Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

LIỆU PHÁP GESTALT (Phần 03)


Tiến trình trị liệu 1

Tôi và Bạn, Ở đây và Ngay lúc này, 
Cái gì và Như thế nào

Liệu pháp Gestalt thuộc nhóm các liệu pháp kinh nghiệm (experiential therapy), vì thế nó thúc đẩy sự tăng trưởng của thân chủ bằng cách phát triển nên một mối quan hệ dựa trên sự tiếp xúc thông qua đối thoại và một phương pháp luận về tiến trình khám phá thông qua khả năng nhận biết liên tục của thân chủ. Các khẩu hiệu: ‘‘Tôi và Bạn’’ (I and Thou), ‘‘Ở đây và Ngay lúc này’’ (Here and Now), ‘‘Cái gì và Như thế nào’’ (What and How) thể hiện tinh thần của tiến trình này.

Tôi và Bạn

Liệu pháp Gestalt được tiến hành dựa trên cơ sở một sự tiếp xúc trực tiếp, sống động và đầy tính chất cảm xúc, trong đó nhà trị liệu vừa hiện diện cùng với thân chủ, vừa làm một điều gì đó cho thân chủ. Đây là xu hướng chung của liệu pháp Gestalt trong thập niên 1990; trong đó nhà trị liệu không chỉ sử dụng các phương pháp chú tâm và thực nghiệm hiện tượng học nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng tối đa cho thân chủ, mà còn ‘‘đi cùng’’ thân chủ theo cách thức tương tự như Martin Buber, Carl Rogers và các nhà tâm lý nhân văn khác đã thực hiện.

Các kỹ thuật phải tuân thủ những nguyên lý. Nguyên lý là quan trọng; còn từng kỹ thuật riêng biệt thì không quan trọng. Bất cứ kỹ thuật nào cũng có thể được sử dụng trong liệu pháp Gestalt, và không có một kỹ thuật nào có vị thế đặc biệt cả

Các nguyên lý chính trong liệu pháp Gestalt là những nguyên lý đang chi phối những mối quan hệ của con người, đặc biệt là mối quan hệ trị liệu.

Các kỹ thuật của liệu pháp Gestalt thường có tính linh hoạt và là sự ứng dụng một cách sáng tạo các kiến thức của nhà trị liệu nhằm hướng dẫn và tạo điều kiện cho việc thiết lập các tình huống học tập thông qua những thực nghiệm hiện tượng học và nhằm tạo nên các tương tác trị liệu với một thân chủ cụ thể vào một thời điểm cụ thể. Thái độ này dẫn đến việc nhà trị liệu Gestalt có thể ứng dụng và vay mượn nhiều loại kỹ thuật có hiệu quả từ những nhà trị liệu thuộc các trường phái khác nhau. Điều không may là trong các nghiên cứu, dù nhà trị liệu vay mượn các kỹ thuật từ những trường phái khác hay sử dụng các kỹ thuật và phương thức được gọi là ‘‘của trường phái Gestalt’’, các kỹ thuật vẫn được nhấn mạnh nhưng quá trình các kỹ thuật ấy được sáng tạo và áp dụng trong liệu pháp Gestalt thì lại không được nêu rõ. Trong lý thuyết của liệu pháp Gestalt, điều quan trọng là nhà trị liệu làm gì và việc ấy được tiến hành ra sao, chứ kỹ thuật được áp dụng có phải là kỹ thuật của liệu pháp Gestalt hay không thì không phải là điều quan trọng.

Tại đây và Ngay lúc này


Những gì thân chủ đang thể hiện không được xem là ‘‘định sẵn’’ từ quá khứ và cũng không phải là sự lập lại một cách vô thức những quan hệ đã có trước đó (Thái độ này đối ngược lại với lý thuyết phân tâm – ND). Trong học thuyết về Trường, tất cả các yếu tố có ảnh hưởng qua lại đều cùng hiện diện ‘‘tại đây và ngay lúc này’’ trong Trường. Kurt Lewin (1938) gọi đây là ‘‘Nguyên lý về Tính đồng thời’’ (Principle of Contemporaneity).

Con người có thể mang các trải nghiệm trong cuộc sống và sự nhận biết của mình hội tụ vào thời điểm hiện tại. Trong liệu pháp Gestalt, việc khảo sát các ảnh hưởng của những trải nghiệm trong quá khứ chủ yếu dựa trên các dữ liệu từ trải nghiệm của thân chủ chứ không dựa trên các diễn giải những biểu trưng của nhà trị liệu. Càng bám sát vào các trải nghiệm trực tiếp của thân chủ, nhà trị liệu càng ở gần những ‘‘sự thật’’ của thân chủ - điều này có giá trị cao hơn những ‘‘sự thật của các chuyên gia’’.

Tập trung vào những gì ‘‘tại đây và ngay lúc này’’ cho phép có sự bình đẳng giữa thân chủ và nhà trị liệu, vì trong Trường hiện tại, tất cả các đối tác đều có thể sử dụng những cảm nhận, sự trực giác và khả năng sáng tạo của mình để khám phá những ảnh hưởng phức tạp luôn đang vận hành. Liệu pháp Gestalt không áp dụng kỹ thuật diễn giải như các nhà trị liệu phân tâm. Thân chủ thường được xem là ‘‘chuyên gia’’ về khả năng nhận biết và về sự tồn tại của chính họ, còn nhà trị liệu không gì khác hơn là một cố vấn cho thân chủ.

Thân chủ sẽ có được khả năng tự lực tốt nhất nếu họ ‘‘tập trung vào hiện tại’’ (present-centered). Tập trung vào hiện tại có nghĩa là sự hiểu biết bằng tất cả con người của mình về điều gì mình đang làm và nhu cầu nào mình đang lưu tâm đến trong Trường sinh thể - môi trường ở thời điểm hiện tại (Present-centeredness means knowing with one’s whole being what one is doing and what need is being addressed in the present organism-environment field). Phật giáo gọi việc này là "sự chuyên tâm" hay thường gọi là "chánh niệm" (mindfulness). Việc dấn thân một cách mạnh mẽ và nhận biết được điều gì là quan trọng nhất sẽ giúp chúng ta hoàn tất các gestalt (tức là đạt đến sự mãn nguyện) và làm xuất hiện các gestalt mới (tức là tăng trưởng).

Tất cả các hoạt động đều xảy ra một cách đồng thời, nhưng thường thì người ta không nhận biết rõ được mình đang làm gì và đang cần gì. Phật giáo gọi việc này là "sự lãng quên" (forgetfulness). Khi thân chủ đương đầu với những ký ức từ thời thơ ấu và sống lại chuyện ấy bằng những cảm xúc ngay trong hiện tại, những năng lượng tâm trí và hoạt động nhớ lại chuyện quá khứ kia thực sự là xảy ra trong hiện tại. Trái lại, nếu cái quá khứ đang được gợi nhớ kia chỉ là để tin rằng ‘‘chuyện trước kia gây ra chuyện hôm nay’’, hoặc như một sự lập lại theo thói quen, thì những gì đáng quan tâm trong hiện tại sẽ bị bỏ qua để thay vào đó là sự ‘‘lý trí hóa’’ các trải nghiệm.

Cũng tương tự như vậy, sự hoạch định cho tương lai cũng là một việc xảy ra trong hiện tại, trong đó con người trở nên có hệ thống hơn và chuyên tâm vào tương lai để có thể làm công việc chuẩn bị cho tương lai ấy. Suy nghĩ về tương lai mà không có sự chú tâm vào hiện tại chỉ dễ dẫn đến trạng thái lo âu mà thôi.

Cái gì và Như thế nào


Cả lý thuyết về tiến trình lẫn hiện tượng học đều thích sử dụng các phương pháp mô tả hơn là phương pháp dựa trên các lý giải. Các câu hỏi cơ bản nhất trong liệu pháp Gestalt không phải là ’’Tại sao?’’, mà là ‘‘Cái gì?’’.  Bạn đang trải nghiệm điều gì? Bạn đang làm gì? Bạn đang cần gì? Sự mô tả có thể ở gần hơn với các trải nghiệm, có thể quan sát và cảm nhận được từ bên trong, trong khi những lời giải thích thì chỉ có tính suy đoán và cách xa với các trải nghiệm.

Một câu hỏi khác đồng thời kèm theo đó là ‘‘Như thế nào?’’. Câu hỏi ‘‘Như thế nào’’ chính là trung tâm của việc định hướng vào tiến trình (process orientation) trong Học thuyết về Trường: Xem xét một cách chính xác bằng cách nào mà tiến trình này diễn ra trong đó có sự tham gia của thân chủ vào tiến trình.

Tiến trình trị liệu 2: 

Các thực nghiệm, kỹ thuật và các chiến lược

Liệu pháp Gestalt nhấn mạnh vào (1) Mối quan hệ trị liệu, được sâu đậm hơn nhờ sự hợp tác làm việc chung của hai phía, từ đó cho phép thực hiện các thực nghiệm (experimentations), và (2) Khả năng nội thị (insight) về nội dung và tiến trình diễn ra thông qua sự nhận biết và thực nghiệm tích cực và có trọng tâm. Cả hai điều này đã làm nên hầu hết sức mạnh hiệu quả của liệu pháp Gestalt.


Các kỹ thuật được áp dụng trong liệu pháp Gestalt bao gồm tất cả những hoạt động trị liệu thường thấy như việc lắng nghe có tính thấu cảm và kỹ thuật phản ánh; ngoài ra, nhà trị liệu Gestalt còn có thể vượt xa hơn bằng cách áp dụng bất cứ loại kỹ thuật trị liệu nào sẵn có cũng như sáng tạo những phương thức can thiệp ngay trong tình huống trị liệu. Những kỹ thuật ấy có thể kể đến: thực nghiệm giải tỏa cảm xúc (cathartic experimentation), hình dung (visualization), theo dõi các suy nghĩ (cognitive monitoring), thiền định (meditation) và thư giãn (relaxation) và các thực nghiệm bằng động tác cơ thể (experiments with movement).

Trọng tâm nhằm đạt đến khả năng nhận biết có thể thay đổi từ hình thức thảo luận về một vấn đề cụ thể, thông qua kỹ thuật phản ánh dựa trên chủ đề chung và việc huấn luyện các kỹ năng tâm lý, cho đến hình thức nội thị sâu sắc về các mô hình vận hành trong nhân cách cũng như các trải nghiệm về mặt phát triển, và sau cùng là thống hợp lại (integration) và đồng hóa (assimilation). Ngay cả khi làm việc với thân chủ trên bình diện nội dung, nhà trị liệu vẫn rất chú tâm đến các tiến trình, nhất là các tiến trình xảy ra việc thân chủ tham gia vào hoặc làm gián đoạn việc nhận biết về bản thân và tiếp xúc với người khác. Có lúc nhà trị liệu tập trung quan sát tiến trình nhưng vẫn giữ nội dung bàn luận ở vị trí nổi bật; có lúc nhà trị liệu sử dụng nội dung bàn luận như một tiêu điểm cụ thể để cho tiến trình có thể diễn ra. Giai đoạn trị liệu sau đó tiêu điểm được tập trung mạnh nhất có lẽ sẽ thuần túy là khả năng nhận biết về các tiến trình (process awareness).

Những can thiệp trị liệu là những hành vi thực nghiệm cụ thể được đề xuất từ sự hợp tác làm việc giữa thân chủ và nhà trị liệu. Những việc này luôn luôn nhắm tới việc ‘‘khám phá một điều gì đó’’ chứ không trực tiếp nhắm đến việc thay đổi hành vi. Những thực nghiệm là những việc được đề xuất để tập trung vào khả năng nhận biết bản thân mà thân chủ có thể sử dụng để làm gia tăng sức mạnh, sự linh hoạt và sự sáng tạo của những trải nghiệm mà họ có được từ trị liệu. Ngay cả những bài tập luyện về sự chú tâm đơn giản như thư giãn và kiểm soát hơi thở cũng được tiến hành với cùng một thái độ có tính thực nghiệm như vậy: ‘‘Hãy từ từ hít vào, nhẹ nhàng thở ra, rồi xem thử điều gì xảy ra với bạn’’.


Liệu pháp Gestalt khuyến khích nhà trị liệu cần phải sáng tạo (Zinker, 1977). Những quyển ‘‘cẩm nang’’ cho nhà trị liệu là điều không phù hợp với tinh thần của liệu pháp Gestalt. Kiến thức, kinh nghiệm và định hướng huấn luyện của nhà trị liệu sẽ phần nào xác định việc nội dung được khám phá là điều gì và việc ấy được thực hiện theo trình tự như thế nào trong khi trị liệu. Còn tiến trình khám phá diễn ra như thế nào thì phần nhiều mang tính nghệ thuật. Tính xác thực, sáng tạo và trực giác là những thứ thiết yếu cho sự tiếp xúc và nhận biết phong phú giúp phân biệt liệu pháp Gestalt với các phương pháp tiếp cận trị liệu rập khuôn và cứng nhắc.

Trong liệu pháp kinh nghiệm, nhà trị liệu bắt đầu bằng những gì đang được trải nghiệm. Nhà trị liệu Gestalt thực hiện một quan sát đầy đủ trên hàng loạt các dữ liệu và cho phép tạo lập nên một Ảnh rõ rệt nhất. Từ cuộc tiếp xúc ban đầu, nhà trị liệu sẽ tự động quan sát và lưu ý cách thức mà thân chủ đã ảnh hưởng đến mình một cách chủ quan. Dĩ nhiên, nhà trị liệu cần phải phân biệt rõ điều gì là những ‘‘vụ việc chưa hoàn tất’’ của chính mình và điều đó đang được ‘‘kích hoạt’’ bởi vấn đề của thân chủ (tức là hiện tượng ‘‘chuyển di ngược’’) và các hệ quả tập trung vào hiện tại.

Các thực nghiệm trong liệu pháp Gestalt, dù có vẻ như nhắm vào một hành vi cụ thể nào đó, nhưng chúng vẫn thực sự là những thực nghiệm: ‘‘Hãy làm thử điều ấy và học tập từ đó’’. Với ý nghĩa đó, thân chủ và nhà trị liệu cùng nhau thực nghiệm trong mối quan hệ được thiết lập giữa họ với nhau.

Câu hỏi cơ bản hay được nhà trị liệu đặt ra là ‘‘Bạn đang trải nghiệm điều gì ngay lúc này?’’ Việc này thường được mở rộng thành các thực nghiệm, qua đó thân chủ liên tục báo cáo lại những gì mà họ trải nghiệm được (một liên thể của sự nhận biết: awareness continuum). Điều này đẫn đến nhiều hệ quả. Khi thân chủ nêu ra những cảm xúc của họ về một ai đó hiện không có mặt trong phòng trị liệu, việc ấy sẽ dẫn đến việc thực hiện một thực nghiệm trong đó thân chủ tưởng tượng người đó đang ngồi trong phòng trên một chiếc ghế trống. Rồi sau đó thân chủ sẽ báo cáo lại một lần nữa về những gì mà họ đã trải nghiệm. Điều nối tiếp theo sau đó có thể là cảm xúc nhiều hơn, rõ rệt hơn, hoặc một ý muốn trốn chạy, hổ thẹn, hoặc có thể là sự giảm nhẹ các khó chịu vv... Sự biểu lộ cảm xúc một cách trực tiếp thường mang lại một tiêu điểm tập trung sắc nét hơn, sự trải nghiệm sống động hơn, rõ rệt hơn và thực sự là một giải pháp hơn là việc chỉ ‘‘nói về’’ đối tượng như một ngôi thứ ba. Chính vì lý do ấy mà thực nghiệm ‘‘chiếc ghế trống’’ thường được áp dụng.

Các thực nghiệm hiện tượng học và sự tiếp xúc qua đối thoại có thể được áp dụng cho trị liệu cá nhân, gia đình, nhóm, cặp và cả cho các thiết chế (institutions). Về mức độ, các thực nghiệm có thể thực hiện trên cả bình diện nội tâm lẫn bình diện liên cá nhân, và từ mức độ ‘‘nhập môn’’ cho đến cả mức độ rất sâu. Các thực nghiệm đôi khi có tính chất đi sâu vào lĩnh vực tinh thần, mặc dù nhà trị liệu Gestalt vẫn thường sử dụng những ngôn từ rất ‘‘đời thường’’.

Các thực nghiệm có thể có những mục đích sau:
1.     Làm rõ hơn những gì mà thân chủ đã nhận biết và tạo nên những liên kết mới giữa những nội dung đã được nhận biết
2.     Đưa vào tiêu điểm nhận biết những nội dung mà ban đầu chỉ ở vùng ‘‘ngoại vi’’ của sự nhận biết
3.     Đưa những nội dung quan trọng vào trong tầm nhận biết mà thân chủ lúc ban đầu đã cố gắng một cách có hệ thống giữ chúng ở bên ngoài sự nhận biết
4.     Đưa cả những cố gắng ngăn trở sự nhận biết có hệ thống này vào trong tầm nhận biết, đặc biệt là những cơ chế ngăn trở các suy nghĩ và cảm xúc khiến thân chủ ban đầu không nhận biết được chúng
5.     Thực nghiệm những kiểu thức mới trong suy nghĩ, ứng xử và nhận biết, bao gồm cả những phương thức có tính tự lực như thiền định, thư giãn và luyện thở. Các thực nghiệm thường được áp dụng hiệu quả là những cách thức mới trong việc khám phá hoặc tái định dạng những trải nghiệm cũ. Việc trị liệu thường làm cho những thực nghiệm có tính hành động dễ thực hiện hơn, ví dụ: mở rộng các quan hệ xã hội sau khi đã khơi thông nỗi sợ hãi những tình cảm mật thiết. Nhiều thân chủ từng bị lạm dụng đã tìm thấy sự bình phục sau khi thể hiện hung tính của họ chống lại kẻ đã làm hại họ thông qua hoạt động ‘‘sắm vai’’ (role-playing) hoặc các thực nghiệm giải tỏa cảm xúc (cathartic experiments).
Trọng tâm của các thực nghiệm là nhằm để thân chủ khám phá (discovery) chứ không phải là để giải tỏa cảm xúc (catharsis). Thông thường, những thứ cần được khám phá đó là những nỗi sợ hãi sự hiểu biết, sợ hãi sự bộc lộ, sợ hãi việc giải bày cảm xúc. Bất cứ điều được khám phá là gì, chúng đều trở thành Nền để dẫn đến việc tạo lập những Ảnh mới.

Quan điểm nhà trị liệu


Liệu pháp Gestalt giúp thân chủ tăng trưởng thông qua sự nhận biết bản thân. Liệu pháp Gestalt được được tiến hành thông qua mối quan hệ đối thoại hai ngôi ‘‘Tôi-và-Bạn’’ (I-thou attitude). Trong tâm lý trị liệu, yếu tố quan trọng nhất giúp cho sự bình phục đó chính là bản chất và chất lượng của mối quan hệ giữa thân chủ và nhà trị liệu. Trong liệu pháp Gestalt, mối quan hệ này là ngang bằng, nghĩa là không ai trong hai phía cố gắng kiểm soát người kia, hoặc cố gắng định trước kết quả, và nhà trị liệu cũng không phải là ‘‘người nắm giữ sự thật’’. Kết quả của việc trị liệu luôn là do sự làm việc chung của cả hai phía.

Đối thoại là sự gặp gỡ để trao đổi với một người, như thể người đó là đích điểm của đối thoại (tôi-và-bạn), chứ không phải người ấy là ‘‘phương tiện’’ để đạt đến một cái đích khác (tôi-và-nó). Liên hệ với một người để đạt đến một mục đích chính là một hoạt động theo kiểu “tôi-và-nó” (nghĩa là nói về một điều gì khác ở ngôi thứ ba). Người ta không thể vừa ở trong cuộc đối thoại vừa nhắm đến một “kết quả”. Mục đích của đối thoại chính là để gặp một người khác, chứ không phải để “tự hiện thực hóa” hoặc để “chữa lành”.

Có ba tính chất đặc trưng cho một mối quan hệ thông qua đối thoại:
1.     Sự nhập cuộc (Inclusion): Là tiến trình nhà trị liệu ngoại hiện bản thân một cách đầy đủ vào trong những trải nghiệm và tính chủ quan của thân chủ, đồng thời vẫn giữ được sự nhận biết về bản thân mình như một con người tách biệt. Khái niệm này hơi giống với ‘‘sự thấu cảm’’. Bằng cách nói ra các trải nghiệm của thân chủ, ‘‘hình dung ra sự thật’’, nhà trị liệu xác nhận sự tồn tại và các trải nghiệm của thân chủ.
2.     Hiện diện như chính con người thật của mình (Presence): Nhà trị liệu không có gắng ‘‘ra vẻ’’ hoặc trở thành một con người khác với chính con người thật của mình. Dĩ nhiên, để làm được việc này, nhà trị liệu cần phải có sự hình dung khá rõ ràng về hình ảnh bản thân của mình và có một phong cách hài hòa trong khi thực hành tâm lý trị liệu. Nhà trị liệu không cố thể hiện mình như một con người lý tưởng, hoặc như một ‘‘bức màn trắng tinh’’ để thân chủ thực hiện sự phóng chiếu. Việc nhà trị liệu tự bộc lộ bản thân (self-disclosure) chỉ khi nào điều đó thực sự là cần thiết và phải cân nhắc để có lợi cho thân chủ. Những trường hợp nhà trị liệu mắc mứu vào cuộc trị liệu (excessive self-reference), hoặc trở nên quá tách biệt về mặt cảm xúc (excessive emotional isolation), lúc đó có chỉ định tiến hành trị liệu hoặc giám sát cho nhà trị liệu.
3.     Dấn thân vào cuộc đối thoại (Commitment to dialogue): Cả thân chủ và nhà trị liệu đều sẵn lòng tham gia vào tiến trình đối thoại, tương tác, không kiểm soát hoặc định trước những gì nêu ra trong chủ đề đối thoại. Mỗi bên đều phải chấp nhận việc mối quan hệ tương tác với phía bên kia sẽ có thể có tác động lên trên hình ảnh tự thân (self-picture) và tính chủ quan của chính mình. Đối thoại cũng là một loại thực nghiệm hiện tượng học. Con người khi đối thoại thì đồng thời cũng đang tương tác, kết quả không hề được định trước; khi đó khả năng học tập và tăng trưởng sẽ được phát huy. Liệu pháp Gestalt có tính công khai về bản chất hiện tượng học của nó và các đối thoại cũng có tính thực nghiệm. Trong khi tiến hành liệu pháp Gestalt, chúng ta làm thăng tiến khả năng học tập và tăng trưởng bằng cách cho phép cả nhà trị liệu lẫn thân chủ trở nên sáng tạo trong khi tiến hành các hoạt động trị liệu. Triết lý của liệu pháp không được nói ra cho thân chủ nhưng thân chủ được mời gọi đi vào thực nghiệm với triết lý ấy.

YẾU TỐ BÌNH PHỤC


Con người tự duy trì bản thân mình và sự tăng trưởng bằng cách tiếp xúc với môi trường xung quanh. Khi có khả năng nhận biết đầy đủ, họ sẽ có thể học tập được từ những trải nghiệm có được nhờ sự tiếp xúc ấy. Khi con người không nhận ra được những trải nghiệm của chính mình, họ sẽ tự ngăn trở sự tăng trưởng của chính mình.

Học thuyết về sự thay đổi của liệu pháp Gestalt được gọi là Học thuyết nghịch lý về sự thay đổi (paradoxical theory of change): Thay đổi chỉ xảy ra khi một người thể hiện con người mà anh ta thực sự là chứ không phải khi anh ta cố gắng trở thành con người mà anh ta chưa là. Sự thay đổi không xảy ra khi có một sự cố gắng ép buộc của bản thân đương sự (hoặc bởi người khác) nhằm thay đổi bản thân mình; thay đổi chỉ xảy ra khi một con người dành thòi gian và công sức của mình để trở thành con người mà mình đang là – tức là đương sự phải đầu tư đầy đủ vào vị thế hiện tại của mình.

Nói cách khác, thay đổi có thể xảy ra khi thân chủ bỏ qua, ít nhất là ngay trong lúc này, những gì mà anh ta muốn trở thành và cố gắng sống đúng với con người thật của mình – giống như một người phải đứng vững tại một chỗ thì mới có được những bước vững chắc để đi tới phía trước.

Những cách thức như thuyết phục, diễn giải hoặc điều chỉnh hành vi không phải là những cách thức chủ yếu để giúp một người thay đổi. Bình phục có nghĩa là “tạo nên cái tổng thể”, mang những khía cạnh đang xung đột với nhau vào trong một tổng thể hài hòa và có ý nghĩa. Do vậy, cần mang những khía cạnh đang xung đột vào trong tầng nhận biết, chấp nhận những điều còn đang mâu thuẫn trong nội tâm, thống hợp chúng lại trong một cái ngã toàn vẹn có tính nhập cuộc.

Các yếu tố khác giúp cho sự bình phục:

-          Mối quan hệ và sự thay đổi có tính trị liệu: Trong liệu pháp Gestalt, con người không thể được xem xét một cách đầy đủ nếu tách rời người đó ra khỏi bối cảnh các tương tác liên cá nhân. Sự phát triển của con người, cả bình thường lẫn bệnh lý, đều là những tiến trình có tính xã hội. Sự lành mạnh hoặc bệnh lý đều được duy trì bởi môi trường tương tác. Tâm lý trị liệu cũng là một tiến trình tương tác. Thay đổi thực sự diễn ra khi nhà trị liệu có thái độ đối thoại, trình bày rõ sự hiểu biết của mình đối với những trải nghiệm chủ quan của thân chủ, có khả năng tự bộc lộ, nhiệt tình và chấp nhận thân chủ.
-          Xây dựng khả năng tự lực (self-support): Tiến trình thay đổi đi từ những bước thay đổi nhỏ cho đến những bước thay đổi lớn hơn. Buổi đầu trị liệu có thể hướng đến những khả năng nhận biết nho nhỏ, lĩnh hội kỹ năng, xây dựng các tiếp xúc... Nhưng đây vẫn chưa phải là những thay đổi trong cái toàn thể. Những thành quả cụ thể trong bước đầu có thể trở thành nền tảng cho những thay đổi sâu xa hơn có thể diễn ra khi trị liệu tiến triển lâu hơn. Cũng khá thường xảy ra việc thân chủ tạm ngưng trị liệu, như thể để ‘‘thụ hưởng những quả ngọt’’ từ việc trị liệu, ‘‘tiêu hóa’’ chúng, rồi sau đó trở lại để bước sang những mức độ trị liệu sâu hơn.
-          Khả năng nội thị (insight): Từng hành vi riêng biệt (những khía cạnh riêng lẻ của nhân cách) có thể được thay đổi bằng nhiều cách như: tự thay đổi theo thời gian, nhờ khơi thông cảm xúc, bằng cách cháp nhận một mối quan hệ, hoặc nhờ thay đổi tác nhân củng cố, nhờ dùng thuốc, vv... 


     Tuy nhiên, để thay đổi cấu trúc tự tổ chức của một con người, để có được những thay đổi và tăng trưởng liên tục sau khi trị liệu, và cũng để phát huy tối đa khả năng thích nghi đầy sáng tạo với cuộc sống, thân chủ cần phải có được khả năng nội thị - một điều thường không thể đạt được nếu không có sự làm việc một cách hệ thống và có hướng dẫn bên trong mối quan hệ ngày càng phát triển giữa thân chủ và nhà trị liệu. Nội thị là một trải nghiệm được cảm nhận từ nhiều sự kiện căn bản trong đời sống của thân chủ và được định dạng thành một gestalt có ý nghĩa. 

     Liệu pháp Gestalt nhấn mạnh đến việc bảo tồn hoặc thiết lập một tiến trình nhận biết từ đó dẫn đến khả năng nội thị, bao gồm cả sự nhận biết về những vấn đề có liên hệ từ trong quá khứ. Phương pháp trị liệu chủ yếu tập trung vào các tương tác hiện tại, nhưng sự nhận biết của thân chủ có thể bao gồm cả những cách thức xem xét trong hiện tại đối với những việc đã xảy ra trong quá khứ. 

     Khi những sự việc có ảnh hưởng trở nên mạnh mẽ và vượt khỏi tầm nhận biết, hoặc bị mắc mứu dưới dạng thức cứng nhắc khó thay đổi theo nhu cầu của hoàn cảnh sống, thì việc khám phá các ‘‘yếu tố thuộc về lịch sử’’ để đạt đến khả năng nội thị sẽ trở nên một việc làm tuyệt đối cần thiết nhằm phá vỡ những gestalt bị ‘‘đóng cứng’’ hoặc không đáp ứng với những nhu cầu trong hiện tại. Nếu chỉ làm việc trên những sự kiện quan sát được trong hiện tại mà không xem xét đến những yếu tố nền tảng như thế, hoặc chỉ làm việc đơn thuần bằng sự ‘‘nội thị có tính lịch sử’’ (historical insight) đều sẽ làm giới hạn hiệu quả của việc trị liệu.

     Liệu pháp Gestalt nói chung đã được áp dụng cho nhiều loại thân chủ khác nhau, với nguyên tắc chung là phải điều chỉnh cho phù hợp với từng tình huống lâm sàng cụ thể (Yontef, 1993). Có thể áp dụng cho nhiều loại chẩn đoán khác nhau và dưới nhiều hình thức khác nhau: cá nhân, cặp, nhóm, gia đình, và đồng thời cũng có thể áp dụng cho nhiều lứa tuổi khác nhau, kể cả trẻ em. Tuy nhiên, nhà trị liệu cần phải xác định rõ khuôn khổ của việc trị liệu, các ranh giới nghề nghiệp và phải là người nhạy cảm với các trải nghiệm của thân chủ - Nói chung đó là một người cần được đào tạo tốt và có kinh nghiệm lâm sàng.



1 nhận xét: