Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

SỰ HÌNH THÀNH ĐỘNG CƠ VÀ HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ BẢN THÂN (Phần 1)



KHÁM PHÁ BẢN THÂN? TẠI SAO?

Con người thích sự thật và con người luôn đi tìm kiếm sự thật.
Những sự thật nào mà con người phải tìm kiếm?
Theo các tương quan sống, đó chính là sự thật về Thượng Đế - tồn tại hay không tồn tại, sự thật về thế giớisự thật về con người.
Trong sự thật về con người lại bao gồm: sự thật về người khác sự thật về bản thân.
Khám phá bản thân là đi tìm sự thật về con người mình, hay như có người diễn đạt là đi tìm "căn cước/căn tính" (identity) của mình.
Biết được căn tính của mình là điều kiện để sống tự do. Khi không biết được căn tính của mình, con người sẽ sống mà không có tự do, nhưng bị thúc đẩy bởi những sức mạnh mà người ta không kiểm soát được, mà A. Cencini gọi là “sự bất nhất nội tâm” [2, 5].

Khi một người chỉ ra được căn nguyên sự bất nhất bên trong con người mình, là người ấy đã khám phá được bản thân. Để khám phá chính mình, phải đi từ những việc tôi đã làm hoặc đã không làm (tâm lý học gọi là hoạt động sống) mà chỉ ra động lực thúc đẩy hoạt động ấy (tâm lý học gọi là động cơ – motivation) và lần tìm ra lý do tồn tại của động lực đó.
Vậy là, về mặt tâm lý học, khám phá bản thân là hành trình đi từ những hoạt động sống đến động cơ của những hoạt động đó mà chỉ ra sự bất nhất nội tâm để từ đó có thể tự thanh tẩy mình mà tìm lại sự thuần nhất nội tâm cần có.
Ở khía cạnh giáo dục học, khám phá bản thân được coi như tiền đề tối quan trọng để tiến trình giáo dục đi tới thành tựu. Trong lời nhà xuất bản cuốn “Giáo dục, huấn luyện và đồng hành – một sư phạm giúp một người thể hiện ơn gọi của mình” của tác giả A. Cencini có viết “Giáo dục trước hết là phân giải cái tôi riêng của một con người như nó là, nếu người ta muốn, sau đó làm cho nó trở thành như nó phải là” [Cencini, 8].

ĐỘNG CƠ SINH RA NHƯ THẾ NÀO?


Người sống là người có hoạt động, đang hoạt động (thể lý hoặc tinh thần).
Người không có hoạt động phải kể là người đã chết.

Như xác định ở trên, để khám phá bản thân cần trả lời được một loạt đâu hỏi: động cơ hoạt động nằm ở đâu? Động cơ ấy có phải là động cơ vô thức ? Lý do nào sinh ra/tồn tại động cơ ấy?
Có vẻ như ai cũng nghĩ động cơ hoạt động là cái nằm ở bên trong (nội tâm) con người, nhưng khi được yêu cầu chỉ ra cách cụ thể thì dường như nó lại ở ngoài con người.
Động cơ ý thức và động cơ vô thức

Theo dõi mẩu đối thoại dưới đây:
A:   Tại sao bạn lại đối xử như thế với anh ta?
B:   Vì tôi ghét anh ta!
A:   Tại sao bạn ghét anh ta?
B:   Vì anh ta kiêu căng, khinh người!
A:   Nhưng có cần cư xử như vậy?
B:   Cần, để anh ta bỏ thói xấu ấy đi!

Mẩu đối thoại trên cho thấy, B là người ý thức rất rõ hành động của mình đối với người khác. Chưa xét đến động cơ hành động là gì, tốt hay xấu, nhưng đó là một động cơ được ý thức (nói vắn tắt là động cơ ý thức). Cũng có thể thấy, nếu trên đây là một tiến trình mà A muốn thực hiện để giúp B khám phá và thay đổi bản thân, thì khó có hy vọng về một sự biến đổi nào xảy ra ở B cả.
Cũng có khi người ta không tìm ra được nguyên nhân của một hoạt động/hành động. Theo cách nhìn của tâm lý học, hành động thường được thúc đẩy bởi động cơ vô thức. Nhưng bị thúc đẩy bởi động cơ vô thức thì không có nghĩa là người hành động sẽ vô can.

Một vài tiền đề
Về mặt triết học, có một số khẳng định sau:
§  Luôn có chủ thể của mỗi hoạt động. Nghĩa là, hoạt động luôn được thực hiện bởi (một) chủ thể.
§  Luôn có đối tượng cho mỗi hoạt động. Nghĩa là, hoạt động luôn hướng vào một đối tượng (vật chất, hay tinh thần) nào đó.
§  Luôn có động cơ cho mọi hoạt động. Nghĩa là hoạt động luôn được thúc đẩy bởi một động cơ nào đó.

Tùy theo động cơ được hình thành một cách ý thức hay vô thức mà có động cơ ý thức hay động cơ vô thức.
Sự hình thành của động cơ ý thức
Ở Việt Nam, những người học sư phạm thường được giảng cho biết về lý thuyết hoạt động của A. N. Leontiev. Theo A.N. Leontiev, sự hình thành động cơ ở chủ thể diễn ra theo tiến trình sau:


Thoạt đầu, khi có nhu cầu nào đó (vật chất hoặc tinh thần) cần thỏa mãn, chủ thể sẽ quan tâm tìm kiếm sự thỏa mãn từ các khách thể trong phạm vi quan sát được của mình. Khi chủ thể phán đoán rằng, một khách thể nào đó có những thuộc tính thỏa mãn tốt nhất thì ở chủ thể xuất hiện khát khao chiếm lấy khách thể ấy. Nếu khát khao ấy đủ mạnh thì nó sẽ thúc đẩy chủ thể thực hiện hoạt động để có thể thực sự chiếm lĩnh khách thể (mà bây giờ đã là đối tượng hoạt động của chủ thể). Bao lâu chủ thể còn chưa chiếm lĩnh được đối tượng thì đối tượng vẫn còn là “nỗi khát khao thúc đẩy” chủ thể hoạt động (bây giờ gọi là động cơ hoạt động). Cái “nỗi khát khao thúc đẩy” ấy nảy sinh và tồn tại cùng với đối tượng, nên người ta nói động cơ hoạt động nằm ở đối tượng.

Trên đây là con đường hình thành động cơ của một hoạt động có ý thức.

Khi đã hình thành, động cơ không phải là bất biến nhưng có thể được khẳng định, củng cố hoặc thay đổi (thậm chí biến mất) do chủ thể luôn có đánh giá và phán đoán lại về “đối tượng” dựa trên những thông tin mà chủ thể khám phá ra qua hoạt động.

Cần chú ý rằng, động cơ của một hoạt động có ý thức (động cơ ý thức) được hình thành là do kết quả của một loạt các hoạt động khác của con người (quan sát thuộc tính, phán đoán/đánh giá về khách thể). Vì thế, người ta có thể dựa vào quan sát, phân tích (tự mình) các hoạt động hình thành động cơ để nhận ra các bất nhất (incoherence) nội tại mà khám phá và điều chỉnh bản thân.

Sự hình thành của động cơ vô thức từ hoạt động ý thức

Sự hình thành động cơ ý thức như trên giúp ích rất nhiều cho việc giải thích và xây dựng quá trình học tập, huấn luyện trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Tuy nhiên, cơ chế trên lại chưa đủ để giải thích các “hành động bột phát” mà nhiều khi người ta không thực sự biết “tại sao mình lại làm như vậy”. Những hành động như vậy dường như bị thúc đẩy một sức mạnh từ trong “tiềm thức” hay “vô thức”.
Động cơ vô thức có thể hình thành từ những con đường khác nhau. Dưới đây xét trường hợp sự hình thành động cơ vô thức từ hoạt động ý thức.
Theo dõi và phân tích một câu chuyện dưới đây để hình dung ra sự hình thành của động cơ vô thức như thế nào.
Một nhà giáo trẻ, độc thân thông minh, vui vẻ, ngay thật và là thành viên của một tập thể sư phạm tốt, đoàn kết. Tại nơi làm việc, anh đặc biệt quan hệ tốt với một nữ đồng nghiệp và chồng con của chị (một gia đình cũng rất hạnh phúc). Đó là một mối tương quan tốt đẹp và ngay chính. Thỉnh thoảng họ vẫn điện thoại trao đổi vài ba điều liên quan đến công việc và cuộc sống.
Xảy ra là mẹ của người thầy giáo mất. Là người con có hiếu, nên người thầy giáo cảm thấy rất cô đơn và trống vắng vì sự ra đi của người thân. Trong khoảng thời gian đó, thi thoảng buổi tối người nữ đồng nghiệp điện thoại thăm hỏi và chia sẻ với người thầy giáo. Điều này an ủi người thầy giáo rất nhiều và người nữ đồng nghiệp cũng vui vì giá trị tinh thần mà mình mang lại cho người thầy giáo.
Nỗi buồn của người thầy kéo dài khá lâu và rồi anh nhận thấy với lời “chúc ngủ ngon” của người nữ đồng nghiệp thì anh đi nằm với tâm hồn thanh thản và bình an hơn. Tình thân gia tăng qua những cuộc điện thoại và người thầy dần cảm thấy khó có thể ngủ ngon nếu như buổi tối không nhận được lời chúc từ đồng nghiệp.
Từ đó, dường như mỗi tối thầy giáo lại mong đợi cuộc điện thoại của người đồng nghiệp nữ để chia sẻ nhiều điều và chúc ngủ ngon. Thầy giáo cho biết “để khỏi phiền, chúng tôi điện thoại cho nhau khi không có sự hiện diện của người chồng”.
Theo thời gian, nỗi buồn mất người thân dần phai nhạt, nhưng nhu cầu về những cuộc điện thoại “chúc ngủ ngon” thì không dừng là lại càng tăng thêm đối với hai người đồng nghiệp. Mỗi tối họ đều gần như “theo quán tính” gọi điện cho nhau. Những cú điện thoại đã trở thành một phần cuộc sống của họ, kiểm soát tâm tư và cả lịch trình những ngày sống của họ.
Không ai biết kết cục của mối quan hệ giữa hai đồng nghiệp này sẽ đi đến đâu, nhưng rõ ràng, vào cuối câu chuyện có một “lực đẩy vô thức” thúc đẩy việc điện thoại mỗi ngày giữa họ (khi họ gọi điện như “theo quán tính”). Có những dự đoán tin cậy rằng, sự thỏa mãn sẽ không dừng lại, nhưng sẽ phải chuyển sang cấp độ cao hơn nếu không muốn bị trở nên buồn chán, cô đơn trở lại với tình trạng nặng hơn

Với Phân tâm học của S. Freud thì tiến trình trên được dẫn hướng bởi mặc cảm Oedipus/Electrabản năng tình dục hay còn gọi là “dục năng” (mà ông dùng từ “libido” để diễn tả) vốn có sẵn trong con người. 

Còn theo C. G. Jung thì trong cuộc đời mỗi người, có những hoàn cảnh mà người ta phải đối đầu với những thách thức cay nghiệt của cuộc sống, đòi hỏi phải trưởng thành, tự lập, biết thích nghi với hoàn cảnh sống mang đầy khó khăn bực dọc. Trong những hoàn cảnh như thế “người ta thường thích lên giường nằm dài rồi phủ chăn kín đầu…ước mơ trở về với tình trạng được che chở, đùm bọc, âu yếm, nâng niu, tình trạng khỏi phải đối đầu với các vấn đề phiền hà phức tạp, tình trạng phó thác, lệ thuộc, hết trách nhiệm như trong thời thơ bé” [1, 88-89] như nằm trong “lòng mẹ”. Phải chăng trong ví dụ trên, thoạt đầu thầy giáo tìm thấy hình ảnh người mẹ, sự an bình ở người đồng nghiệp nữ của mình.

Vấn đề ở đây là tiến trình hình thành động cơ vô thức ấy như thế nào? Thực sự thì động cơ của hành động “điện thoại chúc ngủ ngon” là một “động cơ vô thức” và câu chuyện trên cho chúng ta hình dung cơ chế hình thành động cơ vô thức.

Có thể tóm tắt, động cơ vô thức được hình thành được hình thành trên nguyên tắc hình răng cưa của S. Freud theo bốn gian đoạn sau:
§  Giai đoạn 1: tìm kiếm một sự thỏa mãn nhỏ (người thầy cần tới sự chia sẻ của mọi người trong giai đoạn buồn sầu của cuộc sống; người đồng nghiệp nữ tìm kiếm sự đồng cảm đối với đồng nghiệp _ đoạn 1 của câu chuyện).
§  Giai đoạn 2: mập mờ (người thầy giáo và đồng nghiệp nữ cho phép mình chia sẻ với nhau nhiều hơn và cảm thấy bình an vì không thấy có điều gì xấu trong quan hệ, sự trong sáng giữa hai người vẫn giữ nguyên _ đoạn 2 của câu chuyện).
§  Giai đoạn 3: thói quen (việc gọi điện thoại trở thành một thói quen “tốt” của hai người đồng nghiệp, bắt đầu từ đây, họ quan tâm đến sự riêng tư giữa hai người nhiều hơn _ đoạn 3 và 4 của câu chuyện).
§  Giai đoạn 4: tự động (việc gọi điện trở nên như “quán tính”, thành thiết yếu với cuộc sống, khi không gọi điện họ cảm thấy như thiếu một điều gì trong cuộc sống _ đoạn 5 của câu chuyện).

Theo S. Freud, khi một trạng thái căng thẳng (do nhu cầu tâm lý) gia tăng đến mức độ nào đó, người ta sẽ đáp lại bằng một hành động để giảm thiểu sự căng thẳng này. Thoạt đầu sự căng thẳng giảm đi và người ta có được sự bình an tạm thời. Nhưng tiếp theo giai đoạn bình an tạm thời, sự căng thẳng lại có thể gia tăng và người ta lại phải cố gắng làm giảm đi bằng một hành động tương tự nhưng với cường độ cao hơn. Chu trình cứ thế lặp lại theo một đồ thị hình răng cưa mà điểm cuối là người ta không còn thấy căng thẳng được giảm thiểu với loại đáp ứng đã thực hiện nữa (vô cảm với đáp ứng đã thực hiện), phải chuyển sang loại đáp ứng khác. Con đường đi của người nghiện (rượu, ma túy có điều gì đó giống như thế).
Cần chú ý rằng, suốt tiến trình trên có một sự “gia tăng liều lượng” của đáp ứng cần thiết để thỏa mãn nhu cầu. Theo A. Cencini thì “sự tăng thêm liều lượng có nghĩa là khả năng cảm nhận niềm vui, sự thỏa mãn giảm đi” [2, 77] và dẫn đến tình trạng “càng làm những việc mình thích thì việc đó cũng sẽ càng làm mất đi sự vui thích của bản thân và “Con người khi đó cảm thấy buồn, không bằng lòng, không thỏa mãn và không thể tự thỏa mãn mình, dễ sinh ra cáu kỉnh, suy nhược, ủ rũ” [2, 78]. Điều này có liên quan gì đến hiện tượng nhiều người trẻ ở thời đại này, dù có đủ mọi thứ nhưng họ vẫn không bằng lòng, vẫn buồn chán? Và như A. Cencini kết luận “tình cảm thỏa mãn chóng qua, cho nên họ phải lặp lại sau đó, không độc đáo, không sáng tạo: thanatos” [2,78] (Thanatos, là từ mà S. Freud dùng để chỉ trạng thái chết về tâm lý khi cá nhân đi đến giai đoạn 4 của quá trình hình thành động cơ vô thức nói trên).

Trong câu chuyện nêu trên, động cơ ý thức mà từ đó hình thành động vô thức nơi hai người đồng nghiệp tồn tại ngay chính nơi người đồng nghiệp của họ.
Nhận xét

Những trình bày trên cho thấy động cơ ý thức và động cơ vô thức được hình thành như thế nào. Nhưng trong giáo dục, vấn đề không chỉ là hình thành động cơ mà thôi, nhưng còn là hình thành động cơ đúng đắn nữa. Thử phân tích lại hai trường hợp trên.
Trong trường hợp thứ nhất, khách thể trở thành đối tượng hoạt động, thành động cơ hoạt động của chủ thể là do kết quả của phán đoán đánh giá của chủ thể đối với khách thể đó (rằng nó có đủ khả năng thỏa mãn nhu cầu của chủ thể).
Trong trường hợp thứ hai, người thầy giáo đi ngày càng sâu vào tương quan với đồng nghiệp là do anh đánh giá rằng sự căng thẳng tâm lý của mình (nỗi cô đơn trống vắng do mất người thân) được giải quyết (bù đắp) nhờ sự chia sẻ của người đồng nghiệp.
Rõ ràng, trong cả hai trường hợp, sự hình thành một động cơ dù ý thức hay vô thức đều phụ thuộc vào phán đoán, đánh giá của chủ thể hoạt động đối với nhu cầu của bản thân, thuộc tính của khách thể (sự vật, hiện tượng) và sự bền vững của thỏa mãn có thể đạt được. Phán đoán đúng sẽ cho động cơ đúng. Phán đoán sai sẽ cho động cơ sai và dẫn đến sự bất nhất. Sự bất nhất này là mâu thuẫn diễn ra bên trong chủ thể, nên nó là mẫu thuẫn nội tâm của chủ thể.
Để nhận biết một phán đoán là đúng hay sai, cần một tiến trình đánh giá lại bản thân, đi ngược từ hoạt động/hành động về đến nhu cầu cũng như bản chất của sự thỏa mãn nội tại của chủ thể. Tuy nhiên, để có thể thực hiện một tiến trình có ý nghĩa, cần có hai điều kiện: sự thành thật và sự thật.
Sự thành thật và sự thật không luôn trùng nhau. Sự thành thật cần đến một lương tâm được huấn luyện đúng đắn, còn sự thật cần đến một lý trí khách quan.
(Còn tiếp) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét