Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

TIẾN TRÌNH THÀNH NHÂN - Phần 03

MỘT VÀI ĐIỀU HỌC HỎI QUAN TRỌNG

Trên đây là một vài nét đại cương về đời sống nghề nghiệp của tôi. Tôi muốn mời bạn đi sâu vào một số điều học hỏi mà tôi đã lãnh hội được sau hàng ngàn giờ đồng hồ làm việc thân mật với những cá nhân đau khổ.


Tôi xin nói ngay rằng những điều học hỏi này rất có ý nghĩa đối với tôi, nhưng tôi không biết nó có đúng đ ối với bạn hay không. Tôi không có ước vọng trình bày những điều này như một kim chỉ nam ch o bất cứ ai. Phần tôi, tôi nhận thấy rằng khi có ai sẵn sàng nói cho tôi biết một ít điều về những đường hướng nội tâm của người đó, thì điều này rất có giá trị đối với tôi, nếu nó giúp tôi nhận thức thêm rằng những đường hướng của tôi không giống như vậy. Trong tinh thần đó, tôi xin cống hiến những điều học hỏi này.

Ở mỗi trường hợp, tôi đều tin rằng những điều này đã một phần nào hướng dẫn hành động và niềm xác tín trong tôi khá lâu trước khi tôi ý thức rõ được như vậy. Đó là những điều học hỏi lẻ tẻ và chưa đầy đủ, nhưng tôi chỉ có thể nói được rằng hiện giờ – và từ trước đến nay – những điều học hỏi này rất quan trọng đối với tôi. Tôi liên tục học đi học lại những điều đó. Thường khi tôi không hành động đúng với nó, nhưng sau đó tôi vẫn ước muốn được áp dụng như vậy. Hơn nữa, tôi cũng thường không nhận ra một hoàn cảnh mới, có thể áp dụng được những điều học hỏi này.

Thực ra, những điều học hỏi này không cố định, mà luôn luôn thay đổi. Có một số điều cần được nhấn mạnh hơn nữa, và cũng có những điều đôi khi ít quan trọng hơn, nhưng nói chung đều rất có ý nghĩa đối với tôi.

Tôi sẽ lần lượt trình bày mỗi điều bằng một vài câu nói lên ý nghĩa riêng của nó. Rồi tôi sẽ khai triển thêm. Những điều học hỏi đầu tiên là những điều nói nhiều về sự tương giao với người khác. Sau đó là những điều nói về giá trị cá nhân và những niềm xác tín.

*****

Những học hỏi liên quan đến sự tương giao với người khác:

1a.

Trong khi tiếp xúc với những người khác, tôi đã nhận thấy rằng nếu tôi hành động có vẻ như không trung thực là tôi, thì kết cuộc chẳng giúp ích gì cho ai cả. Nghĩa là, nếu thực sự tôi bực mình và gay gắt, mà lại làm ra vẻ bình thản vui vẻ thì chẳng ích gì. Nó cũng chẳng ích lợi gì khi tôi làm ra vẻ biết câu giải đáp trong khi thực sự mù tịt hoặc thực sự mình chống đối, nhưng lại vờ tỏ ra là người muốn yêu thương kẻ khác. Mặt khác, nếu thực sự tôi hốt hoảng và bất an nhưng lại tỏ ra rất tự chủ, thì cũng chẳng ích gì cho ai.

Nói một cách khác, trong tương giao của tôi với tha nhân, nếu tôi cố mang mặt nạ để che dấu tâm trạng thực sự của tôi ở bên trong, thì mối tương giao của tôi chẳng đem lại kết quả hữu ích nào. Nghĩa là, tôi không thể thiết lập được những giao hảo tốt đẹp với người khác. Đây là điều học hỏi tôi đã đã thực sự lãnh hội được, nhưng đúng ra tôi chưa lợi dụng triệt để được nó.

Thực tế vẫn cho thấy là những lỗi lầm của tôi trong những tương giao cá nhân, cũng như những lần tôi không giúp ích được cho người khác, hầu hết được bắt nguồn từ một số thái độ phòng vệ của tôi hoặc cách ứng xử bề ngoài của tôi có phần mâu thuẫn với cảm nghĩ thực sự của tôi.

2a.

Điều học hỏi thứ hai tôi có thể chấp nhận lắng nghe chính tôi và hành động đúng là tôi, thì tôi thấy có hiệu quả hơn. Mấy năm qua, tôi đã học hỏi đế biết lắng nghe mình một cách thích đáng hơn. Vì thế bây giờ tôi biết được tôi đang cảm thấy gì, tôi đang tức giận, hoặc đang từ chối người này, đang trìu mến và thắm thiết với người kia, đang cảm thấy nhàm chán hoặc không chú ý đến việc diễn ra trước mắt, đang khao khát được tìm hiểu người kia hay đang âu lo về mối tương giao của tôi với người nọ. Tóm lại, giờ đây, tôi có thể lắng nghe trong tôi tất cả những thái độ, những tình cảm khác nhau này. Nói một cách khác, tôi cảm thấy tôi đã trở nên thích đáng hơn trong sự biểu lộ tôi là tôi. Cũng nhờ thế mà tôi thấy dễ dàng hơn khi chấp nhân mình là một con người thực sự chưa hoàn hảo, nhưng đã biết hành động đúng theo con đường mà mình muốn hành động trong mọi trường hợp.


Đối với một số người, điều này có thể là một đường hướng rất kỳ lạ. Đối với tôi nó lại có giá trị, vì cái nghịch lý lạ lùng là khi tôi chấp nhận tôi như tôi thực sự là, thì tôi lại thấy mình thay đổi. Tôi tin rằng tôi đã học được điều này ở các thân chủ của tôi cũng như qua kinh nghiệm của riêng tôi: là chúng ta không thể thay đổi và không thể tách rời ra khỏi những gì làm thành con người của chúng ta cho đến khi nào chúng ta hoàn toàn chấp nhận nó. Khi đó, sự thay đổi sẽ xảy ra mà hầu như không ai nhận thấy.

Thái độ nhìn nhận tôi là tôi đem lại một kết quả nữa là sự tương giao trở nên thực sự với tất cả ý nghĩa sống động của nó. Nếu tôi có thể chấp nhận sự kiện tôi đang bị thân chủ này quấy rầy hoặc làm khó chịu thì rất có thể tôi sẽ chấp nhận kinh nghiệm đã thay đổi và những tình cảm đã thay đổi có thể xảy đến lúc đó trong tôi và trong thân chủ đó. Tương giao thực sự thường có khuynh hướng thay đổi hơn là cố định một chỗ.
Vì thế tôi thấy có hiệu quả khi tôi biểu lộ qua thái độ của tôi tất cả những gì là tôi, nghĩa là biết được giới hạn chịu đựng và khoan dung của mình đến đâu và chấp nhận điều này như một sự kiện. Mặt khác, tôi cũng ý thức được rằng khi nào tôi muốn uốn nắn người khác và cũng chấp nhận điều này như một sự kiện trong tôi. Tôi ước muốn chấp nhận những tình cảm như: nồng nàn, tha thiết, dễ dãi, tử tế và hiểu biết, tức những tình cảm có trong con người thực của tôi. Khi tôi chấp nhận tất cả những thái độ tình cảm này như một sự kiện, một thành phần trong tôi, thì mối giao hảo của tôi với người khác trở nên đúng với ý nghĩa mong muốn và có thế phát triển hoặc sẵn sàng thay đổi.

3a.

Đến đây tôi xin đề cập đến một điều học hỏi chính, có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Điều học hỏi này có thể được diễn tả như sau: Khi tôi có thể cho phép mình hiểu biết người khác thì đó là một điều quý giá to lớn mà tôi đã học hỏi được. Câu nói này của tôi có vẻ kỳ lạ đối với bạn. Thực ra có cần thiết cho phép mình hiểu biết kẻ khác hay không? Theo tôi thì cần thiết. Phần nhiều, khi nghe người khác nói, phản ứng đầu tiên của chúng ta là lập tức thẩm định giá trị, hoặc phán đoán hơn là tìm hiểu ý nghĩa của lời nói đó. Khi có người biểu lộ một cảm tình hay thái độ hoặc niềm tin tưởng nào đó, thì hầu như tức khắc chúng ta có khuynh hướng đưa ra những lời bình phẩm như “đúng”, “ngu”, “không bình thường”, “không hợp lý”, “sai”, hoặc “không hay”. Rất ít khi chúng ta cho phép mình tìm hiểu một cách chính xác ý nghĩa câu nói của diễn giả. Tôi nghĩ chắc tại vì tìm hiểu là điều có vẻ liều lĩnh chăng. Nếu tôi thực sự cho phép tôi tìm hiểu người khác thì rất có thể là sự hiểu biết này sẽ làm tôi thay đổi. Vì thế tôi nói cho phép mình tìm hiểu người khác một cách sâu xa, tường tận quả thật không phải là một chuyện dễ. Nó cũng là một điều hiếm có nữa.

Thực ra, hiểu biết là được phong phú trên hai phương diện. Khi tôi làm việc với các thân chủ bị tuyệt vọng, tìm hiểu được cái thế giới kỳ quặc của người bị thác loạn tâm lý, hiểu được hoặc cảm thông những thái độ của người cảm thấy đời quá bi thảm, hoặc hiểu được tâm trạng của người đang cảm thấy mình là đồ bỏ, thì quả thật là những điều hiểu biết làm cho tôi phong phú thêm. Từ những kinh nghiệm này, tôi học hỏi được những cách làm thay đổi con người của tôi, và làm cho tôi trở thành một người khác hẳn, nhưng biết đáp ứng hơn nữa.

Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn nữa là sự hiểu biết của tôi về những cá nhân này khiến họ cũng thay đổi. Sự hiểu biết của tôi cho phép họ chấp nhận những lo sợ của họ, cùng với những tư tưởng kỳ lạ, những tình cảm bi thảm và chán nản, cũng như chấp nhận những lúc họ cảm thấy can đảm, tử tế, yêu thương và nhạy cảm. Theo kinh nghiệm của tôi và của những người khác thì khi ta thực sự hiểu biết những tình cảm trên, ta cũng dễ chấp nhận chúng ở trong ta. Khi đó, ta sẽ thấy ta và những tình cảm đó luôn thay đổi. Mặt khác, được người ta hiểu biết mình cũng có một giá trị tích cực và quan trọng không kém sự tìm hiểu người khác.

4a.

Đến đây, tôi xin đề cập đến một điều học hỏi nữa, quan trọng đối với tôi. Đó là sự kiện tôi cảm thấy được phong phú khi tôi tạo được điều kiện thuận lợi để người khác có thể truyền thông cho tôi những cảm tình của họ, và ngay cả cái thế giới nội tâm riêng tư của họ nữa. Vì hiểu biết là điều được đền bù thỏa đáng, nên tôi muốn loại bỏ những hàng rào ngăn cách giữa tôi và người khác để họ có thể biểu lộ họ một cách đầy đủ hơn nếu họ muốn.


Trong tương giao trị liệu, có một số phương cách mà tôi có thể dùng để làm cho thân chủ cảm thấy dễ bộc lộ mình hơn. Bằng thái độ của tôi, tôi có thể tạo ra một sự an toàn trong không khí tương giao để cho sự cảm thông có thể thực hiện được. Thí dụ tỏ thái độ hiểu biết đúng về thân chủ, chấp nhận y là người có những nhận thức và tình cảm như vậy cũng rất hữu ích.

Nhưng khi ở vai trò nhà giáo, tôi đã thấy rằng nếu tôi tạo được những điều kiện giúp người khác có thể chia sẻ tâm tình của họ đối với tôi, thì quả thực tôi đã được phong phú. Vì thế, tôi thường cố gắng – mặc dù cũng luôn thất bại – tạo cho lớp học một bầu không khí mà trong đó học sinh có thể biểu lộ được cảm tình của chúng khác nhau và khác với cả thầy dạy của chúng. Tôi cũng thường yêu cầu sinh viên viết cho tôi những tờ phản ứng trong đó họ có thể biểu lộ những cảm tình của họ đối với người giảng dạy, hoặc nói đến những khó khăn mà họ đã gặp khi theo học. Những tờ bày tỏ phản ứng này không liên can gì đến thứ hạng họ. 

Đôi khi, trong một khóa học, những buổi diễn giảng lại được đón nhận với những phản ứng trái ngược nhau. Có sinh viên thì tuyên bố: “Với không khí của lớp học này tôi cảm thấy một thứ tình cảm nối loạn khó diễn tả.” Nhưng cũng phát biểu về cảm tưởng về lớp học trên, một sinh viên ngoại quốc lại nói: “Lớp chúng ta đã theo một phương pháp học tập khoa học và có kết quả nhất. Nhưng đối với những sinh viên từ lâu vẫn quen được giảng dạy bằng phương pháp diễn giảng và chăm chú nghe thầy dạy như chúng tôi, thì phương pháp mới này không sao có thể hiểu được, chúng tôi chỉ quen nghe giảng viên, rồi thụ động ghi chép và nhớ thuộc lòng những giảng khóa để đi thi. Dĩ nhiên là phải mất một thời gian lâu để cho sinh viên bỏ những thói quen cũ của mình, dù cho những thói quen đó có tốt đẹp và hữu ích hay không.” Được nghe những cảm nghĩ rất trái ngược nhau như thế này là một điều khích lệ lớn đối với tôi.

Tôi cũng ghi nhận sự kiện trên ở những nhóm học tập do tôi chủ xướng. Tôi ước muốn được giảm bớt sự sợ sệt hoặc thái độ phòng vệ để các nhóm viên có thể biểu lộ tình cảm của mình một cách tự do. Đây là một điều thích thú nhất, và đã đưa tôi đến một quan niệm hoàn toàn mới về vai trò điều khiển.

5a.

Đến đây tôi xin trình bày một điều học hỏi nữa, rất quan trọng đối với tôi trong công tác hướng dẫn. Điều học hỏi này có thể được tóm tắt như sau: Khi tôi có thể chấp nhận một người khác, thì đó là một phần thưởng lớn lao.

Kinh nghiệm đã cho tôi biết rằng thực tình chấp nhận một người cùng với tất cả tình cảm của người đó, chắc chắn không phải là một điều dễ dàng. Liệu tôi có thể cho phép một người khác gây hấn với tôi không? Liệu tôi có thể chấp nhận người đó mặc dù thái độ nhìn đời của y khá hắn thái độ của tôi? Liệu tôi có thể chấp nhận y khi thấy y tỏ ra khâm phục tôi và muốn sống theo tôi? Tất cả vấn đề chấp nhận là thế đó, và muốn chấp nhận không phải là chuyện dễ. Đối với chúng ta, chúng ta thất rất khó mà chấp nhận để con em mình, hoặc cha mẹ, vợ chồng mình cảm nghĩ khác chúng ta về một số vấn đề đặc biệt nào đó. Sở dĩ thế vì mỗt người chúng ta – do ảnh hưởng văn hóa – đều muốn tin rằng “người khác cũng phải cảm nghĩ và tin như tôi”. 

Do đó, chúng ta không thể cho phép thân chủ hoặc sinh viên của chúng ta khác chúng ta hoặc sử dụng kinh nghiệm theo đường lối riêng tư của họ. Trên bình diện quốc gia, chúng ta không thể cho phép một quốc gia khác cảm nghĩ quá khác biệt với chúng ta. Nhưng theo nhận xét của tôi, nếu mỗi cá nhân được sống tách biệt khỏi người khác, có quyền sống theo kinh nghiệm riêng tư của mình để tìm ra ý nghĩa cho đời mình qua kinh nghiệm ấy, thì quả thật đó là một trong những tiềm năng vô giá của cuộc sống. Mỗi cá nhân là một hòn đảo riêng của mình và cá nhân đó chỉ có thể bắc cầu đi qua những hòn đảo khác nếu trước hết y muốn được là y và cũng được người khác công nhận như vậy trong tư cách đó. Như vậy khi tôi có thể chấp nhận một người khác, chấp nhận tất cả tình cảm, thái độ và niềm tin của y như những thực tế trong con người y, thì lúc đó tôi đang giúp y trở thành một con người và đối với tôi, điều này có giá trị rất lớn.

6a.

Tiếp đến một điều học hỏi nữa, có thể hơi khó diễn tả. Đó là nếu tôi tỏ ra cởi mở với những thực tại ở trong tôi và ở nơi người khác, thì càng ít muốn vội vã ổn định mục tiêu. Khi tôi cố gắng lắng nghe tôi để thấy kinh nghiệm diễn tiến trong tôi – và hơn thế nữa – khi tôi càng giữ thái độ lắng nghe đó với người khác, tôi lại càng cảm thấy tôn trọng những tiến trình phức tạp của cuộc sống. Vì thế, tôi lại càng thấy ít có khuynh hướng muốn hấp tấp ổn định sự việc, đặt mục tiêu, và uốn nắn người khác để thúc đẩy họ đi vào con đường tôi mong muốn. Tôi cảm thấy rất hài lòng vì được là tôi và để người khác là người khác. Tôi biết rõ điều này có vẻ rất kỳ lạ, hầu như đó là một quan điểm của Đông phương. Đời có nghĩa là gì, nếu chúng ta không làm một cái gì cho người khác, không khuyên dụ họ chấp nhận mục đích của chúng ta và không rao giảng cho họ những điều mà chúng ta nghĩ họ nên học? Sống để làm gì, nếu chúng ta không làm cho người khác cảm nghĩ như chúng ta? Làm sao để mọi người có được quan điểm thụ động như quan điểm mà tôi đang diễn tả? 


Tôi tin chắc rằng những thái độ vừa nêu trên có trong phản ứng của nhiều người trong các bạn.

Tuy nhiên, theo khía cạnh nghịch lý trong kinh nghiệm của tôi, nếu tôi càng giản dị muốn là tôi trước những phức tạp của cuộc sống, và nếu tôi càng muốn tìm hiểu và chấp nhận những thực tế trong tôi cũng như nơi người khác, thì tôi cảm thấy có thêm thay đổi. Một sự kiện rất nghịch lý là trong chừng mực mà mỗi người chúng ta muốn được là mình, thì lúc đó không những ta thấy ta đang thay đổi mà ngay cả cá nhân ta giao tiếp cũng đang thay đổi nữa. Ít nhất đây là một khía cạnh rất sống động trong kinh nghiệm của tôi, và cũng là một trong những điều học hỏi sâu xa nhất mà tôi đang lãnh hội được qua nghề nghiệp và đời sống cá nhân của tôi.

*****

Đến đây tôi xin đề cập đến một vài điều học hỏi khác, ít liên quan đến vấn đề tương giao, nhưng liên hệ nhiều đến hành động và giá trị mà tôi đang theo đuổi:

1b.

Trước hết là điều tôi có thể tín nhiệm kinh nghiệm của tôi.

Một trong những điều căn bản mà tôi đã nhận thức từ lâu – và hiện giờ còn học hỏi – là khi một điều gì ta cảm thấy có giá trị và đáng làm, thì thực sự nó đáng làm. Nói một cách khác, kinh nghiệm đã dạy cho tôi biết rằng khi toàn thể cơ năng của tôi nhận thức một hoàn cảnh nào đó, thì nhận thức này đáng tín nhiệm hơn hiểu biết bằng lý trí của tôi.

Tất cả đời sống nghề nghiệp của tôi đều đã đi theo những con đường mà người khác nghĩ là ngu xuẩn, và chính tôi, tôi cũng có nhiều nghi ngờ. Nhưng tôi không bao giờ hối tiếc là đã đi vào những con đường mà tôi cảm thấy là đúng, mặc dù tôi vẫn thường cảm thấy cô đơn hoặc ngu xuẩn đôi khi.
Tôi nhận thấy rằng khi tôi tín nhiệm một nhận thức nào đó, không phải do thông minh điều khiển, tôi đã tìm thấy sự khôn ngoan trong hướng đi. Tôi thấy rằng khi tôi đi theo một trong những con đường không thông thường này, vì thấy nó đúng, thì các đồng nghiệp của tôi cũng đi theo tôi trong năm mười năm và tôi không còn cảm thấy cô đơn độc hành nữa.

Khi tôi dần dần tín nhiệm toàn thể mọi phản ứng của tôi một cách sâu xa hơn, tôi cũng nhận thấy tôi có thể sử dụng những phản ứng này để hướng dẫn tư tưởng của mình. Tôi càng trở nên biết tôn trọng những tư tưởng mơ hồ đó mà đôi khi đã xuất hiện trong tôi và dường như rất có ý nghĩa. Tôi tin rằng những tư tưởng không rõ rệt đó sẽ dẫn đưa tôi đến những chân trời quan trọng. Tôi nghĩ đến những tư tưởng đó qua thái độ tín nhiệm toàn thể kinh nghiệm của tôi – mà tôi cho là còn khôn ngoan hơn cả lý trí của tôi nữa. Tôi chắc nó có thể sai lầm nhưng ít sai lầm hơn tâm trí của tôi. Max Weber, một nghệ sĩ, đã diễn tả rất đúng thái độ này khi ông nói: “Trong lúc nỗ lực sáng tạo, tôi tùy thuộc phần lớn vào yếu tố tôi chưa biết đến và cũng chưa từng sáng tạo”.


Liên quan mật thiết tới điều học hỏi này là điều tôi nhận thấy rằng sự thẩm định giá trị của người khác không giúp hướng dẫn gì cho tôi. Sự phán đoán của người khác cũng không bao giờ là một hướng dẫn đối với tôi mặc dù ta phải lắng nghe và chấp nhận họ. Đấy là một điều học hỏi khó hấp thụ. Tôi còn nhớ trước kia có một nhân vật nhận trí thức mà tôi xem như là một tâm lý gia uyên thâm hơn tôi rất nhiều, đã có lần nói rằng tôi lầm lỗi trong quyết định chọn ngành tâm lý trị liệu. Nghề này không bao giờ đưa tới đâu, và ở cương vị một tâm lý gia, tôi cũng không có cơ hội thực hành nghề đó.

Trong mấy năm sau này, đôi khi tôi cũng có dịp nhận thấy rằng, dưới mắt một số người, dường như tôi là một thứ lang y giả hiệu, hành nghề không có giấy phép, tác giả của một mớ lý thuyết tai hại về trị liệu, một người thích quyền lực, một nhân vật huyền bí…Và tôi cũng nhận thấy rằng nếu người ta khen tặng tôi quá mức thì cũng làm cho tôi bối rối quá độ, nhưng tôi không quá quan tâm đến chuyện này vì tôi đã cảm thấy chỉ có một người duy nhất có thể biết đến công việc tôi đang làm là lương thiện, ngay thẳng và tốt đẹp hay giả dối, phòng vệ và không lương thiện. Người đó chính là tôi.

Tôi sung sướng có được tất cả mọi bằng chứng về việc tôi đang làm và sự chỉ trích – dù thân thiện hay thù ghét – cũng như khen ngợi – thành thật hay nịnh bợ – đều nằm trong bằng chứng ấy. Nhưng thẩm định ý nghĩa và sự hữu dụng của bằng chứng này là việc tôi không thể trao phó cho bất cứ ai.

2b.

Một điều học hỏi nữa của tôi chắc sẽ không làm cho bạn ngạc nhiên, là đối với tôi kinh nghiệm được coi là thẩm quyền cao nhất.

Có thể nói kinh nghiệm của riêng tôi là tiêu chuẩn của giá trị. Tư tưởng của người khác và của tôi cũng không đáng tin cậy bằng kinh nghiệm của tôi. Chính nhờ kinh nghiệm mà tôi phải vận dụng cách này cách khác để tiến tới gần chân lý hơn nữa trong tiến trình thành nhân của tôi.
Có thể nói, Thánh Kinh và các tiên tri, Freud và mọi công trình tìm tòi, mặc khải của thượng đế hay con người cũng không thể đi trước kinh nghiệm trực tiếp của tôi.

Nói theo danh từ của nhà ngữ ý học thì kinh nghiệm của tôi có quyền lực cao hơn, khi nó trở nên căn bản hơn. Do đó, toàn bộ kinh nghiệm sẽ có thẩm quyền nhất ở bình diện thấp nhất của nó. Nếu tôi đọc một lý thuyết về tâm lý trị liệu, nếu tôi tìm cách công thức hóa lý thuyết đó dựa trên công việc của tôi nơi các thân chủ, và nếu tôi cũng có một kinh nghiệm trực tiếp về tâm lý trị liệu với thân chủ nào đó, thì mức độ thẩm quyền (thẩm quyền: authority) sẽ gia tăng theo thứ tự mà tôi đã liệt kê những kinh nghiệm này.

Không phải kinh nghiệm của tôi có thẩm quyền bởi vì nó không sai lầm. Nó là căn bản của thẩm quyền bởi vì nó luôn luôn có thể được kiểm chứng bằng đường lối mới mẻ. Bằng cách ấy, những sai lầm thường xuyên của nó luôn luôn được sửa chữa.

3b.

Một điều học hỏi riêng nữa là tôi sung sướng được khám phá trật tự trong kinh nghiệm. Tôi không sao tránh khỏi tìm kiếm ý nghĩa, tính cách ngăn nắp hoặc cái vẻ có quy luật của toàn bộ kinh nghiệm. Chính thái độ tò mò này đã đưa tôi đến chỗ công thức hóa những điều tôi đã trình bày, và tôi rất thích thú được tò mò như vậy. Tôi đã nhờ đó mà nghiên cứu sự ngăn nắp trong công việc bề bộn của các chuyên viên trị liệu trẻ em, và đã hoàn thành tác phẩm “Vấn đề trị liệu cho trẻ.” Sự tò mò này cũng đưa tôi đến chỗ công thức hóa những nguyên tắc tổng quát có thể áp dụng trong ngành Tâm lý trị liệu, và tham chiếu để viết một số sách hoặc bài vở. Nó cũng hướng dẫn tôi nghiên cứu để thí nghiệm nhiều loại hình thức quy luật mà tôi đã gặp phải trong kinh nghiệm. Nó cũng khích lệ tôi đề ra những lý thuyết nhằm sắp đặt cho có thứ tự những gì đã kinh nghiệm được và áp dụng trật tự này vào những lãnh vực mới, chưa khám phá nhưng có thể được thí nghiệm thêm nữa.



Có thể nói tôi đã nhận thức được rằng cả hai công trình nghiên cứu khoa học và phương pháp kiến tạo lý thuyết đều nhằm sắp đặt trật tự bên trong của những kinh nghiệm quan trọng. Nghiên cứu là một nỗ lực bền bỉ nhằm tìm ý nghĩa và trật tự qua những biểu lộ của kinh nghiệm chủ quan. Sự thật là tôi lấy làm thỏa mãn được chiêm ngưỡng vũ trụ trong trật tự, cũng như hiểu được những liên hệ lớp lang trong thiên nhiên.

Tôi dốc tâm vào nghiên cứu và kiến tạo lý thuyết là cốt để thỏa mãn nhu cầu nhận thức và ý nghĩa, một nhu cầu chủ quan của tôi. Nhưng đôi khi tôi cũng đã nghiên cứu vì lý do khác – vì muốn thỏa mãn người khác, muốn thuyết phục những đối thủ hoặc những người hoài nghi, muốn tiến bộ về nghề nghiệp, muốn có uy tín hay vì những lý do khác. Những lỗi lầm trong sự phán đoán và hoạt động chỉ giúp thuyết phục tôi thêm tin tưởng mạnh mẽ rằng chỉ có một lý do tốt đẹp để theo đuổi những hoạt động khoa học, đó là nhu cầu đang hiện hữu trong tôi để tìm hiểu ý nghĩa của mọi sự.

4b.

Một điều học hỏi nữa mà tôi đã mất lâu ngày để hấp thụ được, đó là mọi sự kiện đều thân hữu. Tôi rất chú ý đến sự kiện hầu hết các tâm lý gia trị liệu, đặc biệt là các nhà phân tâm học, đã khẳng khái từ chối điều tra một cách khoa học công việc trị liệu của họ hoặc cho phép người khác làm như vậy. Tôi có thể hiểu được thái độ này vì tôi đã cảm thấy nó. Đặc biệt trong những cuộc điều tra đầu tiên của chúng tôi, tôi còn nhớ rõ sự âu lo đợi chờ kết quả tra cứu. Giả sử giả thuyết của mình không đúng, giả sử mình quan niệm sai lầm, hoặc giả sử ý kiến của mình không chứng minh được. Mỗi cái giả sử như vậy, bây giờ nhìn lại, tôi thấy dường như trước đây tôi đã coi những sự kiện như những kẻ thù đáng sợ, như những điều mang tai họa đến. Có lẽ tôi phải mất một thời gian lâu dài để nhận thức được rằng những sự kiện đều rất thân thiện. Trong bất cứ lãnh vực nào, một sự kiện hiển nhiên nhỏ bé cũng có thể đưa ta đến gần kề chân lý hơn. Và được gần kề chân lý bao nhiêu thì chẳng bao giờ lại là một điều tai hại hoặc bất mãn. Vì thế, mặc dù tôi vẫn ghét điều chỉnh lại tư tưởng của tôi, cũng như không chịu từ bỏ những đường lối cũ về nhận thức và quan niệm, nhưng ở một mức độ thâm sâu nào đó, tôi vẫn phải nhìn nhận rằng học tập có nghĩa là chấp nhận những điều chỉnh như vậy, dù cho nó là một kinh nghiệm đau lòng nhưng luôn luôn đưa đến cái gì thỏa thích hơn, một cái gì chính xác hơn về cách hiểu đời.


Chính vì thế mà hiện nay đối với tôi, một trong những lãnh vực hấp dẫn nhất cho suy tư và hoài nghi là lãnh vực tôi không thấy xuất hiện bóng dáng một số tư tưởng nòng cốt của tôi. Hiểu được khía cạnh khúc mắc của sự kiện này đã giúp tôi xích lại gần chân lý một cách thích thú hơn. Tóm lại, tôi cảm thấy chắc chắn rằng mọi sự kiện đều là những thân hữu của tôi.

5b.

Một điều học hỏi nữa có thể coi là thích thú nhất vì nó làm cho tôi cảm thấy mình giống người khác một cách rõ rệt. Điều học hỏi này có thể được diễn tả thế này: Cái gì có vẻ cá nhân nhất thì cũng lại phổ quát nhất. Có nhiều lần nói chuyện với sinh viên hoặc với nhân viên điều hành, hay phải viết lách điều gì, tôi đã biểu lộ tâm tình tôi một cách riêng tư đến nỗi tôi nghĩ rằng không ai có thể hiểu được vì nó có vẻ độc đáo của riêng tôi quá. Hai trường hợp viết điển hình như vậy là lần viết bài tựa cho cuốn “Thân chủ trọng tâm” (bị các nhà xuất bản coi là không phù hợp nhất) và một bài viết về “Nhân vị hay khoa học”. Trong hai trường hợp này, tôi có dịp nhận thấy chính cái cảm nghĩ mà tôi cho là của riêng cá nhân tôi nhất là khó cho người khác hiểu được thì thực ra lại là một tâm tình gây ra âm hưởng nơi nhiều người khác. Sự kiện này đã đưa tôi đến chỗ tin tưởng rằng cái gì có vẻ cá nhân nhất, có vẻ độc đáo nơi mỗi người chúng ta thì có lẽ lại là yếu tố được người khác lãnh hội một cách sâu xa nhất nếu được chia sẻ hoặc phải biểu lộ ra. Điều này giúp tôi hiểu được các nghệ sĩ và thi sĩ là những người dám biểu lộ cái độc đáo của chính họ.

6b.

Còn một điều học hỏi nữa mà có lẽ là căn bản cho tất cả những điều tôi đã nói ở trên. Điều học hỏi này đã đến với tôi trong hơn hai mươi năm qua, với sự cố gắng giúp ích cho những người bị tuyệt vọng vì những chuyện riêng tư của mình. Điều học hỏi này chỉ đơn giản có thế này: Theo kinh nghiệm của tôi thì mọi cá nhân đều có một đường hướng căn bản tích cực. Trong những cuộc tiếp xúc sâu xa nhất với các thân chủ trị liệu ngay với cả những người có vấn đề rắc rối nhất, những người có hành động chống lại xã hội nhất, hoặc có những tâm tình bất thường nhất, tôi vẫn nhận thấy điều nhận định trên là đúng. Mỗi khi tôi có thể cảm thấy hiểu được những tâm tình mà họ đang diễn tả, và chấp nhận họ như những cá nhân riêng biệt ở đúng vị trí riêng của họ, tôi thấy họ ngả chiều theo những hướng đi rõ rệt. Đó là những hướng nào? Để mô tả, tôi tin rằng những danh từ đúng đắn nhất phải là: tích cực, tiến đến chỗ mình là trung tâm xây dựng, tiến đến trưởng thành và tiến đến xã hội hóa (socialization).

Tôi còn nhận thấy rằng cá nhân càng được hiểu biết và chấp nhận bao nhiêu, thì y càng tiến tới chỗ bỏ rơi những mặt nạ giả dối mà y vẫn đeo trước cuộc đời, và y càng tiến về chiều hướng đi lên hơn.
Tôi không muốn bị hiểu lầm về điều này. Tôi không lạc quan quá mức về nhân bản. Tôi hoàn toàn ý thức rằng ngoài thái độ phòng vệ và sợ hãi bên trong ra, người ta ai cũng có thể và đã từng có những hành động nói được là tàn bạo và phá hoại kinh khủng, là ấu trĩ, là làm tổn thương và chống lại xã hội. Nhưng một trong những kinh nghiệm khích lệ nhất đối với tôi là được làm việc với những cá nhân đó và khám phá ra những khuynh hướng tích cực mạnh mẽ ở nơi họ cũng như trong tất cả chúng ta ở những bề diện thâm sâu nhất.

7b.

Tôi xin kết thúc bằng một điều học hỏi sau cùng như thế này: Ở khía cạnh tích cực nhất, cuộc sống là một tiến trình luôn trôi chảy và thay đổi, trong đó không có gì là cố định. Ở trong tôi cũng như ở các thân chủ của tôi, cuộc sống phong phú nhất là khi nó là một tiến trình đang trôi chảy. Kinh nghiệm điều này vừa làm cho say mê mà cũng làm cho ta lo sợ. Tôi nhận thấy tôi được sung mãn nhất là khi tôi để cho dòng suối kinh nghiệm lôi cuốn tôi theo chiều hướng đi lên, tiến tới những mục đích mà tôi mới chỉ ý thức lờ mờ. Để mình trôi đi như vậy với dòng suối kinh nghiệm và cố gắng tìm hiểu tính cách phức tạp luôn luôn thay đổi của nó sẽ cho ta thấy rõ rệt là không có điểm cố định nào. Do đó, khi tôi có thể ở trong một tiến trình như vậy, tôi thấy rõ là không thể có trong tôi một hệ thống đã hoàn tất về niềm tin hoặc những nguyên tắc bất di bất dịch. Đời sống được hướng dẫn bằng sự hiểu biết và giải thích luôn thay đổi của kinh nghiệm trong tôi. Nghĩa là cuộc sống luôn luôn đang trong tiến trình hình thành.


Vì thế tôi nhận thấy rõ là tôi không thể khuyến khích hay thuyết phục người khác tin theo một thứ triết lý, hoặc niềm tin hay nguyên tắc nào. Tôi chỉ có thể cố gắng sống theo sự giải thích ý nghĩa hiện tại của kinh nghiệm tôi, và cố gắng cho người khác được quyền và tự do để phát triển cái tự do nội tâm của họ, và từ đó, tìm được sự giải thích có ý nghĩa cho kinh nghiệm riêng của họ.


Nếu có một điều được gọi là chân lý, thì tôi tin rằng tiến trình tìm kiếm cá nhân trên đây phải nhằm hướng đó. Và đây cũng là điều tôi đã kinh nghiệm trong một phạm vi giới hạn.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét