BS. NGUYỄN VĂN KHUÊ & BS. NGUYỄN MINH
TIẾN
THỰC HÀNH TRỊ LIỆU NHẬN THỨC
Một yếu tố chung cho các mô hình trị liệu nhận thức - hành vi là
nhấn mạnh việc giúp đỡ thân chủ xem xét cách thức mà họ tạo dựng hay hiểu biết
về bản thân và thế giới của họ (nhận thức) và thực nghiệm các cách thức mới mẻ
để đáp ứng (hành vi).
Bằng cách tìm hiểu cách thức riêng mà thân chủ có được những
nhận định về chính mình, thế giới xung quanh và triển vọng tương lai, nhà trị
liệu có thể giúp thân chủ có thể thay đổi các cảm xúc tiêu cực và hành động một
cách thích ứng.
Trong thực tế, trị liệu nhận thức bao gồm những tính chất sau:
• Được cấu trúc tốt, chủ động và định hướng theo vấn đề (problem
oriented)
• Thời gian giới hạn và có chiến lược
• Sử dụng mối quan hệ trị liệu có tính hợp tác.
• Sử dụng các kỹ thuật tâm lý giáo dục (psychoeducational
techniques)
• Trợ giúp việc học tập kỹ năng.
• Sử dụng các câu hỏi theo phương pháp Socrate (Socratic
questioning)
• Đặt nền tảng trên các mô hình xây dựng tư duy và hành vi.
• Sử dụng mô hình ứng phó (coping) và làm chủ (mastery)
Có lẽ điểm mạnh nhất của trị liệu nhận thức là tính cấu trúc
tốt, tính tập trung và định hướng vấn đề. Trị liệu nhận thức cố gắng phát hiện
mục tiêu đặc thù, đo lường được và di chuyển nhanh chóng trực tiếp vào những
lãnh vực đã tạo nên những khó khăn lớn nhất cho thân chủ. Cách tiếp cận này
tương tự với liệu pháp tâm động học (psychodynamic) và liệu pháp tương tác liên
cá nhân ngắn hạn và tạm thời (Crits_Chistoph & Barber, 1991).
Ngoài ra trị liệu nhận thức còn có tính chiến lược (strategic)
và thường có hạn định thời gian (time-limited).
Trị liệu nhận thức chia việc
trị liệu làm 3 giai đoạn: khởi đầu, diễn tiến và kết thúc. Mỗi một giai đoạn
trị liệu có một mục tiêu riêng biệt (Beck & cs, 1975) luôn giữ mục tiêu này
trong tâm trí để có thể tác động lean các vấn đề của thân chủ một cách hệ
thống.
Giống như các hình thức tâm lý trị liệu khác, trị liệu nhận thức cố gắng
cải thiện các tiến trình xảy ra ẩn ngầm đã tạo nên sự khó chịu cho thân chủ.
Tuy nhiên, khác với phương pháp phân tâm, nó có thể sử dụng các kỹ năng tâm lý
giáo dục và tìm cách cung cấp cho thân chủ những kỹ năng để đối phó với các cảm
giác lo âu, trầm cảm, giận giữ, hay cảm giác tội lỗi khi chúng xuất hiện. Nó
không giả định bảo vệ cá nhân khỏi những khó chịu trong tương lai. Lo âu, trầm
cảm và tội lỗi có thể đóng một vai trò cần thiết và thích ứng trong đời sống
con người. Tri liệu nhận thức tìm cách trang bị cho thân chủ những kỹ năng để
hiểu biết và quản lý chúng. Trị liệu nhận thức bao gồm các mô hình làm chủ và
ứng phó.
Một lý do mà cá nhân có thể trải nghiệm sự khó khăn khi ứng phó
với các kích thích bên trong và bên ngoài đó là sự thiếu các kỹ năng cơ bản.
Các kỹ năng nhận thức và hành vi để điều hoà cảm xúc sẽ phát triền theo suốt
quá trình phát triển của cá nhân thông qua sự tương tác được cấu trúc tốt với
những người chăm sóc hỗ trợ cho thân chủ.
Những kỹ năng này bao gồm khả năng
đáp ứng với các tư tưởng gây trầm cảm, lo âu, những kỹ năng quan hệ liên cá
nhân giúp thân chủ ứng phó trong các tình huống xã hội, khả năng điều hành và
duy trì sự chú ý, cùng với khả năng phát hiện các cảm xúc tiêu cực khi chúng
mới bắt đầu trỗi dậy nhờ vậy mà đương sự có thể tiếp cận chúng ngay lúc ấy và
có những hành động thích ứng đối với chúng. Một nhân tố quan trọng của trị liệu
nhận thức là thúc đẩy các kỹ năng và ý thức về năng lực bản thân của thân chủ
để họ có thể thực hiện các yêu cầu cuộc sống hiệu quả hơn, từ đó có được một ý
thức tốt hơn về khả năng kiểm soát cuộc sống và hiệu năng của bản thân. Huấn
luyện các kỹ năng xã hội, huấn luyện thư giãn và các bài tập kiểm soát sự giận
dữ là những ví dụ.
Mối quan hệ trị liệu trong liệu pháp nhận thức
Theo Truax and Carkhulf (1964), một nhà trị liệu có thái độ
nhiệt thành, “không chiếm hữu”, thấu cảm và trung thực sẽ đạt nhiều kết quả hơn
những nhà trị liệu thiếu các thái độ ấy.
Trị liệu nhận thức xác nhận sự quan
trọng hàng đầu của các biến số quan hệ không đặc thù trên, trong sự giúp thay
đổi thân chủ, nhưng đó chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ trong việc cải thiện
kết quả trị liệu. Nghĩa là việc phát triển một quan hệ nồng nhiệt, đồng cảm và
chân thành, theo quan điểm trị liệu nhận thức, không nhất thiết tạo ra sự thay
đổi hành vi và cảm xúc. Mối quan hệ trị liệu nên có tính cách hợp tác. Danh từ
cộng tác trị liệu (therapeutic collaboration) được sử dụng thường xuyên trong
trị liệu nhận thức và liên quan đến một hình thức đặc biệt của mối quan hệ thân
chủ – nhà trị liệu. Nhà trị liệu được coi là người cùng khảo sát
(co-investigator), làm việc với thân chủ để giúp đỡ họ cảm nhận được những trải
nghiệm và cảm xúc của mình bằng cách thăm dò những suy nghĩ, hình ảnh và cảm
xúc của thân chủ.
Các câu hỏi theo cách của Socrate (socratic questioning) thường
được sử dụng như những phương tiện để giúp cho thân chủ hiểu biết được những
suy nghĩ của mình và cách thức mà những niềm tin của họ có ảnh hưởng đến cảm
xúc và hành động. Beck và cs. (1989) đã phát biểu “Mối quan hệ trị liệu được sử
dụng không chỉ là một dụng cụ để làm giảm bớt sự đau khổ mà còn được coi như
một phương tiện để thúc đẩy những nỗ lực chung trong việc thực hiện các mục
tiêu đặc thù.
Mối quan hệ trị liệu trong trị liệu nhận thức rất khác mối quan
hệ trị liệu theo mô hình tâm động học. Nhà trị liệu nhận thức không sử dụng
mình như một “tấm màn trắng tinh” (blank screen) để những xung động và ước muốn
của thân chủ phóng chiếu qua mối quan hệ chuyển di. Tương tự, nhà trị liệu nhận
thức không chấp nhận tính khách quan trong các quan điểm và tầm nhìn của thân
chủ một cách không truy xét. Trong khi đang phát hiện các sai lệch về nhận thức
và tri giác của thân chủ, nhà trị liệu nhận thức khuyến khích thân chủ xem xét
suy nghĩ của mình như là một đối tượng khách quan và lượng giá các giá trị và
tính thích ứng của chúng một cách hợp lý. Những suy nghĩ kém thích ứng và sai
lệch được xem là “giả thuyết” (hypothesis) cần phải trắc nghiệm lại.
Sự hướng dẫn của nhà trị liệu có thể thích ứng trong tiến trình
trị liệu tùy thuộc vào nhu cầu của thân chủ. Với thân chủ trầm cảm nặng bị tê
liệt bởi sự trì trệ tâm vận động và cảm giác tuyệt vọng, nhà trị liệu có thể sử
dụng một vị thế có tính khẳng định hơn và hướng dẫn nhiều hơn. Có thể sử dụng
các can thiệp hành vi để “kích hoạt” thân chủ. Ngược lại, nếu làm việc với
những thân chủ rất thụ động và lệ thuộc thì sử dụng một tư thế ít có tính hướng
dẫn hơn.
Một thân chủ khi nói “Thưa bác sĩ, hãy bảo tôi phải làm gì” hẳn là
người cảm thấy mình không thể đương đầu với những vấn đề thường ngày, và vì thế
đang tìm kiếm sự nâng đỡ và hướng dẫn của người khác. Ở trường hợp này, nhà trị
liệu có thể chuyển cho anh ta một phần trách nhiệm trong việc phát hiện ra các
vấn đề riêng của mình, phát hiện và lượng giá các tư tưởng tự động và phát
triển các bài tập làm ở nhà. Nên tìm cách để khuyến khích anh ta nhận trách
nhiệm điều khiển việc trị liệu và thảo luận với anh ta về sự thụ động của anh
ta đối với nhà trị liệu và đối với những người khác trong cuộc đời của mình .
Mối quan hệ chuyển di (transference relationship) cũng đóng một
vai trò quan trọng trong việc trị liệu nhận thức (Safran & Segal, 1990).
Hành vi của thân chủ đối với nhà trị liệu có thể phản ánh sự hoạt hóa của các
sơ đồ (cũng như nhà trị liệu cũng có những đáp ứng về hành vi và cảm xúc đối
với thân chủ). Những trải nghiệm của thân chủ trong các phiên trị liệu có thể
dùng như chứng cứ để tranh luận về các niềm tin.
Hơn nữa, sơ đồ hoạt hóa trong mối quan hệ trị liệu, bằng nhiều
cách, có thể tương tự như những sơ đồ được hoạt hóa trong mối quan hệ của thân
chủ với người khác. Nhà trị liệu làm việc, bằng cách sử dụng các câu hỏi theo
kiểu Socrate để giúp thân chủ ý thức nhiều hơn về những suy nghĩ, cảm xúc, tri
giác của họ, bao gồm cả những suy nghĩ, cảm xúc, tri giác về mối quan hệ trị
liệu. Những cách thức tương tác của thân chủ đối với người khác có thể được thể
hiện cô đọng bên trong mối quan hệ của họ với nhà trị liệu. Những tình trạng hỗ
loạn, giận dữ, nhẫm lẫn, lo âu, tránh né, ganh tỵ, tuyệt vọng, sợ hãi, giận hờn
và sự thu hút mà người bệnh phô diễn với nhà trị liệu không nhất thiết là phản
ứng lại với các hành vi đặc thù của nhà trị liệu. Theo ý nghĩa trên, cơ cấu
nhận thức của “sự hoạt hóa các sơ đồ” tương tự với khái niệm “chuyển di” của
trường phái phân tâm. Tuy nhiên, lý thuyết nhận thức không cho rằng việc diễn
giải sự chuyển đi là cơ chế của sự thay đổi trong trị liệu, hoặc các tương tác
trong mối quan hệ trị liệu biểu thị của sự tóm tắt của mối tương tác của mẹ và
con lúc còn bé giống như trường phái phân tâm.
Mặc dầu có sự tương đồng cơ bản giữa các tiến trình thay đổi
trong tâm lý trị liệu với các tiến trình phát triển, trị liệu nhận thức không
cho rằng sự thay đổi trị liệu đặt nền tảng trên sự tái cấu trúc những trải
nghiệm phát triển trong bối cảnh quan hệ trị liệu nâng đỡ .
ĐÁNH GIÁ VÀ LÊN KẾ HOẠCH TRỊ LIỆU
Điều kiện kiên quyết cho phép diễn ra sự thay đổi do trị liệu là
cần phải thiết lập được sự hợp tác trị liệu đáng tin cậy. Mục tiêu đầu tiên
trong trị liệu nhận thức là thiết lập mối quan hệ, thông qua sự lắng nghe tích
cực và thấu cảm. Thân chủ cần cảm thấy là họ được lắng nghe và các quan tâm của
họ được hiểu biết và chấp nhận bởi nhà trị liệu. Nhà trị liệu nhận thức khuyến
khích và làm cho thân chủ có thể phát biểu dễ dàng, xúc tiến sự trải nghiệm cảm
xúc trong phiên trị liệu, phát hiện kiểu cách lập lại nhiều lần trong hành vi
và suy nghĩ của thân chủ, chỉ ra sự sử dụng các chiến lược đối phó sai lệch
hoặc các lệch lạc và lôi kéo thân chủ chú ý đến các cảm giác và suy nghĩ mà họ
cảm thấy xáo trộn.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện các can thiệp đặc thù, cần
kiểm tra lại lịch sử phát triển gia đình, xã hội, nghề nghiệp, giáo dục và tình
trạng sức khỏe tâm thần của thân chủ một cách thận trọng.
Những dữ liệu này cần
thiết trong việc giúp đỡ việc chuyển đổi những than phiền hiện tại của thân chủ
thành bản liệt kê các vấn đề để làm việc và hình thành một khái niệm về trị
liệu (Persons, 1989).
Việc thiết lập bảng liệt kê từng vấn đề riêng lẻ sẽ giúp
cho cả thân chủ và nhà trị liệu có được ý niệm về sự trị liệu đang đi đến đâu,
một khung thời gian tổng quát và là một phương tiện đánh giá sự tiến bộ trị liệu.
Sau khi đã nhất trí về bảng liệt kê các vấn đề và một tiêu đích cho việc trị
liệu, một chương trình sẽ được đề ra cho từng phiên trị liệu.
Sự xem xét lại các cảm xúc và trải nghiệm của thân chủ trong các
phiên trị liệu lần trước sẽ liên tục tạo thành một dòng dữ liệu để từ đó phát
triển nên một chương trình trị liệu. Sự nhận dạng vấn đề ở một khâu nào đó
trong chương trình trị liệu sẽ trực tiếp dẫn đến việc cần thiết phải xem xét
các cảm xúc và suy nghĩ của thân chủ trong những tình huống sống mới xảy ra gần
thời điểm đó.
Việc cấu trúc tốt các phiên trị liệu thông qua sự thiết lập một
chương trình trị liệu có thể giúp duy trì các trọng tâm chiến lược của việc trị
liệu. Những vấn đề đặc thù có thể được phát hiện, nhờ vậy nhà trị liệu và thân
chủ có thể sử dụng hiệu quả nhất thời gian của họ. Thiết lập một chương trình
từ lúc bắt đầu trị liệu giúp cho thân chủ và nhà trị liệu mang ra bàn bạc các
vấn đề được quan tâm. Ngoài ra, nó cho phép có sự liên tục giữa các phiên trị
liệu, nhờ vậy các phiên trị liệu không còn là những sự kiện rời rạc, riêng lẻ
nữa mà sẽ trở thành một tiến trình tổng thể chặt chẽ.
Sau đây là một chương
trình tiêu biểu của trị liệu.
1. Thảo luận các sự việc trong tuần qua và cảm giác về vấn đề
trị liệu trước đây.
2. Ôn lại thang điểm tự báo cáo (self-report scales) được thân
chủ điền vào các chi tiết trước mỗi phiên trị liệu.
3. Ôn lại các tiết mục của chương trình còn lại của phiên trị
liệu trước đây.
4. Ôn lại bài tập ở nhà của thân chủ. Thảo luận về những thành
công hoặc những vấn đề của thân chủ khi thực hiện các bài tập ở nhà, cũng như
kết quả của chúng.
5. Các vấn đề hiện tại cũng được đưa vào chương trình. Điều này
có thể bao gồm sự phát triển các kỹ năng đặc thù (ví dụ, các kỹ năng xã hội,
huấn luyện thư giãn, kỹ năng tự quyết) hoặc khám phá các tư duy sai lệch.
6. Ôn tập điều gì đã làm được trong phiên trị liệu hiện nay.
Điều này khiến cho nhà trị liệu có cơ hội để giúp thân chủ làm sáng tỏ các mục
tiêu và những kết quả được hoàn thành từ phiên trị liệu. Triển khai bài tập về
nhà cho phiên trị liệu kế tiếp và chấm dứt phiên trị liệu. Sau cùng, có thể yêu
cầu thân chủ về việc đáp ứng của họ đối với phiên trị liệu.
Các kỹ thuật đánh giá (assessment techniques)
Việc nhận diện những vấn đề đặc hiệu cùng việc đánh giá một cách
khách quan hiệu quả của những can thiệp trị liệu là một phần rất quan trọng của
trị liệu nhận thức. Những công cụ hữu dụng trong đánh giá bao gồm: các bảng câu
hỏi tự báo cáo (self-report questionaires), các thang điểm đánh giá hành vi
(behavior rating scales) và các thang điểm của nhà trị liệu lâm sàng (clinician
rating scales).
Đánh giá các yếu tố mẫn cảm (assessment of vulnerability factors)
Đây là những trường hợp, những tình thế hoặc những khiếm khuyết
có tác dụng làm giảm khả năng của thân chủ trong việc ứng phó hiệu quả với các
yếu tố gây stress cho đời sống, mất đi các cơ hội lựa chọn hoặc bị thất bại
trong việc tìm ra các giải pháp hiện có. Những yếu tố trên làm giảm ngưỡng dung
nạp của thân chủ đối với các tình huống gây stress trong đời sống. Từng yếu tố riêng
lẻ hoặc nhiều yếu tố kết hợp lại có thể sẽ làm tăng khả năng thân chủ có những
ý nghĩ hoặc hành vi tự sát, hạ thấp ngưỡng kích thích gây lo âu, hoăc tăng thêm
tính mẫn cảm của thân chủ đối với các suy nghĩ và tình huống gây nên trầm cảm
(Freeman & Siomon, 1989).
Các yếu tố mẫn cảm điểm gồm :
1. Bệnh cấp tính
2. Bệnh mạn tính
3. Sa sút sức khỏe
4. Đói
5. Giận dữ
6. Mệt mỏi
7. Cô đơn
8. Stress quan trọng trong đời sống hoặc mất đi một nguồn hỗ trợ
quan trọng
9. Khả năng giải quyết vấn đề yếu kém
10. Nghiện rượu, nghiện ma túy, hoặc các kỹ năng ứng phó kém
thích nghi
11. Đau nhức kinh niên
12. Thay đổi hoàn cảnh sống mới
Đánh giá các yếu tố này cho phép hiểu biết toàn diện hơn về các
trải nghiệm đã làm tăng thêm sự khó chịu của thân chủ và giúp phát triển một kế
hoạch trị liệu đặc thù hơn. Các can thiệp có thể hướng về sự tăng cường hỗ trợ,
giảm nhẹ các tác nhân gây stress đặc thù và tăng cường các kỹ năng ứng phó.
Chẩn đoán và lập kế hoạch trị liệu
Bước đầu tiên trong việc phát triển một kế hoạch trị liệu là
phải có khái niệm rõ ràng về các vấn đề cần được giải quyết của thân chủ. Việc
khái niệm hóa này phải dựa trên lịch sử phát triển cá nhân và gia đình của thân
chủ, các dữ liệu trắc nghiệm, tài liệu phỏng vấn và các báo cáo của các nhà trị
liệu và các nhà chuyên môn trước đây.
Sự khái niệm hóa phải thỏa một số tiêu chí sau:
1. Hữu ích
2. Kỹ lưỡng
3. Chặt chẽ về lý thuyết
4. Giải thích được các hành vi quá khứ
5. Có được ý nghĩa của hành vi hiện tại
6. Có thể tiên liệu được hành vi tương lai
Quá trình khái niệm hóa bắt đầu bằng việc biên soạn một bảng
liệt kê vấn đề đặc thù đặt nền tảng trên hành vi, sau đó đặt ưu tiên cho từng
vấn đề.
Một vấn đề đặc biệt có thể trở thành mục tiêu trọng tâm của việc
trị liệu nếu như nó gây hậu quả nặng nề trên thân chủ. Trong trường hợp khác
người ta có thể tập trung vào một vấn đề đơn giản trước, rồi sau đó tạo cho
thân chủ sự tin cậy trong việc trị liệu, và thực hành giải quyết vấn đề chính
yếu. Trường hợp thứ ba, trọng tâm ban đầu có thể đặt vào vấn đề “then chốt”
(“keystone” problem), tức là một vấn đề mà nếu giải quyết được, nó sẽ tạo nên
một “hiệu ứng lan truyền” (ripple effect) giúp giải quyết các vấn đề khác.
Sau
khi đưa ra các mục tiêu trị liệu với thân chủ. Nhà trị liệu có thể bắt đầu phát
triển các chiến lược và các biện pháp can thiệp để tạo cơ hội cho việc thực thi
các mục tiêu. Trị liệu nhận thức tìm cách tiên đoán các vấn đề có thể xảy ra và
cung cấp cho thân chủ các kỹ năng để đương đầu với chúng, như vậy nhà trị liệu
phải phát triển các giả thuỵết về những nhân tố nào đã củng cố và duy trì những
suy nghĩ và hành vi kém chức năng.
Như đã nêu trên, niềm tin được duy trì với
nhiều mức độ mạnh khác nhau. Khi phát triển khái niệm về một vấn đề đặc thù nào
đó, sẽ rất hữu ích nếu nhà trị liệu cùng bàn luận với thân chủ về mức độ mạnh
của những ý nghĩ tự động và các giả định chính yếu mà thân chủ đang tin tưởng.
Các suy nghĩ tự động có bao gồm kiểu nói “Tôi là…”, “Tôi thì…” có thể sẽ rất
khó thay đổi vì chúng thường được coi là một phần của bản ngã của thân chủ.
Chẳng hạn một phụ nữ trẻ – người vì thường xuyên hay than phiền và la hét đã
khiến bản thân phải nghỉ việc và đánh mất vai trò lãnh đạo trong cơ quan của
mình - đã nói như sau “Tôi biết tôi làm cho mọi người phải đề phòng… nhưng tôi
chỉ là tôi và mọi người phải chấp nhận tôi như vậy… Tôi chỉ đang phát hiện ra
các vấn đề mà tôi thấy ở những người có quyền chức, vì vậy họ phải thay đổi
chính họ… tôi không thể thay đổi tôi là ai, ngay cả tôi biết rằng tôi tự hại
mình về điều này… Ngay từ hồi trung học tôi đã được bầu là người hay than phiền
nhất”.
Các khuôn mẫu hành vi và cảm xúc kinh diễn thường được các thân
chủ xem là “một phần của bản thân tôi” (part of me). Giống như người phụ nữ đã
mô tả trên đây, họ sẵn sàng phát biểu “Đây là tôi và đây là cách mà tôi đã luôn
luôn làm như vậy”. Những thách thức đặt ra cho các niềm tin cốt yếu trên đây,
thường khiến thân chủ lo âu, giận dữ và tránh né. Do vậy, sự thách thức các
niềm tin này nên được bắt đầu bằng sự khám phá cẩn thận, đặt nền tảng trên sự
hợp tác hơn là sự đối đầu hoặc tranh luận trực tiếp.
CÁC CAN THIỆP ĐẶC HIỆU
Một số lớn những kỹ thuật nhận thức và hành vi có thể được dùng
để phát hiện và sau đó đặt câu hỏi về lệch lạc trong nhận thức và các sơ đồ ẩn
bên dưới . Những kỹ thuật này được dạy cho thân chủ để giúp họ đáp ứng một cách
lành mạnh hơn. Sự phối hợp đúng đắn các kỹ thuật nhận thức và hành vi sẽ tuỳ
thuộc vào khả năng của thân chủ, kỹ năng của nhà trị liệu, mức độ bệnh lý và
các mục tiêu trị liệu đặc hiệu.
Ví dụ: khi làm việc với các thân chủ liệt
giường, những mục tiêu ban đầu của trị liệu có thể tập trung giúp đỡ thân chủ
thực hiện các công việc tự chăm sóc và việc phân tích công việc cần huấn luyện
thành những bước nhỏ với độ khó tăng dần có thể đạt thành công tốt hơn. Bắt đầu
với các công việc ít khó khăn nhất, sau đó tiến dần từng bước sang các công
việc khó khăn hơn sẽ giúp cho thân chủ ý thức được sự thành công của mình nhiều
hơn.
Trị liệu bằng thuốc có thể là một phần trợ lực quan trọng trong
chương trình trị liệu. Ngược với các điều tin tưởng thông thường, trị liệu nhận
thức và trị liệu bằng hóa dược không loại trừ lẫn nhau, mà có thể phối hợp với
nhau trong một chương trình trị liệu (Wright & Schrodt, 1989; Wright, 1987,
1992).
Ngoài giá trị thay đổi các suy nghĩ không lành mạnh và hành vi kém thích
ứng, đã tạo cho thân chủ cảm giác buồn rầu, lo âu, giận dữ, trị liệu nhận thức
còn có thể sử dụng để phát triển và thay đổi các niềm tin không tốt đẹp về
thuốc men.
Các suy nghĩ như “Điều này chỉ chứng tỏ rằng tôi điên” và “Điều này
nghĩa là có điều gì đó trong não bộ của tôi bị trục trặc” sẽ gây khó chịu và
tạo nên sự không tuân thủ với việc trị liệu bằng thuốc. Nếu chỉ trị liệu bằng
thuốc men, thì không tác động đến suy nghĩ này. Các thuốc chống trầm cảm phải
mất hai tuần mới phát huy tác dụng. Cho nên, việc trị liệu nhận thức có thể
giúp đỡ trong thời gian ngắn và như vậy có thể giúp thân chủ trầm cảm nặng hoặc
lo âu giảm bớt mức độ trước khi thuốc men có hiệu quả.
Ngoài ra, như tác giả
Wright (1992) nhận xét, trị liệu nhận thức có thể trang bị cho thân chủ các kỹ
thuật giải quyết vấn đề, giúp phát triển sự hoạt động tâm lý xã hội tốt hơn và
có thể giảm nguy cơ không lệ thuộc vào chương trình trị liệu thuốc men lâu dài.
Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy rằng trị liệu bằng thuốc có thể
ích lợi trong việc giảm bớt các triệu chứng sinh học của trầm cảm, như mất ngủ,
mệt nhọc và kém tập trung và như vậy có thể giúp các thân chủ trầm cảm nặng
tham gia tích cực hơn trong quá trình trị liệu. Tuy nhiên, cơ chế dẫn đến sự
thay đổi do trị liệu bằng thuốc men vẫn chưa được hiểu hết.
Trong một nghiên
cứu gần đây kết hợp trị liệu thuốc men và trị liệu nhận thức, Simons, Garfield
và Murphy (1984) nhận thấy có sự cải thiện sau khi dùng thuốc chống thấm trầm
cảm ba vòng, biểu hiện bằng sự thay đổi các suy nghĩ không lành mạnh. Đối với
các thân chủ hưng trầm cảm và loạn thần, thường phải sử dụng kết hợp thuốc men
và tâm lý trị liệu nếu thân chủ không đáp ứng với các can thiệp hành vi hoặc
bằng lời nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét