LIỆU PHÁP GESTALT
BS. NGUYỄN MINH TIẾN
Phần 01
Khi Đảng Quốc xã lên cầm quyền ở Đức vào năm 1933, một cặp vợ chồng người Đức (cả hai đều là những nhà phân tâm) đã rời quê nhà sang Hà Lan, rồi sau đó đi cư sang Nam Phi để thành lập ở đó một Viện nghiên cứu về Phân tâm học. Và đến năm 1942, họ cho xuất bản một quyển sách mà sau đó được biết với tên gọi là Liệu pháp Gestalt.
Khi Đảng Quốc xã lên cầm quyền ở Đức vào năm 1933, một cặp vợ chồng người Đức (cả hai đều là những nhà phân tâm) đã rời quê nhà sang Hà Lan, rồi sau đó đi cư sang Nam Phi để thành lập ở đó một Viện nghiên cứu về Phân tâm học. Và đến năm 1942, họ cho xuất bản một quyển sách mà sau đó được biết với tên gọi là Liệu pháp Gestalt.
Frederick Saloman (Fritz)
Perls xuất thân là một nhà phân tâm, và đã chịu ảnh hưởng của nhiều nhà phân
tâm danh tiếng cùng thời, trong đó có Theodore Ferenczi, Karen Horney, Otto
Rank, Wilheim Reich và Harry Stack Sullivan. Trong buổi đầu hành nghề tại Đức,
Perls đã rất say mê với những tư tưởng tiến bộ như trào lưu Bauhaus trong nghệ
thuật và kiến trúc, triết lý hiện sinh, sân khấu và vũ thuật. Perls cũng chịu
ảnh hưởng bởi Tâm lý học Gestalt – một trường phái tâm lý học tại Đức vào
khoảng đầu thế kỷ 20, do May Wertheimer, Wolfgang Kohler và Kurt Koffka sáng
lập. Những tác giả này chủ trương đi ngược lại vói xu hướng chung của tâm lý
học vào thời đó là tìm hiểu các trải nghiệm của con người bằng cách chia cắt
chúng thành ra những thành phần riêng lẻ. Tâm lý học Gestalt chủ trương rằng
những thành phần cấu thành các trải nghiệm của con người không thể được khảo
sát một cách riêng lẻ, mà phải được xem xét đưới dạng những “tổng thể”. Họ sử
dụng chữ gestalt, một từ
trong tiếng Đức, với ý nghĩa là “một tổng thể hợp nhất với các tính chất
không đơn thuần được tạo nên bởi tổng số các thành phần và các tương tác giữa
các thành phần ấy”. Perls cũng chịu ảnh hưởng bởi Học thuyết về Sinh thể (organismic theory) của Kurt Golstein và lý thuyết về
Trường (field theory) của Kurt Levin.
Mặc dù Fritz Perls được xem
như người sáng lập trường phái trị liệu Gestalt, nhưng vợ ông, Laura Perls,
cũng là người đồng sáng lập và cùng ông viết tác phẩm Ego, Hunger and Aggression (Cái Tôi, Sự Khao khát và Hung tính).
Lý thuyết Trường-Tiến trình (field-process) của Tâm lý học Gestalt và Chủ
nghĩa nhân văn – hiện sinh của Buber và Tillich là trọng tâm trong lý thuyết
của trường phái trị liệu Gestalt và điều này là do công đóng góp và ảnh hưởng
của Laura Perls.
Khi nhận thấy Nam Phi bắt
đầu chuyển sang chế độ độc tài và phân biệt chủng tộc, hai vợ chồng rời nước
này sang Hoa Kỳ vào năm 1946, thành lập tại New York một nhóm nghiên cứu về tâm
lý trị liệu dựa trên những nền tảng học thuyết mới của Perls và chịu ảnh hưởng
bởi các phương pháp phân tích của Wilheim Reich, Harry Stack Sullivan và Karen
Horney.
Những nhà sáng lập trường
phái trị liệu Gestalt cùng với các đồ đệ của Sullivan, Horney và Reich đã chống
lại khuynh hướng phân tâm học cổ điển của Freud. Vào thời đó, những nhà phân
tâm được xem như những “tấm bình phong trống trơn” (blank screen); họ không thể
hiện bất cứ điều gì mang tính cá nhân của mình để cho những bệnh nhân có thể
thực hiện việc phóng chiếu (projection) và tạo lập tình trạng “nhiễu tâm
chuyển di” (transference
neurosis). Cách làm này rất khác xa với những nhà phân tâm theo các xu
hướng mới tiến bộ hơn ngày nay như xu hướng “quan hệ đối tượng” hoặc “tâm lý
học bản ngã” (self psychology).
Những nhà trị liệu Gestalt
xem những nhà trị liệu phân tâm chiếm giữ quá nhiều quyền lực so với bệnh nhân
và đã không dành sự lưu tâm đầy đủ đến những gì thực sự đang diễn ra trong mối
quan hệ giữa nhà trị liệu và thân chủ. Họ tin rằng trị liệu phân tâm không đủ
hiệu quả trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng nơi thân chủ. Họ chủ trương thiết
lập một hệ thống trị liệu hướng đến phát huy sự tăng trưởng thay vì chỉ chú ý
đến việc làm giảm thiểu trạng thái tâm bệnh, họ dựa vào những trải nghiệm thật
sự nhiều hơn là chỉ dựa vào sự diễn giải những thực tại không thể trải nghiệm
được; và họ dựa trên những mối quan hệ tiếp xúc chắc chắn chứ không phải chỉ
tái diễn lại những trải nghiệm thông qua tình trạng “nhiễu tâm chuyển di”.
Phương pháp được áp dụng ở đây gọi là “nhận biết (ngộ) thông qua tiếp xúc đối
thoại” (awareness through
dialogic contact).
Lý thuyết của Liệu pháp
Gestalt, giống như trong Lý thuyết về Trường, chủ trương xem xét Trường (field) trong một tổng thể và nhấn mạnh đến
“tiến trình” (tức là quá trình phát triển hoặc các hành động diễn tiến theo
thời gian) hơn là chỉ quan tâm đến những trạng thái tĩnh tại.
Giống như một liệu pháp có
khuynh hướng “hiện sinh” (experiential),
liệu pháp Gestalt nhấn mạnh đến sự hiện hữu đúng như những gì con người có thể
trải nghiệm được và không đặt nặng vào những cách thức lý giải trừu tượng. Nhà
trị liệu Gestalt tin vào khả năng của con người trong việc tăng trưởng, tự điều
chỉnh và tự bình phục thông qua việc tiếp xúc giữa người với người và khả năng
nội thị (insight). Mặc dù
có những giới hạn về mặt sinh học - di truyền, bản ngã của con người vẫn được
xem như một tiến trình có thể phát triển thông qua các tương tác xã hội chứ
không phải do sự xung đột giữa những tác động dồn nén về mặt xã hội và những
bản năng sinh học. Mối quan hệ trị liệu trong liệu pháp Gestalt là một sự tiếp
xúc hay gắn kết rất chủ động và thực thụ giữa con người của nhà trị liệu và con
người của thân chủ dựa trên khuôn mẫu đối thoại có tính hiện sinh, chứ không
nhằm giữ một khoảng cách xa “trung tính” để thúc đẩy sự hình thành một nhiễu
tâm chuyển di như trong liệu pháp phân tâm.
Và giống như một liệu pháp
dựa trên cơ sở hiện tượng học (phenomenological
therapy), liệu pháp Gestalt thay thế phương pháp liên tưởng tự do trong
phân tâm học bằng phương pháp luận về một sự “tỉnh ngộ có trọng điểm”(focused
awareness). Cách tiếp cận trên cơ sở hiện tượng học xem tất cả những gì có
được từ sự trải nghiệm tức thời là những dữ liệu có tính chắc chắn, chứ không
phải những dữ liệu rút ra từ quá khứ hoặc suy diễn theo lý thuyết. Phương pháp
hiện tượng học cố gắng “làm sạch” sự nhận biết của cả nhà trị liệu lẫn thân
chủ, theo cách thức giống như lau sạch bụi mờ trên một tấm gương. Việc hướng
dẫn con người sử dụng các cảm nhận của chính mình để đạt đến khả năng nội thị
khiến cho quan điểm hiện sinh về tiềm năng và trách nhiệm cá nhân trở thành
hiện thực.
Vói cách thức đó, con người
có thể có được những công cụ để hiểu biết về chính họ cũng như về người khác.
Họ học được cách nhận diện và chấp nhận những nhu cầu, sở thích, ham muốn, động
cơ và các giá trị của chính mình. Ngoài ra, bằng cách học được cách nhận biết
các tiến trình nhận biết của chính mình, các thân chủ cũng sẽ học được cách
điều hòa chính bản thân mình theo cách thức ít bóp méo ý thức của họ hơn.
Liệu pháp Gestalt là một
phương pháp dựa trên hiện tượng học thực nghiệm. Thân chủ được hướng dẫn và
khuyến khích thực hiện những hành vi mới với mục đích đạt đến sự hiểu biết bản
thân tốt hơn. Bằng cách đề xuất những hành vi mới như những thực nghiệm hiện
tượng học, nhà trị liệu có thể hướng dẫn thân chủ thay đổi hành vi thông qua sự
nhận biết bản thân một cách tự nhiên chứ không thông qua những chương trình
chỉnh sửa hành vi như trong liệu pháp hành vi.
LÝ THUYẾT VỀ NHÂN CÁCH
Trường Sinh thể - Môi
trường (organism-environment
field)
Trường phái Gestalt xem xét
con người và môi trường sống trong một tổng thể không tách biệt, dựa trên sự
tương tác giữa con người và môi trường sống (organism-environment
field). Một con người không thể được xem xét tách rời khỏi Trường mà người này sinh sống, đặc biệt là
không thể xem xét người ấy tách rời khỏi các tương tác giữa người với người
trong Trưòng ấy; và ngược lại cũng không thể xem xét môi trường sống mà không
thông qua nhãn quan của một con người. Thậm chí nhu cầu cần được cô độc của một
con người cũng có thể được định nghĩa trong mối quan hệ với những người khác.
Trường được giới hạn bởi
những đường biên giới. Đường biên giới tiếp xúc (contact boundary) có một chức năng kép: vừa giúp một con
người có thể kết nối được với người khác, vừa giữ được sự tách biệt, độc lập
của người ấy. Sự tách biệt tạo nên và bảo tồn tính độc lập của một con người,
đồng thời bảo vệ người ấy tránh xa các tác nhân gây hại. Nhưng chỉ khi đường
biên giới ấy cho phép sự trao đổi tích cực xảy ra bên trong Trường thì mới có
thể làm nên đời sống và sự tăng trưởng. Con người tăng trưởng khi họ tiếp xúc
với những gì ban đầu là xa lạ, đặc biệt khi họ tiếp xúc và nhận biết về những
người khác xung quanh. Các nhu cầu được giải quyết thông qua sự tiếp xúc.
Con người hình thành nên sự
cảm nhận về cái “Tôi” của mình bằng những quá trình tiếp xúc theo kiểu
“tôi-với-anh”(I-though) hoặc
“tôi-và-nó” (I-it), chứ
một người không thể nhận biết cái “Tôi” của mình bằng cách xem xét một cái
“Tôi” biệt lập. Bằng cách phân biệt giữa “ngã” (self) và “phi ngã” (not-self), thông qua sự vận
hành các tiến trình “làm cho giống” (identification) và “làm cho khác” (alienation), con người luôn
luôn định hướng cho khoảng không gian sống của mình và kiến tạo nên “một cảm
nhận về con-người-mà-mình-đang-là” (a sense of who they are).
“Tất cả những sự tiếp xúc
đều là sự điều chỉnh đầy tính sáng tạo của sinh thể và môi trường sống” (F.
Perls, 1952)(All contact is creative adjustment of the organism and
environment). Tất cả các sinh thể đều sống trong môi trường của mình và đều
phải điều chỉnh tùy theo hoàn cảnh của Trường. Nhưng chỉ điều chỉnh thôi thì
chưa đủ. Con người cũng cần phải “định dạng” lại môi trường sao cho nó có thể
đáp ứng được các nhu cầu và giá trị của mình. Đây chính là khía cạnh “sáng tạo”
đã được nêu ở trên.
Sự tiếp xúc có thể xảy ra mà
con người có thể nhận biết được với nhiều mức độ khác nhau. Hầu hết các tương
giao đều được thực hiện ở một mức độ rất quen thuộc khiến con người rất ít khi
nhận biết được rằng tương giao ấy đang xảy ra. Chỉ khi tình huống sống có tính
phức tạp, mới mẻ, khi có xung đột, hoặc khi các mô hình vận hành theo thói quen
không có tác dụng thì mới cần đến việc người ấy phải nhận biết được hoạt động
tiếp xúc của mình. Trong trường hợp người lành mạnh, khả năng nhận biết này có
thể phát triển theo yêu cầu của tình huống sống.
“Sự tiếp xúc (contact) chỉ có thể xảy ra khi ít nhiều có được
sự hỗ trợ (support) cho nó xảy ra... Sự hỗ trợ là bất cứ điều gì có tác dụng thúc đẩy
sự đồng hóa (assimilation) và thống hợp (integration) các trải nghiệm trong một con người,
trong một mối quan hệ hoặc trong một xã hội...” (Perls, 1992). Sự hỗ trợ có thể
có được từ thể chất của chúng ta, từ ngôn ngữ, tập tục, khả năng học hỏi, trí
tuệ, cũng như từ lòng trắc ẩn của chúng ta. Sự đồng nhất hóa của một con người
với những trải nghiệm của chính mình có lẽ là khía cạnh quan trọng nhất của khả
năng “tự hỗ trợ” (self-support) và là khía cạnh trung tâm trong học
thuyết về sự thay đổi của liệu pháp Gestalt.
Một sự hỗ trợ đầy đủ là chức
năng của toàn bộ Trường (field) và chức năng đó đòi hỏi phải có cả sự
tự hỗ trợ của bản thân đương sự lẫn sự hỗ trợ từ môi trường. Khi một người cần
có một môi trường an toàn để có thể nói ra được những cảm xúc đau khổ, người ấy
ắt phải nhận ra được nhu cầu của mình, rồi sẽ tìm kiếm một hoàn cảnh có tính an
toàn để nhu cầu ấy có thể được giải bày với người khác và cho phép những sự
tương tác trở nên có hiệu quả.
Một sự tiếp xúc tốt phải là
sự lưu tâm đến những hoàn cảnh thực tại đang xảy ra. Sự định hướng cũng như
hành động xảy ra ngay trong những tình huống thực tế ở hiện tại và chỉ có thể
có được sự hỗ trợ ở “tại đây và ngay lúc này”(here and now). Khi một
người nói về một chuyện xảy ra trong quá khứ thì sự nhớ lại và những cảm xúc có
được về chuyện ấy vẫn là những điều xảy ra trong hiện tại. Tương tự, khi nói về
tương lai, những cảm xúc và dự đoán của chúng ta cũng diễn ra ngay trong hiện
tại (Perls, 1992).
Khi một người liên hệ đến
quá khứ (những niềm tin đã được nhập tâm từ xa xưa hoặc các sự việc chưa được
hoàn tất) hoặc liên hệ đến tương lai (bi thảm hóa) mà không nhận ra mình đang
như thế, khả năng nhận biết và chức năng sống của người ấy có thể bị phương
hại. Ví dụ, khả năng tiếp xúc của một con người có thể bị phương hại khi anh ta
nhầm lẫn một người nào đó trong hiện tại với hình ảnh của một người khác mà anh
ta biết trong quá khứ. Một khả năng tự hỗ trợ đã từng thành công trong việc hỗ
trợ cho sự tăng trưởng trước đây thì nay có thể trở nên có tác dụng hỗ trợ về
mặt cấu trúc cho sự trì trệ.
Gestalt
Gestalt là một từ tiếng Đức
có nghĩa là khuôn mẫu (pattern) hoặc hình thể, cấu trúc (configuration). Một gestalt
được tạo nên bởi mối tương quan giữa Ảnh (figure) và Nền (ground). Mỗi Ảnh tượng trưng
cho một trải nghiệm, nó được điều tiết tùy theo nhu cầu của đương sự đồng thời
tùy theo nhu cầu và bản chất của tình huống mà người đó đang sống. Nền là toàn
bộ bối cảnh bao gồm những yếu tố tương thích về mặt hiện tượng học mà từ đó
xuất hiện nên Ảnh. Một cách lý tưởng thì Ảnh vẫn sẽ hiện rõ nét chừng nào mà sự
quan tâm về nó vẫn còn trội bật, và chỉ mờ dần đi sau đó khi sự quan tâm chuyển
sang một Ảnh khác kế tiếp.
“Sự ý thức một cách tự nhiên
về nhu cầu nào đang nổi trội và tổ chức được các chức năng của sự tiếp xúc
chính là hình thức thể hiện về mặt tâm lý của khả năng tự-điều-hòa-của-sinh-thể (organismic-self-regulation)”
(Perls và cs., 1951). Việc tạo lập một gestalt là một tiến trình liên tục trong
đó điều được quan tâm đến nhiều nhất sẽ được nhận biết để có thể xử lý công
khai, năng lượng tâm trí được đầu tư để làm rõ Ảnh (figure) và thực hiện những hành động để làm
thỏa mãn những nhu cầu được tượng trưng bởi hình ảnh đó. Khi sự đầu tư này
thành công (thỏa mãn được nhu cầu của đương sự vào lúc ấy), sự chú ý của đương
sự vào Ảnh sẽ giảm đi và năng lượng tâm trí được sử dụng để đầu tư cho một ảnh
khác. Khi sự đầu tư không thành công, gestalt vẫn còn trong trạng thái không
hoàn tất và vẫn đòi hỏi sự chú tâm của đương sự.
Ví dụ, một đứa trẻ tìm kiếm
sự yêu thương nhưng không có được sự yêu thương thì sẽ trở nên hổ thẹn, oán hận
hoặc cứ luôn khao khát chờ đợi. Gestalt chưa hoàn tất này có thể vẫn luôn vận
hành ở nhiều tầng mức trong ý thức của đương sự. Khi không được bản thân nhận
biết rõ, gestalt này vẫn trong trạng thái chưa hoàn tất và có thể ảnh hưởng đến
lòng tự tôn, lên bản sắc cá nhân và lên các mối quan hệ liên cá nhân của đương
sự trong nhiều năm. Nếu chức năng của đường biên giới là có tính uyển chuyển và
không có sự nhiễu loạn, thì cá nhân đó vẫn có sự trao đổi và tăng trưởng. Nếu
các đường biên giới quá cứng nhắc, một con người cũng sẽ trở nên cứng nhắc và
kém linh hoạt, ví dụ như trường hợp những người có rối loạn nhân cách ám ảnh –
cưỡng chế. Khi chức năng ở các đường biên giới có sự “dò rỉ”, đương sự sẽ mất
đi sự rõ ràng về mặt bản sắc, rất hay giao động và cứ luôn phải điều chỉnh bản
thân mình theo người khác.
Ý nghĩa của một gestalt nằm
trong mối liên hệ giữa trải nghiệm (ảnh) và bối cảnh (nền). Ý nghĩa luôn luôn
có liên quan đến bối cảnh, cả về mặt thòi gian, không gian, văn hóa va con
người. Nếu không hiểu biết về bối cảnh (Nền) thì một trải nghiệm (Ảnh) sẽ không
có ý nghĩa gì cả. Nếu không có sự trải nghiệm, cái bối cảnh kia cũng trở nên
không được nhận biết rõ ràng và cũng chẳng có ý nghĩa gì cả.
Trong thực hành trị liệu, sự
nhận biết rõ một gestalt được gọi là khả năng “nội thị” (insight). “Nội thị là sự định
khuôn cho trường nhận thức (perceptual
field) theo một cách thức sao
cho thực tại được hiển thị một cách rõ rệt; chính trong sự tạo lập một gestalt
mà các yếu tố tương thích với cái toàn thể” (Heidbreder, 1993). Khái niệm nội
thị trong liệu pháp gestalt chính là sự nhận biết rõ về cấu trúc của Trường Cá
nhân – Môi trường bao gồm sự tiếp xúc với cái ngã trong toàn bộ Trường cuộc
sống của một con người. Vào thời điểm một người cần đến khả năng nhận biết có
tính nội thị (insightful
awareness) mà khả năng ấy
không phát triển được thì chính đó là lúc có chỉ định tiến hành tâm lý trị
liệu.
Sự đồng hóa và tạo lập cái
Ngã
(Assimilation and Self
Formation)
Từ khi sinh ra cho đến lúc
lìa đời, thông qua sự điều chỉnh một cách sáng tạo, con người đã phát triển nên
một cảm nhận về cái Ngã (sense
of self) nơi bản thân mình.
Ngay từ khi vừa mới chào đời, cấu trúc sinh học của sinh thể đã bắt đầu tương
tác với những điều xa lạ từ môi trường xung quanh, và dần dần tạo lập nên bản
ngã – một thực thể sinh học-xã hội-tâm lý-tinh thần. Con người thống hợp tất cả
các trải nghiệm trong cuộc sống, liên tục tương tác với Trường Sinh thể - Môi
trường trong hiện tại, liên tục điều chỉnh bản thân cho phù hợp với môi trường
và điều chỉnh môi trường cho phù hợp với bản thân. Mỗi người vào một thời điểm
khi tương tác với một sự vật trong môi trường cũng đều có được một cảm nhận về
cái Ngã của mình. Sự tương tác với một cái mới sẽ tạo nên một cảm nhận mới về
cái Ngã.
Quá trình “chuyển hóa về mặt
tâm thần” (Mental metabolism) là một thuật ngữ có tính ẩn dụ được sử
dụng trong liệu pháp Gestalt để mô tả các tiến trình hoạt động của những đường
biên giới qua đó con người vừa duy trì được bản thân mình vừa có thể tăng
trưởng. Con người trở nên nhận biết được các nhu cầu của mình, hướng về môi
trường để hiểu biết chắc chắn những nguồn lực nào có thể giúp thỏa mãn những
nhu cầu ấy, rồi chọn lựa để thu nhập vào và biến cái xa lạ kia trở thành một
thành phần của cái Ngã. Đồng hóa (Assimilation) là tiến trình thống hợp những cái mới
lạ từ bên ngoài và biến nó trở thành một phần trong cái Ngã của một con người.
Tiêu hóa thức ăn cũng là một sự đồng hóa dưới hình thức sinh học. Những gì bên
ngoài được xem là không cần thiết hoặc có thể gây nguy hại thì sẽ bị từ chối;
chỉ những gì “có giá trị nuôi dưỡng” và được mong đợi mới có thể được dung nạp
vào.
Cái được đồng hóa sẽ trở
thành một phần của cái Ngã; cái được du nhập vào mà không thông qua tiến trình
đồng hóa thì vẫn sẽ còn là một “dị vật” và quá trình này được gọi là nhập tâm,
hoặc nội phóng chiếu (introjection). Việc tự động không chấp nhận quan
điểm của người khác thường xảy ra thông qua đối thoại hoặc đồng hóa. Việc tự
động chấp nhận quan điểm của người khác mà không thông qua sự phân tích thường
chỉ là sự “nhập tâm” nêu trên. Các ý tưởng du nhập vào bên trong tâm trí mà
không thông qua sự xem xét (học tập, phân tích, suy nghĩ...) được gọi là những
“sự vật hoặc đối tượng được nhập nội” (introjects).
Các lời răn “Nên” hoặc “Không Nên” là những giáo điều không thông qua sự đồng
hóa, được tiếp nhận từ khi còn nhỏ, và ăn sâu vào phần bản ngã của một con
người. Những introject ấy sẽ làm hạn chế khả năng của con người trong việc cảm
nhận rõ rệt về cái Ngã, cản trở sự rộng mở để tiếp nhận những trải nghiệm mới,
loại bỏ khả năng sống hòa hợp và sống động của một con người, làm cho người đó
không sống hết khả năng của mình.
Những người có nhân cách
lành mạnh có khả năng nhận biết rõ bản ngã, ít xảy ra những xung đột trong nội
tâm, có khả năng tự thân cảm nhận những tính chất, cảm xúc và nhu cầu của bản
thân. Cấu trúc nhân cách cùng với cảm nhận về bản ngã tất cả đều được tạo lập
nên thông qua mối quan hệ tương tác giữa con người với môi trường sống. Trẻ em
khi được đối xử với sự thương yêu và tôn trọng sẽ phát triển nên một cảm nhận
về lòng tự tôn (sense of
self-esteem). Trẻ em có thể trở nên những con người có khả năng và hữu ích
nếu khi còn nhỏ trẻ được khuyến khích làm những hành vi thử nghiệm, ứng phó,
được phép sai lầm, được tạo cơ hội để có những lúc phải thất vọng và hụt hẫng,
được học cách tương tác với thế giới xung quanh và được hướng dẫn cách xử lý
các tình huống bất trắc bằng những cách thức phù hợp với khả năng và mức độ
phát triển của trẻ.
Trong quá trình sống, có nhiều
lúc con người rơi vào thế bế tắc (impasse).
Đó là những lúc không có được sự hỗ trợ từ bên ngoài, và đương sự không biết
được liệu mình có thể tự lực để tồn tại được hay không nếu không có ai khác
giúp đỡ. Lúc đó, đương sự có thể có một cảm nhận về tình huống vừa như một mối
nguy, vừa như một cơ hội. Việc có ai đó đến cứu giúp sẽ khiến đương sự không
nhận ra được là mình yếu kém về khả năng tự lực (tự hỗ trợ: self-support). Nếu không có sự
cứu giúp từ người khác, tình thế bế tắc khi ấy có thể trở thành một cơ hội để
đương sự thực hiện một điều mới mẻ và quan sát được điều gì sẽ xảy ra. Đây là
một thực nghiệm và bằng cách thực nghiệm mà con người mới có thể học tập và
tăng trưởng được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét