Khi người ta trí thức,
người ta nhìn đời và tất cả mọi thứ đều bằng con mắt duy lý, mọi thứ đều có
thể lý luận, so sánh, đưa ra chuẩn mực, cân nhắc thiệt hơn, và xem coi ai hay
hơn ai… Vì vậy người ta đến với Tâm lý và con người bằng một cái nhìn phán xét
của Quan tòa. Người ta chưa học được sự hài hòa giữa lý trí và con tim.
Khi người ta trí thức,
người ta nghĩ người ta biết hết mọi sự, nên mọi thứ chẳng có gì là quan trọng…
Vì vậy Tâm lý và con người bị đánh đồng mọi giá trị, kinh nghiệm sống cùng những
trải nghiệm chỉ là con số không to tướng. Người ta chưa học được lòng khiêm tốn.
Khi người ta trí thức,
người ta thích thỏa mãn tính hiếu kỳ của trí óc, mọi thứ đều bị đơn giản
hóa và bị góp phần hạ thấp giá trị đích thực của vấn đề… Vì vậy Tâm lý và con
người bị người ta giản lược thành đối tượng của lòng tò mò mà thôi. Người ta
chưa học được sự nhẫn nại và sâu sắc trong tâm hồn.
Khi người ta trí thức,
người ta luôn đặt cái Tôi của bản thân ra trước, nên mọi thứ đều được nhìn
dưới lăng kính của Bản ngã… Vì vậy Tâm lý và con người được hiểu với khuynh hướng
đầy thiên kiến và phiến diện. Người ta chưa học được sự Tĩnh lặng trong tâm hồn
để nhìn ra sự thật.
Khi người ta trí thức,
người ta sợ người khác biết nhiều về mình, nên người ta thường sống bằng một
cái mặt nạ ngày càng được thiết kế công phu và tinh vi… Vì vậy Tâm lý và con
người được hiểu méo mó theo cơ chế phòng vệ mà người ta dựng lên do Nhiễu tâm.
Khi người ta trí thức,
người ta chưa bao giờ có được Tâm rỗng – là Tâm không chứa gì cả, không có
gì choán chỗ, che lấp tầm nhìn, làm mờ đục suy tư. Tâm rỗng là con tim đã trút bỏ hết những gì cản trở, vướng bận.
Khi người ta trí thức,
người ta chưa bao giờ có được Tâm trong –
là Tâm không bị nhuốm màu bởi những ham muốn, thành kiến, cảm xúc và sự chủ
quan… làm vẩn đục. Tâm trong để thấy
rõ hơn, để có thể lựa chọn.
Khi người ta trí thức,
người ta chưa bao giờ có được Tâm tịnh –
là Tâm an, Tâm tĩnh lặng. Tịnh để cảm nghiệm, để thấm thía sâu sắc, để lắng nghe, để
phân biệt được những giá trị và thực chất của mỗi thứ trên đời, và để biết được
chỗ đứng và tầm quan trọng của chúng đối với cuộc sống của bản thân.
Thiện Tâm (sau khi Tham vấn cho trí thức)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét