Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

LIỆU PHÁP GESTALT (Phần 02)


BS. NGUYỄN MINH TIẾN

Phần 02

BỆNH LÝ VÀ RỐI LOẠN CHỨC NĂNG


Con người học tập được từ sự trải nghiệm. Rối loạn chức năng xảy ra khi khả năng nhận biết không phát triển theo yêu cầu và những kiểu mẫu hành vi thì lại hạn chế khả năng tăng trưởng, không cho phép cá nhân cảm thấy hài lòng, hoặc lập đi lập lại tình trạng gây hủy hoại về mặt xã hội. Cơ chế nhận biết nguyên thủy không phát triển sẽ gây gián đoạn cho việc tạo lập sự lưu tâm đến một Ảnh (figure) khiến cho nó không trở thành chủ đề được ý thức nhận biết. Tiến trình gián đoạn khả năng nhận biết tự nó cũng có thể được định vị trở thành một Ảnh và thông qua sự “nhận biết về khả năng nhận biết” mà tiến trình học tập có thể được bảo tồn. Khi tiến trình nhận biết không được bảo tồn, việc học tập sẽ không xảy ra và các hành vi lành mạnh không được hình thành; khi ấy việc trị liệu sẽ được chỉ định.

Các hành vi bị gián đoạn thường bắt đầu có từ tuổi thơ bé, khi mà đứa trẻ không được hỗ trợ đầy đủ hoặc khi mà đứa trẻ được bảo bọc quá mức, không có điều kiện để trải nghiệm và học tập được từ những hệ quả tự nhiên của những hành vi của chính mình.
Sự gián đoạn xảy ra cả trên bình diện tâm trí lẫn bình diện cơ thể. 

Ví dụ khi một người trở nên sợ hãi hoặc ngượng ngùng, người ấy sẽ tìm cách ngăn trở khả năng nhận biết những cảm xúc này bằng cách mỉa mai, châm biếm. Anh ta nghĩ rằng mình “đang đùa cợt”. Trên bình diện cơ thể, khả năng nhận biết cũng bị né tránh bằng cách làm gián đoạn những tiến trình hỗ trợ cho sự linh hoạt về mặt cảm xúc. Ví dụ, một người khi cố gắng ngăn trở sự nhận biết về cảm xúc buồn bã hoặc muốn kiềm giữ cho không khóc có thể sẽ cắn chặt hàm răng hoặc nhắm nghiền mắt lại. Cơ chế của những hành vi né tránh ấy lại có thể làm phát sinh thêm các khó khăn mới, ví dụ nó sẽ gây nên chứng đau đầu do căng thẳng (tension headaches).

Khi trong Trường hiện tại xảy ra sự gián đoạn khả năng nhận biết thì sự gián đoạn này thường có liên quan đến các “đối tượng được nội tâm hóa” (introjects), những ký ức và những “vụ việc chưa hoàn tất” (unfinished business) tức là những cảm xúc chưa được giải quyết hoặc những nhu cầu chưa được thỏa mãn. Điều này cũng giải thích được phần lớn những hiện tượng chuyển di (transference). Ví dụ một nữ thân chủ có thể nhận thấy nhà trị liệu của cô là một người nhiệt tình và rộng lượng, nhưng cô có thể không tin ông ta bởi vì trước đây người cha nghiện rượu của cô cũng thể hiện vẻ nhiệt tình và rộng lượng giống như vậy nhưng rồi có thể đột ngột công kích cô một cách vô cớ.

Rối loạn các đường biên giới

Khi chu trình tạo lập một Ảnh bị gián đoạn hoặc bị bóp méo, khi đó sẽ có sự rối loạn trong khả năng nhận biết và rối loạn tại đường biên giới tiếp xúc giữa người ấy với phần còn lại của Trường. Một số người có thể làm gián đoạn chu trình tạo lập một Ảnh bằng cách nhanh chóng chuyển sang chú tâm đến một Ảnh mới trước khi Ảnh cũ được đầu tư một cách đầy đủ. Ví dụ một cô gái nọ rất sôi nổi và thích gợi chuyện, gần như có mặt khắp nơi trong một gian phòng nhưng lại không ở lại với ai đủ lâu để có thể có được một cảm nhận đầy đủ về bản ngã của cô cũng như để có thể có được một sự kết nối với người khác. Cô gái ấy là ví dụ minh họa cho một trường hợp thay đổi quá nhanh trong sự đầu tư vào các Ảnh (figure). Trong một ví dụ khác, một thanh niên lại thể hiện tính chất đầu tư quá lâu vào một Ảnh: anh ta thường kéo dài giai đoạn làm rõ một Ảnh khiến cho Ảnh vẫn tiếp tục được làm rõ đến từng chi tiết mà chẳng bao giờ chuyển sang một hành động nào cả. Mọi người đều nhận thấy anh ta như một người có tính ám ảnh, quá nguyên tắc và dễ bị lạc lối trong các tiểu tiết.

Tiếp xúc, Hòa lẫn và Tách biệt (Contact, Confluence and Isolation)

Một sự tiếp xúc với Trường được xem là tốt nếu như các đường biên giới có đủ tính chất kép đã được bàn đến ở phần trên: vừa kết nối và vừa tách biệt. Khi một người bị mất đi cái cảm nhận về sự kết nối với thế giới xung quanh, người đó đang sống cô lập. Một người cô lập không có những tương tác tốt với xung quanh và cũng không tương tác tốt với chính họ. Trái lại, nếu mất đi cảm nhận về sự tách biệt thì người đó đang hòa lẫn mình với người khác, phụ thuộc vào người khác.

Nhập tâm phóng chiếu (introjection and projection)

Mặc dù quá trình nhập tâm (introjecting) là có tính lành mạnh trong việc học tập những tình huống mới và nó rất cần thiết trong thời thơ ấu, nhưng những đối tượng được nhập tâm (introjects) nào còn nằm ngoài tầm nhận biết thì lại là thành phần cốt yếu của cơ chế hình thành bệnh lý. Ví dụ, nếu một đứa trẻ nhập tâm ý tưởng rằng ‘‘Nếu không thể nói được điều gì hay ho thì tốt nhất là nên im lặng’’ thì điều này sẽ có ảnh hưởng đến tính quyết đoán của trẻ sau này khi cuộc sống cần đến khả năng ấy.

Phóng chiếu hay ngoại hiện thì trái ngược với nhập nội. Trong khi nhập tâm là quy những gì của người khác vào trong cái ngã; thì phóng chiếu là tiến trình quy những gì của mình cho người khác. Phóng chiếu ngăn trở một con người trải nghiệm được những nét tính cách của cái ngã bằng cách quy nó cho người khác. Có nhiều người đôi lúc tự ngăn trở việc nhận biết những cảm xúc ganh ghét của bản thân mình bằng cách suy nghĩ (phóng chiếu) rằng những người khác đã thể hiện thái độ thù địch với mình. Sự phóng chiếu có thể thay đổi theo nhiều mức độ khác nhau về tính chính xác, tuy nhiên nó luôn có chức năng làm trở ngại cho sự nhận biết bản thân.

Hồi hướng và Chuyển hướng (Retroflection and Deflection)

Hiện tượng hồi hướng và chuyển hướng có thể xảy ra về sau trong chu trình nhận biết. Nếu trong quá trình nhập tâm và phóng chiếu, sự nhận biết bị gián đoạn trước khi đương sự trải nghiệm được những cảm xúc và các xung năng như là của chính mình, thì trong hồi hướng và chuyển hướng, đương sự vẫn chấp nhận các xung năng là của chính mình nhưng thay đổi chiều hướng hoặc mức độ tác động của nó. Việc này có thể cho phép đương sự chấp nhận những ước muốn của chính mình và có thể điều chỉnh lại những đáp ứng sao cho thỏa mãn những nhu cầu của hoàn cảnh sống.
Trong quá trình hồi hướng, các xung năng và ước muốn được chuyển từ bình diện liên cá nhân (interpersonal) sang bình diện nội tâm (intrapsychic); nghĩa là một điều mà đương sự muốn mình làm cho người khác hoặc muốn người khác làm cho mình sẽ được chuyển hướng thành điều mà đương sự tự làm cho chính mình. Ví dụ trường hợp một người đang giận dữ vẫn cố kiềm giữ tình huống ở mức an toàn để không có những hành động bột phát, hoặc trường hợp một người muốn có những cảm giác dễ chịu sẽ làm những động tác tự kích thích bản thân.

Chuyển hướng là quá trình làm giảm đi tác động của sự tương tác hoặc theo hướng từ người khác đến bản thân hoặc theo hướng từ bản thân đến người khác. Mỉm cười để giảm nhẹ một thái độ chỉ trích hoặc giận dữ là một ví dụ. Phớt lờ hoặc xem nhẹ một sự giao tiếp là cách chuyển hướng đối với một tình huống giao tiếp đang xuất hiện. 

Chuyển hướng có thể là một khả năng quan trọng giúp bảo vệ cho cái ngã cũng như cho tình huống sống. Những người không chuyển hướng cho những thái độ gây hấn ra bên ngoài (outgoing aggression) có thể làm cuộc sống của những người khác thêm khó khăn; trong khi những người không chuyển hướng cho những thái độ gây hấn hướng vào bên trong (incoming aggression) có thể trở thành những người dễ bị tự ái.

Tiếp cận trị liệu các chứng lo âu theo kiểu gestalt


Với cơ sở triết lý được định hướng theo các tiến trình của trường phái Gestalt, chứng lo âu được tiếp cận dựa trên tiến trình hơn là dựa trên bối cảnh của lo âu. Lo âu được xem là trải nghiệm về một sự phấn khích bị gián đoạn hoặc không được hỗ trợ (khi cuộc sống phải bị đè nén chứ không được nâng đỡ). Khi lo âu, một người sẽ mất đi cảm giác ‘‘tập trung vào hiện tại’’ và sẽ có khuynh hướng ‘‘tương lai hóa’’ (futurizing) các sự việc, từ đó tạo nên những tiên đoán có tính tiêu cực, diễn giải sai lầm và hình thành những niềm tin phi lý. Khi lo âu, người ấy tập trung vào một cái gì đó không có ngay trong hiện tại, vì thế anh ta sẽ không thể tập trung năng lượng đầy đủ để hỗ trợ cho việc thực hiện các hoạt động và hoàn tất được một gestalt (ảnh không liên quan đến nền, trải nghiệm không liên quan đến bối cảnh).

Sự bế tắc (impasse)

Khi những sự hỗ trợ thông thường bị mất đi mà những sự hỗ trợ mới chưa được khỏi động, người ta sẽ không biết mình liệu có đủ sự hỗ trợ cần thiết để có thể tiếp tục tồn tại hay không. Sự bế tắc xảy ra khi hình ảnh về bản thân (self-image) trở nên cứng nhắc, sai lầm và không còn vai trò trong việc tạo dựng một cuộc sống an toàn nữa. Khi một người không còn giữ được hình ảnh bản thân mình như trước đây lúc đó anh ta sẽ cảm thấy bế tắc.

Người bị bế tắc sẽ bị mắc mứu vào những tình thế mà anh ta xem là đáng sợ, không có khả năng quay lui và lo sợ mình sẽ không thể sống nổi nếu tiếp tục đi tới. Họ bị tê liệt, với những năng lượng tâm trí bị phân chia, dằn xé và chống đối nhau, giống như một tài xế giữ một chân đạp ga chân kia đạp thắng vậy! Tình trạng này thường được mô tả bằng những hình ảnh ẩn dụ như ‘‘trống vắng’’, ‘‘đen tối’’, ‘‘đứng bên bờ vực’’, ‘‘lọt vào xoáy nước’’ hoặc ‘‘bị nhấn chìm’’.

Người đang trải qua sự bế tắc sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ để có thể tồn tại. Sự tồn tại đích thực là sự tồn tại với sự nhận thức chính xác, có khả năng đặt cái ngã thực sự của mình vào trong thế gian vào nhìn thấy người khác một cách đúng đắn. Nó được thể hiện thông qua sự sống động, những gestalt hoàn tất, hiểu biết và làm rõ những điều gì là quan trọng. Khi sự hỗ trợ không đầy đủ, khả năng hoàn tất những việc này sẽ thất bại.

Định đề nghịch lý về sự thay đổi

Có một nghịch lý là khi một người càng cố gắng để trở nên cái mà anh ta không thực sự là thì anh ta càng giữ nguyên trạng như cũ không thay đổi. Sự tăng trưởng thực sự không xảy ra khi một người ghét bỏ hoặc từ chối cái ngã của chính mình, mà nó chỉ xảy ra khi người đó nhận biết rõ cái thực tại mà họ đang là. Càng nhận biết rõ bản thân, nhận biết rõ hoàn cảnh và tính cách của mình thì một người mới có thể đi trên con đường tăng trưởng. Khi sống với toàn bộ bản ngã thật của mình, một người mới có thể thực hiện được những hành vi mới và học tập được từ những tiến trình.

Con người thường hạn chế khả năng tăng trưởng của mình bằng cách đồng hóa mình với những cái ngã ‘‘giả’’ (hoặc quá tự cao hoặc quá xấu hổ về hình ảnh bản thân). Cố gắng giữ lấy hình ảnh cái ngã giả tạo này sẽ ngăn trở người ấy tăng trưởng và không ở trong ‘‘cái toàn thể’’. Sự nhận biết cách thức tồn tại của chính mình sẽ bao gồm cả việc thấy được bản thân mình là một con người đáng được yêu thương và trân trọng ngay cả khi vẫn còn nhiều thiếu sót và vẫn phải học hỏi thêm nhiều điều. Những người biết tôn trọng bản thân có thể nhận ra được những hành vi nào là không hiệu quả hoặc gây tổn thương cho người khác mà vẫn không mất đi cái cảm nhận về giá trị của bản thân mình.

Trái lại, cảm xúc đi kèm theo sự cảm nhận rằng mình ‘‘không đạt’’ hoặc ‘‘không được’’ chính là sự hổ thẹn. Trước khi giúp một người có khuynh hướng hổ thẹn nhận biết được một cách đầy đủ về bản thân, điều cần thiết là phải thực hiện một số công việc đặc biệt để tác động vào tiến trình hổ thẹn của họ (Yontef, 1993).

THỰC HÀNH

Cấu trúc cơ bản của liệu pháp

Liệu pháp Gestalt có một khung lý thuyết có tính tổng hợp, được thiết kế để có thể dung nạp những ý tưởng, quan sát và kỹ thuật từ nhiều nguồn khác nhau và hợp thành một phương pháp với đặc điểm có cùng một triết lý chung nhưng đa dạng về mặt kỹ thuật. Nhà trị liệu Gestalt được yêu cầu phải hiểu biết về thân chủ và mối quan hệ, nắm vững phương pháp, có thể sáng tạo hoặc vay mượn bất cứ kỹ thuật trị liệu nào có thể giúp họ cảm nhận được những gì cần được khám phá và cho phép thân chủ tiếp tục đi tới trên con đường tăng trưởng.

Từ giữa thập niên 1960 đến giữa thập niên 1970, một số các kỹ thuật kịch theo kiểu Gestalt đã được công bố rộng rãi. Và trong thập niên cuối thế kỷ 20, liệu pháp Gestalt tiếp tục là loại liệu pháp ‘‘đa kỹ thuật’’ (multi-technical), sử dụng những ý tưởng, dữ liệu và các kỹ thuật can thiệp từ nhiều nguồn khác nhau. Gần đây hơn, việc thực hành liệu pháp Gestalt chuyển hướng sang các kỹ thuật liên quan nhiều hơn đến những trải nghiệm của thân chủ, ví dụ kỹ thuật phản ánh có tính thấu cảm (empathetic reflection) và chú trọng hơn đến việc tăng cường mối quan hệ trị liệu. Việc này làm cho diện mạo của liệu pháp Gestalt khác biệt đáng kể so với tính chất hoa mỹ và kịch tính của hơn 20 năm về trước.

Xu hướng có tính chiết trung này làm cho liệu pháp Gestalt không còn là một phương pháp thuần nhất nữa mà trở thành một nhóm các liệu pháp có cùng chung triết lý và phương pháp luận, nhưng lại áp dụng vô số những chiều kích kỹ thuật khác nhau, sự lựa chọn khuôn mẫu, mức độ và thể loại cấu trúc trị liệu khác nhau trong hầu hết các chủ đề lâm sàng. Do liệu pháp Gestalt đặt mục tiêu vượt ra bên ngoài việc giảm nhẹ triệu chứng, và hướng đến việc tăng trưởng, thậm chí phát triển về mặt tinh thần, cho nên thời gian trị liệu có thể là vô hạn định. Tuy nhiên, phương thức trị liệu ngắn hạn là một trong số những hình thức trị liệu tiêu chuẩn của trường phái này; có thể ở dạng ‘‘giải quyết khủng hoảng’’ (crisis model) hoặc ‘‘định hướng nội thị’’ (insight model). Thông thường, một liệu trình Gestalt không định trước thời điểm kết thúc (open-ended) có thể tự động kết thúc sau vài phiên trị liệu. Mặc dù tần số trung bình thường là mỗi tuần một lần, nhưng con số này cũng có thể thay đổi từ vài lần một tuần cho đến mỗi tuần (hoặc thưa hơn) một lần.

Hầu hết thân chủ bắt đầu bằng trị liệu cá nhân hoặc từng cặp (vợ chồng, tình nhân), còn trị liệu nhóm thì có thể thực hiện sau đó tùy trường hợp. Cá nhân: 45-50 phút mỗi phiên; cặp: 45-120 phút; nhóm: 90-120 phút. Workshop: 6-12 giờ mỗi ngày. Việc trị liệu có thể được phối hợp nhiều thể thức trên mỗi thân chủ: vừa trị liệu cá nhân, vừa trị liệu cặp, nhóm hoặc workshop. Nhà trị liệu và thân chủ thường ngồi đối diện và không ngăn cách nhau bởi những chiếc bàn.


Các phiên trị liệu được cấu trúc bởi sự tương tác giữa thân chủ và nhà trị liệu, và cả hai cùng tham gia vào việc thiết kế cấu trúc này. Khi thân chủ nghiêm túc xem xét những nguyện vọng, nhu cầu và những khả năng của mình rồi sau đó trình bày những điều này với nhà trị liệu, anh ta sẽ tham gia xác định cấu trúc của phiên trị liệu. Một số thân chủ cấu trúc các phiên trị liệu bằng cách kể câu chuyện của mình và định rõ những nhu cầu trọng tâm của mình. Nhà trị liệu giúp thân chủ làm rõ những nguyện vọng và nhu cầu của họ bằng cách chia sẻ các quan sát, phản ánh có tính thấu cảm, cung cấp thông tin, đề xuất những thực nghiệm (theo kiểu hiện tượng học) để làm rõ những ước muốn của thân chủ. Cấu trúc của việc trị liệu phải do sự tương tác giữa thân chủ và nhà trị liệu, bất kể mối quan hệ trị liệu đã được thiết lập vững chắc hay chưa.

Mục đích và các chiến lược

Mặc dù những nhà trị liệu Gestalt thường khá năng động, họ vẫn không thiết kế trước một trình tự thay đổi hành vi và định trước mục đích sau cùng của cuộc trị liệu. Công việc của nhà trị liệu thường tập trung vào việc khám phá bản thân của thân chủ hơn là trực tiếp làm thay đổi hành vi hoặc diễn giải những vấn đề trong vô thức. Liệu pháp gestalt mang lại sự nhận biết khi thân chủ bị bế tắc, mang lại sự nhận biết những tiến trình nhận biết, cung cấp sự hỗ trợ và hướng dẫn những phương thức mới trong việc đương đầu với stress.

Nét chủ yếu trong triết lý của liệu pháp Gestalt là sự tôn trọng những thực tại muôn hình, nhấn mạnh vào giá trị tích cực của sự khác biệt giữa những con người khác nhau (về các giá trị, sở nguyện và niềm tin...). Điều này cũng đúng khi xem xét sự khác biệt giữa thân chủ và nhà trị liệu. Những nhà trị liệu Gestalt thường thể hiện tính cách riêng tư của bản thân họ (thường hay bộc lộ bản thân), vì thế thân chủ cũng được dịp tiếp xúc hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp với những cảm xúc, ý nghĩ, kỹ năng, các giá trị và hành vi khác với mình. Thân chủ không được khuyến khích phải đồng nhất hóa với cách sống của nhà trị liệu, mà thay vào đó họ phải tìm kiếm cách thức riêng độc đáo của họ. Những khác biệt giữa nhà trị liệu và thân chủ trở thành trọng tâm trong đối thoại cũng như trong các thực nghiệm hiện tượng học.

Chính khi tiếp xúc với triết lý của liệu pháp Gestalt mà thân chủ mới học được cách thử nghiệm những gì là phù hợp và không phù hợp với họ thông qua sự nhận biết bản thân của chính họ. Điều đặc biệt quan trọng là một liệu pháp với một nhà trị liệu năng động cùng một phương pháp mạnh mẽ sẽ có thể trân trọng và bảo bọc cho khả năng đề kháng của thân chủ đối với quá trình nhập tâm (introjection) và trách nhiệm của nhà trị liệu là phải thận trọng trong trường hợp thân chủ vô tình điều ứng bản thân dưới ảnh hưởng của nhà trị liệu.

Mục đích trị liệu là giúp thân chủ đạt được sự tự chủ và tăng trưởng thông qua tự nhận biết về bản thân. Nhà trị liệu có vai trò hướng dẫn sự nhận biết này bằng cách hiện diện một cách tích cực với sự quan tâm, nhiệt tình, chân thực, sống động và đầy sáng tạo. Nhà trị liệu Gestalt chia sẻ với thân chủ những gì họ quan sát được và phản hồi lại những cảm nhận mà họ có được từ thân chủ. Nhà trị liệu Gestalt hiện diện như một con người thực sự, vì thế sự nhận biết bản thân có thể xảy ra trong bối cảnh có sự tương tác thực sự giữa người với người.

Các thực nghiệm hiện tượng học trong liệu pháp Gestalt được hướng dẫn ngay trong các phiên trị liệu cũng như được yêu cầu thực hiện giữa các phiên trị liệu như những ‘‘bài tập về nhà’’ (home assignments). Một nhà trị liệu giỏi sẽ phải có kiến thức tổng quan về liệu pháp và đưa ra những đề xuất để hướng dẫn thân chủ khám phá bản thân họ cả trong các phiên trị liệu và thời gian giữa các phiên trị liệu.

Các mục đích trị liệu và tiến trình thiết lập các mục đích này có sự thay đổi tùy theo giai đoạn trị liệu, vấn đề của thân chủ, cấu trúc nhân cách của thân chủ và môi trường làm việc của nhà trị liệu. Mặc dù vậy, khuôn khổ trị liệu căn bản của trường phái Gestalt về cách khám phá và đối thoại theo kiểu hiện tượng học (phenomenological exploration and dialogue) đã vận hành ngay từ thời điểm bắt đầu tiếp xúc giữa nhà trị liệu và thân chủ. Chính sự nhận biết và công việc tiếp xúc với thân chủ sẽ định hình cho tiến trình xây dựng và làm rõ mục đích trị liệu. Việc thiết lập mục đích trị liệu là một việc được thực hiện sớm trong đó khả năng tự lực (self-support) của thân chủ sẽ được tăng cường bởi hai khía cạnh chính của liệu pháp Gestalt sau đây: (1) Việc giải thích theo phương pháp hiện tượng học các kiểu mẫu ý thức và hành vi của thân chủ ; (2) Việc phát triển mối quan hệ trị liệu giữa thân chủ và nhà trị liệu.

Ví dụ, một thân chủ vào phiên trị liệu đầu tiên thể hiện thái độ không biết khởi đầu thế nào, chờ đợi nhà trị liệu cho ra những ý kiến dẫn dắt và không thể có trả lời khi được hỏi ‘‘Bạn muốn đạt được gì từ việc trị liệu?’’. Có điều gì đó từ thân chủ đã lay động nhà trị liệu và người này nói ‘‘Tôi muốn giúp bạn. Bạn cần tôi giúp bạn điều gì?’’. Người thân chủ ấy sau đó có thể đáp ứng lại bằng cách thức giao tiếp riêng tư công khai hơn.

Mức độ tự lực của thân chủ là yếu tố căn bản ban đầu phải xem xét để chọn lựa cách thức can thiệp. Những thực nghiệm và các hoạt động trị liệu khác được áp dụng với mức độ khó tăng dần và được diễn tập theo một trình tự nhằm xây dựng những kỹ năng ngay từ khi bắt đầu trị liệu để khả năng tự lực của thân chủ được tăng cường hơn và cũng không tạo nên gánh nặng quá lớn cho giai đoạn sau đó. 

Ví dụ, những thân chủ đã từng bị ngược đãi từ thuở nhỏ có thể tham gia trị liệu tốt hơn thông qua việc thể hiện sự giận dữ vào ban đầu khi họ học cách nhận diện và diễn đạt những cảm xúc của họ một cách an toàn, rồi sau đó học cách cố gắng tự trấn tĩnh và thư giãn khi cần thiết, kế đó phát triển một cảm nhận về lòng tin và sự an toàn khi làm việc với nhà trị liệu. Giai đoạn tiếp xúc lần đầu với một thân chủ mới đưọc xem là một bước có tính tế nhị nhằm thiết lập nên một ‘‘liên minh trị liệu’’ (therapeutic alliance). Tiếp theo sau đó là một loạt các thảo luận về các chủ đề liên quan đến cuộc sống của thân chủ mà thân chủ không nhận biết được mình thực sự mong muốn gì. Trọng tâm của việc trị liệu là làm sao để tăng cường khả năng của thân chủ trong việc nhận biết là họ muốn gì chứ không chú tâm nhiều đến nội dung của ‘‘những câu chuyện xảy ra trong tuần’’. Theo thời gian, thân chủ sẽ nhận ra được lâu nay anh ta đã làm như thế nào khiến gián đoạn khả năng nhận biết mình muốn gì; thân chủ cũng bắt đầu thích thú với cảm giác rằng mình đã biết được mình muốn gì. Thân chủ cũng bắt đầu thể hiện nhiều sáng kiến hơn trong các phiên trị liệu và nhận thấy mối quan hệ với nhà trị liệu trở nên quan trọng hơn đối với mình. Vào lúc đó, thân chủ đã có được sự tự lực đầy đủ để nhà trị liệu có thể thực hiện những quan sát và đưa ra những diễn giải nhằm bộc lộ những cảm xúc sâu đậm và giải quyết những vai trò của thân chủ trong các tương tác không lành mạnh.


Khi thực hành đúng đắn, nhà trị liệu Gestalt sẽ có những hướng dẫn theo trình tự sao cho những cuộc khám phá sâu sắc hơn, nhiều nguy cơ hơn, đau đớn hơn sẽ không vượt quá khả năng tự lực của thân chủ. Nếu thân chủ không được hướng dẫn theo cách này thì sẽ có nhiều nguy cơ nhận lấy những hậu quả tiêu cực từ việc trị liệu.

Mục đích của liệu pháp Gestalt là sự nhận biết về bản thân. Việc này bao gồm cả những nhận biết có tính vi mô (microawareness) về một nội dung cụ thể nào đó, và cả khả năng nhận biết về tiến trình nhận biết (awareness of the awareness process). Sự nhận biết tiến trình nhận biết càng làm mạnh thêm khả năng ‘‘mang những thói quen thường được thực hiện một cách tự động vào trong tầm nhận biết khi cần thiết’’, đồng thời sử dụng khả năng nhận biết có trọng điểm và các thực nghiệm hiện tượng học để tập trung, làm rõ và thử áp dụng những hành vi mới. Sự nhận biết này có nghĩa là hiểu biết được những gì mà một người đang lựa chọn để làm và vì thế người ấy có khả năng nhận trách nhiệm về việc làm đó. Tập trung (centering) là khả năng trở nên trầm tĩnh và có trật tự về thời gian, không gian, bối cảnh và nội tâm, sao cho đương sự được định hướng rõ ràng bên trong Trường (field), hài hòa với bản thân, hít thở nhẹ nhàng, biết rõ các sở nguyện và những giới hạn của bản thân.


Hầu hết các thân chủ lúc đầu đều chú ý đến việc giải quyết vấn đề và làm giảm nhẹ triệu chứng. Mặc dù các nhà trị liệu Gestalt hiểu giá trị của các mục đích này, nhưng họ quan tâm nhiều hơn đến tiến trình làm thế nào để thân chủ trở nên tự lực và cách thức để thân chủ tự tìm thấy cách thức riêng để giải quyết vấn đề cũng như giảm nhẹ triệu chứng. Mục đích trị liệu do vậy không phải là giải quyết vấn đề hoặc loại bỏ triệu chứng, mà là ‘‘giúp thân chủ có được những công cụ’’ để giải quyết vấn đề và tăng cường khả năng của họ trong việc tự tổ chức lại cuộc sống nói chung. Liệu pháp Gestalt giúp giải quyết vấn đề bằng cách gia tăng khả năng tự lực và tự điều chỉnh của thân chủ. Khi trị liệu tiếp diễn, trọng tâm sẽ được chuyển dần sang những chủ đề khái quát hơn liên quan đến nhân cách của thân chủ. Nhờ lĩnh hội được các kỹ năng trong giai đoạn đầu của việc trị liệu, thân chủ có thể thực hiện những khám phá sâu hơn về nhân cách của họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét