Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

TIẾN TRÌNH THÀNH NHÂN - Phần 01




Xin giới thiệu đến các bạn tác phẩm TIẾN TRÌNH THÀNH NHÂN (On Becoming a Person) của tác giả Carl Ransom Rogers (1902 - 1987) - một trong những nhà tâm lý trị liệu người Mỹ có ảnh hưởng nhất trong số những nhà sáng lập của trường phái Nhân văn trong Tâm lý học (Wikipedia).

Tác phẩm này của ông được coi như là một giáo trình không thể thiếu đối với các nhà tham vấn tâm lý tương lai. 

                    Carl Ransom Rogers (1902 - 1987)

Với trường phái tiếp cận Thân chủ trọng tâm (client-centered approach), Carl Rogers được xem như là một trong những người sáng tạo, đặt nền tảng cho việc nghiên cứu về Tâm lý Trị liệu và được giải thưởng danh dự do Hiệp Hội Tâm lý Hoa Kỳ (American Psychological Association - APA) trao tặng năm 1956. 

Bản dịch sau đây là của Tiến sĩ Tô Thị Ánh và Vũ Trọng Ứng. 

Tiến sĩ Tô Thị Ánh (+2007) là nữ Tiến sĩ ngành Tâm lý Trị liệu đầu tiên của Việt Nam. Cô cũng là một trong những học trò đầu tiên người Việt Nam được Giáo sư Carl Rogers đích thân hướng dẫn luận văn Tiến sĩ. 


LỜI GIỚI THIỆU CỦA DỊCH GIẢ:

Tôi hân hạnh được giới thiệu quyển Tiến Trình Thành Nhân, bản dịch từ “On becoming a Person”, một cuốn sách rất nổi tiếng của nhà tâm lý Hoa Kỳ, Carl Rogers.

Carl Rogers sinh năm 1902 tại Oak Park, một vùng ngoại ô của Chicago. Ông bước vào ngành hướng dẫn trẻ em và trị liệu năm 1928. Sau khi đỗ bằng Tiến sĩ tâm lý, ông phụ trách Phân khoa Nghiên cứu Tâm lý trẻ em tại Đại học Rochster. Từ năm 1940 trở đi, Roger được mời dạy tại các Đại học Ohio (1940-1945), Chicago (1945-1947) và Wisconsin (1957-1963).

Những nét chính trong phương pháp trị liệu của ông thành hình trong mười năm kinh nghiệm với trẻ em và người lớn, được trình bày trong cuốn “Counseling and Psychotherapy” (Hướng dẫn và Tâm lý trị liệu) 1942. Sau đó một thời gian, ông hệ thống hóa tư tưởng của mình và đặt tên cho đường hướng trị liệu mới mà ông đã vạch ra trong cuốn “Client – Centered Therapy” (Thân chủ Trọng tâm Trị liệu) xuất bản năm 1951.

Mười năm sau, với quyển “On Becoming a Person” (Tiến Trình Thành Nhân) 1961, Rogers cho in những bài diễn thuyết tiêu biểu nhất cho suy nghĩ của ông trước những vấn đề khoa học, triết học, tâm lý, giáo dục, xã hội, được đặt ra cho một nhà tâm lý học và trị liệu trong hơn ba mươi năm (1928-1961). Mặc dù sau này Rogers có viết thêm rất nhiều, nhưng cuốn “On Becoming a Person” đã có một ảnh hưởng rất lớn khắp thế giới và được coi như sách giáo khoa trong ngành Tâm lý trị liệu.

Từ năm 1964 cho đến khi ông qua đời (1987), Rogers sống tại La Jolla, California, nơi ông đã sáng lập “Trung tâm nghiên cứu con người” (Center for Study of the Person). Trung tâm này gồm có 40 chuyên viên tâm lý, xã hội, giáo dục. Họ gặp nhau thường xuyên để trao đổi kinh nghiệm và thực hiện nhiều chương trình chung, hướng về mục tiêu nhân bản. Cùng lúc, Rogers tiếp tục giảng dạy, trị liệu, hội họp, điều hành những “nhóm gặp gỡ căn bản” (basic encounter group), vẽ tranh, chụp ảnh, làm vườn và viết sách báo.


Ngoài những bài đăng trên báo chí, ông đã xuất bản: “Person to Person” ( Người với Người) 1967; “Freedom to Learn” (Tự do học hỏi) 1969; “Carl Rogers on Encounter Group” (Carl Rogers nói về Nhóm gặp gỡ) 1970; “Becoming Partners: Marriage and Its Alternatives” 1972 ( Trở thành đồng nhiệm: Hôn nhân và những lựa chọn khác); “Carl Rogers on Personal Power” (Carl Rogers nói về Quyền lực con người) 1977; “A way of Being” (Một nếp sống) 1980.

Những năm sau này, Rogers được mời đi hướng dẫn những nhóm gặp gỡ căn bản ở Nam Mỹ, Âu châu, Nga và Phi châu. Ông đang dự định đi Nam Phi hè năm 1987, thì qua đời vào tháng 2 năm đó.

Lúc đương thời, ông nhận được nhiều bằng chứng cho thấy rằng công trình của ông hơn 50 năm qua trong ngành Tâm lý trị liệu đã giải thoát nhiều cuộc đời khỏi bóng tối dày đặc tâm bệnh. Đồng thời, những khám phá của ông về Tâm lý xã hội, Năng động nhóm, Tương quan giữa con người, đã khơi dậy những thái độ mới trong cách sống và liên hệ với tha nhân. Trong lĩnh vực đó, ảnh hưởng của ông cũng sâu đậm và rộng lớn.

Phương hướng Tâm lý trị liệu của Rogers rất gần gũi với Á Đông: bản chất con người là thiện, với những khuynh hướng tiến đến phát triển tiềm năng và xã hội hóa. Nhưng có những người bị vướng mắc chỗ nào đó và cần được trợ giúp để tìm lại động lực căn bản nơi mình. Phương pháp Rogers đặt trọng tâm nơi thân chủ, tin tưởng sức bật dậy nơi con người, và cung cấp mọi điều kiện để giúp thân chủ đối diện với chính mình hầu giải tỏa sự bế tắc của bản thân.

Quyển “On Becoming a Person” gồm 21 chương. Chúng tôi đã chọn 14 chương để cho ra mắt độc giả trong ấn phẩm đầu này. Bảy chương còn lại, đào sâu những vấn đề triết học và nghiên cứu, chúng tôi hy vọng sẽ có dịp bổ sung cho những độc giả có yêu cầu muốn biết trọn nguyên bản.

Trước khi dứt lời, tôi muốn bày tỏ lòng cảm phục đối với một người thầy vô cùng lỗi lạc và cũng hết sức khiêm tốn. Với ông, mọi người dám là mình, vì ông không có mảy may phòng vệ, ông đón nhận người khác và cuộc sống như nó hiện ra ngay lúc đó, trong một bầu không khí phóng khoáng, lộng gió, tươi mát và hồn nhiên.

Vào mùa thu 1986, ông đã sang Matxcơva để đáp lại lời mời của các nhà tâm lý và đây là cảm tưởng của hai người đã đón tiếp ông: “Thế giới có những người thông minh kiệt xuất, còn Rogers là người có phẩm chất nhân cách kiệt xuất. Chúng tôi lần đầu tiên thấy một con người tự do bên trong, thật sự chân thành với bản thân và với mọi người.” (A. Orlov và L. Radzikhoski).

Giờ đây xin trân trọng mời bạn đọc tiếp xúc trực tiếp với tác giả và mong rằng bạn cũng sẽ có được sự hứng thú mà chúng tôi cảm thấy, mỗi lần giở những trang chân thật, đơn sơ, thâm trầm và đầy tình người này.

TPHCM mùa xuân 1992,
Tô Thị Ánh – Tiến sĩ tâm lý







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét