Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

LIỆU PHÁP THÂN CHỦ TRỌNG TÂM (Person-Centered Psychotherapy)

BS NGUYỄN MINH TIẾN

Phần 2


Cái ngã như một tiến trình (Self as Process)



Đối với học thuyết thân chủ trọng tâm, cái ngã không phải là một sự vật hoặc một tác nhân ở bên trong con người, mà là “một trải nghiệm về cính mình như một con người trọn vẹn ở một thời khắc nhất định nào đó”. Cùng lúc ấy, chúng ta định hình nên những ý niệm về chính chúng ta nhằm giúp chúng ta tổ chức lại những gì mình hiểu biết về thực tế cuộc sống, theo cùng một cách thức mà ta dùng để tạo nên những ý niệm về những sự vật khác. 

Cái “ý niệm về bản thân” này (self-concept) là một cấu trúc trong sự hiểu biết mà chúng ta sử dụng như một “tấm bản đồ” để giúp chúng ta “lèo lái” thực tế (Shlien, 1970). Nó có tính chất đa chiều kích, nhưng có hai khía cạnh quan trọng là “cái ngã thực” và “cái ngã lý tưởng”. Cái ngã thực (real self-concept) là hình ảnh của chúng ta về một con người mà ta nghĩ ta thực sự đang là; còn cái ngã lý tưởng (ideal self-concept) là hình ảnh của chúng ta về một con người mà ta nghĩ ta nên là. Một người có chức năng sống đầy đủ sẽ giữ lấy hai khía cạnh trên của cái ngã một cách chừng mực. Sẽ là không lành mạnh nếu chấp giữ vào một cái ngã quá cứng nhắc, vì cái ngã sẽ luôn trưởng thành và thay đổi. Chúng ta sẽ phải điều chỉnh lại ý niệm về cái ngã của mình để phù hợp với những trải nghiệm sống mới, cũng như chúng ta cũng phải sửa đổi các ý niệm khác sao cho phù hợp với những trải nghiệm sống của bản thân.


Lý thuyết về sự phát triển


Mặc dù Rogers có trình bày một số quan điểm về sự phát triển tâm lý, nói chung trường phái thân chủ trọng tâm vẫn không nhấn mạnh vào điều này, tuy nó vẫn hàm chứa một quan điểm về sự phát triển. Đầu tiên, một đứa trẻ được sinh ra đã là một sinh vật năng động, hiếu kỳ, thích khám phá, quan tâm đến việc học hỏi từ thế giới xung quanh và có một mối quan tâm nội tại về sự phát triển những khả năng của chính mình. Đứa trẻ sẽ lắng nghe và học hỏi từ tất cả những trải nghiệm sống của nó: từ cha mẹ, từ các trẻ đồng trang lứa, bà con, hàng xóm, thầy cô và từ những câu chuyện kể... Trẻ đặc biệt quan tâm đến việc học hỏi từ kết quả của những hoạt động mà trẻ tự mình cố gắng thực hiện và khám phá.

Như một cơ thể đang tăng trưởng, đứa trẻ sẽ không “hoàn tất” con đường đi của mình trong vài năm đầu đời. Lý thuyết phân tâm xem những trải nghiệm sống trong những năm đầu đời là có tính “nền tảng”, có vai trò định hình ban đầu và ảnh hưởng đến tất cả các cấu trúc nhân cách về sau. Trường phái thân chủ trọng tâm lại xem con người vẫn liên tục phát triển. Và khi phát triển, con người mang những gì mà mình học được trước đó vận dụng vào việc hiểu chính bản thân mình và thế giới xung quanh. Quan điểm này tương đồng với Piaget hơn là với Freud. Theo quan điểm của Piaget, sự phát triển là một tiến trình trải dài trong đó các giai đoạn sau sẽ phát huy và tổ chức lại những gì đã xảy ra trong các giai đoạn trước. Các ý tưởng và trải nghiệm ban đầu vẫn được bảo lưu nhưng được kết hợp với các cấu trúc thực tại mới hơn, tinh tế hơn, sao cho những dạng thức học tập lúc ban đầu sẽ bị đổi khác đi.



Freud xem sự phát triển có mô hình dưới dạng một kim tự tháp, trong đó những gì học tập được lúc đầu đời sẽ tập trung ở phần đáy, còn những gì đến sau sẽ ở những phần trên cao hơn. Học thuyết thân chủ trọng tâm xem sự phát triển giống như một bộ những “chiếc hộp Trung Hoa”, trong đó thuở ấu thơ được ví như chiếc hộp nhỏ nhất nằm ở bên trong cùng, các giai đoạn sau của đời sống thì giống như những chiếc hộp lớn hơn lần lượt lồng vào chiếc hộp ban đầu, và cứ thế, cứ thế... Mỗi một trải nghiệm sống mới tạo thêm một khung sườn rộng hơn, kiên cố hơn so với những trải nghiệm trước đó và giúp cho cá nhân đó thống hợp tốt hơn.

Ngòai ra, con người còn có khuynh hướng tìm đến sự khám phá và đối đầu với những thử thách hơn là tránh né những đau khổ và hụt hẫng. Các lý thuyết gia tâm động học cho rằng “con người có một khuynh hướng phổ biến là muốn tránh sự đau khổ” (Strupp & Binder, 1984), và trẻ em thường có khuynh hướng muốn chối bỏ, tránh né và dồn nén cảm xúc và những trải nghiệm đau thương. 

Trái lại, Bohart (1995) lại nhận thấy một cách đáng ngạc nhiên về sự cam đảm của các thân chủ của ông khi họ thường xuyên phải đối đầu với những nỗi đau, thách thức và luôn cố gắng làm chủ cuộc sống của họ. Ngay cả trẻ em cũng thường xuyên lập lại những cuộc đối đầu với các sự kiện đau thương và những trải nghiệm gây hụt hẫng để cố gắng làm chủ lấy chúng. Con người chỉ tránh né đau khổ và hụt hẫng khi họ cảm thấy mình đã mất hết năng lực để giải quyết chúng (Bandura, 1986), như trường hợp những trải nghiệm vượt quá sức chịu đựng ở những trẻ em bị xâm hại chẳng hạn.

Khi nào một người có “chức năng sống đầy đủ” (fully functioning)



Rogers và cs. đã phát triển một thang đo lường những thay đổi trong trị liệu, phân mức độ từ chỗ gọi là “rối loạn chức năng” (dysfunctional) cho đến “có chức năng sống đầy đủ” (fully functional). 

Theo Rogers, ở đầu thứ nhất của thang đo biểu thị một chức năng tâm lý cứng nhắc, kiên định, chuyên biệt hóa kém, vô cảm, lạnh lùng; còn ở đầu thứ hai của thang đo là biểu thị cho một chức năng tâm lý được đặc trưng bởi sự chấp nhận thử thách, uyển chuyển và các phản ứng có tính chuyên biệt hóa cao, bởi sự trải nghiệm tức thời những cảm xúc của bản thân và trong thâm sâu chấp nhận những cảm xúc ấy như là của chính mình (Rogers, 1961b). 

Khi con người có chức năng sống đầy đủ, họ sẽ có lối sống mềm dẻo, uyển chuyển: xử lý một cách cân nhắc các sơ cấu nhận thức, kiểm định chúng dựa trên các trải nghiệm, mở lòng chấp nhận các cảm xúc, lắng nghe và học hỏi từ các phản hồi, đối thoại với chính mình và với những người xung quanh, cảm thấy mình có thể tự định hướng cho cuộc đời mình. Ở giữa thang đo là biểu thị cho các chức năng sống ở nhiều mức độ khác nhau.

Chức năng sống đầy đủ có ý nghĩa đơn giản là một con người ở mỗi thời điểm đều vận hành như một quá trình đang tiến triển. Điều này không hoàn toàn có nghĩa là người đó phải hài lòng, mãn nguyện và hạnh phúc (Rogers, 1961a). Một con người sống đầy đủ cũng không có nghĩa là phải luôn “vận hành một cách tối ưu”. Ngay cả khi có chức năng sống đầy đủ, con người vẫn có lúc cảm thấy bế tắc, mất năng lực, không hiệu quả và hụt hẫng. Tuy nhiên, ngay cả những lúc như thế, người ấy vẫn tiếp tục đấu tranh với vấn đề khó khăn của mình, cố gắng học hỏi và tiếp tục đi tới.


Mở rộng quan điểm “nhân vị trọng tâm” sang các lĩnh vực gia đình và nhóm




Quan điểm “nhân vị trọng tâm” đã được mở rộng và áp dụng sang cả lĩnh vực trị liệu gia đình (Lietaer, 1990; Levant & Shlien, 1984) và các nhóm (O’Hara & Wood, 1983). Các nguyên lý chung cũng vẫn tương tự như nhau: những gia đình và nhóm có chức năng sống đầy đủ là những tập thể người có sự giao tiếp cởi mở sao cho tất cả các tiếng nói đều được nghe thấy. Các quyết định được hình thành thông qua các quá trình thảo luận hơn là chỉ máy móc áp dụng các luật lệ, quan điểm hoặc những điều “nên, không nên”. Việc đối thọai và giao tiếp cởi mở có thể giúp huy động được “sự thông thái tập thể”. Trái lại, các nhóm và gia đình có sự trở ngại trong đối thọai thì các thành viên sẽ dễ duy trì một hệ thống các luật lệ, các quan điểm cứng nhắc và dễ có khuynh hướng dẫn đến rối lọan chức năng.


Bệnh lý rối lọan chức năng




Từ quan điểm thân chủ trọng tâm, một hành vi bất thường có thể phát sinh khi một con người không có khả năng vận hành theo một cách thức liên tục phát triển. Các vấn đề tâm lý không phải là do sự sai lầm về niềm tin hoặc nhận thức, và cũng không phải ở chỗ những hành vi ấy có tính không thích nghi hoặc không hiệu quả. Khi con người đương đầu với các thách thức trong cuộc sống, họ cũng có lúc nhận thức sai, ứng xử không thỏa đáng hoặc có những niềm tin lệch lạc. Tuy nhiên, sự rối loạn chức năng chỉ xảy ra khi chúng ta “thất bại trong việc học” từ những thông tin phản hồi và vì thế vẫn bị vướng mắc vào những nhận thức sai hoặc những hành vi không thỏa đáng ấy. Sự rối loạn chức năng chính là sự thất bại trong việc học hỏi và thay đổi. 

Theo quan điểm thân chủ trọng tâm, có ba cách giải thích liên quan đến việc vì sao sự thất bại này xảy ra, đó là sự thiếu hài hòa (incongruence), không thể tồn tại như một tiến trình (failure to be in process) và khó khăn trong việc xử lý thông tin.

·  Thiếu hài hòa

Quan điểm phổ biến nhất về sự rối lọan chức năng theo trường phái thân chủ trọng tâm là: hành vi bất thường phát sinh do sự trái ngược, mâu thuẫn giữa một bên là ý niệm về cái ngã và bên kia là những trải nghiệm sống. Ví dụ, Janet là một sinh viên giỏi ở trường đại học. Trong hình ảnh về bản thân (self-image), cô muốn mình sẽ trở thành một bác sĩ. Tuy nhiên, trong các giờ học môn sinh và môn hóa cô lại có những trải nghiệm rất xa lạ và không như ý muốn, và sự mâu thuẫn này đã khiến cho cô phiền lòng.

Tuy nhiên, không phải sự mâu thuẫn này làm nên tình trạng rối lọan chức năng, mà là do ở cách thức đương sự đáp ứng và cố gắng giải quyết sự trái ngược này. Nếu các cấu trúc trong nhận thức được đương sự xử lý một cách chừng mực thì người ấy sẽ có khả năng thống hợp lại các khía cạnh có tính đối lập nhau bên trong cái ngã của mình, và chính từ khả năng thống hợp này mà sự sáng tạo mới có thể được nảy sinh. Nhưng nếu các khía cạnh đối lập nhau trong ý niệm về cái ngã vẫn còn được lưu giữ một cách cứng nhắc, tiến trình thống nhất và tổng hợp này sẽ bị bế tắc.



Con người thường học cách bảo lưu các thành phần của cái ngã một cách cứng nhắc do bởi cha mẹ họ, các giáo viên và nền văn hóa của họ áp dụng những “tiêu chuẩn đánh giá” đối với họ. Đó là, họ chỉ cảm thấy mình có giá trị khi tuân theo những chuẩn mực và giá trị của người khác. Điều này khiến cho họ dễ chấp nhận một cách cứng nhắc những “điều nên làm” khi xem xét những cách thức sống mà họ được người khác trông đợi. Một khi có sự thiếu hài hòa giữa những điều răn cứng nhắc và những trải nghiệm thật sự của bản thân, họ sẽ không thể thách thức những điều răn ấy, và vì thế họ sẽ có khuynh hướng đáp ứng lại bằng cách chối bỏ những trải nghiệm thực của mình hoặc tìm cách diễn giải chúng khác đi. Khi không còn khả năng lắng nghe những trải nghiệm của chính mình thì họ đã lấy đi sức mạnh của chúng. Để rồi sau đó, họ chỉ có thể chủ yếu dựa vào những “điều răn” để hướng dẫn cho sự chọn lựa của mình. Khi nỗi lo âu và tính không hài hòa không được giải quyết, đương sự sẽ dần dần cảm thấy bất lực và trở nên trầm uất.

Janet, trong ví dụ trên, qua nhiều năm đã được “lập trình” bởi chính cô, bởi cha mẹ cô và bởi các giáo viên của cô, để trở thành một bác sĩ. Để theo đuổi chương trình này, cô đã phải bỏ qua những cảm xúc không phù hợp khi tham dự những lớp học môn sinh và môn hóa. Điều này dường như cũng đã ảnh hưởng lên nhân cách của cô, khiến cho bạn bè cũng cảm nhận cô như một người xa cách và hay phòng vệ. Nhưng đến một ngày kia, Janet đến lớp với một vẻ hoàn toàn khác: cởi mở, nhiệt tình và thân thiện. Cô bảo với mọi người rằng cô đã có một quyết định quan trọng của riêng mình: cô sẽ thay đổi chuyên ngành học của mình sang lĩnh vực nghệ thuật. Cô bộc bạch rằng sau cùng cô đã bắt đầu lắng nghe các trải nghiệm của mình và nhận thấy rằng thật tâm cô không muốn trở thành một bác sĩ. Chính việc tin tưởng vào trải nghiệm của chính mình đã cho phép cô tự mở ra những con đường đi mới.

Vấn đề của Janet là ở chỗ cô đã cứng nhắc chấp giữ một niềm tin rằng mình phải trở thành một bác sĩ. Khi cô xem xét niềm tin ấy một cách đúng mực và đánh giá nó dựa trên chính những trải nghiệm của mình, cô đã chọn quyết định thay đổi ngành học. Tuy nhiên, cô cũng có thể đi theo hướng ngược lại: đó là tiếp tục chọn việc học để trở thành một bác sĩ ngay cả khi cô không thích học sinh và học hóa. Và điều quan trọng ở đây là Janet  đã đặt ra các câu hỏi và thách thức các cấu trúc nhận thức của mình.

Sự thiếu hài hòa có thể xảy ra dưới nhiều hình thức. Một số người đã khái quát hóa các ý niệm tiêu cực về cái ngã và phán xét chúng một cách khắc khe về mọi lĩnh vực. Điều này đã dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, ví dụ như những hành vi chống đối xã hội và rối loạn nhân cách. Một số người khác có thể cảm thấy sự thiếu hài hòa chỉ trong một số lĩnh vực chuyên biệt nào đó, ví dụ không thể chấp nhận được cản xúc giận dữ chẳng hạn. 

Gần đây, Speierer (1990) đã cố gắng chuyên biệt hóa các lọai thiếu hài hòa khác nhau trong các lọai rối lọan tâm lý khác nhau. Ông cho rằng các thân chủ bị trầm cảm chủ yếu là do sự chấp giữ những ý niệm về cái ngã quá hoàn hảo, trong khi đó những bệnh nhân hysterie lại chấp giữ cứng nhắc và thái quá những khía cạnh tích cực trong hình ảnh về bản thân khi họ cố gắng xuất hiện trước người khác theo một cách thức nhất định. Tuy nhiên, các nhà trị liệu theo trường phái thân chủ trọng tâm tin rằng mỗi cá nhân đều có tính độc đáo và không thể có một quy luật bất biến nào có thể quyết định lọai thiếu hài hòa nào sẽ gây nên lọai rối loạn nào.

·  Không thể tồn tại như một một tiến trình

Quan điểm này có thể xem như một sự mở rộng của ý tưởng về sự thiếu hài hòa. Khi tư tưởng của Rogers thay đổi, ông ngày càng tập trung nhiều hơn vào ý tưởng cho rằng sự rối lọan chức năng có liên quan đến mức độ mà con người không tồn tại (không sống) như một tiến trình.



Gendlin cũng cho rằng tâm bệnh bắt nguồn từ việc thất bại của con người không thể sống như một tiến trình. Những người trải qua các vấn đề về tâm lý là những người “thiếu tập trung” (Gendlin, 1969). Đó là vì họ đã không chú tâm vào “dòng chảy” của những trải nghiệm theo một cách thức có thể giải quyết các vấn đề của họ một cách sáng tạo. Thay vì lắng nghe một cách thấu cảm nội tâm của mình, họ lại khắc khe phê phán các cảm xúc và phản ứng của chính họ, bằng cách tự “lên lớp” bản thân, phân tích bản thân hoặc cố gắng tự “thiết kế lại” bản thân (Gendlin, 1964). Trong những trường hợp nghiêm trọng, như tâm thần phân liệt chẳng hạn (Gendlin, 1967), người bệnh có thể cảm thấy đời sống nội tâm của chính mình quá hỗn độn, quá “bệnh”, khiến sau cùng họ cũng quay mặt đi với chính nội tâm của họ và cho rằng chẳng có gì đáng tin ở đó cả!

·  Các quan điểm về xử lý thông tin


Vào năm 1974, Wexler và Rice đã xuất bản một quyển sách trình bày về một số quan điểm về vấn đề xử lý thông tin trong liệu pháp thân chủ trọng tâm. Ý tưởng của Rogers và Gendlin đã được viết lại bằng ngôn ngữ của tâm lý học nhận thức. 

Mỗi cá nhân con người đã phát triển nên những sơ cấu (schemata) trong nhận thức của mình để tổ chức lại các nguồn thông tin từ thế giới bên ngoài. Việc một người có chức năng sống đầy đủ bao gồm khả năng đồng hóa (assimilation) liên tục các thông tin này vào trong các sơ cấu, tạo nên những cấu trúc hiểu biết chuyên biệt hơn, thống hợp hơn. Tâm bệnh được xem là bắt nguồn từ những hệ thống các sơ cấu kém chuyên biệt và có tính cứng nhắc, khiến con người mất khả năng thống nhập các nguồn thông tin mới. 

Một tiến trình quan trọng trong sự tạo lập các cấu trúc hiểu biết chuyên biệt hơn, thống hợp hơn đó là sự “chú tâm” (attention). Nếu con người thất bại trong việc chú tâm một cách hiệu quả vào các nguồn thông tin mới thì sẽ dẫn đến sự tồn tại một cách kiên định của những cấu trúc hiểu biết cũ (Anderson, 1974). Toukmanian (1990) cũng đã chỉ rõ rằng những người có vấn đề thường thất bại trong việc gỡ bỏ các suy nghĩ có trước của họ, và vì thế không thể chú ý đến các nguồn thông tin mới rất phong phú. Ngoài ra, họ cũng thất bại trong việc xây dựng những giả thuyết để họ có thể chọn lựa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét