Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Có nên đồng nhất Tham vấn với Tư vấn?


Có nhiều cách gọi khác nhau về Tư vấn hoặc Tham vấn. Dưới đây tôi xin chuyển tới các bạn một ý kiến của người trong ngành về sự phân biệt này. Chị hiện là giảng viên của Trường ĐH Lao động Xã Hội - Ths. Bùi Thị Xuân Mai. Đây là ý kiến cá nhân, các bạn có thể Comment ý kiến của mình dưới bài viết này.

Có thể nói, cuộc tranh luận về thuật ngữ tham vấn, tư vấn hay trị liệu tâm lý vẫn luôn là vấn đề nóng hổi hiện nay trong các diễn dàn bàn về tham vấn tại Việt nam. Trong không ít hội thảo có người phê phán việc sử dụng tư vấn khi tham vấn. Đồng thời cũng có ngưới lại đồng nhất hai khái niệm này. Bên cạnh đó cũng không ít người lại băn khoăn liệu có gì khác nhau giữa tham vấn và trị liệu tâm lý. 
Bài viết này xin cung cấp một số thông tin nhằm giúp bạn đọc cũng như các nhà nghiên cứu có quan tâm hiểu rõ hơn về sự giao thoa cũng như và khác biệt giữa các thuật ngữ trên làm cơ sở cho việc sử dụng chúng một cách đúng đắn trong những bối cảnh có liên quan.
Tư vấn và tham vấn
Tư vấn - trong tiếng anh là Consultation - được xem như quá trình tham khảo về lời khuyên hay sự trao đổi quan điểm về vấn đề nào đó để đi đến một quyết định.
Tư vấn trong từ điển tiếng Việt được định nghĩa như là sự phát biểu ý kiến về những vấn đề được hỏi đến, nhưng không có quyền quyết định. Hoạt động này phần nhiều diễn ra dưới dạng Hỏi –và Đáp.
Tác giả Trần Tuấn Lộ đã mô phỏng hoạt động tư vấn như sự tham khảo và cung cấp ý kiến giữa một bên A- có thể là một cá nhân, một tổ chức cần tìm câu trả lời cho một thắc mắc hoặc tìm giải pháp với bên B- một cá nhân, một tổ chức khác có chuyên môn, kinh nghiệm và giúp họ giải đáp những thắc mắc hay vấn đề của họ.
Tư vấn được các tác giả nước ngoài hiểu theo nhiều cách với vai trò khác nhau của người tư vấn.
- Tư vấn có thể được xem là mối quan hệ mà ở đó người chuyên gia đưa ra sự trợ giúp cho cá nhân hay tổ chức có nhu cầu giải quyết vấn đề khó khăn (A.M. Douherty, 1990). 
- Tư vấn được M. Fall, (1995) định nghĩa một cách rất đơn giản rằng “Tư vấn là việc tôi và anh cùng nói về người đó, điều đó nhằm mục đích để thay đổi”. 
- Người tư vấn có thể đóng vai trò như người chịu trách nhiệm tìm ra những giải pháp (R. Schein, 1969), hay thu thập thông tin, chẩn đoán vấn đề và đề xuất giải pháp (D.J. Kurpius & J.C. Brukbaker 1976) hoặc là chỉ là người định hướng, điều phối tiến trình giải quyết vấn đề (R. Blake & J.S.Mouton 1976). 
- Một nghiên cứu chỉ ra rằng, các nhân viên tham vấn tại cộng đồng trung bình sử dụng 10% công việc cho làm công tác tư vấn (L.Stone & J. Archer, 1990). Như vậy cũng không nên tuyệt đối hóa việc không làm tư vấn trong tham vấn. 
- Grace M. (1998) cho rằng Tham vấn là một kỹ thuật trợ giúp trong Công tác xã hội cá nhân và việc cho lời khuyên là một kỹ thuật của tham vấn. Tuy nhiên bà nhấn mạnh lời khuyên đó không nên mang tính áp đặt mà cần khách quan, phù hợp với nhu cầu của đối tượng được xác định trên cơ sở thảo luận và dựa vào kiến thức chuyên môn ví dụ như kiến thức về kế hoạch hóa gia đình. 
Tuy nhiên ở nước ta hiện nay, khi làm tham vấn người ta thường thiên về đưa ra lời khuyên mang tính áp đặt ý chí chủ quan khá nhiều, khiến cho hoạt động tham vấn bị lu mờ và ý nghĩa của tư vấn bị hiểu sai lệch.
Những quan điểm trên cho thấy, việc trao đổi ý tưởng, cung cấp thông tin, và có thể là những lời khuyên trong tư vấn đã tham gia một phần vào quá trình giải quyết vấn đề. Thực tế cho thấy tồn tại nhiều loại hình tư vấn như tư vấn hướng nghiệp, tư vấn giáo dục, tư vấn sức khỏe, tư vấn pháp luật, tư vấn kinh tế, kinh doanh. 
Các hoạt động tư vấn về các vấn đề tâm lý xã hội qua báo chí, qua đài hay điện thoại, thậm chí ngay tại các trung tâm tư vấn tâm lý hiện nay cũng phần lớn hoạt động theo phương thức này. Hình thức hỏi và đáp, cung cấp thông tin trong các hoạt động tư vấn trên đã phần nào giải đáp được những thắc mắc cũng như quan tâm của nhiều người. 



Song cần nhấn mạnh rằng chức năng của tham vấn không phải đưa ra lời khuyên. Do vậy có sự khác biệt giữa tham vấn và tư vấn ở những điểm sau đây:
- Thứ nhất, về mục tiêu: Tư vấn chủ yếu hướng tới giải quyết vấn đề hiện tại, còn hoạt động tham vấn còn hướng tới mục tiêu lâu dài hơn đó là giúp cá nhân nâng cao khả năng giải quyết vấn đề sau khi được tham vấn.
- Thứ hai, về tiến trình: tư vấn thường là cung cấp thông tin hay đưa ra lời khuyên. do vậy nó diễn ra trong một thời gian ngắn, giải quyết vấn đề tức thời, còn tham vấn có thể diễn ra trong thời gian có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng thậm chí hàng năm.
- Thứ ba, về mối quan hệ: Trong tư vấn: có thể là mối quan hệ trên- dưới giữa một người là được xem là “uyên bác” với những thông tin chuyên môn, còn bên kia là người “thiếu hiểu biết” về vấn đề nào đó, bên cạnh mối quan hệ ở đây không đòi hỏi sự tương tác rất tích cực từ phía đối tượng. Trong khi đó ở tình huống tham vấn, mối quan hệ mang tính ngang bằng, bình đẳng và đòi hỏi có sự tương tác rất chặt chẽ và hợp tác tích cực giữa hai bên, có thể nói nó đóng vai trò như một công cụ quan trọng cho sự thành công của ca tham vấn
- Thứ tư, về cách thức tương tác: Trong tư vấn cách thức can thiệp chính là cung cấp thông tin và lời khuyên bổ ích từ người tư vấn với đầy kiến thức chuyên sâu về vấn đề cần tư vấn. Trong tham vấn sự thành công phụ thuộc vào kỹ năng tương tác của nhà tham vấn để đối tượng tự nhận thức, hiểu chính mình và hoàn cảnh của mình để chủ động tìm kiếm giải pháp phù hợp và thực hiện nó.
Như vậy rõ ràng tư vấn và tham vấn là hai hình thức trợ giúp có sự khác biệt nhất định ở một số khía cạnh. Mặc dù khi tư vấn có tham gia vào quá trình tham vấn song để giúp đối tượng nâng cao được năng lực giải quyết vấn đề trong cuộc sống thì việc sử dụng hình thức tham vấn tỏ ra hữu hiệu hơn.
Tài liệu tham khảo:
1.
Trần Thị Minh Đức, Tư vấn và Tham vấn – thuật ngữ và cách tiếp cận Tạp chí Tâm lý học, số 8 năm 2002
2.
A.E Evey Counseling and Therapy, SAGE (1993):
3.
Gustad J.W “The definition of Counseling” – Minnesota Studies in student personal work Roles and Relatiónhip in counseling, Uniniversity of Minnesota press. (1953)
4.
ED Neukrug, The world of counselor, Brooks/Cole 1999.
5.
Perez J.F. Counseling: Theory and Practice Reading, Mas, Addison –Wesley (1965 )
6.
Richard Nelsson Jones. Basis counseling skills. SAGE 2003
7.
Hoàng Phê – Từ điển tiếng Việt 2000
8.
Kỷ yếu hội thảo Xây dựng và phát triển mạng lưới tham vấn trong trường học. 10/2006
9.
S. Narayana, Counseling Psychology – McGraw – Hill Publishing Company 1981
(Ths Bùi Thị Xuân Mai, Đại học Lao động Xã hội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét