Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

TIẾN TRÌNH THÀNH NHÂN - Phần 05

Chương 3:


NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA LIÊN HỆ TRỊ LIỆU

*****

Từ lâu tôi đã có lòng tin mạnh mẽ – có những người bảo đó là một ám ảnh – rằng liên hệ trị liệu chỉ là một loại đặc biệt của những liên hệ giữa người với người nói chung, và rằng tất cả những liên hệ này đều bị chi phối bởi cùng một quy luật. Đó là chủ đề tôi đã chọn cho mình khi được yêu cầu nói chuyện tại hội nghị của American Personnel and Guidance Association tại St Louis năm 1958.

Nổi bật trong bài này là sự phân đôi giữa khách quan và chủ quan là một phần rất quan trọng trong kinh nghiệm của tôi những năm gần đây. Tôi thấy rất khó viết một bài hoặc là hoàn toàn khách quan hoặc là hoàn toàn chủ quan. Tôi muốn đưa hai thế giới đó lại gần nhau, ngay cả khi tôi không thể giảng hòa chúng một cách trọn vẹn.

*****

Sự quan tâm của tôi đến khoa Tâm Lý Trị Liệu đã tạo cho tôi một sự quan tâm đến mọi thứ liên hệ trợ lực. Qua từ này tôi muốn nói đến một liên hệ trong đó ít nhất một bên có ý định khuyến khích nơi bên kia sự tăng trưởng, phát triển, trưởng thành, hoạt động tốt hơn và khả năng đối phó với đời lớn hơn. Bên kia, theo nghĩa này có thể là một cá nhân hay một nhóm, nói cách khác, một liên hệ trợ lực có thể được định nghĩa như là một liên hệ trong đó một trong những tham dự viên có ý định đem lại cho một hay cả hai phía sự nhận định năng lực tiềm ẩn bên trong cá nhân, đồng thời sự biểu lộ và sử dụng năng lực ấy.

Tới đây thì rõ ràng là một định nghĩa như vậy bao trùm một rặng dài những liên hệ, nhằm giúp sự tăng trưởng được dễ dàng. Nhất định trong đó có liên hệ giữa mẹ và con, cha và con. Nó có cả liên hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Liên hệ giữa thầy giáo và học trò cũng thường nằm trong định nghĩa này, mặc dầu có một số thầy giáo không nhằm mục đích giúp cho sự trưởng thành. Nó cũng bao gồm hầu hết những liên hệ hướng dẫn viên và thân chủ, bất kể chúng ta nói đến hướng giáo dục, hướng dẫn nghề nghiệp hay hướng dẫn tâm tình. Trong lãnh vực vừa đề cập tới trên đây, nó bao quát một rặng dài những liên hệ giữa nhà tâm lý trị liệu và bệnh nhân tâm thần, nhà trị liệu và người rối trí hay bị tâm thần nhẹ, và liên hệ giữa nhà trị liệu và con số càng lúc càng đông những người gọi là “bình thường” đến với  khoa trị liệu để cải tiến hoạt năng của mình hay là xúc tiến sự tăng trưởng cá nhân.

Phần lớn, đây là những liên hệ giữa hai người. Nhưng chúng ta cũng nên nghĩ đến một số đông những tác động hỗ tương giữa một người và nhóm, nhằm tạo thành những liên hệ nâng đỡ. Một số người điều khiển muốn cho liên hệ của họ với những nhóm cộng sự thành những liên hệ cổ võ thăng tiến, mặc dầu một số khác không nhằm mục đích ấy. Sự tác động hỗ tương giữa người trị liệu và nhóm của người ấy thuộc về loại này. Mối liên hệ của người cố vấn cộng đồng với nhóm cộng đồng cũng vậy. Sự tác động hỗ tương giữa nhà cố vấn kỹ nghệ và nhóm điều hành cũng nhằm đóng vai liên hệ nâng đỡ. Có lẽ sự kê khai này cho thấy sự kiện là nhiều người khác tham dự, đi vào phạm trù những tác động hỗ tương nhằm tăng tiến sự phát triển và sự hoạt động trưởng thành hơn.

CÂU HỎI

Nhưng đâu là những đặc tính của những liên hệ thực sự giúp đỡ, và làm dễ dàng sự tăng trưởng? 

Và ở đầu bên kia, có thể nhận ra những đặc tính nào khiến một liên hệ không trợ lực, mặc dầu có ý định thành khẩn làm tăng tiến sự tăng trưởng và phát triển? 


Chính vì những câu hỏi này, nhất là câu hỏi thứ nhất mà tôi muốn mời các bạn cùng tôi tham quan ít nẻo đường mà tôi đã thăm dò, và xác định với các bạn tôi đang đứng đâu, vào lúc này, trong suy tư của tôi về những vấn đề này.

NHỮNG CÂU TRẢ LỜI DO NGHIÊN CỨU CUNG CẤP

Câu hỏi rất tự nhiên trước hết là: có một cuộc nghiên cứu thực nghiệm nào có thể cho chúng ta lời giải đáp khách quan về những vấn đề này không? Chưa có nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực này, nhưng kết quả đạt được rất khích lệ và gợi hứng. Tôi không thể báo cáo hết được nhưng tôi muốn làm một cuộc thăm dò khá rộng rãi về những công trình đã được thực hiện và lược kể lại một vài kết luận. Làm như vậy thì phải giản lược, và tôi ý thức được rằng mình không đối xử công bằng lắm với những nghiên cứu đang được đề cập đến, nhưng chúng có thể cho các bạn cảm tưởng là những bước tiến dựa trên sự kiện đang được xúc tiến và đủ gợi óc tò mò của các bạn để xem xét những công trình nghiên cứu ấy, nếu các bạn chưa có dịp đọc.

NHỮNG KHẢO SÁT VỀ THÁI ĐỘ

Hầu hết các bài nghiên cứu soi sáng những thái độ về phía người trợ lực, những thái độ làm cho người ta trưởng thành (growth – promoting) hay cản trở sự trưởng thành (growth – inhibiting). 

Chúng ta hãy cùng xem xét một vài bài.

Một cuộc nghiên cứu thận trọng về những liên hệ cha mẹ – con cái được Baldwin và những người khác thực hiện vài năm trước đây tại Viện Fels chứa đựng những dữ kiện rất hay. Trong những phân loại về thái độ của cha mẹ đối với con cái thì loại “chấp nhận dân chủ” (acceptant democrative) có vẻ giúp tăng trưởng nhất. Khi cha mẹ có những thái độ âu yếm và dân chủ đối với con thì chúng thấy có sự phát triển trí năng mau lẹ (I.Q. gia tăng), nhiều độc đáo, nhiều an ninh tình cảm và tự chủ, ít bị khích động hơn những đứa trẻ thuộc loại gia đình khác. Mặc dầu lúc đầu sự phát triển xã hội tính có phần chậm, chúng là những thủ lãnh thân thiện và không hung hãn khi đến tuổi đi học.

Khi những thái độ của cha mẹ được xếp loại là “hất hủi ra mặt” (actively rejectant) thì những đứa con phát triển trí năng chậm, ít sử dụng những tài năng chúng có, và thiếu tính độc đáo. Chúng bất ổn trong tình cảm, chống đối, hung hãn và ưa cãi lộn. Những đứa con của cha mẹ có những triệu chứng thái độ khác, được xếp vào giữa những thái cực này.

Tôi chắc chắn là những khám phá liên quan đến sự phát triển trẻ em này không làm chúng ta ngạc nhiên. Tôi muốn gợi ý rằng chúng ta cũng áp dụng đúng đối với những liên hệ khác, và người hướng dẫn hoặc bác sĩ hay người điều hành nếu có tình cảm nồng hậu và cởi mở, biết tôn trọng cá tính của người khác, thường biết thương yêu mà không chiếm hữu, thì họ sẽ giúp cho sự triển nở được dễ dàng giống như cha mẹ với những thái độ ấy.


Tôi xin sang một cuộc nghiên cứu thận trọng trong một lãnh vực rất khác. Whitehorn và Betz  (1) điều tra về sự thành công của một nhóm bác sĩ thường trú trong khi làm việc với những bệnh nhân tâm thần phân liệt (schizophrenic) trong một trại tâm thần. Họ chọn cho cuộc khảo sát đặc biệt này bảy người đắc lực nhất và bảy người có thân chủ với độ cải biến thấp nhất. Mỗi nhóm trị khoảng năm muơi bệnh nhân. Các nhà điều tra cứu xét tất cả dữ kiện cho thấy nhóm A (nhóm thành công) khác với nhóm B chỗ nào. Họ tìm thấy một số khác biệt đầy ý nghĩa. Các bác sĩ trong nhóm A có khuynh hướng hiểu người bệnh trong ý nghĩa đặc biệt mà một số hành vi hiện ra với bệnh nhân thay vì coi họ như một ca bệnh hay một đối tượng chẩn bệnh. Hơn nữa mục tiêu của họ nhằm vào nhân cách của bệnh nhân, thay vì nhằm giảm bớt những triệu chứng hay chữa bệnh. 

Người ta thấy rằng những bác sĩ đắc lực, trong tác động hàng ngày, chủ yếu đem đến một sự tham gia tích cực – liên hệ người-với-người. (Họ ít dùng đến những phương pháp gọi là thụ động buông lỏng (passive permissive). Họ lại càng ít dùng những phương pháp như suy diễn, dạy bảo hay khuyên lơn, hay nhấn mạnh đến sự chăm sóc cụ thể bệnh nhân. Sau hết, họ tỏ ra có khả năng hơn nhóm B để gây dựng một mối liên  hệ trong đó bệnh nhân cảm thấy tin tưởng nơi bác sĩ.

Mặc dầu các tác giả thận trọng nhấn mạnh rằng những điều tìm thấy ở đây chỉ liên quan tới những người bị tâm thần phân liệt mà thôi, tôi có khuynh hướng không đồng ý. Tôi nghi là những sự kiện tương tự sẽ được tìm thấy trong một cuộc nghiên cứu về bất kỳ loại liên hệ trợ lực nào.

Một cuộc khảo sát hay khác nhắm vào cách thức người được giúp đỡ nhìn mối liên hệ. Heine (2) quan sát những cá nhân đã trải qua trị liệu tâm lý và trường phái Adler. Bất cứ với hình thức trị liệu nào, những thân chủ này nhận thấy những thay đổi giống nhau trong bản thân họ. Khi được hỏi về điều gì đã góp công vào những thay đổi đã xảy ra, họ đưa ra những lời giải nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào hướng đi của nhà trị liệu. Nhưng sự đồng ý của họ về những yếu tố chính mà họ thấy đã giúp ích còn có ý nghĩa hơn nữa. Họ nêu ra là những yếu tố sau đây liên quan đến thái độ trong mối tương giao, đã góp công vào những thay đổi nơi họ, đó là: lòng tín nhiệm nơi nhà trị liệu, cảm giác được hiểu biết bởi nhà trị liệu; cảm tưởng độc lập để lựa chọn và quyết định. Phương pháp trị liệu mà họ cảm thấy giúp ích họ nhất là trị liệu làm sáng tỏ và khẳng định rõ ràng những cảm nghĩ mà thân chủ đề cập đến cách mờ ảo và ngập ngừng. 

Mặt khác, cũng có một sự đồng ý cao độ giữa những thân chủ, bất luận hướng đi nào của các nhà trị liệu, về những yếu tố vô bổ trong liên hệ. Những thái độ về phía nhà trị liệu như thiếu thích thú, xa cách hay cách biệt, và quá nhiều cảm tình, được thấy là vô bổ. Còn về phương pháp, họ thấy là vô bổ khi các nhà trị liệu đưa ra lời khuyên trực tiếp và chi tiết liên quan tới những quyết định hay là quá chú trọng tới việc đã qua thay vì những vấn đề hiện tại. Những lời gợi ý hướng dẫn đưa ra một cách nhẹ nhàng được coi là trung bình – vô thưởng vô phạt.


Fielder (3), trong một công trình khảo sát được trích nhiều thấy rằng các nhà trị liệu thành thạo thuộc những trường phái khác nhau đều thình thành những mối liên hệ giống nhau, với thân chủ. Những yếu tố tạo thành đặc tính những liên hệ này, làm cho chúng khác hẳn những liên hệ tạo dựng bởi các nhà trị liệu kém thành thạo thì ít được biết đến. Những yếu tố này là: khả năng hiểu biết ý nghĩa và tình cảm của thân chủ; tính nhạy cảm đối với những thái độ của thân chủ; sự quan tâm đây nhiệt tình nhưng không dính líu quá đáng về tình cảm.

Cuộc khảo sát của Quinn cho thấy điều gì liên quan với sự hiểu biết những ý nghĩa và tình cảm của thân chủ. Cuộc khảo sát của ông gây ngạc nhiên ở chỗ là nó cho thấy “sự hiểu biết” những ý nghĩa và tình cảm của thân chủ, cốt yếu là thái độ khao khát muốn hiểu. Quinn chỉ trình bày cho các chuyên viên những câu khẳng định ghi băng của các nhà trị liệu rút ra từ những cuộc phỏng vấn. Những chuyên viên này không biết nhà trị liệu trả lời cho câu hỏi nào hay là thân chủ phản ứng ra sao trước lời đáp ứng của ông. Ấy vậy mà mức độ hiểu biết vẫn có thể thẩm định được qua tài liệu này như thể là nghe lời đáp trong lúc đối thoại. Điều này xem như một bằng chứng có tính kết luận rằng chính thái độ muốn hiểu biết đã được truyền đạt.

Về phẩm chất tình cảm của mối tương giao, Seeman thấy rằng sự thành công trong tâm lý trị liệu liên hệ mật thiết đến sự quý trọng lẫn nhau sâu đậm và tăng dần giữa thân chủ và nhà trị liệu.

Một cuộc khảo sát khá hay của Dittes (4) cho thấy liên hệ này rất tinh tế. Dùng phép đo sinh lý, phản xạ tâm lý điện đồ (Psychogalvanic) để đo lường những phản ứng lo âu hay sợ sệt hay báo động của thân chủ, Dittes so sánh những xiên lệch của sự đo lường này với sự đánh giá của các chuyên viên về độ chấp nhận hay dễ dãi của nhà trị liệu. Thấy rằng khi nào thái độ của nhà trị liệu thay đổi, dù chỉ một chút, theo chiều hướng giảm độ chấp nhận thì những xiên lệch đột ngột gia tăng đáng kể. Hiển nhiên là khi liên hệ được kinh nghiệm như là ít chấp nhận thì cơ thể tổ chức chống đe dọa, ngay cả trên bình diện sinh lý.

Mặc dù không thu thập đầy đủ tất cả những khám phá của những công trình nghiên cứu trên, ít ra chúng ta cũng thấy nổi bật một vài điểm. Một là sự kiện những thái độ và tình cảm của nhà trị liệu quan trọng hơn là đường hướng lý thuyết của ông ta. Những phương thức và kỹ thuật của ông ta không quan trọng bằng thái độ của ông. Cũng nên lưu ý là chính cái cách mà thân chủ nhận thức được những thái độ và những phương thức của ông mới đáng kể đối với thân chủ, và sự nhận thức này là điểm then chốt.

NHỮNG TƯƠNG GIAO “CHẾ TẠO”

Tôi xin phép quay sang một loại nghiên cứu khác hẳn, mà các bạn có thể cảm thấy không ưa, nhưng lại có ảnh hưởng đối với bản chất của mối tương giao thuận lợi. Những cuộc khảo sát này liên quan tới cái mà chúng ta có thể gọi là những tương giao được chế tạo.

Verplanek, Grennspoon và những người khác cho thấy rằng có thể điều khiển ngôn ngữ trong một mối liên hệ. Nói rất ngắn gọn, nếu nhà thí nghiệm nói “ờ, ờ” hay “tốt” hay gật đầu khi nghe một số từ hay câu nào đó, thì những loại từ ấy có khuynh hướng gia tăng bởi vì chúng được tăng lực (reinforced). Thấy rằng dùng phương thức như vậy, người ta có thể làm gia tăng nhiều thể loại ngôn từ khác nhau, như danh từ số nhiều, lời chống đối, lời xác định ý kiến. Đối tượng thí nghiệm hoàn toàn không ý thức được là mình đang bị ảnh hưởng bởi những căng lực đó. Điều này có nghĩa là bằng cách tăng cường có chọn lựa như vậy, chúng ta có thể đưa người kia đến việc sử dụng bất kỳ loại câu mà chúng ta đã quyết định tăng cường.


Vẫn theo những nguyên tắc về tạo điều kiện tác dụng (operant conditioning) so Skinner và nhóm ông khai triển, Lindsley cho thấy là một người bị tâm thần phân liệt (schizophrenic)  kinh niên có thể được đặt trong một “liên hệ trợ lực” với một cái máy. Cái máy, giống như máy bán hàng, được sáng chế để thưởng nhiều loại hành vi khác nhau. Lúc đầu nó chiê thưởng – bằng cục kẹo, điếu thuốc hay tấm hình – tác phong nhấn đòn bẩy (lever pressing) của bệnh nhân. Nhưng cũng có thể vặn máy để sau nhiều lần giật chiếc đòn bẩy, máy cung cấp một giọt sữa cho con mèo con đói – có thể trông thấy trong một khung rào khác. Trong trường hợp này sự thỏa mãn có tính cách vị tha. Kế hoạch cũng được khai triển để thưởng hành vi xã hội hay vị tha tương tự đối với một bệnh nhân khác ở phòng kế bên. Hạn chế duy nhất đối với các loại hành vi có thể được thưởng là ở mức độ máy móc tinh xảo của người thí nghiệm.

Lindsley nhận thấy nơi một số bệnh nhân một sự cải thiện đáng kể. Riêng tôi, tôi không thể không bị xúc động khi nghe mô tả về một bệnh nhân đã tiến từ tình trạng suy thoái kinh niên đến độ được hưởng đặc ân tự do đi lại ngoài vườn; sự thay đổi này rõ ràng là nhờ sự tác động hỗ tương của người đó với cái máy. Sau đó, nhà thí nghiệm quyết định khảo sát về sự chấm dứt thí nghiệm, nghĩa là dù có nhấn đến mấy lần đi nữa thì cũng chẳng có một phần thưởng nào hiện ra. Bệnh nhân dần dần thoái hóa, không ngăn nắp, không tương giao, và đặc quyền đi lại phải bị rút đi. Hiện tượng não nề này (theo tôi) cho thấy rằng ngay cả trong liên hệ với một cái máy, sự tin cậy thật là quan trọng nếu muốn cho liên hệ đó thực sự giúp ích.

Còn một cuộc nghiên cứu thú vị về liên tục được chế tạo do Harlow và những người phụ tá của ông thực hiện, lần này làm với khỉ. Vào một giai đoạn của cuộc thí nghiệm, người ta đưa ra hai đồ vật trước những con khỉ con bị tách rời khỏi mẹ ngay sau khi sanh. Một cái có thể gọi là “mẹ cứng”, một ống tròn, nghiêng, kết bằng giấy kẽm, có núm vú, mà khỉ con có thể bú. Vật kia là “mẹ mềm”, một chiếc ống tương tự làm bằng cao su xốp và vải mềm. Mặc dù với bà “mẹ cứng”, nó được nuôi no nê, nhưng nó càng lúc càng thích bà “mẹ mềm” hơn. Những hình chiếu trên màn ảnh cho thấy nó dứt khoát “liên hệ” với vật này, chơi với nó, thích nó, bám lấy nó để được trấn an khi có những vật lạ đến gần, và dùng sự an ninh  này làm căn cứ để từ đó bước vào thế giới đầy nguy hiểm.

Trong số những ý nghĩa hứng thú của cuộc nghiên cứu này, có một điểm khá rõ. Không một số lượng phần thưởng thức ăn trực tiếp nào có thể thay thế cho những phẩm chất nhận thức được mà con vật nhỏ xem ra rất cần và khao khát.

HAI CUỘC NGHIÊN CỨU GẦN ĐÂY

Tôi xin phép được kết thúc sự thăm dò rộng lớn những công trình nghiên cứu mà có thể làm bạn phân vân, bằng cách kể lại hai cuộc tìm tòi rất gần đây. 

Thứ nhất là cuộc thí nghiệm do Ends và Page (6) thực hiện. Làm việc với những người ghiền rượu kinh niên đã được tòa án gởi vào một bệnh viện công sáu mươi ngày, các ông dùng ba  phương pháp tâm lý trị liệu  nhóm. Phương pháp mà họ tin là hữu hiệu nhất là phép trị liệu dựa trên lý thuyết học với hai yếu tố (two-factor theory of learning); phương pháp thân chủ trọng tâm đứng thứ nhì; phương hướng có chiều hướng phân tâm có ít hữu hiệu nhất. Nhưng kết quả cho thấy rằng cách trị liệu dựa trên lý thuyết học không những là không giúp ích mà còn có hại phần nào. Kết quả còn tệ hại hơn cả kết quả của nhóm kiểm soát không được trị liệu. Phân tâm trị liệu đem lại vài kết quả, và thân chủ – trọng tâm – trị liệu đem lại luợng lớn nhất về thay đổi tích cực. Những kết quả được theo dõi sau đó, kéo dài hơn một năm rưỡi, đã xác định kết quả tại bệnh viện, với sự cải thiện lâu dài nhất là phương pháp thân chủ trọng tâm, kế tiếp là phương pháp phân tâm, kế nữa là nhóm kiểm soát, và cuối cùng là những người được trị liệu bằng cách lý thuyết học hỏi.


Vì thấy có điều khó hiểu về cuộc nghiên cứu này, có gì bất thường là phường pháp mà các tác giả đề cao lại tỏ ra ít hữu hiệu nhất, tôi đã suy nghĩ và tìm ra manh mối, theo chỗ tôi tin tưởng, trong sự mô tả phép trị liệu dựa trên lý thuyết học. 

Thiết yếu gồm có (a) nhận ra và đặt tên cho những cách cư xử đã tỏ ra không thỏa mãn (b) thám hiểm một cách khách quan cùng với thân chủ những lý do đằng sau những cách cư xử này, và (c) thiết lập qua sự giáo dục lại, những thói quen giải quyết vấn đề một cách hữu hiệu hơn. Nhưng trong tất cả sự tác động hỗ tương này thì mục đích theo như họ phát biểu, là phải vô cá tính (impersonal). Nhà trị liệu “cho phép cá tính của mình hiện ra càng ít càng nào tốt chừng nấy”, “ Nhà trị liệu nhấn mạnh tích cách vô danh của mình trong hoạt động, nghĩa là ông phải cẩn thận tránh ảnh hưởng bệnh nhân với những đặc tính của nhân cách riêng của mình. Đối với tôi điều này xem như manh mối khả dĩ gây thất bại cho phương pháp này, khi tôi cố gắng suy diễn sự kiện dưới ánh sáng những cuộc khảo cứu khác. Từ chối không hiện ra như một con người và đối xử với một người khác như một đồ vật, thì đừng hòng hữu ích cho ai.

Cuộc khảo sát sau cùng mà tôi muốn nhắc đến là cuộc khảo sát vừa được Halkides (7) hoàn tất gần đây. Bà bắt đầu bằng một quan điểm lý thuyết của tôi, liên quan đến những điều kiện cần và đủ cho sự thay đổi trị liệu. Bà đưa ra giả thiết là có liên hệ đầy ý nghĩa giữa mức thay đổi nhân cách có tính xây dựng nơi thân chủ, và bốn biến số thuộc người hướng dẫn: (a) độ cảm thông sâu xa đối với thân chủ do người hướng dẫn biểu lộ. (b) độ tình cảm tích cực (sự tôn trọng tích cực vô điều kiện) biểu lộ bởi nhà hướng dẫn, lời nói phù hợp với tình cảm nội tâm (d) mức độ tương xứng giữa sự đáp ứng của nhà hướng dẫn, với sự biểu lộ của thân chủ trong lúc diễn tả tình cảm sâu đậm.

Để thử nghiệm những giả thuyết này bà tuyển lựa theo nhiều tiêu chuẩn, một nhóm gần mười ca có thể xếp loại như là “thành công nhất” và một nhóm muời ca “ít thành công nhất”. Rồi bà chọn một đoạn phỏng vấn thâu băng trong giai đoạn đầu và cuối của mỗi ca này. Từ mỗi cuộc phỏng vấn này, bà nhặt ra một cách ngẫu nhiên chín đơn vị tác động hỗ tương: một câu của thân chủ và đáp ứng của người hướng dẫn. Như vậy bà được chín tác động hỗ tương lúc đầu, và chín tác động hỗ tương lúc kết thúc, từ mỗi ca. Việc làm này cho bà mấy trăm đơn vị được sắp xếp một cách ngẫu nhiên. Những đơn vị từ một cuộc phỏng vấn lúc ban đầu của một ca không thành công có thể nằm bên cạnh những đơn vị từ một cuộc phỏng vấn về sau của một ca thành công, v.v…

Ba chuyên viên không biết về những ca này, hay độ thành công của chúng, hay là nguồn gốc của bất kỳ đơn vị nào, giờ đây lắng nghe tài liệu này bốn lần. Họ đánh giá mỗi đơn vị dựa trên một thang điểm, trước hết về mức độ cộng cảm (empathy) thứ đến về thái độ tích cực của nhà hướng dẫn đối với thân chủ., thứ ba là sự trung thực hay là hồn nhiên, thứ tư là mức độ theo đó sự đáp ứng của người hướng dẫn tương xứng với cường độ xúc cảm trong sự diễn tả của thân chủ.

Tôi nghĩ là tất cả chúng ta ai được biết cuộc khảo cứu này cũng coi đó là một cuộc mạo hiểm táo bạo. Liệu những chuyên viên lắng nghe những đơn vị đơn độc của tác động hỗ tương có thể thẩm định đúng đắn về những đức tính tinh vi như tôi đã đề cập đến không? Và ngay cả khi sự phê phán ấy đáng tin cậy đi nữa, thì mười tám câu trao đổi giữa người hướng dẫn và thân chủ rút ra từ mỗi ca – một mẫu rất nhỏ của hàng trăm hàng nghìn trao đổi như thế có thể xảy ra trong mỗi ca – liệu có mang lại một tương quan nào với kết quả trị liệu hay không? Hy vọng có vẻ  mong manh.


Những điều tìm thấy thật đáng ngạc nhiên. Thấy có thể đạt được độ chính xác cao giữa các chuyên viên, phần lớn những tương quan giữa các chuyên viên nằm giữa khoảng 0.80 và 0.90  ngoài trừ biến số cuối cùng. Cũng tìm thấy mức độ cộng cảm liên quan một cách đáng kể ở mức 0.01 đến những trường hợp thành công. Độ cao về sự kính trọng tích cực vô điều kiện cũng liên quan đến những ca thành công, ở mức 0.01. Ngay cả sự thẩm định về sự chân thật hay trung thực của người hướng dẫn – tầm mức theo đó những lời nó của ông phù hợp với tình cảm của mình – thì liên quan đến kết quả thành công của ca, và một lần nữa ở độ 0.01. Chỉ có trong cuộc thăm dò về mức độ tương xứng của sự diễn đạt tình cảm là kết quả không phân mình.

Cũng đáng chú ý là những điềm cao của những biến số này, không liên quan một cách có ý nghĩa hơn đến những đơn vị lúc sau cùng, so với những đơn vị lúc ban đầu. Điều này có nghĩa là những thái độ của nhà hướng dẫn hoàn toàn không thay đổi từ đầu đến cuối. Nếu ông có khả năng cộng cảm thì ông sẽ như vậy từ đầu đến cuối. Nếu ông thiếu chân thật, thì điều này sẽ hiện ra trong những buổi gặp gỡ đầu cũng như những buổi gặp gỡ sau.

Như bất kỳ cuộc nghiên cứu nào, công trình này có những hạn chế của nó. Nó liên quan đến một loại liên hệ trợ lực: tâm lý trị liệu. Nó mới áp dụng có bốn biến số xem như có ý nghĩa. Có lẽ còn nhiều biến số khác nữa. Dầu sao nó cũng đánh dấu một bước tiến có ý nghĩa trong việc nghiên cứu những mối liên hệ trợ lực. Tôi xin phép xác định những kết quả một cách đơn giản nhất có thể được. Nó dường như cho thấy rằng phẩm chất của tác động hỗ tương giữa nhà hướng dẫn và thân chủ có thể được phán đoán một cách thỏa đáng trên căn bản một mẫu rất nhỏ của cách ứng xử của ông. Nó cũng có nghĩa là nếu nhà hướng dẫn trung thực hay trong suốt – những lời của ông phù hợp với những tình cảm của ông thay vì mâu thuẫn – nếu nhà hướng dẫn yêu thích thân chủ một cách vô điều kiện; và nếu nhà hướng dẫn hiểu những tình cảm thiết yếu của thân chủ như chúng hiện ra cho thân chủ – thì có nhiều cơ may là liên hệ đó sẽ hữu hiệu.

MỘT VÀI BÌNH LUẬN

Đây là một số nghiên cứu đã chiếu một ít ánh sáng lên bản chất của liên hệ trợ lực. Chúng đã khảo cứu về những diện khác nhau của vấn đề. Chúng đã đề cập đến vấn đề từ những bối cảnh lý thuyết khác nhau. Chúng đã sử dụng những phương pháp khác nhau. Chúng không thể đem so sánh với nhau một cách trực tiếp. Tuy nhiên đối với tôi hình như chúng dẫn đến một số khẳng định chắc chắn. Rõ ràng là những liên hệ hữu ích có những đặc tính khác hẳn những liên hệ  không giúp ích gì. Những đặc tính cách biệt này trước hết liên quan đến những thái độ của người giúp đỡ một đàng, và đàn khác đến sự nhận thức về mối liên hệ, của người được giúp. Cũng rõ ràng là những cuộc nghiên cứu đã được thực hiện cho tới nay chưa cho chúng ta những câu trả lời chung quyết về mối liên hệ trợ lực là gì, và nó được hình thành như thế nào?

TÔI CÓ THỂ TẠO MỐI LIÊN HỆ TRỢ LỰC NHƯ THẾ NÀO?

Tôi tin rằng trong mỗi người trong chúng ta đang làm việc trong lãnh vực giao tế nhân sự đều có một vấn đề tương tự là phải biết dùng thứ kiến thức do nghiên cứu đem đến như thế nào. Chúng ta không thể mù quáng theo những  khám phá này một cách máy móc, vì như thế chúng ta phá hủy những đức tính về nhân cách mà chính những cuộc nghiên cứu này cho thấy là có giá trị. Tôi thấy dường như chúng ta phải sử dụng những công trình khảo sát này, trắc nghiệm chúng với kinh nghiệm riêng của chúng ta và phải đặt thêm những giả thiết mới và tiến xa hơn, để sử dụng và trắc nghiệm trong chính những liên hệ sau này của chúng ta.

Vì thế, thay vì cố gắng nói cho các bạn cách mà bạn nên sử dụng những khám phá tôi đã trình bày, tôi muốn nói với các bạn những câu hỏi mà những cuộc nghiên cứu này và kinh nghiệm trị liệu của tôi đã nêu lên cho tôi, và một số giả thuyết tạm thời và có thể đổi thay, đã hướng dẫn hành vi của tôi, trong khi tôi đi vào cái mà tôi hy vọng sẽ là những liên hệ trợ lực, với sinh viên, đồng nghiệp, gia đình hay thân chủ. Tôi xin liệt kê một số câu hỏi và nhận xét này.


1. Có cách nào tôi có thể được người khác nhận thức là đáng tin cậy, chắc chắn, trung kiên (consistent), theo nghĩa sâu xa không? Cả nghiên cứu lẫn kinh nghiệm cho thấy rằng đó là điều rất quan trọng và qua nhiều năm tôi đã tìm thấy cái mà tôi tin là những phương cách sâu sắc và tốt hơn để trả lời câu hỏi này. Dạo trước, tôi đã từng nghĩ rằng nếu tôi chu toàn tất cả những điều kiện bề ngoài của sự tín nhiệm – giữ đúng hẹn, tôn trọng tính chất kín đáo của buổi gặp gỡ v.v… và nếu tôi hành động trước sau kiên trung trong các buổi gặp gỡ, thì điều kiện này sẽ được hội đủ. Nhưng kinh nghiệm cho thấy  rằng lúc nào cũng sẵn sàng tiếp nhận, chẳng hạn, mà thật ra tôi cảm thấy khó chịu hay nghi ngờ hoặc có tình cảm không tiếp nhận nào khác, thì chắc chắn về lâu dài sẽ bị nhận thức như là không đáng tin cậy. tôi đi đến chỗ nhận định rằng tín nhiệm không đòi hỏi phải cứng nhắc kiên trì nhưng người ta có thể dựa vào tôi như một người thật. Từ ”trung thực” (congruent) là từ mà tôi dùng để diễn tả cái thể cách mà tôi muốn có. Điều này có nghĩa là bất kỳ tình cảm hay thái độ nào tôi đang kinh nghiệm, phải phù hợp với sự nhận thức của tôi về thái độ ấy. Khi điều đó xảy ra, tôi là người đồng nhất hay nguyên vẹn vào lúc đó, và tôi có thể hiện ra như tôi thật sự cảm thấy bề trong. Đây là một thực tế mà theo kinh nghiệm của tôi, những người khác nhận thức là đáng tin cậy.

2. Một câu hỏi rất gần câu trên là điều này: Cách diễn tả của tôi có đủ trong suốt để con người của tôi có thể được thông truyền rõ ràng không? Tôi tin rằng phần lớn những thất bại của tôi để hoàn tất một liên hệ trợ lực, đều do những lời giải đáp không thỏa đáng về hai câu hỏi này. Khi tôi đang có thái độ phiền hà với một người khác, nhưng không ý thức được điều đó, thì sự thông truyền của tôi chứa đựng những thông điệp trái nghịch nhau. Những lời nói của tôi đưa ra một thông điệp, ưng bằng những cách tinh vi, tôi cũng truyền đạt sự phiền hà mà tôi cảm thấy, à điều này làm cho người kia bối rối, và làm người ấy mất tin tưởng, mặc dù chính anh ta cũng chẳng ý thức được điều gì đang gây khó khăn giữa chúng tôi

Khi với tư cách là một người cha hay một người trị liệu hay một giáo viên hay một người quản trị, tôi thất bại không nghe được điều gì đang xảy ra trong tôi, tôi thất bại do sự phòng vệ của chính tôi, không cho tôi nhận thấy những tình cảm của chính mình, thì cái loại thất bại này xem như hậu quả dĩ nhiên. Đối với tôi, bài học căn bản cho bất kỳ ai muốn tạo một liên hệ trợ lực là: sống thành thật và trong suốt là một điều an toàn. Nếu trong một liên quan nào đó tôi trung thực, nếu những tình cảm liên quan đến mối liên hệ, không bị dấu diếm đối với tôi hay đối với người kia, thì hầu như tôi có thể chắc chắn rồi mối liên hệ sẽ hữu ích.

Có một cách khác để nói điều này, có vẻ lạ lùng đối với các bạn, là nếu tôi có thể tạo được một liên hệ trợ lực cho chính mình – nếu tôi ý thức một cách nhạy cảm và chấp nhận những tình cảm của chính mình – thì có nhiều hy vọng là tôi có thể được liên hệ trợ lực đối với người khác.

Nhưng, chấp nhận bản thân mình, theo nghĩa này, và để người khác nhìn thấy thông suốt qua nó, thì đó là công việc khó nhất mà tôi biết, và là điều mà tôi chưa bao giờ đạt tới đầy đủ. Nhưng nhận ra đây là công việc của mình cũng là phần thưởng lớn lao, bởi vì nó đã giúp tôi tìm thấy điều gì đã bị trục trặc trong những liên hệ giữa người với người, và đặt chúng lại vào chiều hướng xây dựng hơn. Nếu tôi phải giúp sự triển nở nhân cách của những người khác có quan hệ với tôi, thì tôi phải tăng trưởng, và nếu điều này thường gây đau đớn, thì nó cũng rất phong phú.


3. Câu hỏi thứ ba là: Liệu tôi có thể để mình kinh nghiệm những thái độ tích cực đối với người kia không – những thái độ nồng nàn, chăm sóc, ưa thích, quan tâm, kính trọng. Đó không phải là chuyện dễ đâu. Tôi thấy nơi chính tôi, và thường cảm thấy nơi những người khác,  sự sợ sệt tình cảm này. Chúng ta sợ rằng nếu mình được tự do kinh nghiệm những tình cảm này đối với người khác, mình có thể mắc bẫy trong đó. Chúng có thể đi tới chỗ chúng ta, hoặc chúng ta có thể thất vọng trong sự tin tưởng của chúng ta, và những hậu quả đó chúng ta sợ. Vì vậy, để phản ứng lại, chúng ta có khuynh hướng giữ một khoảng cách ữa chúng ta và những người khác – tỏ ra xa vời, một thái độ “chuyên nghiệp”, một liên hệ vô cá tính.

Tôi cảm thấy mãnh liệt rằng một trong những lý do quan trọng để chuyên môn hóa lãnh vực là vì nó giúp giữ được khoảng cách này. Trong những lãnh vực trị bệnh, chúng ta khai triển những thể thức định bệnh phức tạp, nhìn con người như đồ vật. Trong việc dạy học và trong ngành hành chính, chúng ta khai triển đủ mọi thứ có thể giữ mình khỏi cảm thấy lo lắng, nếu chúng ta nhìn nhận mọi liên hệ giữa hai con người. Đó là một thành công thời điềm nào đó, chúng ta học hỏi được rằng lo lắng cho người khác là một điều an toàn, và cũng an toàn khi ta liên hệ với người khác như một người mà chúng ta có những tình cảm tích cực.

4. Một câu hỏi khác mà tầm quan trọng tôi đã học được trong chính kinh nghiệm bản thân của tôi là: Liệu tôi có một nhân cách đủ mạnh mẽ để biệt lập khỏi người kia không? Liệu tôi có thể là một kẻ biết tôn trọng vững vàng những tình cảm, những nhu cầu của mình cũng như của người đó không? Liệu tôi có làm chủ và nếu cần, thì diễn tả tình cảm riêng của tôi là một cái gì thuộc về tôi và cách biệt hẳn tình cảm của anh ta? Tôi có đủ mạnh mẽ trong sự biệt lập của tôi, để khỏi bị chán nản bởi sự suy nhược của anh ta, xao xuyến bởi nỗi sợ hãi của anh ta, và đắm chìm bởi sự lệ thuộc của anh ta không? Cái tâm của tôi có đủ gan dạ để nhận thấy rằng tôi không bị hủy hoại bởi cơn thịnh nộ của anh ta, bị xâm chiếm bởi nhu cầu lệ thuộc của anh ta, cũng không bị nô lệ hóa bởi tình yêu của anh ta, nhưng tôi vẫn tồn tại biệt lập, ới những tình cảm và quyền lợi riêng của tôi? Khi tôi có thể tự do cảm thấy cái sức mạnh của một người biệt lập thì lúc đó tôi có thể để cho mình đi sâu hơn vào sự hiểu biết và chấp nhận người kia, bởi vì tôi không sợ đánh mất chính mình.

5. Câu hỏi kế tiếp liên hệ chặt chẽ với câu trên: Tôi có thấy đủ an tâm để cho phép người kia được biệt lập không? Tôi có thể cho phép anh ta được hiện ra như trong tâm trạng anh lúc ấy, thành thật hay giả dối, ấu trĩ hay trưởng thành, tuyệt vọng hay quá tự tin? Tôi có cho anh ấy được tự do là mình không? Hay tôi cảm thấy là anh ta phải theo lời khuyên của tôi, ặc ở vị thế phụ thuộc ít nhiều nơi tôi, hay rập khuôn theo tôi? Đến đây, tôi nhớ tới một cuộc khảo sát nhỏ rất hay của Farson, cho thấy rằng nhà hướng dẫn ít thành thạo, có khuynh hướng xúi người ta rập theo mình, có những thân chủ rập khuôn theo ông. Mặt khác nhà hướng dẫn thích nghi hơn và thông thạo hơn có thể tác động hỗ tương với một thân chủ qua nhiều buổi gặp gỡ mà không can thiệp vào tự do của thân chủ để phát triển một nhân cách khác hẳn nhân cách của nhà trị liệu. Tôi muốn được thuộc vào nhóm sau, dù với tư cách là cha mẹ hay giám đốc hay nhà hướng dẫn.


6. Một câu hỏi khác mà tôi tự đặt ra là: Tôi có thể tự để mình vào hẳn trong thế giới tình cảm và ý nghĩa riêng tư của thân chủ và nhìn chúng như người kia nhìn thấy không? Tôi có thể bước vào thế giới riêng của anh toàn diện đến nỗi tôi mất hết ý muốn đánh giá hay xét đoán đó nữa? Tôi có thể đi vào đó một cách nhạy cảm tới độ tự do đi lại mà không dẫm đạp lên những ý nghĩa hết sức quý giá đối với anh ta? Tôi có thể nới rộng sự hiểu biết này một cách  lờ mờ hay lẫn lộn? Tôi có thể nới rộng sự hiểu biết này một cách vô hạn định không? Tôi nghĩ tới người thân chủ đã nói: “Mỗi khi tôi thấy một người, vào một lúc nào đó, hiểu một phần con người của tôi, thì không sao tránh  khỏi cái lúc mà tôi biết rằng họ lại không hiểu tôi… Điều tôi khổ công tìm kiếm là một người hiểu được tôi”.
Về phần tôi, tôi thông cảm được điều này, và truyền đạt nó cho thân chủ, dễ hơn là cho sinh viên trong một lớp hay là cho đồng nghiệp trong một nhóm mà tôi tham dự. Có sự cám dỗ mạnh mẽ muốn “chỉnh” sinh viên, hay chỉ cho một đồng nghiệp những lầm lẫn trong suy nghĩ của ông ta. Thế mà khi tôi có thể tự cho phép mình hiểu trong những hoàn cảnh này thì có lợi cho cả hai bên. Và với thân chủ trong trị liệu, tôi thường bị xúc động trước sự kiện là dù chỉ có một chút hiểu biết thông cảm – một cố gắng dò dẫm và thiếu sót để bắt lấy tình trạng bối rối phức tạp về ý nghĩa với thân chủ – cũng hữu ích; lẽ đương nhiên là sự hữu ích sẽ tối đa nếu tôi có thể bắt gặp và nói lên rõ ràng những ý nghĩa của kinh nghiệm mà người ấy thấy không rõ và rối ren.

7. Một vấn đề khác nữa là liệu tôi có thể chấp nhận mỗi khía cạnh của người kia y như người đó để cho tôi thấy không? Liệu tôi có tiếp nhận y như y đang hiện ra không? Liệu tôi có truyền đạt được thái độ này không? Hay là tôi chỉ có thể tiếp nhận anh một cách có điều kiện, chấp nhận một số mặt nào của những tình cảm, và âm thầm hoặc công khai phản đối những mặt khác. Theo tôi kinh nghiệm, khi mà thái độ của tôi có điều kiện thì y không thể thay đổi hay tăng trưởng trên những phương diện mà tôi không thể tiếp nhận y trọn vẹn. Và khi về sau và đôi khi quá muộn – tôi ráng phát hiện ra tại sao tôi đã không thể chấp y về mọi phương diện, thường thường tôi thấy rằng chính vì tôi sợ hãi hay thấy bị đe dọa bởi vài mặt của tình cảm của y. Nếu tôi muốn hữu ích hơn thì chính tôi phải tăng trưởng và chấp nhận chính tôi trên những phương diện này.

8. Một vấn đề rất thực tế được nêu lên với câu hỏi này: Liệu tôi có thể hành động với đầy đủ tinh tế trong quan hệ để cho cách đối xử của tôi không bị xem như một đe dọa? Công việc mà chúng tôi bắt đầu làm khi nghiên cứu những hiện tượng thể lý trong tâm lý trị liệu, xác định công trình nghiên cứu của Dittes, và cho thấy người ta rất dễ bị đe dọa trên bình diện thể lý. Phản ứng tâm lý điện đồ – sự đo lường độ dẫn của da – lún sâu xuống khi nhà trị liệu đáp lại bằng vài lời mạnh dạn hơn là những tình cảm của thân chủ. Với một câu như  “Chà, anh có vẻ bị giao động quá”,  kim hầu như nhảy bật ra khỏi giấy. Tôi muốn tránh ngay cả những đe dọa nhỏ như thế, không phải vì sự nhạy cảm quá độ với thân chủ tôi,  mà chính vì một xác tín dựa trên kinh nghiệm, là nếu tôi có thể giải thoát y hoàn toàn khỏi những đe dọa bên ngoài, thì y có thể bắt đầu cảm được và đối phó với những xung đột nội tâm mà y thấy đe dọa trong chính bản thân y.

9. Một diện đặc biệt nhưng quan trọng của câu hỏi trên đây là: Liệu tôi có thể giải thoát y khỏi cái sợ bị người khác đánh giá không? Hầu như trong mỗi đoạn đời chúng ta – ở nhà, ở trường, ở sở làm – chúng ta thấy mình tùy thuộc vào những thưởng phạt do người ngoài đánh giá. “Tốt đấy”, “Xấu đấy”, “Đáng điểm ưu”, “Thế là thất bại”, “Hướng dẫn thiệt hay”, “Đáng điểm ưu”, “Hướng dẫn dở ẹt”. Những lời xét đoán như vậy là một phần của cuộc đời chúng ta từ trẻ tới già. Tôi nghĩ rằng chúng có ích phần nào về mặt xã hội, những cơ chế và tổ chức như thể nhà trường và nghề nghiệp. Như mọi người khác, tôi thấy mình hay đánh giá như vậy. Nhưng tôi kinh nghiệm là chúng không giúp cho sự trưởng thành cá nhân, đó tôi không tin rằng chúng là thành phần của một liên hệ trợ lực. Một điều khá lạ lùng là một sự đánh giá tích cực về lâu, về dài cũng mang tính ách đe dọa như một sự đánh giá tiêu cực, vì bảo cho một người biết là y tốt ngụ ý rằng mình cũng có quyền nói là y xấu.  Cho nên tôi đã đi tới chỗ cảm thấy càng giữ mối liên hệ ngoài vòng phê phán và đánh giá, thì càng dễ cho người kia đạt tới lúc nhận ra rằng  khả năng lượng giá, trung tâm của trách nhiệm nằm ngay trong anh. Ý nghĩa về giá trị của kinh nghiệm của anh suy cho cùng, là tùy thuộc nơi anh, không một xét đoán bên ngoài có thể thay đổi được. Bởi thế tôi muốn tạo được một liên hệ trong đó tôi không đánh giá người kia, ngay cả trong thâm tâm mình. Tôi tin là điều đó sẽ cho người kia được tự do trở thành chịu trách nhiệm cho chính mình.


10. Một câu hỏi sau cùng: Liệu tôi có thể gặp người kia như một người đang trong tiến trình trở thành, là tôi bị trói buộc bới quá khứ của y, và quá khứ của tôi? Nếu trong cuộc gặp gỡ của tôi với y, tôi đối xử với y như một đứa bé ấu trĩ, một học sinh dốt, một người bị bệnh thần kinh, mỗi quan niệm này của tôi đều hạn chế khả năng thay đổi của y.  Buber, triết gia hiện sinh của trường Đại học Jerusalem, dùng từ “xác nhận người khác”, đối với tôi thật có nghĩa. Ông nói: “Xác nhận có nghĩa là… thừa nhận tất cả tiềm năng của người khác… Tôi có thể nhận thấy trong y, hiểu biết trong y, con người mà y đã được… tạo dựng để trở thành… Tôi xác nhận anh trong chính tôi, rồi trong anh, trong liên quan với tiềm lực nay đế… nó có thể được phát triển, có thế tiến hóa”. Nếu tôi tiếp nhận người kia như một cái gì cố định, đã được chẩn đoán và xếp hạng, đã được uốn nắn bởi quá khứ, thì tôi đóng góp phần xác định giả thuyết hạn chế này. Nếu tôi chấp nhận y như là một tiến trình thay đổi, thì tôi đang làm điều mà tôi có thể làm, để xác định hay thực hiện những tiềm năng của y.

Ở điểm này tôi thấy là Verplanck Lindsley, và Skinner làm việc trong điều kiện thực tế cũng đi đến quan điểm của Buber, triết gia hay nhà thần bí. Ít nhất họ đến gần nhau trên nguyên tắc; một cách khá lạ kỳ. Nếu tôi chỉ nhìn liên hệ như một cơ hội để tăng cường một số những từ ngữ hay những ý kiến nơi người kia, thì tôi có khuynh hướng xác định y như món đồ vật – một món đồ xét về mặt căn bản chỉ là máy móc và điều khiển được. Và nếu tôi thấy điều là tiềm năng của y, thì y có khuynh hướng hành động theo những cách thức ủng hộ cho giả thuyết này. Bởi thế tôi phải – dùng từ của Buber – xác nhận anh như một người đang sinh sống, có thể phát triển nội tâm một cách sáng tạo. Riêng tôi thích lại giả thuyết thứ hai này.

KẾT LUẬN

Trong phần đầu của bài này tôi đã duyệt lại một vài đóng góp mà việc nghiên cứu đã đem lại cho kiến thức chúng ta về những mối liên hệ giữa con người. Cố gắng giữ thứ kiến thức này trong trí, sau đó tôi nêu lên những câu hỏi  phát sinh từ quan điểm nội tâm và chủ quan khi tôi đi vào những liên hệ với tư thế một con người. Nếu tôi có thể trả lời tất cả những câu hỏi mà tôi đã nêu lên, ở thể khẳng định, thì tôi tin rằng tất cả những mối liên hệ của tôi sẽ là những liên hệ trợ lực, sẽ giúp trưởng thành. Nhưng tôi không thể trả lời tích cực cho hầu hết những câu hỏi này. Tôi chỉ có thể cố gắng trong chiều hướng của câu trả lời tích cực mà thôi.

Điều này làm nảy lên trong trí tôi một mối hoài nghi lớn rằng mối liên hệ trợ lực tối đa là loại liên hệ tạo ra bởi một người chín chắn về phương diện tâm lý. Hay nói khác đi, mức độ mà tôi có thể tạo được những liên hệ giúp cho sự tăng trưởng của những người khác như là những cá nhân biệt lập, tùy thuộc ở mức trưởng thành mà tôi đã đạt tới. Về một vài khía cạnh, đây là môt ý tưởng gây bối rối, nhưng cũng đầy hứa hẹn, đầy thách thức. Nó chứng tỏ rằng nếu tôi chuyên tâm tạo nên những liên hệ trợ lực thì tôi có một việc làm suốt đời rất hấp trước mắt tôi, và phát triển những tiềm năng của tôi trong chiều hướng tăng trưởng.

Tôi còn một điều áy náy là vấn đề mà tôi cố giải quyết cho mình trong bài này, có thể ít liên quan tới sở thích và công việc của các bạn. Nếu vậy thì tôi rất tiếc. Nhưng tôi cũng được an ủi phần nào bởi vì tất cả chúng ta, những người đang làm việc trong lãnh vực giao tế nhân sự và đang cố gắng tìm hiểu trật tự căn bản của lãnh vực đó, chúng ta đang dấn thân vào công cuộc quyết liệt nhất của thế giới ngày nay. Nếu chúng ta đang ưu tư tìm hiểu trọng trách của chúng ta với tư cách là những nhà quản trị, nhà giáo, nhà hướng dẫn giáo dục, nhà hướng nghiệp, nhà trị liệu, thì chính chúng ta đang giải bài toán sẽ định đoạt tương lai của hành tinh này. Vì tương lai sẽ không tùy thuộc vào ngành khoa học vật lý. Nó tùy thuộc vào chúng ta là những kẻ đang nỗ lực tìm hiểu và giải quyết những tác động hỗ tương giữa những con người, đang cố gắng kiến tạo những mối liên hệ trợ lực. Tôi hy vọng rằng những câu hỏi mà tôi đặt ra cho chính mình cũng giúp ích phần nào cho các bạn đạt tới  sự hiểu biết và một viễn ảnh nào đó, trong khi các bạn cố gắng làm dễ dàng sự tăng trưởng trong mối liên hệ của các bạn.

*****

Chú thích:
1. Whitehorn and Betz – A study of psycho therapeatic relationships between physicians and schizophrenic patients, 1954.
2. Heine- Unpublished Doctoral Dissertation University of Chicago, 1950.
3. Fielder: Quantitative Studies on the Role of Therapists feelings toward their patients – New York, 1953.
4. Dittes, Galbanic skin response as a measure of patients’ reaction, 1957.
5. Harlow, The nature of love, 1958.
6. Ends and Page, a study of three types of group psychotherapy, 1957.

7. Halkides, An experimental study of four conditions necessary for therapeutic change, 1958.

(Còn tiếp) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét