Chương 5:
VÀI
CHIỀU HƯỚNG RÕ RỆT TRONG TRỊ LIỆU
*****
Trong phần II, dù đã có mô tả giản lược về quá trình thay
đổi nơi bệnh nhân, nhưng chỉ đặc biệt chú ý đến mối liên hệ khiến những sự thay
đổi ấy có thể xảy ra được. Trong chương này và chương kế tiếp, nội dung đề cập
một cách đặc biệt hơn nhiều đến bản chất của kinh nghiệm thay đổi ngay bên
trong bệnh nhân.
Tôi đặc biệt thích chương này. Chương này được viết trong
niên khóa 1951 – 1952 vào thời kỳ mà tôi thực sự đang cố gắng cảm thụ để
rồi diễn tả những hiện tượng xem như thiết yếu đối với việc trị liệu. Lúc đó
cuốn Client – centered Therapy (thân chủ trọng tâm trị liệu) của tôi vừa được
ấn hành, nhưng tôi đã không hài lòng với chương nói về quá trình trị liệu, đã
được viết cách đó khoảng hai năm. Tôi muốn tìm thấy một thể thức chủ động hơn
để thông đạt điều đã xảy ra đối với bệnh nhân.
Do đó, tôi chọn trường hợp một bệnh nhân mà sự trị liệu có ý
nghĩa nhiều đối với tôi, trường hợp mà tôi đang tìm hiểu theo quan điểm
nghiên cứu và lấy nó làm cơ sở, tôi cố gắng diễn tả những nhận định về
quá trình trị liệu đang hình thành trong óc tôi. Tôi cảm thấy rất liều lĩnh và
thiếu tự tin khi nêu quan điểm rằng nơi những bệnh nhân được trị liệu thành
công dường như có sự yêu mến thực sự đối với chính bản thân. Tôi lại càng thiếu
tự tin khi phát biểu giả thuyết là cốt lõi của bản chất con người là tích cực
(positive). Lúc đó tôi không lường trước được là những điểm này càng lúc càng
được kinh nghiệm bản thân xác minh.
*****
Quá
trình của khoa tâm lý trị liệu, như chúng ta đã biết qua sự định hướng tập
trung vào bệnh nhân là một thứ kinh nghiệm duy nhất và sinh động, khác biệt cho
từng cá nhân, nhưng lại cho thấy một qui luật và trật tự phổ quát đáng ngạc
nhiên.
Càng nhận thấy sự tất nhiên về nhiều mặt của quá trình này tôi càng băn
khoăn về loại câu hỏi thường được tôi nêu lên liên quan tới nó: (compulsion
neurosis); “Chắc bạn không đòi hỏi nó tẩy xóa một tình trạng bệnh tâm thần căn
bản?”; “Liệu nó có phù hợp để đối phó với những vấn đề tình dục không?”; “Áp
dụng cho những người cà lăm hay những người đồng tính luyến ái?”; “ Những sự
lành bệnh này có kéo dài mãi mãi không?”…
Những câu hỏi này, và những câu
hỏi tương tự như thế, thì cũng dễ hiểu và có lý như khi hỏi rằng những tia
gamma có chữa hữu hiệu những chỗ da nứt ở tay chân không? Nhưng theo tôi, chúng
được đặt sai khi chúng ta ráng đào sâu thêm kiến thức xem khoa tâm lý trị liệu
là gì, hay là nó có thể làm gì. Trong chương này tôi sẽ hỏi xem ra chính xác
hơn liên quan tới quá trình hấp dẫn và theo qui luật mà chúng ta gọi là trị
liệu, và cố gắng trả lời một phần nào đó.
Tôi
xin phép giới thiệu vấn đề như sau. Hoặc giả do tình cờ, hoặc do thấu đáo, do
kiến thức khoa học, do sự tinh tế trong khoa giao tế, hay do phối hợp tất cả
những yếu tố này, mà chúng ta biết cách tạo nên một tiến trình có thể mô tả
được, tiến trình này gồm một chuỗi những sự việc tuần tự và có ảnh hưởng nối
tiếp, chúng có khuynh hướng giống nhau nơi các bệnh nhân. Ít nhất chúng ta cũng
biết ít điều về những điều kiện của thái độ cần có để diễn trình ấy có thể tiến
triển. Chúng ta biết rằng nếu người trị liệu có trong thâm tâm những thái độ
tôn trọng sâu xa và chấp nhận trọn vẹn bệnh nhân, và có những thái độ tương tự
đối với những tiềm năng của bệnh nhân để đối phó với bản thân và những hoàn
cảnh của người ấy, nếu những thái độ này thấm đượm sự đầm ấm, tình nồng hậu ấy
sẽ biến đổi những thái độ trên thành loại yêu mến thiết thân rất sâu xa đối với
thân chủ và nếu đạt tới mức độ cảm thông khiến thân chủ có thể bắt đầu thấy
rằng người điều trị hiểu thấu những tình cảm mà mình đang trải qua và chấp nhận
mình ở chỗ sâu thẳm của sự hiểu thấu này, lúc đó chúng ta có thể chắc chắn rằng
diễn trình đã khởi đầu. Lúc đó, thay vì đòi tiến trình này phục vụ những cứu
cánh mà chúng ta có trong đầu (dù những mục tiêu ấy có đáng ca ngợi thế nào đi
nữa), chúng ta hãy chỉ đặt câu hỏi duy nhất nhờ đó khoa học có thể thực sự tiến
triển. Câu hỏi này là: “Bản chất của diễn trình này là gì, những gì xem ra là
những đặc tính cố hữu, nó đi theo chiều hướng hay những chiều hướng hay những
chiều nào, và cái gì, nếu có, là mức đến tự nhiên của cuộc tiến hành này?
Khi Benjamin Franklin nhìn thấy những tia sáng lóe ra từ chiếc chìa khóa cột
trên giây diều của ông, may thay, ông không bị ngộp bởi những ứng dụng thực
tiễn và tức thời của nó. Thay vào đó, ông bắt đầu tìm hiểu quá trình căn bản
khiến những hiện tượng ấy có thể xảy ra. Mặc dầu nhiều câu giải đáp được đưa ra
có đầy những lầm lỗi về chi tiết, nhưng sự tìm tòi đã có kết quả, vì câu hỏi
đúng đắn đã được nêu ra. Cũng vậy tôi muốn yêu cầu chúng ta đặt câu hỏi tương
tự như thế với khoa tâm lý trị liệu và hỏi câu hỏi ấy với đầu óc mở, – chúng ta
nên cố gắng mô tả, nghiên cứu và hiểu biết tiến trình ấy cho phù hợp với những
yêu cầu trị liệu của chúng ta, hay là những tín điều đã có từ trước, hay là sự
hiển nhiên từ một số lĩnh vực khác. Chúng ta hãy kiên nhẫn xem xét khoa
này như nó hiện ra trong khuôn khổ của chính nó.
Trước
đây tôi đã cố gắng bắt đầu mô tả khoa trị liệu lấy bệnh nhân làm trung tâm. Ở
đây tôi sẽ không lập lại sự mô tả này nữa, ngoại trừ để nói rằng những bằng
chứng hiển nhiên về lâm sàng và nghiên cứu dường như cho thấy một số đặc tính
liên tục trong diễn trình: sự gia tăng về những thấu triệt nội tâm, về sự
trưởng thành trong hành vi, về những thái độ trong sự nhận thức và chấp nhận
bản ngã; có những thay đổi về liên hệ trị liệu và những thay đổi đặc thù về sự
cấu trúc nhân tính, về cách xử sự, và điều kiện sinh lý.
Ngoài
một số bản mô tả sai lầm, đã có sự cố gắng tìm hiểu tiến trình của khoa trị
liệu lấy bệnh nhân làm trung tâm bằng thể thức riêng của nó, như nó thể hiện
trong kinh nghiệm lâm sàng, trong những trường hợp phỏng vấn có ghi băng và
trong khoảng chừng trên bốn muơi bản nghiên cứu đã được thực hiện trong lãnh
vực này.
Mục
tiêu tôi theo đuổi trong chương này là vượt qua loại tài liệu này và định hình
cho vài khuynh hướng trong khoa trị liệu chưa được lưu ý nhiều. Tôi muốn nói về
vài chiều hướng và ít điểm chung cuộc có vẻ là đặc tính cố hữu của tiến trình
trị liệu, mà chúng ta chỉ mới bắt đầ nhận định một cách rõ rệt, những điều tiêu
biểu cho những hiểu biết đầy ý nghĩa, và chưa được khảo sát. Trong nỗ lực
truyền lại những ý nghĩa một cách hoàn chỉnh tôi sẽ mình họa bằng tài liệu lấy
ra tữ những cuộc phỏng vấn ghi âm của một bệnh nhân. Tôi cũng sẽ hạn chế cuộc
thảo luận vào diễn trình thân chủ trọng tâm bởi vì tôi rốt cuộc phải nhìn nhận rằng
diễn trình, chiều hướng và kết quả của khoa trị liệu có thể khác biệt trong
những đinh hướng trị liệu khác nhau.
KINH NGHIỆM TIỀM NĂNG CỦA BẢN NGÃ
Một
đặc điểm trong tiến trình trị liệu rất hiển nhiên trong tất cả những trường
hợp, có thể được gọi là sự ý thức về kinh nghiệm, hay cũng có thể gọi là “sự
cảm thụ kinh nghiệm”. Ở đây tôi gán cho nó nhãn hiệu “kinh nghiệm bản ngã”, mặc
dầu nhãn hiệu ấy chưa phải là từ chính xác.
Trong sự an toàn của mối liên hệ
với một nhà trị liệu theo phương pháp thân chủ trọng tâm, vắng mặt hẳn mối đe
dọa thực thụ hay tiềm tàng đối với bản ngã, bệnh nhân có thể tự cho phép mình
xem xét những mặt khác nhau của kinh nghiệm riêng của mình, đúng như người ấy
cảm thấy, đúng như bắt gặp chúng bằng giác quan và tạng phủ, chứ không bóp méo
chúng cho phù hợp với quan niệm hiện hữu về bản ngã. Nhiều điểm trong số này tỏ
ra cực kỳ tương phản với quan niệm về bản ngã, và bình thường không thể cảm
thấy thật đầy đủ, nhưng trong mối liên hệ an toàn ấy, chúng có thể được phép
lọt qua để đột nhập ý thức mà không bị móp méo. Như thế chúng thường theo mẫu
mực lưu đồ. “Tôi như thế và như thế, vậy mà tôi cảm thấy tình cảm này rất xa lạ
với bản ngã tôi”; “Tôi yêu mến cha mẹ tôi, nhưng có nhiều khi tôi thấy chua cay
lạ thường với các vị ấy”; “Thực tình tôi chẳng tốt gì, nhưng đôi lúc tôi thấy
mình còn tốt hơn bất kỳ người khác”.
Như vậy trước tiên tôi phải để ý câu nói:
“Tôi là một bản ngã khác với một phần kinh nghiệm của tôi”. Sau, câu ấy biến
thể thành: “Có lẽ tôi có nhiều bản ngã khác hẳn nhau, hay có lẽ bản ngã tôi
chứa đựng nhiều mâu thuẫn hơn là tôi vẫn tưởng”. Và sau nữa, câu nói ấy sẽ biến
đổi thành ra câu thế này: “Trước đây tôi chắc rằng tôi không thể là kinh nghiệm
tôi đang có về mình – điều đó mâu thuẫn quá – nhưng bây giờ tôi bắt đầu tin
tưởng rằng tôi có thể là tất cả kinh nghiệm của tôi”.
Có
lẽ một cái gì đó thuộc bản chất của mặt này về trị liệu có thể được nêu lên từ
hai đoạn phỏng vấn bà Oak. Bà Oak là một người nội trợ tuổi gần bốn mươi, bà
gặp nhiều khó khăn trong liên hệ hôn nhân và gia đình khi bà đến xin trị liệu.
Khác với nhiều bệnh nhân, bà đặc biệt thích theo dõi những diễn biến trong nội
tâm bà, bà những cuộc phỏng vấn thâu băng chứa đựng nhiều tư liệu, từ khung
nhận thức bên trong của bà, về sự hiểu biết điều gì đang xảy ra. Như vậy là bà
cố nói thành lời, những gì ngấm ngầm nhưng không diễn tả ra được nơi nhiều bệnh
nhân. Vì lý do này, phần lớn những đoạn trích ở trong chuơng này rút ra từ
trường hợp bà Oak.
Từ
phần đầu của cuộc phỏng vấn thứ năm đã nổi lên thứ tư liệu mô tả ý thức kinh
nghiệm mà chúng ta đã thảo luận.
Bệnh
nhân (BN): “Điều đó xảy đến một cách rất mơ hồ. Nhưng như ông thấy, tôi cứ tiếp tục
có cái ý nghĩ là toàn thể cái quá trình này đối với tôi như thể là đang xem xét
về những mảnh vụn chắp hình. Hình như tôi đang xem xét những mảnh rời rạc không
có ý nghĩa gì lắm. Cầm chúng khơi khơi trong tay, chưa bắt đầu nghĩ tới ngay cả
một mô hình nào đó. Cái ý nghĩ đó cứ tiếp tục đến với tôi. Và điều này tôi thấy
là lạ, vì tôi, tôi không thích trò lắp hình đó. Trò chơi ấy thường khiến tôi
bực mình. Nhưng đó là cảm nghĩ của tôi. Và tôi muốn nói là mình nhặt lên những
mảnh nhỏ (bà làm hiệu bằng tay suốt cuộc đàm thoại hầu làm cho những lời khẳng
định của bà thêm linh hoạt) chẳng có ý nghĩa gì ngoại trừ cái cảm tưởng là mình
trăn trở chúng trên tay mà không thấy chúng như một mô hình, nhưng qua sự sờ
nắn, tôi có cảm giác là nó sẽ vừa khít vào một chỗ nào đó.
Nhà
trị liệu (NTL): “Và lúc này đó là quá trình, sờ thấy cái cảm xúc, hình thù và cả tập
hợp những mảnh khác nhau với cảm giác chung là thế nào chúng cũng vừa khít vào
một chỗ đó, nhưng tất cả chú ý xoáy vào câu hỏi: “Cái cảm giác ấy giống với cảm
giác gì? Và cấu trúc của nó như thế nào?”
BN:
“Đúng thế. Hầu như có cí gì thật cụ thể trong đó. Cái, cái…”
NTL: “Bà không thể diễn tả điều đó mà không sử dụng hai tay. Một cảm xúc có
thật như thấy bằng giác quan.”
BN:
“Đúng rồi. Một cảm giác rất khách quan, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy gần gũi
với chính mình đến thế.”
NTL:
“Đồng thời vừa đứng ngoài vừa nhìn vào chính bà, vậy mà thấy gần gũi với chính
mình cách đó hơn là…”
BN:
“Ấy vậy mà lần đầu tiên sau nhiều tháng tôi không nghĩ tới những vấn đề của
mình. Tôi thực sự không, không tìm cách giải quyết chúng.”
NTL:
“Tôi có cảm tưởng là bà không ngồi xuống để giải quyết “những vấn đề của tôi”.
Không còn cái cảm tưởng ấy nữa.”
BN:
“Đúng vậy! Đúng vậy! Điều tôi muốn nói là mình không định ngồi xuống để lắp bức
hình ráp thành cái gì. Tôi phải nhìn ra bức tranh đã. Có thể vì, có thể vì tôi
đang tận hưởng cảm giác do quá trình tạo ra. Hay là tôi thực sự đang học được
một điều gì dó.”
NTL:
“Ít nhất là có ý nghĩa về mục tiêu tức thời cảm giác ấy là điều mình nhắm,
không phải bà làm việc đó để nhìn thấy tấm hình, nhưng có sự thỏa mãn khi làm
quen với từng mảnh một. Có phải thế không?”
BN:
“Đúng vậy. Và nó vẫn còn là một thứ cảm xúc, một xúc giác. Thật là thích thú.
Đôi khi không hẳn là điều thú vị, tôi chắc như vậy, nhưng…”
NTL:
“Một loại kinh nghiệm khác biệt…”
BN:
“Dạ, khác lắm.”
Đoạn
trích này cho thấy rõ ràng việc để cho tư liệu lọt vào tầm ý thức mà không toan
tính chiếm lấy nó như một phần của bản ngã, hay liên hệ nó với tư liệu khác
tàng trữ trong ý thức. Đó là, nói cho thật rõ, sự ý thức về tầm rộng lớn của
những kinh nghiệm, vào lúc mà, không có ý nghĩ liên hệ nó với bản ngã. Về sau
có thể nhận định rằng cái gì đó đã cảm thấy có thể trở thành thành phần của bản
ngã. Vì thế tiêu đề của phần này mới có tên là “Kinh nghiệm tiềm năng của bản
ngã”.
Sự
kiện đây là một hình thái mới và bất thường của kinh nghiệm được diễn tả trong
một đoạn lời lẽ thì lúng túng, nhưng đầy cảm xúc của cuộc phỏng vấn thứ sáu.
BN:
“Ồ, tôi thấy mình nghĩ rằng trong những buổi trị liệu này, ờ, dường như tôi
đang ca một bản. Điều này nghe như mơ hồ, ờ, thực ra tôi không hát – một thứ
bài ca không âm nhạc. Dường như có bài thơ vọng lên. Và tôi thích ý tưởng này.
Tôi có ý nói nó dường như vọng lên tai tôi mà không có nội dung gì lắm. Và
trong lúc theo dõi nó, tình cảm khác cũng phải đến. Phải, tôi tự hỏi mình, đây
có phải hình thái mà những trường hợp như tôi sẽ đi đến không? Có thể là tôi
nói ra lời, và có những lúc say sưa với những lời này không? Và, tiếp tục theo
đuổi, tôi có làm mất thời giờ của ông không? Và rồi hoài nghi, hoài nghi. Rồi
có một điều gì khác xảy đến cho tôi. Ờ, nó từ đâu đến nhỉ, tôi không biết,
không phải là ảnh hưởng tất nhiên của suy nghĩ. Ý tưởng làm tôi ngạc nhiên: À
ra chúng ta làm từ từ, chúng ta không bị tràn ngập hay là nghi ngờ, hay
tỏ ra chú tâm, hay thích thú lắm khi những người mù tập đọc bằng ngón tay của
họ chữ Braille. Tôi không biết – có thể là cái thứ gì đó, lẫn lộn hết. Có thể
là một điều gì đó tôi đang trải qua.”
NTL:
“Để xem tôi có hiểu được điều gì về chuỗi tình cảm này hay không. Trước hết
dường như là bà đang – và tôi cho đó là một thứ cảm giác tích cực – đang viết
thành một bài thơ – một bài ca không âm nhạc bằng cách nào đó, nhưng là một
điều gì đó đầy sáng tạo, và rồi lại có cảm tưởng hoài nghi về điều đó. “Có lẽ
tôi đang nói những lời, những lời đó lôi cuốn tôi, những lời thực ra đầy bông
lơn”, và rồi có cảm tưởng rằng có lẽ bà hầu như đang học hỏi một loại cảm giác
mới, thứ kinh nghiệm hết sức mới như là đối với người mù qua các đầu ngón tay
sờ thấy ý nghĩa.”
BN:
“Ờ, ờ…” (ngưng lại)… “Nhiều khi tôi tự nghĩ chúng ta có thể đi sâu vào sự kiện
đặc biệt này hay sự kiện đặc biệt kia. Và rồi thì khi tôi lại đây thì điều đó
không đúng nữa, nó có vẻ giả tạo. Và rồi thì xâu chuỗi những lời nói này không
phải là bịa đặt, và rồi đôi lúc lại nghi đó chỉ là chuyện bịa đặt. Có cảm tưởng
như đúng là mình đang viết nhạc… Có lẽ đó là lý do hôm nay tôi hoài nghi về
toàn thể sự việc, bởi vì đó là điều không bị gò ép. Và thực tình tôi cảm thấy
điều mình nên làm là hệ thống hóa lại sự kiện này. Tôi phải cố gắng hơn và…”
NTL:
“Đó là một thẩm tra sâu sắc về điều tôi đang làm gì đối với một bản ngã không chịu
thúc đẩy cho các sự việc được tác động, được giải quyết”. (ngừng nói).
BN:
“Rồi lại còn một sự kiện, tôi thật tình thích cái điều kia, điều tôi không
biết, hãy gọi nó là một cảm giác thương tâm. Tôi muốn nói – là tôi cảm thấy
những điều mà trước đây chưa bao giờ cảm thấy. Điều ấy tôi cũng thích lắm. Có
lẽ đó là thể thức để làm việc đó. Cho tới nay tôi cũng không biết.”
Đây
là một sự biến đổi chắc chắn xảy ra trong trị liệu đạt tới độ sâu. Sự việc này
có thể tóm tắt linh động trong câu nói “Tôi đến đây để được giải quyết nhiều
vấn đề, và bây giờ tôi thấy là tôi chỉ đang kinh nghiệm chính tôi”. Và với bệnh
nhân này sự biến đổi thường đi kèm bởi một sự suy nghĩ theo trí tuệ là việc đó
sai lầm, và bởi một sự đánh giá cao đầy xúc động về sự kiện “việc đó gây thoải
mái”.
Chúng
ta có thể kết luận về đoạn này rằng một trong những chiều hướng căn bản trong
việc tiến hành trị liệu là sự thong dong kinh nghiệm những phản ứng bằng cảm
xúc và nội tạng của cơ thể mà không nỗ lực liên hệ với những kinh nghiệm của
bản ngã. Điều này thường được kèm theo bởi sự xác tín rằng thứ chất liệu này,
điểm chung kết của diễn trình này là người bệnh khám phá ra rằng người đó có
thể là kinh nghiệm của mình với những mâu thuẫn nông nổi và đa tạp, rằng người
ấy có thể ý thức được bản ngã qua kinh nghiệm của y, thay vì cố gắng áp đặt bản
ngã trên kinh nghiệm, từ chối không chịu ý thức những yếu tố không thích hợp
với mình.
KINH NGHIỆM ĐẦY ĐỦ VỀ MỐI LIÊN HỆ ĐẦY TÌNH THƯƠNG
Một
trong những yếu tố của khoa trị liệu mà chúng mới ý thức được gần đây là tới
mức nào đó sự trị liệu là một cuộc học hỏi đối với bệnh nhân, học chấp nhận
toàn vẹn và tự do không chút sợ sệt những tình cảm tích cực từ người khác. Hiện
tượng này không xảy ra một cách rõ rệt trong tất cả trường hợp. Nó đặc biệt
đúng trong những trường hợp trị liệu lâu dài, nhưng không nhất thiết giống nhau
trong mọi trường hợp. Nhưng đây là thứ kinh nghiệm sâu xa đến nổi chúng tôi bắt
đầu tự hỏi phải chăng đây là chiều hướng mang nhiều ý nghĩa trong tiến trình
trị liệu, có lẽ nó xảy ra tới mức độ nào đó mà không nói lên được, trong tất cả
những trường hợp trị liệu thành công. Trước khi thảo luận về hiện tượng này,
chúng ta hãy cho nó mộ hình hài bằng cách kể lại kinh nghiệm của bà Oak.
Kinh
nghiệm này đột ngột xảy đến cho bà giữa cuộc phỏng vấn thứ 29 và 30, và
bà dành hầu hết buổi phỏng vấn sau để đề cập tới nó. Bà bắt đầu cuộc nói chuyện
như sau:
BN:
“À, tôi có một khám phá rất đáng chú ý. Tôi biết đó là – (cười thành tiếng) Tôi
thấy là ông cũng quan tâm xem sự việc xảy ra như thế nào (cả hai cùng cười).
Tôi có cảm tưởng như thế là – “Có lẽ tôi sẽ để ông bước vào trong hành trình.”
Lần này trên một tờ khai bệnh, tôi sẽ có câu trả lời đúng. Đột nhiên tôi thấy
lóe lên – trong mối liên hệ thầy thuốc và bệnh nhân, ông thực tình tha thiết
với điều gì xảy ra trong việc này. Và đó là một sự khám phá – không hẳn thế.
Nói thế không diễn tả hết. Điều gần nhất tôi tới được là một sự thảnh thơi, chứ
không phải buông trôi, nhưng…(ngừng lời) đó là một sự giãn nở mà không căng
thẳng nếu điều ấy có nghĩa gì. Tôi không biết.”
NTL:
“Nghe như đó không phải là một ý tưởng lạ, nhưng đó là một thứ kinh nghiệm như
thực sự cảm thấy là tôi thực tình lo lắng và nếu tôi nói đúng ý thì bà muốn để
tôi lo lắng cho bà.”
BN:
Dạ phải.
Việc
để cho nhà trị liệu và mối lo lắng nhiệt tình của ông ta đến với cuộc đời của
bà chắc chắn là một nét sâu thẳm nhất của sự trị liệu trong trường hợp này.
Trong một cuộc nói chuyện sau khi đã kết thúc việc trị liệu bà đã hồn nhiên đề
cập tới thứ kinh nghiệm này coi nó là một sự nổi bật. Thế có nghĩa là gì ?
Có
điều chắc chắn là hiện tượng này không phải là một sự chuyển di (transference).
Một vài tâm lý gia kinh nghiệm đã từng được phân tâm, có cơ hội quan sát về sự
phát triển mối liên hệ trong một trường hợp khác hơn trường hợp này. Họ là những
người đầu tiên phản đối việc sử dụng những từ chuyển di và phản chuyển di để mô
tả hiện tượng này. Lý do chính để họ nhận xét như vậy là vì đây là một điều hỗ
tương và tương xứng trong khi sự chuyển di và phản chuyển di là những hiện
tượng đặc biệt chỉ có một chiều và không thích hợp với những thực tại của hoàn
cảnh.
Chắc
chắn một trong những lý do khiến hiện tượng này thường xảy ra trong kinh nghiệm
của chúng tôi là vì với tư thế của những người trị liệu chúng tôi dần dần ít sợ
những thứ tình cảm tích cực (hay tiêu cực) đối với bệnh nhân. Trong khi
cuộc trị liệu tiến hành, những tình cảm của nhà trị liệu về sự chấp nhận và tôn
trọng đối với bệnh nhân chuyển thành gần như thán phục khi chứng kiến mộ cuộc
tranh đấu sâu xa và dũng cảm của một người để được là chính mình. Tôi nghĩ
trong nội tâm người trị liệu có một kinh nghiệm sâu xa của sự cùng chung số
phận – chúng ta có nên gọi là tình huynh đệ – giữa con người. Kết quả là ông ta
cảm thấy phản ứng yêu thương, tích cực và ấm áp đối với bệnh nhân. Điều này đặt
ra một vấn đề cho bệnh nhân, như trong trường hợp này, thấy khó lòng tiếp nhận
thứ tình cảm tích cực nơi người khác. Nhưng một khi đã tiếp nhận rồi, thì phản
ứng không tránh khỏi nơi bệnh nhân là thư giãn để cho tình cảm ấm cúng yêu
thương của người khác làm giảm bớt sự căng thẳng và sự sợ hãi trong khi phải
giáp mặt với cuộc sống.
Nhưng
chúng ta đang đi trước bệnh nhân của chúng ta. Chúng ta hãy xem xét một vài
khía cạnh của thứ kinh nghiệm này đúng như nó xảy ra cho bà ta. Trong những
buổi nói chuyện lúc ban đầu bà có đề cập tới sự kiện là bà không thương nhân
loại, và một cách mơ hồ và bướng bỉnh bà cảm thấy mình là phải, mặc dù có những
người cho là bà sai. Một lần nữa, bà đề cập tới vấn đề này khi thảo luận về các
kinh nghiệm này đã làm sáng tỏ những thái độ của bà đối với người khác.
BN:
“Điều kế tiếp xảy ra cho tôi làm tôi suy nghĩ và bây giờ còn suy nghĩ là – tôi
cũng không hiểu tại sao – cái điều tôi băn khoăn khi mình nói rằng “Tôi không
thương nhân loại”. Tôi luôn luôn đinh ninh là vậy. Tôi biết rằng đó là một điều
tốt, thấy không? Và tôi nghĩ, tôi đã làm sáng tỏ điều đó trong tôi, việc đó
liên can gì với tình trạng này, tôi không biết. Nhưng tôi thấy rằng tôi không
thương nhưng tôi quan tâm kinh khủng.”
NTL:
“Tôi hiểu.”
BN:
“Có thể rõ nghĩa hơn khi nói rằng quan tâm kinh khủng đến điều gì xảy ra. Nhưng
sự quan tâm – thành hình – cơ cấu của nó là chỗ hiểu biết nhưng không muốn bị
lôi cuốn vào, hay là đóng góp vào những điều mà đối với tôi, coi như giả tạo và
tôi coi là trong sự yêu thích có một loại yếu tố cuối cùng. Nếu bạn làm điều
đó, thì coi như bạn đã làm đủ. Đó là…”
NTL:
“Chính cái điều đó, gần như vậy.”
BN:
“Phải. Đối với tôi điều khác này, sự quan tâm, không phải một từ ngữ tốt – Tôi
có ý nói là, xem như chúng ta cần một từ khác hầu diễn tả sự kiện này. Nói rằng
đó là một sự kiện không thuộc riêng ai thì không có nghĩa bởi vì nó không đúng.
Tôi cảm thấy nó là thành phần của một toàn khối. Nhưng đó là một cái gì sẽ
không ngừng lại…Tôi thấy rằng người ta cáo thể có cái cảm giác yêu thương nhân
loại, yêu thương người khác và đồng thời – tiếp tục hùa vào những yếu tố làm
cho người khác bị loạn thần kinh, làm họ đau yếu – và tôi thấy muốn chống đối
lại những điều này.”
NTL:
“Bà khá quan tâm để muốn hiểu và để muốn tránh đóng góp vào bất kỳ điều gì có
thể tạo thêm bệnh loạn thần kinh, hay thêm khía cạnh đó trong đời sống con
người.”
BN:
“Vâng, và đó là (ngừng nói). Vâng, có cái gì trong chiều hướng đó – À, một lần
nữa, tôi phải trở lại vấn đề tôi cảm thấy về điều gì khác này như thế nào. Đó
là – Thực sự tôi không được vời gọi để nhượng bộ trong một cuộc tranh luận –
Không có gì là chung quyết…Nhiều lúc tôi bực mình khi tôi – tôi phải nói với
chính mình “Tôi không yêu thích nhân loại”, nhưng tôi luôn luôn biết rằng có
điều gì tích cực. Rằng có thể là tôi đúng. Và – có thể tôi hoàn toàn sai vào
lúc này, nhưng đối với tôi hình như bằng cách nào đó giá trị trị liệu có thể
hoàn thành. Tôi không thể nhận định nó rõ rệt được, à hay là tôi nói đó là quá
trình học tập, sự theo dõi khi nhận thức rằng – Vâng, ông có sự quan tâm trong
một hoàn cảnh nào đó. Đơn giản thế thôi. Và trước đây tôi chưa hề ý thức tới
điểm này. Tôi có thể đóng cánh cửa này lại và bước ra ngoài, và trong lúc
thảo luận về trị liệu, nói rằng nhà trị liệu có thể cảm thấy như thế – nhưng
tôi muốn nói là mình không có thứ kinh nghiệm sống động về điều đó.”
Trong
đoạn này, mặc dầu bà ta cố gắng diễn tả những tình cảm riêng của bà, xem như
điều bà ta nói ra là thái độ đặc tính của người trị liệu. Thái độ này trong
trường hợp tốt nhất, không có khía cạnh lẫn lộn của đa số kinh nghiệm mà chúng
ta gọi là yêu thương. Đó chỉ là tình cảm cởi mở mộc mạc của con người đối với
tha nhân, cái thứ tình cảm, theo tôi, còn căn bản hơn cả tình yêu dục tính hay
tình cha mẹ. Đó là sự quan tâm đầy đủ đến một người nào đó khiến bạn không muốn
gây trở ngại cho sự phát triển của y, mà cũng không muốn dùng người ấy vào mục
tiêu nẩy nở của mình, bạn mãn nguyện khi để người đó tự do trưởng thành theo
cung cách của y.
Bệnh
nhân của chúng ta tiếp tục thảo luận về nỗi khó khăn khi bà ta trước đây phải
phấn đấu để tiếp nhận sự giúp đỡ hay tình cảm tích cực từ những người khác, và
thái độ này đang thay đổi như thế nào.
BN:
“Tôi có cảm nghĩ… là chính ông cũng phải cố gắng nhiều, nhưng dầu sao ông cũng
phải có khả năng ấy đối với người khác (Bà nói rằng đã có nhiều lần lẽ ra bà có
thể đã tiếp nhận tình người ấm áp và sự dịu dàng từ những người khác). Tôi có
cảm tưởng là mình sợ sẽ bị hủy hoại (Bà quay lại nói về chính việc chữa bệnh và
cảm nghĩ của bà về nó). Tôi có ý nói về việc chính mình bị xâu xé. Tôi
cảm thấy thế – Hầu như có lần tôi đã nói lên điều này – nhiều lần cái cảm tưởng
mạnh mẽ nhất vẫn là việc riêng của tôi, của riêng tôi thôi. Tôi phải dẹp cái ý
nghĩ ấy đi. Ông thấy không?”
NTL:
“Đây là một thứ kinh nghiệm rất khó mà nói ra một cách chính xác, nhưng ở đây
tôi nhận ra sự khác biệt trong mối tương quan này, đi từ cảm nghĩ “đây là vấn
đề của riêng tôi”, “Tôi phải giải quyết lấy”, “Tôi đang giải quyết điều
đó”.v.v…, đến cảm nghĩ đổi khác – “Tôi có thể để ông dự vào”.
BN:
“Vâng. Bây giờ. Tôi có ý nói, chính thế, nó như là, vâng ta có thể gọi là quyển
hai. Tôi vẫn còn đơn độc trong vấn đề, nhưng tôi không còn nữa – thấy chưa –
Tôi…”
NTL:
“Vâng, sự trái nghịch ấy đã tóm lược vấn đề có phải như vậy không?”
BN:
“Vâng.”
NTL:
“Toàn thể câu chuyện là cái cảm tưởng – mọi khía cạnh của kinh nghiệm là của
riêng tôi, điều này không tránh được và cần phải thế. Nhưng đấy chưa phải là
tất cả vấn đề. Nó có thể được chia sẻ và sự quan tâm của người khác có thể dự
vào – đó là điểm mới.”
BN:
“Phải, và đó là – mặc dầu đó là, sự việc phải như thế. Tôi có ý nói – là phải
vậy mới được – Có, có cảm tưởng “như thế là tốt đẹp”. Tôi có ý nói, điều đó nói
lên cho tôi, giải tỏa cho tôi. Có cảm tưởng là trong sự quan tâm này, coi như
ông đứng lùi về phía sau, đứng ngoài, và nếu tôi, tôi cắt ngang – tôi vạt xập
những cây sậy cao, điều đó tôi làm được, và ông có thể – tôi có ý nói là ông sẽ
không bối rối nếu phải lách qua những bụi ấy. Tôi không biết – Nói thế cũng
không rõ nghĩa lắm.”
NTL:
“Ngoại trừ bà cảm thấy rằng cái cảm nghĩ trên đây của bà thật đúng, phải
không?”
BN:
“Vâng.”
Đoạn
trích này há không nói lên cốt tủy của tiến trình xã hội hóa hay sao? Khám phá
ra rằng không có gì là hủy hoại khi tiếp nhận tình cảm tích cực của một người
khác, không nhất thiết phải kết thúc trong thương tổn, mà thực sự “cảm thấy
sướng” khi có một người khác bên mình trong khi mình chiến đấu để đối phó với
đời – đây có thể là một điều học hỏi sâu xa nhất đối với một cá nhân, dù trong
trị liệu hay bên ngoài.
Một
phần của sự mới lạ, ở mức độ không lời của kinh nghiệm này được bà Oak diễn tả
trong những phút cuối của buổi nói chuyện thứ 30.
BN:
“Tôi đang trải qua một thứ – có lẽ là thứ học hỏi đáng giá nhất – Tôi biết là
tôi hay nói rằng những điều hiểu biết của tôi chẳng giúp gì cho tôi ở
đây. Tôi có ý nói là thứ kiến thức thâu hoạch được chẳng giúp gì cho tôi. Nhưng
đối với tôi quá trình học hỏi ở đây đầy động lực, tôi có ý nói là một phần của
tôi – Tôi tự hỏi không biết tôi có thể dàn trải điều mà tôi kinh nghiệm ở đây,
thành kiến thức thụ đắc không?”
NTL:
“Nói khác đi, loại kiến thức ở đây thuộc một loại khác hẳn và có chiều sâu cũng
khác, rất chủ yếu, rất thật. Và rất quý giá đối với bà, nhưng câu hỏi bà đặt ra
là: Có bao giờ tôi sẽ có một cái mức độ sâu xa hơn cả mức hiểu biết không?”
BN:
“Tương tự như thế.”
Những
ai muốn áp dụng trong trị liệu những cái gọi là định luật học hỏi rút ra từ sự
thuộc lòng những vần vô nghĩa sẽ có lợi khi nghiên cứu đoạn trích này một cách
cẩn thận. Việc học hỏi khi nó diễn ra trong trị liệu là một sự kiện toàn thể,
thuộc về con người toàn diện và thường là không thành lời, nó có thể theo hoặc
không theo những nguyên tắc trong sự học tập bằng trí năng những tư liệu tầm
thường ít có liên quan tới bản ngã.
Dẫu
sao điều này chỉ là nói ngoài đề.
Chúng
ta hãy kết luận về đoạn này bằng cách nói lại tính chính yếu của nó. Rất có thể
là một trong những đặc tính của cuộc trị liệu có ý nghĩa và sâu xa là bệnh nhân
khám phá ra rằng không có gì tai hại khi tiếp nhận đầy đủ vào kinh nghiệm của
mình, tình cảm tích cực mà người trị liệu dành cho họ. Có lẽ một trong những lý
do tại sao điều này lại khó khăn như thế là vì nó liên quan mật thiết đến cảm
tưởng “Tôi xứng đáng được yêu thích”. Điều này chúng ta sẽ xét tới trong phần
sau. Hiện giờ ta có thể nêu lên điều này: một khía cạnh của trị liệu là sự kinh
nghiệm đầy đủ và tự do một quan hệ thân tình, có thế nói cách chung như sau:
“Tôi có thể cho phép người nào đó quan tâm về tôi, và trong thâm tâm tôi, có
thể tiếp nhận sự săn sóc đó. Điều này cho phép tôi nhận ra là tôi lưu tâm, và
lưu tâm rất nhiều về những người khác.”
SỰ ƯA THÍCH BẢN NGÃ
Trong
nhiều bài viết và bài nghiên cứu đã được xuất bản liên quan tới thân chủ trọng
tâm trị liệu có sự nhấn mạnh đến việc hội nhập bản ngã như một trong những
hướng tiến tới và kết quả của việc trị liệu. Chúng ta đã xác định được sự kiện
là khi tâm trị liệu thành công, những thái độ tiêu cực về bản thân giảm sút và
những thái độ tích cực gia tăng. Chúng ta đã đo lường được sự gia tăng từng
bước trong việc chấp nhận bản ngã và nghiên cứu sự gia tăng tương quan trong
việc chấp nhận người khác. Nhưng trong khi tôi xem xét lại những lời khẳng định
này và so sánh chúng với những ca gần đây, tôi cảm thấy chúng quá yếu đối với
sự thật. Người bệnh không những chấp nhận chính mình – câu nói này có thể hàm
chứa một sự chấp nhận ngại ngùng và miễn cưỡng điều không tránh được – sự thực
là người đó đi tới yêu thích chính mình. Đây không phải loại ưa thích khoác lác
và tự mãn, mà là một thú vị âm thầm được là mình.
Bà
Oak làm nổi bật cái chiều hướng này một cách khả ái trong cuộc nói chuyện thứ
33. Cuộc phỏng vấn này xảy ra mười ngày sau cuộc phỏng vấn mà lần đầu tiên bà
nhận với chính bà rằng người điều trị quan tâm đến mình. Đoạn trích này nói lên
khá linh động niềm vui âm thầm được là chính mình, với thái độ như cáo lỗi, mà
trong văn hóa của chúng ta, người ta cảm thấy cần phải có đối với loại kinh
nghiệm đó. Trong ít phút cuối cùng của cuộc phỏng vấn, biết là sắp hết giờ của
mình rồi bà nói:
BN:
“Một điều làm tôi băn khoăn – và tôi sẽ nói nhanh bởi vì tôi có thể trở lại vấn
đề này lần khác – một cảm giác mà đôi lúc tôi không xua đi được. Cảm thấy
mãn nguyện lắm với chính mình. Trở lại kỹ thuật Q (8).
Có lần tôi ở đây bước ra và như bị thôi thúc, tôi đặt tấm phiếu đầu lên “ Tôi
có một nhân cách hấp dẫn”, nhìn nó tôi ngỡ ngàng nhưng cứ để nó ở đó, bởi vì
tôi thành thật cảm thấy thế – và điều đó làm tôi bực bội và bây giờ thì tôi
hiểu. Đôi khi có một cảm giác khoan khoái không có gì hơn được – Nhưng đó chỉ
là – tôi không biết có phải là một thứ mãn nguyện không. Một lối rẽ ngang
rõ rệt và điều đó làm tôi băn khoăn. Thế nhưng – Tôi ngạc nhiên – tôi ít khi
nhớ lại những điều tôi nói ở đây. Tôi có ý nói là tôi tự hỏi tại sao đó lại là
điều tôi xác tín. Tôi cảm thấy bị thương tổn khi tôi nghe có người nói với đứa
trẻ “Đừng khóc”. Tôi có ý nói là tôi luôn luôn cảm thấy rằng như thế là không
đúng; tôi thấy là nếu nó đau thì cứ để nó khóc. Và bây giờ đến cái cảm giác thú
vị mà tôi có. Gần đây tôi đi tới chỗ cảm thấy – cũng có cảm giác gần như vậy.
Chúng ta không phản đối khi con trẻ cảm thấy khoan khoái – Tôi thấy ở đây không
có gì là kiêu căng – Có lẽ đây là cách mà mọi người nên cảm thấy.”
NTL:
“Hầu như bà có khuynh hướng nghi ngờ mình về cảm tưởng này, và nếu như bà cứ
tiếp tục suy nghĩ, có thể sẽ đi đến hai mặt của một tấm ảnh, là nếu đứa trẻ
muốn khóc, sao nó lại không nên khóc? Và nếu nó muốn cảm thấy mãn nguyện với
chính nó, thì nó không có toàn quyền cảm thấy mãn nguyện sao? Và điều có liên
hệ với vấn đề này, điều tôi thấy, là có sự đánh giá cao về chính mình mà nhiều
lần bà đã kinh nghiệm.”
BN:
“Có vậy.”
NTL:
“Tôi thực sự thấy mình là một người phong phú và ý vị”.
BN:
“Gần như thế. Và rồi tôi nói với chính mình “Xã hội chúng ta đẩy chúng ta chạy
vòng tròn và chúng ta lạc lối”. Và tôi tiếp tục trở lại với những cảm tưởng của
tôi về trẻ nhỏ. Vâng, có thể là chúng phong phú hơn chúng ta. Có thể là chúng
ta đã mất mát trong quá trình trưởng thành.”
NTL:
“Có thể là chúng có sự khôn ngoan hiểu biết mà chúng ta đã mất.”
BN:
“Đúng thế. Hết giờ của tôi rồi.”
Ở
đây, cũng như đối với nhiều bệnh nhân khác, bà muốn tự biện hộ khi nhận định ra
là mình đã đi đến chỗ yêu mến, thích thú và trân trọng bản thân mình. Người ta
có cảm tưởng như đó là một sự vui thích thoải mái và hồn nhiên, một thứ vui
sống nguyên thủy có lẽ tương tự như con cừu tung tăng trên đồng cỏ, như
loài cá duyên dáng bay lên lặn xuống trong những làn sóng. Bà Oak cảm thấy đó
là một điều bẩm sinh đối với cơ thể hài nhi, một điều chúng ta đã đánh mất
trong quá trình trưởng thành.
Từ
lúc đầu trong trường hợp này người ta đã thấy có gì báo hiệu tình cảm này, có
một đoạn có lẽ làm sáng tỏ bản chất nền tảng của nó. Trong cuộc phỏng vấn thứ
9, bà Oak một cách lúng túng biểu lộ một cái gì đó bà luôn luôn giữ kín cho
mình. Ta thấy bà tiết lộ một cách khó khăn vì bà ngừng lại rất lâu trước khi
lên tiếng.
BN:
“Ông biết rằng như vậy là ngu, nhưng tôi chưa bao giờ nói với ai điều này (cười
luống cuống) và chắc là nói ra thì tốt cho tôi. Đã nhiều năm, ồ, có lẽ từ hồi
còn niên thiếu, từ mười bảy tuổi đến nay tôi đã có cái mà tôi đặt tên lấy là
“những tia lóe của sự lành mạnh”. Tôi chưa nói cho ai biết điều này (lại bối
rối cười) trong những thoáng ấy tôi thực sự đã đi lạc và đi xa tới mức nào rồi.
Đó chính là cái cảm giác đôi lúc thấy mình là một con người đồng nhất sống
trong một thế giới hỗn độn kinh khủng.”
NTL:
“Chỉ là thoảng qua và ít khi, nhưng có những lần mà bà thấy hình như toàn thể
con người bà hành động và cảm xúc trong một thế giới hỗn độn.”
BN:
“Đúng vậy. Và tôi biết rằng chúng ta đã thực sự đi lạc quá xa con đường trở
thành lành mạnh. Và dĩ nhiên người ta không dùng những từ này.”
NTL:
“Cảm giác là không an toàn khi nói đến con người đang ca hát của bà” (9)
BN:
“Người đó sống ở đâu?”
NTL:
“Hầu như không có chỗ nào cho thứ người ấy sống cả.”
BN:
“Lẽ dĩ nhiên, ông biết, đó là lý do khiến cho tôi – xin đợi một chút- khiến tôi
ở đây đặc biệt chú trọng đến cảm xúc. Có lẽ là tại thế.”
NTL:
“Bởi vì toàn thể con người bà chỉ hiện hữu với tất cả tình cảm của bà. Phải
chăng vì thế mà bà ý thức nhiều về các mối cảm xúc?”
BN:
“Thật thế. Nó không, nó không chối bỏ cảm xúc, đúng vậy.”
NTL:
“Toàn thể con người bà sống mọi cảm xúc thay bì gạt chúng sang một bên.”
BN:
“Đúng thế” (ngừng) “Tôi cho rằng về phương diện thực tế có thể nói rằng
điều tôi phải thực hiện là giải quyết một vài vấn đề, những vấn đề từng ngày.
Ấy vậy mà tôi lại đi cố gắng giải quyết, giải quyết cái gì khác thật lớn lao,
trọng đại hơn những vấn đề nhỏ mọn từng ngày. Có lẽ điều đó tóm tắt được toàn
thể sự việc.”
NTL:
“Tôi không biết nói thế này có sai với ý bà không, là theo quan điểm cố hữu của
bà thì bà phải để thời giờ suy nghĩ về những vấn đề đặc biệt. Nhưng bà băn
khoăn là làm như thế có thể bà không đi tìm kiếm toàn thể con người bà và có
thể điều này còn quan trọng hơn việc giải quyết những vấn đề hàng ngày.”
BN:
“Tôi nghĩ chính là như thế. Chính thế đấy. Đúng với điều tôi muốn nói.”
Nếu
chúng ta có lý khi gộp hai thứ kinh nghiệm lại với nhau, và chúng ta có lý khi
coi chúng là đặc thù, thì chúng ta có thế nói là cả hai trường hợp trong trị
liệu cũng như trong kinh nghiệm thoảng qua trong thời gian trước đó của bà, bà
đã từng hưởng được một sự trân trọng thích thú, lành mạnh và mãn nguyện với
chính bản thân bà như một con người linh động và toàn vẹn, và kinh nghiệm này
xảy đến khi bà không gạt bỏ cảm xúc của mình mà sống với chúng.
Tôi
thấy đây là một sự thực quan trọng và thường bị lãng quên trong tiến trình trị
liệu. Nó hữu hiệu trong chiều hướng cho phép người bệnh cảm thấy trọn vẹn, và ý
thức được tất cả phản ứng của y kể cả những tình cảm và xúc động. Trong lúc xảy
ra như vậy, cá nhân cảm thấy một sự yêu thích tích cực đối với chính mình, một
sự trân trọng thành thật với bản thân như một đơn vị hoạt động toàn vẹn, đó là
một kết quả quan trọng trong việc trị liệu.
KHÁM PHÁ THẤY CỐT LÕI CỦA NHÂN CÁCH LÀ TÍCH CỰC
Một
trong những quan điểm cách mạng nhất phát triển nhờ kinh nghiệm lâm sàng là sự
nhận định ngày càng gia tăng rằng cốt lõi thâm sâu của bản chất con người,
những lớp sâu xa nhất của nhân cách, nền tảng của “bản chất thú vật” là tích
cực – được xã hội từ căn bản, tiến bộ, hợp lý và thực tiễn.
Quan
điểm này xa lạ với nền văn hóa hiện tại của chúng ta nên tôi không mong gì nó
được chấp nhận, và thực ra nó có vẻ cách mạng quá về nội dung nên không thể
chấp nhận nó nếu chưa tìm hiểu được tới nơi. Và ngay cả khi nó vượt qua những
thử nghiệm này, vẫn khó mà chấp nhận.
Tôn giáo, và nhất truyền thống Thiên Chúa
giáo, Tin Lành, đã thâm nhập văn hóa của chúng ta với quan điểm là con người từ
căn bản là tội lỗi, phải cần đến điều gì gần như phép lạ thì bản chất tội lỗi
của con người mới được giải trừ.
Trong khoa tâm lý, Freud và những người theo
ông đã trình bày những lý luận có sức thuyết phục rằng tiềm thức (id), bản chất
căn bản và vô thức của con người, được cấu tạo trước tiên bởi những bản năng;
những bản năng này nếu thả lỏng chúng thì kết quả sẽ là loạn luân, sát nhân và
đủ loại tội ác. Tất cả vấn đề trị liệu, theo quan niệm của nhóm này là làm thế
nào để kiềm chế được những lực lượng hoang dại này một cách lành mạnh và xây
dựng, hơn là bằng cung cách đắt giá của con người đau thần kinh.
Nhưng quan
niệm rằng từ trong thâm tâm, con người là phi lý, chống đối xã hội, muốn hủy
hoại người khác và bản thân, vẫn được chấp nhận hầu như không cần phải tra hỏi.
Lẽ dĩ nhiên đôi khi cũng có tiếng nói phản kháng. Maslow biện hộ mạnh mẽ cho
bản tính thú vật của con người, nêu lên rằng những tình cảm chống đối xã hội –
thù hận, ghen tuông v.v….- là kết quả của thất bại nơi những thôi thúc căn bản
đòi tình yêu, an toàn, liên đới và những thôi thúc ấy tự chúng thì tốt. Và
Montagu cũng vậy, khai triển luận đề cho rằng sự cộng tác, chứ không hẳn đấu
tranh, là luật căn bản của đời sống con người. Nhưng những tiếng nói lạc lõng
ấy ít được nghe tới. Tổng quát thì quan điểm của các nhà chuyên nghiệp và của
người thường vẫn là, con người từ trong bản chất cần được kiểm soát hay được
che đậy hoặc cần đến cả hai thứ đó.
Nhìn
lại nhiều năm kinh nghiệm trị bệnh và nghiên cứu, chính tôi cũng rất chậm trễ
trong việc nhận ra sự sai lầm của cái quan niệm nghề nghiệp và phổ thông này.
Tôi tin rằng nguyên do chính chỉ vì trong trị liệu, người ta không ngừng tìm
thấy những tình cảm hận thù và chống đối xã hội (nơi người bệnh) nên dễ đi đến
kết luận đó là bản chất con người. Phải từ từ mới thấy rằng những tình cảm
hoang dại và chống đối xã hội này không phải là những nét sâu nhất, mà cũng
không mạnh nhất, và cái cốt tủy thâm sâu nhất của nhân cách con người là chính
cái sức sống (organism), cái sức sống vừa tự tồn (self-preserving) vừa mang xã
hội tính.
Để
cho luận cứ này có ý nghĩa đặc biệt hơn, tôi xin trở lại ca bà Oak. Vì điểm này
quan trọng nên tôi sẽ trích ra phần khá dài của bài nói chuyện ghi băng để làm
sáng tỏ loại kinh nghiệm mà tôi đã dựa vào đó để xây dựng những lời khẳng định
ở trên. Có lẽ những đoạn trích cho thấy từng lớp nhân cách mở ra cho đến khi ta
thấy được những phần sâu thẳm nhất.
Trong
buổi nói chuyện thứ 8 bà Oak cuốn lớp tự vệ thứ nhất lại, và khám phá ra sự
chua cay và khao khát trả thù nằm bên dưới.
BN:
“Ông biết không, trong lãnh vực bấn loạn tình dục, tôi có cảm tưởng là tôi bắt
đầu khám phá ra rằng điều này rất tệ, rất tệ. Tôi thấy rằng tôi thực sự cay
đắng. Rất cay đắng. Tôi – tôi không nuốt hận nữa. Tôi nghĩ tôi như có cảm tưởng
là “Tôi đã bị gạt gẫm” (Giọng nói của bà se lại và cổ họng nghẹn ngào) Và tôi
che đậy rất khéo, đến độ không quan tâm tới nó một cách ý thức nữa. Nhưng tôi
không khỏi ngạc nhiên khi thấy làm như vậy, tôi nói thế nào nhỉ, như một thứ
thăng hoa, nhưng bên dưới có một sức mạnh chịu đựng – rất chịu đựng, nhưng đồng
thời đó là một sức mạnh sát nhân.”
NTL:”
Như vậy là có cảm tưởng “Tôi đã bị gạt gẫm. Tôi che dấu đi và như không quan
tâm tới nữa nhưng bên dưới hiện diện rõ rệt một sự cay đắng tiềm ẩn và rất
mạnh”.
BN:
“Nó mạnh lắm – tôi biết là nó mạnh khủng khiếp.”
NTL:
“Hầu như là sức mạnh chế ngự.”
BN:
“Tôi ít khi ý thức về nó. Hầu như không bao giờ…Cách duy nhất tôi có thể mô tả
nó là, đó là một thứ gì sát nhân nhưng không có bạo lực. Nó giống như là cảm
tưởng muốn trả thù… Lẽ dĩ nhiên là tôi không trả thù thật, nhưng tôi muốn lắm.
Thực sự tôi muốn trả thù.”
Cho
tới điểm này lời giải thích thông thường hoàn toàn phù hợp, Bà Oak có khả năng
nhìn xuống bên dưới cái bề mặt của hành vi mình, được kiểm soát cho phù hợp với
xã hội, và thấy phía dưới ấy có một thứ tình cảm sát nhân đầy thù ghét và khao
khát trả thù. Điều này vẫn tiếp diễn, trong lúc bà tiếp tục khám phá tình cảm
đặc biệt đó cho tới mãi sau này của cuộc trị liệu. Bà nêu lên chủ đề ấy trong
buổi nói chuyện thứ 31. Bà gặp khó khăn lắm mới bắt đầu được, bà thấy bị bế tắc
trong tình cảm và không thể nhận ra cái cảm xúc đang trào dâng trong lòng bà.
BN:
“Tôi có cảm tưởng điều đó không phải là tội lỗi (ngừng nói và bật khóc). Lẽ dĩ
nhiên, tôi không nói thành lời được. (Rồi kèm theo một cơn xúc động) Chỉ có đau
xót kinh khủng.”
NTL:
“Không phải là tội, ngoại trừ cảm giác là mình bị thương tổn quá nhiều.”
BN:
(Bật khóc) “Thường tôi cũng phạm lỗi đó, nhưng trong những năm sau này khi tôi
nghe cha mẹ bảo con “Nín đi”. Tôi có cảm tưởng như khổ sở, tại sao họi lại bắt
chúng nín? Chúng cảm thấy tủi thân, và còn ai tủi thân chính đáng hơn đứa trẻ.
Tôi nghĩ là họ nên để cho nó khóc. Và thấy thương cho nó. Một cách khách quan.
Đấy tôi kinh nghiệm tình cảm đó trong lúc này. Đúng vào lúc này…”
NTL:
“Thoảng như có cái hương vị tình cảm khi bà tự khóc thương mình.”
BN:
“Vâng, và ông lại thấy có sự xung khắc. Nền văn hóa của chúng ta không cho phép
người ta tự thương tủi. Nhưng không phải thế, tình cảm của tôi không hẳn
là như vậy.”
NTL:
“Bà nghĩ rằng có sự cản trở về văn hóa không cho tủi phận. Và thấy tình cảm của
bà không hẳn là điều mà văn hóa cấm kỵ.”
BN:
“Và dĩ nhiên tôi đi tới chỗ hiểu và thấy rằng tôi đã che đậy (khóc). Nhưng che
đậy với nhiều đắng cay; và sự đắng cay đó, lại phải che dấu nữa. (tiếp tục
khóc). Đó là điều tôi muốn dứt bỏ. Tôi hầu như bất cần là mình khổ hay không.”
NTL:
(nhẹ nhàng và với sự cảm thông trìu mến đối với sự đau đớn mà bệnh nhân đang
trải qua) “Bà cảm thấy ở đây từ dưới đáy sâu một thứ tình cảm đầy nước mắt
thương thân. Nhưng bà không thể để lộ nó ra, không được để lộ ra, cho nó bị che
lấp với cay đắng, điều này bà không thích, bà muốn gạt bỏ nó đi. Bà hầu như có
cảm giác thà chịu đau đớn còn hơn là cảm thấy cay đắng (ngừng nói). Và hình như
điều bà muốn nói mạnh nhất là “Tôi thực tình đau khổ, và tôi đã cố che đậy điều
đó”.
BN:
“Tôi chưa biết điều này.”
NTL:
“Coi như một khám phá mới.”
BN:
(nói cùng một lúc) “Tôi thực tình không biết. Nhưng nó gần như trong cơ thể tôi
– làm như tôi nhìn thấy bên trong mình những giây thần kinh, những phần cơ thể
dập nát”. (khóc).
NTL:
“Làm như thể là những sắc thái tinh tế nhất trong cơ thể bà bị đập dẹp hay bị
thương nặng.”
BN:
“Vâng, và tôi cảm thấy “Khổ thân mày quá”.
NTL:
“Không thể không cảm thấy thương hại con người của bà.”
BN:
“Tôi không nghĩ là mình cảm thấy thương hại toàn thể con người ấy, nhưng chỉ
một mặt nào đó.”
NTL:
“Khổ tâm phải nhìn thấy thương tích này.”
BN:
“Vâng.”
NTL:
(ầm, ừ).
BN:
“Và dĩ nhiên là có sự cay đắng đáng nguyền rủa mà tôi muốn loại bỏ. Nó làm cho
tôi khốn khổ. Vì nó là thứ xảo trá. Nó đánh lừa tôi.” (ngừng nói).
NTL:
“Tôi có cảm tưởng là bà muốn dứt bỏ sự cay đắng này vì theo bà nó không chính
đáng.”
BN:
(Bệnh nhân khóc, ngừng nói khá lâu). “Tôi không biết. Dường như điều tôi nghĩ
là chính đáng; có ích lợi gì đâu mà gán cho nó tiếng tội lỗi. Nói rằng để đuổi
bắt những yếu tố làm cho trường hợp của tôi hấp dẫn? Như vậy có ích gì? Đối với
tôi hình như chìa khóa của vấn đề nằm trong tình cảm tôi đang có.”
NTL:
“Bà có thể tìm dấu vết của một nhãn hiệu và đeo đuổi nó, nhưng bà cảm thấy rằng
cốt lõi của toàn thể câu chuyện nằm trong kinh nghiệm mà bà đang có ở đây.”
BN:
“Đúng vậy – Tôi không biết cái gì sẽ xảy đến cho tình cảm đó. Có lẽ không gì
cả. Hình như bất cứ hiểu biết nào đến với tôi cũng là một phần của sự đau
thương đó – Thôi gọi nó bằng tên gì cũng được (ngừng nói). Người ta không thể
đi đây đi đó với một vết thương phơi trần như vậy. Bằng cách nào đó giai đoạn
kế tiếp của quá trình phải là sự chữa lành.”
NTL:
“Xem chừng như bà không thể tự phơi bày mình ra nếu một phần nào đó của con
người bà bị thương tích như vậy, vì thế bà tự hỏi xem có nên chữa trị vết
thương trước hết không.” (ngừng nói).
BN:
“Tuy nhiên thật là buồn cười (ngừng nói). Nghe như một lời khẳng định hoàn toàn
hỗn độn hay như một câu phương ngôn cổ xưa nói rằng người mắc bệnh tâm thần
không muốn từ bỏ những triệu chứng của mình. Nhưng không phải thế đâu. Tôi muốn
nói là chỗ này không đúng. Tôi hy vọng điều này nói lên được cảm nghĩ của tôi.
Tôi không ngại đau khổ. Tôi có ý nói rằng tôi không ngại lắm. Tôi e ngại nhiều
hơn tình cảm cay đắng, chính cái đó là nguyên nhân của sự thất bại này – Tôi
ngại nó hơn.”
NTL:
“Có phải thế này không? Rằng dù bà không thích sự đau khổ, nhưng bà cảm thấy có
thể chấp nhận được. Chịu đựng nổi nó. Nhưng chính những điều đã che đậy sự khổ
sợ ấy, như sự cay đắng chẳng hạn – trong lúc này bà không chịu nổi.”
BN:
“Vâng. Gần đúng như thế. Dường như đối với loại tình cảm thứ nhất tôi còn đối
phó nổi. Tôi còn có thể được những thú vui khác. Nhưng loại cảm xúc kia, tôi có
ý nói đến sự thất bại – nó hiện ra bằng nhiều cách. Tôi bắt đầu nhận định
được.”
NTL:
“Sự thương tổn bà có thể chấp nhận. Đó là một phần của cuộc sống. Bà còn có thể
hưởng thụ được. Nhưng để cho cả đời bị phân tán trong thất bại và cay đắng thì
bà không thích, bà không muốn, và bây giờ thì bà đã ý thức hơn điều đó.”
BN:
“Vâng. Bây giờ thì không tránh né được nữa. Ông thấy không, tôi ý thức hơn
nhiều về điều đó (ngưng) Tôi không biết. Ngay lúc này tôi không biết bước sau
sẽ như thế nào. Tôi thực tình không biết (ngừng). May mắn thay đây là sự phát triển,
cho nên điều mà tôi đang cố nói lên là tôi nghĩ rằng mình còn đang sinh hoạt.
Tôi vẫn còn đang vui hưởng và -”
NTL:
“Bà chỉ muốn nói cho tôi biết là bằng nhiều cách bà vẫn tiếp tục sống bình
thường.”
BN:
“Chính thế. Ồ tôi nghĩ là phải ngừng lại để đi về.”
Trong
phần trích dài dòng này, chúng ta thấy rõ là nằm bên dưới sự cay đắng, sự thù
hận và ý muốn trả thù cái thế giới đã gạt gẫm bà, có một thứ tình cảm ít chống
đối xã hội hơn, một kinh nghiệm đã bị thương tích. Và điều cũng rất rõ rệt là ở
một bình diện sâu xa bà không muốn biến những tình cảm sát nhân thành hành
động. Bà không ưa gì chúng mà muốn gạt bỏ chúng.
Phần
trích sau đây xuất phát từ cuộc trò chuyện thứ 34. Nội dung rời rạc, thường là
vậy khi một người muốn nói lên sự xúc cảm sâu xa của mình. Ở đây bà cố gắng
tiến sâu vào lòng mình. Bà nói là khó có thể nói rõ.
BN:
“Tôi không biết là mình có thể nói về điều này hay chưa. Tôi cũng thử xem sao.
Điều gì đó, một cảm xúc – một sự thôi thúc phải nói ra. Tôi biết là không có
nghĩa lắm. Tôi nghĩ rằng có lẽ nếu tôi có thể nói ra và nói ra một cách
khách quan hơn, điều đó sẽ hữu ích cho tôi hơn. Tôi không biết nói như thế nào
nhỉ – hình như tôi muốn nói về bản ngã của tôi. Và điều này dĩ nhiên là tôi đã
nói đến hết giờ này sang giờ khác. Nhưng vẫn chưa hẳn là bản ngã của tôi. Gần
đây tôi có ý thức khước từ một số khẳng định, vì đối với tôi những lời này có
vẻ lý tưởng quá. Tôi nhớ đã có lời nói hoài: còn ích kỷ hơn thế, còn ích kỷ hơn
thế. Cho tới khi – tôi vỡ lẽ ra rằng chính đó là điều tôi ám chỉ, nhưng sự ích
kỷ mà tôi muốn nói, mang một ý nghĩa khác. Tôi dùng từ “ích kỷ” và tôi có cảm
tưởng là chưa bao giờ diễn đạt nó trước đây. A – tôi vẫn sẽ tiếp tục nói về nó.
Một nhịp tim đập. Một điều luôn luôn ý thức và nó vẫn nằm đấy. Và tôi
cũng muốn có thể dùng tới nó – như đi xuống tận đáy. Và tôi cũng muốn có thể
dùng tới nó – như đi xuống tận đáy. Tôi không biết nói thế nào! Làm như tôi đã
chiếm được một góc nào dưới đó và làm quen với cơ cấu của nó. Có cái gì như là
sự ý thức được rằng mình không bị đánh lừa, mình không bị lôi vào sự vật, như
một hiểu biết có phê bình. Nhưng mặt khác – lý do là nó bị che dấu – nó không
phải là một phần của cuộc sống hàng ngày. Và có nhiều lúc tôi cảm thấy điều đó
khủng khiếp, nhưng rồi cũng không đáng sợ lắm. Nhưng tại sao vậy? Tôi nghĩ rằng
mình biết. Và điều ấy cũng giải thích cho tôi nhiều điều lắm. Đó là một cái gì
hoàn toàn không có thù ghét. Tôi nói là hoàn toàn. Không có tình yêu nhưng hoàn
toàn không có thù ghét. Nhưng đó là – đó là một tình trạng hấp dẫn…
Tôi đoán
rằng có lẽ tôi là loại người thích làm khổ thân mình, hay là đuổi bắt lấy những
sự vật để ráng tìm ra toàn thể. Và tôi tự bảo rằng, xem nào, đây là thứ cảm
giác mạnh mẽ mà mi có. Nó không liên tục. Nhưng mình đôi khi cảm thấy nó có. Nó
không liên tục. Nhưng mình đôi khi cảm thấy nó và khi mình để cho mình cảm thấy
nó thì mình sẽ cảm thấy. Ông biết đó, có những từ để diễn tả sự kiện này mà
người ta thấy trong khoa tâm bệnh học. Nó hầu như giống tình cảm đôi khi được
gán cho những điều ta đọc thấy. Tôi có ý nói là, có những yếu tố nào đó: nhịp
tim nhảy, sự hồi hộp, sự hiểu biết. Và tôi đã nói – tôi bắt gặp một điều. Tôi
có ý nói tôi rất can đảm, chúng ta nói thế nào nhỉ – một sự thúc đẩy về tình
dục được thăng hoa. Và tôi nghĩ rằng, đây này, tôi nắm được nó. Thực sự tôi đã
giải quyết vấn đề. Và không còn gì thêm nữa. Và trong một thời gian tôi hoàn
toàn mãn nguyện với chính mình. Vấn đề là như vậy. Và rồi tôi lại phải công
nhận nó không như vậy. Bởi vì điều gì đó, tôi đã nó có trước khi bị thất bại
ghê gớm về phương diện tình dục. Rồi tôi bắt đầu thấy một chút, ở bên
trong trung tâm vấn đề là sự chấp nhận liên hệ dục tính, thứ duy nhất mà tôi
nghĩ là có thể được. Vấn đề nằm ở đây. Dục tính không bị thăng hoa, hay thay
thế. Không, trong sự hiểu biết của tôi – chắc chắn là có một cảm nghĩ được lột
bỏ hết những gì người ta gán cho tình dục, ông hiểu tôi nói gì chớ? Không có sự
đuổi bắt, đeo đuổi, tranh chấp – không có thù ghét, mà tôi nghĩ đã từng len lỏi
vào đấy. Tuy vậy thứ cảm nghĩ này còn gây bối rối phần nào.”
NTL:
“Tôi muốn xem là mình có bắt đúng ý bà đôi chút không. Làm như bà đã làm quen
với bản ngã trên căn bản kinh nghiệm, từng viên gạch một, và nhờ thế trở nên
“ích kỷ” hơn, có bản ngã tính hơn – trong sự khám phá ra cốt tủy của bà khác
biệt với nhiều mặt khác, bà đi tới nhận ra, một sự nhận định rất sâu xa và hứng
thú, rằng cốt tủy của bản ngã đó không những không có hờn ghét, mà còn có
cái gì giống như một vị thánh, một cái gì rất trong sạch, đó là từ tôi muốn
dùng. Và bà có thể cố làm giảm nó. Bà có thể nói, có lẽ đây chỉ là một sự tôn
vinh, có lẽ đây là một biểu lộ bất bình thường, một sự kỳ dị…Nhưng trong thâm
tâm, bà biết rằng sự diễn đạt dục tính phong phú, nhưng vấn đề xem còn lớn lao
và sâu xa hơn thế nữa. Tuy có nhiều khả năng bao gồm tất cả những gì là thành
phần của sự diễn đạt dục tính.”
BN:
“Gần gần như thế… Đó là một thứ, một thứ đi xuống. Nó đi xuống khi mà người ta
nghĩ là nó phải đi lên, tôi chắc như vậy đó là một thứ đi xuống.”
NTL:
“Đó là một sự đi xuống và hầu như tự dìm mình trong bản ngã.”
BN:
“Vâng – nhưng tôi không quẳng nó sang một bên được. Nó chỉ hiện diện. Dường như
điều này quan trọng hết sức, mà tôi phải nói ra.”
NTL:
“Tôi cũng muốn ghi lại một trong những ý đó để xem mình có hiểu không. Hình như
bà muốn nói là có cái gì đó mà bà phải vươn lên để bắt lấy, một cái gì chưa
chắc đã hiện hữu. Nhưng thực ra bà cảm thấy phải đi xuống để bắt lấy cái đó nằm
sâu dưới kia.”
BN:
“Vậy đó. Tôi có một cách – và dĩ nhiên lúc nào đó ta phải xem kỹ việc này –
khước bỏ hầu như mãnh liệt tất cả những gì đứng đắn, khước bỏ lý tưởng. Ta phải
vươn lên với lấy một cái gì đó tôi không biết, tôi cảm thấy không theo kịp. Cái
đó rất mỏng manh nếu người ta bắt đầu kéo nó xuống. Tôi không hiểu tại sao có
cảm giác rõ rệt là đi xuống.”
NTL:
“Không phải là vươn lên một lý tưởng mong manh mà bước xuống một thực tế vững
chắc lạ lùng…”
BN:
“Vâng.”
NTL:
“Còn lạ lùng hơn…”
BN:
“Vâng, một cái gì đó mà người ta không lật đổ được. Nó vẫn đứng đó – Tôi nghĩ
thế sau khi nghe ông tóm tắt lại vấn đề. Nó vẫn tồn tại.”
Bởi
vì nội dung trên được trình bày một cách lẫn lộn tưởng nên rút ra những luận
điểm liên tiếp mà bà đã diễn tả:
Tôi
đang nói về bản thân tôi như ích kỷ (self –ish) nhưng với nghĩa hàm súc hơn từ
này.
Tôi
đã quen thuộc với cơ cấu bản ngã tôi, và biết sâu xa về mình.
Trong
lúc đi sâu vào con người mình, tôi khám phá được một cái gì đó rất hấp dẫn, một
cốt tủy hoàn toàn không hận thù.
Nó
không là thành phần của cuộc sống hàng ngày. Nó có thể là bất bình thường.
Lúc
đầu tôi nghĩ đó chỉ là bản năng tình dục được thăng hoa.
Nhưng
không phải thế, nó bao quát hơn, sâu xa hơn dục tính.
Người
ta tưởng rằng đó là điều mà người ta khám phá ra khi leo lên vùng trời mong
manh của các lý tưởng.
Nhưng
thực sự, tôi bắt gặp nó khi xuống sâu trong lòng mình.
Hình
như đó là một cái gì chính yếu và bền bỉ.
Đây
có phải là một thứ kinh nghiệm thần bí mà bà ta đang diễn tả không? Hình như
nhà trị liệu cảm thấy thế, qua ý vị của những lời đáp ứng của ông. Tác giả chỉ
muốn nói là nhiều bệnh nhân cũng đi tới kết luận tương đồng như thế. Chính bà
Oak, trong buổi phỏng vấn sau, buổi thứ ba mươi lăm, nói về cảm xúc cảu bà một
cách rõ ràng, ngắn gọn và thực tế hơn. Bà cũng giải thích tại sao đó là một
kinh nghiệm khó khăn mà mình phải trải qua.
BN:
“Tôi nghĩ là tôi rất vui mừng khi bắt gặp mình, hay muốn nói về mình. Đây là
một việc riêng tư, mà người ta không nói tới. Tôi hiểu thứ tình cảm ngại ngùng
của mình. Làm như tôi chối bỏ tất cả những gì mà văn minh tây phương chủ
trương. Và băn khoăn tự hỏi không biết mình có đúng không, nghĩa là có đi đúng
đường không, và dĩ nhiên trong lòng thì cảm thấy điều đó đúng. Và như vậy tức
là có mâu thuẫn. Và tới điểm này, bây giờ, thì tôi nghĩ như vậy. Có sự kiện mà
tôi gọi là không có thù hận. Đó là điều rất thật. Nó xâm nhập vào những công
việc mà tôi làm tôi tin tưởng… Tôi nghĩ điều này tốt. Đó là điều tôi nói với
chính mình, thấy không, mi đã nhồi vào đầu ta, ngay từ lúc đầu, những mê tín,
cấm kỵ và những học thuyết sai lệch, những luật lệ và khoa học của mi, những
chiếc tủ lạnh và những trái bom nguyên tử của mi. Nhưng ta đâu có tán thành, mi
hoàn toan không thành công. Tôi muốn nói là tôi không làm theo thiên hạ. Đúng
là như vậy.”
NTL:
“Cảm nghĩ của bà vào lúc này là bà rất ý thức về những áp lực văn hóa – không
luôn luôn ý thức rõ rệt nhiều, nhưng “có quá nhiều loại áp lực này trong đời
tôi – và bây giờ tôi xuống sâu hơn trong lòng tôi để tìm xem tôi thật sự nghĩ
gì” và dường như vào lúc này bà rất xa nền văn hóa của bà, và điều này đáng sợ
phần nào, nhưng cũng thật dễ chịu. Có phải…”
BN:
“Vâng, bây giờ tôi có cảm tưởng như thế là tốt, thực thế…Nhưng còn có cái khác
– một cảm tưởng mới chớm nở, và hầu như thành hình rồi. Như một kết luận, là
tôi sẽ ngưng tìm tòi một điều gì đó rất tệ hại. Bây giờ tôi không biết tại sao.
Nhưng tôi muốn nói – đó là như vậy. Tôi đang nói với chính mình, dựa theo điều
mà tôi biết, mà tôi khám phá được – Tôi tin chắc là tôi đã gạt bỏ được sợ hãi,
và tôi cả quyết rằng mình không sợ bị chấn thương, tôi còn chờ đón nó nữa.
Nhưng cứ theo những chỗ mà tôi đã đi qua, những gì tôi đã học được, và cũng xét
theo những gì mà tôi không biết, có lẽ đây là một trong những khám phá mà tôi
phải ghi nhớ ngày tháng. Và bây giờ tôi không hề có ý cáo lỗi hay dấu diếm, tôi
có thể khẳng định đơn giản rằng tôi không tìm thấy cái gì mà vào lúc này xem ra
xấu xa.”
NTL:
“Phải như vầy không? Khi bà càng lúc càng đi sâu vào nội tâm mình, và trong khi
bà suy nghĩ về những điều bà đã khám phá được, đã học hỏi được v.v…thì sự tin
tưởng trở nên mãnh liệt là dù bà có đi xa tới đâu đi nữa, thì những điều mà bà
bắt gặp không phải là những điều ghê tởm và đáng sợ. Chúng mang một đặc tính
khác hẳn.”
BN:
“Phải, tương tự như vậy.”
Ở
đây, ngay cả khi bà ta nhận thấy tình cảm của bà đi ngược lại với văn hóa của
mình, bà vẫn cảm thấy bó buộc phải nói rằng cốt tủy của con người bà không xấu
xa, không quá đổi sai lầm nhưng có cái gì tích cực. Dưới cái lớp hành vi bề
ngoài được kiểm soát, dưới sự cay đắng dưới sự tổn thương có một bản ngã tích
cực và không thù hận. Đó là bài học mà thân chủ của chúng ta đã cho chúng ta từ
lâu, nhưng chúng ta đã chậm trễ trong sự học đó.
Nếu
như không hận thù có vẻ như một ý niệm trung lập hay tiêu cực thì chúng ta nên
để bà Oak giải thích về ý nghĩa của nó. Trong cuộc phỏng vấn thứ ba mươi chín,
khi cảm thấy cuộc trị liệu của bà sắp kết thúc, bà trở lại chủ đề đó.
BN:
“Tôi tự hỏi tôi có cần làm sáng tỏ – đối với tôi thì rõ lắm, và có lẽ đó mới
thật là vấn đề: tôi có một cảm giác tưởng rất mạnh đối với thái độ không hận
thù. Hiện giờ chúng ta đưa nó lên bình diện lý trí – thành ra nghe như tiêu
cực. Nhưng trong sự suy nghĩ của tôi, không phải chỉ suy nghĩ nhưng tình cảm và
suy nghĩ, vâng trong sự suy nghĩ nữa – nó còn tích cực hơn thế – hơn cả tình
yêu – và đối với tôi là một cái gì dễ dàng hơn – nó ít hạn chế hơn. Nhưng tôi
thấy nó nghe như, và xem như một sự từ bỏ hoàn toàn nhiều thứ, nhiều tin tưởng.
Đối với tôi nó còn tích cực hơn thế nữa.”
NTL:
“Bà có thể thấy là đối với nhiều người nó có vẻ tiêu cực nhưng đối với bà nó
không có vẻ trói buộc và chiếm đoạt như tình yêu. Dường như nó có nhiều triển
vọng và dễ sử dụng hơn…”
BN:
“Phải.”
NTL:
“Bất kỳ những từ nào hẹp nghĩa hơn.”
BN:
“Thật vậy. Đối với tôi, nó dễ hơn. Và hình như tôi tìm được một chỗ nơi đó
người ta không bị cưỡng bách phải ban thưởng và cũng chẳng phải trừng phạt.
Thật là đáng giá. Tôi thấy hình như nó đem lại một sự tự do.”
NTL:
“Khi người ta thoát khỏi nhu cầu thưởng hay phạt, thì theo ý bà có nhiều tự do
hơn cho những người liên hệ.”
BN:
“Đúng thế.” (ngừng nói). “Dọc con đường này tôi chuẩn bị gặp ít nhiều thương
tổn.”
NTL:
“Bà không mong thuận buồm xuôi gió.”
BN:
“Không.”
Đoạn
này là một mẩu chuyện – rút gọn đi nhiều – về sự khám phá của một bệnh nhân là
bà càng đào sâu vào nội tâm, thì bà càng thấy ít sợ, thay vì tìm thấy một điều
gì hết sức xấu xa nơi bà, bà dần dà bắt gặp cốt tủy của một bản ngã không muốn
thưởng, không muốn phạt người khác, một bản ngã không thù ghét, một bản ngã
được xã hội hóa một cách sâu xa. Qua thứ kinh nghiệm này liệu chúng ta có thể
nói phổ quát rằng nếu chúng ta chịu tiến sâu vào bản chất ( organnismic nature)
của chúng ta, chúng ta sẽ thấy rằng con người là một sinh vật tích cực có xã
hội tính? Đó là điều kinh nghiệm trị liệu gợi ra.
LÀ SỨC SỐNG CỦA CHÍNH MÌNH, KINH NGHIỆM CỦA CHÍNH
MÌNH
Sợi
chỉ xuyên suốt phần nội dung bên trên của chương này là tâm lý trị liệu (ít
nhất là thân chủ trọng tâm trị liệu) là một quá trình, qua đó người ta trở
thành sức sống của mình – không tự lừa dối, không bóp méo. Như thế có nghĩa là
gì?
Ở
đây chúng ta đang nói đến một điều trên bình diện kinh nghiệm – một hiện tượng
không dễ nói ra thành lời, và điều đó nếu chỉ hiểu trên bình diện ngôn ngữ, thì
nó đã bị lệch lạc rồi. Có lẽ nếu chúng ta sử dụng nhiều cách thức mô tả, thì
trong kinh nghiệm của độc giả như có tiếng chuông reo, dù là tiếng reo yếu ớt
khiến người đó cảm thấy “Ồ, tôi biết rồi, theo kinh nghiệm của riêng tôi cũng
có cái gì đó như ông nói”.
Trị
liệu dường như là một sự trở lại với thứ kinh nghiệm thuộc giác quan và nội
tạng. Trước khi được trị người bệnh có khuynh hướng tự hỏi: “Không biết người
khác nghĩ là trong trường hợp này tôi nên làm gì?”, “Không biết cha mẹ hay nền
văn hóa của tôi muốn tôi làm gì?”, “Tôi nghĩ mình phải làm gì nhỉ?” Như thế là
người đó liên tiếp hành động theo một thể thức được áp đặt trên hành vi của
mình. Điều đó không nhất thiết có nghĩa là người ấy luôn luôn hành động phù hợp
với ý kiến của người khác. Thực ra anh ta có thể cố gắng hành động sao cho trái
nghịch với sự mong muốn của người khác. Dầu sao anh ta cũng hành động tùy thuộc
vào những điều mong muốn (thường là những mong muốn được nội tâm hóa) của người
khác. Trong quá trình trị liệu, cá nhân đi tới chỗ tự hỏi, liên quan đến những
lãnh vực mỗi lúc một mở rộng của môi trường sống của anh ta, “Tôi kinh nghiệm
về điều này như thế nào?” “Điều này có nghĩa gì đối với tôi?”, “Nếu tôi xử sự
theo cách nào đó, tôi tưởng tượng ý nghĩa mà hành động ấy sẽ có đối với tôi như
thế nào?”, “Anh ta sẽ đi tới chỗ hành động trên căn bản gọi là hiện thực – một
sự cân nhắc thực tế về những điều hài lòng và bất mãn mà bất cứ hành động nào
sẽ đem lại cho anh ta.
Có
lẽ để giúp ích cho những người, như tôi, có khuynh hướng suy nghĩ bằng những từ
ngữ cụ thể và với mục đích trị liệu, tôi nên tóm lược những ý tưởng này thành
những sơ đồ diễn tả cái quá trình mà nhiều người bệnh trải qua. Đối với
bệnh nhân này, nó có nghĩa là “Tôi vẫn tưởng là mình chỉ nên yêu mến cha mẹ
thôi, nhưng tôi thấy là tôi kinh nghiệm cả yêu mến lẫn oán ghét cay đắng. Có lẽ
tôi là con người được tự do kinh nghiệm cả yeấu mến lẫn oán ghét”. Đối với một
bệnh nhân khác điều học hỏi là “Tôi vẫn nghĩ tôi chỉ là kẻ tồi tệ và vô tích
sự. Bây giờ có lúc tôi thấy mình có nhiều giá trị, lúc khác lại thấy mình có ít
giá trị và vô dụng. Có lẽ tôi là người có kinh nghiệm về những mức độ giá trị
khác nhau”. Đối với người khác “Tôi đã có quan niệm là không ai có thể thật
tình thương tôi vì tôi. Bây giờ tôi thấy sự thương yêu đầm ấm của người khác
khá ái đối với người khác. Có lẽ tôi là con người như thế”. Lại còn người khác
“Tôi đã được dạy bảo là không được thích thú chính mình – nhưng tôi tự quý
trọng mình. Tôi có thể khóc thương tôi, nhưng tôi cũng có thể hưởng thụ được.
Có lẽ tôi là một người rất phong phú mà tôi có thể ưa thích và cũng là người mà
tôi cảm thấy buồn phiền”. Hay là, nêu ví dụ sau cùng về bà Oak “Tôi đã nghĩ
rằng mình tồi tệ về phương diện sâu xa nào đó, rằng những yếu tố căn bản nhất
trong tôi thật là ghê tởm và đáng sợ. Tôi không cảm thấy sự tồi tệ ấy, nhưng
chỉ cảm thấy sự khao khát muốn sống và để người khác sống. Có lẽ tôi có thể là
con người trong thâm tâm rất tích cực”.
Điều
gì đã làm nảy nở ra cái phần tiếp theo những câu đầu của những lời phát biểu
này? Đó là sự ý thức đạt được. Trong trị liệu người bệnh thêm vào kinh nghiệm
thường tình, sự ý thức đầy đủ và không bị bóp méo về kinh nghiệm, nhờ ý thức
được. Người ấy có thể ý thức điều thực cảm thụ chứ không phải là điều người ấy
tự cho phép mình kinh nghiệm sau khi đã lọc kỹ qua lý trí của mình. Trong chiều
hướng đó lần đầu tiên người ấy trở thành một cơ thể với tiềm năng trọn vẹn, với
yếu tố dồi dào của ý thức thêm vào sắc thái căn bản của phản ứng giác quan và
nội tạng. Người đó trở thành con người mà người ấy là, như lối nói quen thuộc
của bệnh nhân khi được điều trị. Lời đó hình như có nghĩa là cá nhân ấy trở
thành – trong ý thức – điều mà người ấy là – trong kinh nghiệm.
Nói khác đi
người ấy là một cơ cấu toàn vẹn và sống tràn đầy.
Tôi
có thể thấy phản ứng của một số độc giả “ông định nói rằng kết quả của sự trị
liệu là người ta sẽ trở thành không gì khác hơn là một cơ cấu nhân sinh (human
organism), một thú vật nhân tính (a human animal)? Ai sẽ kiểm soát nó? Ai sẽ xã
hội hóa nó? Lúc đó liệu nó có quẳng hết mọi cấm đoán đi không? Có phải ông chỉ
thả lỏng cho con thú, cho dục tính (the id) trong con người phải không?
Câu trả
lời thích đáng nhất cho những câu hỏi này sẽ là “Trong trị liệu cá nhân thực sự
trở thành một cơ cấu nhân sinh với tất cả sự phong phú của nó. Người ấy thực tế
có khả năng tự kiềm chế, và nhất thiết được xã hội hóa trong mọi khát vọng của
mình. Không có dã thú nào trong con người. Chỉ có con người trong con người, và
chúng ta có thể phóng thích nó”.
Như vậy theo tôi, khám phá cơ bản của khoa tâm
lý trị liệu, nếu những nhận xét của chúng ta có một giá trị nào đó, là chúng ta
biết cộng thêm vào thứ kinh nghiệm giác quan và nội tạng đặc trưng của toàn thể
thế giới loài vật, cái ý thức tự do và không méo mó mà chỉ con người mới có,
thì chúng ta sẽ được một cơ cấu mang tính thực tiễn rất đẹp và rất xây dựng.
Lúc đó chúng ta sẽ có một cơ cấu có ý thức về những đòi hỏi văn hóa cũng như về
những nhu cầu sinh lý về thức ăn hay dục tính – nó cũng ý thức về ước muốn được
liên hệ thân thiết cũng như ước muốn được phát huy nhân cách – nó cũng ý thức
về sự trìu mến nhạy cảm và tế nhị đối với người khác cũng như sự thù địch đối
với kẻ khác. Khi khả năng đặc thù của con người là ý thức, được hoạt động tự do
và đầy đủ như vậy, chúng ta thấy không phải con thú mà chúng ta phải sợ, không
phải con vật cần được kiểm soát, nhưng là một cơ cấu có thể thực hiện, qua khả
năng phối trí kỳ diệu của hệ não, một thái độ quân bình thực tiễn, nâng cao giá
trị bản thân và tha nhân; thái độ này là kết quả của tất cả những yếu tố được ý
thức.
Nói khác đi, khi con người không được đầy đủ là người – khi người ấy
khước từ không nhận vào ý thức những sắc thái khác nhau của kinh nghiệm – thì
ta có lý do để sợ anh ta và hành vi của anh ta, như hiện tình thế giới chứng
minh. Nhưng khi anh ta là người một cách thật đầy đủ, khi anh ta là cơ cấu toàn
vẹn của mình, khi sự ý thức về kinh nghiệm, cái đặc tính chỉ có nơi con người,
được hoạt động triệt để, thì anh ta đáng tin cậy, và hành vi của anh ta là xây
dựng. Nó sẽ không luôn luôn phù hợp với lề lối chung. Nó sẽ được cá nhân hóa.
Nhưng nó cũng sẽ được xã hội hóa.
LỜI BÀN THAY KẾT LUẬN
Tôi
đã mạnh dạn khẳng định phần trên bởi đó là điều xác tín rút ra từ nhiều năm
kinh nghiệm. Tuy nhiên tôi cũng ý thức được sự khác biệt giữa xác tín và sự
thật. Tôi không đòi hỏi ai phải đồng ý với kinh nghiệm của tôi, nhưng chỉ xin
bạn xét lại xem ý kiến phát biểu ở đây có phù hợp với kinh nghiệm riêng của bạn
không.
Tôi
cũng không tạ lỗi cho tính chất suy luận lý thuyết của bài này. Phải có một
thời gian dành cho việc suy luận cũng như một thời gian cho việc xem xét chứng
cớ hiển nhiên. Hy vọng rằng dần dần một số suy luận, quan điểm và dự kiến trị
liệu của bài này sẽ được đem ra thử nghiệm, thực hành và xác định dứt khoát.
*****
Chú thích:
8. Đoạn này cần giải thích. Như một phần của cuộc nghiên cứu
do một nhân viên trong ban điều hành thực hiện, bệnh nhân được yêu cầu nhiều
lần trong thời gian trị liệu, sắp theo thứ tự một số phiếu, mỗi phiếu có một
câu tự mô tả, để cho biết hình ảnh của chính mình. Ở một đầu thì để ra phiếu,
hay những phiếu, thích hợp với mình nhất, còn đầu kia là những phiếu khơng
thích hợp với mình nhất. Như vậy khi bà ta nói là bà đặt tấm phiếu đầu tiên với
câu: “Tôi có một nhân cách hấp dẫn”, có nghĩa là bà coi nó như đặc tính nổi bật
nhất về mình.
9. Người điều trị ám chỉ đến một câu nói của bà trong một
buổi phỏng vấn trước đây là trong điều trị bà đang hát một bài ca.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét