn sàng vái lạy tứ phương để cầu được che chở. Rồi sau đó trí tưởng tượng của ta biến nó thành nỗi dằn dặt bức xúc. Ta càng muốn tránh xa nó, vết thương lòng càng bị chôn vùi và vượt qua tầm kiểm soát của chúng ta.
Với kinh nghiệm của một chuyên gia Cảm xạ, chúng tôi tin chắc rằng trong khi tìm cách tách xa nỗi đau trong lòng bằng hình thức bảo vệ quen thuộc hàng ngày, vô tình chúng ta càng đưa vào cuộc đời và cơ thể mình thêm khổ đau dằn dặt và bệnh tật ngày càng trầm trọng hơn.
Chuyên gia Cảm xạ Dư Quang Châu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét