Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

TIẾN TRÌNH THÀNH NHÂN - Phần 06

Chương 4:

CHÚNG TA BIẾT GÌ VỀ TÂM LÝ TRỊ LIỆU

DƯỚI KHÍA CẠNH KHÁCH QUAN VÀ CHỦ QUAN?

*****

Mùa xuân năm 1960 tôi được mời tới Viện Kỹ thuật Californie với tư cách một người khách trong chương trình “Các nhà lãnh đạo Mỹ” của họ, do Cal Tech – YMCA đỡ đầu, hội này đã sắp đặt hầu hết các chương trình văn hóa cho Viện. Như một phần của bốn ngày thăm viếng này, tôi được mời nói chuyện tai một buổi hội thảo của các giáo sư và hội đồng khoa. Tôi sốt sắng muốn nói về tâm trị liệu theo một đường lối có ý nghĩa đối với các nhà khoa học, mà tôi có thể trình bày tóm tắt được tất cả những công trình khám phá về phép trị liệu này. Mặt khác, tôi cũng muốn làm thật sáng tỏ rằng, mối tương giao chủ quan và cá nhân ít ra cũng là một thành phần cơ bản của sự thay đổi trị liệu. Vì thế, tôi đã cố gắng trình bày cả hai phương diện. Trong  bài nay tuy tôi có sửa đôi chút, nhưng đây vẫn là những gì thiết yếu nhất tôi đã nói với cử tọa ở Cal Tech.

Tôi hài lòng vì bài thuyết trình dường như đã được tiếp nhận nồng nhiệt, nhưng tôi còn hài lòng hơn nữa là, từ đó, một số người đã kinh nghiệm sự trị liệu, đã đọc các thủ bản, và dường như đã được phấn khởi rất nhiều qua phần mô tả kinh nghiệm nội tâm của thân chủ về trị liệu (phần thứ hai của bài). Điều này làm cho tôi thỏa lòng, bởi tôi vẫn đặc biệt ham mê các ghi chú cách thân chủ cảm và thấy sự trị liệu như thế nào.

*****

Trong lãnh vực trị liệu tâm lý, người ta đã thực hiện được bước tiến bộ đáng kể trong thập niên vừa qua là đo lường những kết quả của sự trị liệu trên nhân cách và hành vi của thân chủ. Trong hai, ba năm gần đây một tiến bộ nữa đã được thực hiện là tìm ra những điều kiện cơ bản trong mối tương giao trị liệu, để hoàn thành việc trị liệu, để giúp cá nhân phát triển, hướng tới trưởng thành về tâm lý. Nói một cách khác đây là tiến bộ mà chúng tôi đã được thực hiện được để minh định yếu tố nào trong mối tương giao giúp cho con người trưởng thành.


Tâm liệu pháp không đem lại động lực cho sự phát triển hay trưởng thành đó. Động lực này ở trong chính cơ thể của con người, giống như xu hướng phát triển và trưởng thành về thể chất nơi con người, miễn là người ta cung cấp cho nó những điều kiện thỏa đáng tối thiểu. Những phương pháp tâm lý trị liệu đóng một vai trò cực  kỳ quan trọng trong việc giải phóng và giúp cho khuynh hướng phát triển và trưởng thành tâm lý của con người được dễ dàng khi nó bị ngăn chận, bế tắc.

NHỮNG HIỂU BIẾT KHÁCH QUAN

Ngay phần đầu của bài nói chuyện này, tôi muốn tóm tắt những gì tôi biết về các điều kiện đã giúp cho sự trưởng thành tâm lý được dễ dàng, và những gì tôi biết về diễn trình và các đặc tính của sự trưởng thành này. Tôi xin giải thích rõ, tôi muốn nói gì, khi tôi nói rằng tôi sẽ tóm tắt những điều tôi “biết”. Tôi có ý nói, tôi sẽ giới hạn những lời phát biểu của tôi trong những điều tôi đã có bằng chứng thực nghiệm khách quan. 

Chẳng hạn, tôi sẽ nói về các điều kiện của sự trưởng thành tâm lý. Sau mỗi nhận xét tôi có thể kể một hoặc hai khảo cứu, trong đó, người ta nhận thấy cá nhân đã không thay đổi khi thiếu chúng, hoặc chúng chỉ có một quá mức thấp. Như một nhà nghiên cứu tuyên bố, điều chúng tôi đã thực hiện được là tìm ra những yếu tố đầu tiên tạo nên sự thay đổi, giúp cho việc cải thiện nhân cách và hành vi được dễ dàng, theo chiều hướng phát triển con người. Có lẽ, tôi phải thêm rằng, sự hiểu biết này, cũng như mọi kiến thức khoa học khác, chỉ có tính cách thí nghiệm, chắc chắn là không đầy đủ, và phải được sửa đổi, được đính chính lại từng phần, được bổ túc bằng những công việc cục nhọc khác trong tương lai. Tuy nhiên chẳng có một lý do nào để phải biện hộ cho cái kiến thức tuy nhỏ, nhưng rất dầy công thu lượm, mà chúng tôi hiện có.

Tôi muốn chia sẻ kiến thức chúng tôi đã thâu thập được này, thật vắn tắt, rõ ràng, và bằng một ngôn ngữ thường ngày. Người ta nhận thấy rằng cá nhân sẽ thay đổi dễ dàng khi người trị liệu hiện ra bên ngoài y như bên trong khi trong mối tương giao với thân chủ, người trị liệu hết sức chân thật, không làm bộ, hoặc đeo mặt nạ, sống công khai những cảm quan, thái độ đang diễn ra ở trong mình ngay lúc ấy. Chúng tôi đã dùng tiếng “congruence” để cố gắng mô tả điều kiện này. Dùng tiếng này, chúng tôi có ý muốn nói rằng các cảm quan mà người trị liệu đang kinh nghiệm đều sáng tỏ đối với mình, đối với ý thức của mình, người trị liệu có thể sống các cảm quan đó, là các cảm quan đó, và có thể truyền thông các cảm quan đó nếu thích hợp. Không một ai thực hiện được đầy đủ điều kiện này, nhưng người trị liệu càng có thể lắng nghe và chấp nhận điều gì đang diễn ra trong chính mình, càng có thể sống tất cả những cảm quan phức tạp của mình, không sợ hãi, thì người ấy càng “congruence” cao độ.

Một trong các điều làm cho chúng ta không ưa những buổi phát thanh và phát hình thương mại là do giọng nói của xướng ngôn viên, do người đó đóng một vai trò, đang nói những điều mình không cảm thấy. Đó là một ví dụ về sự không trung thực (“incongruence”).

Mặt khác, chúng ta biết, những người chúng ta tin cậy được phần nào, là những người chúng ta cảm thấy họ đang thành thật, chúng ta đang giao tiếp với chính con người của họ, chứ không phải với một cái bề ngoài lễ độ hay nghề nghiệp. Chính đặc tính mà chúng ta cảm được này, các cuộc khảo cứu đã nhận thấy nó gắn liền với việc trị liệu có hiệu quả. Người trị liệu càng chân thật, càng hợp nhất trong tương giao, thì càng có nhiều phần chắc là sự thay đổi về nhân cách của thân chủ sẽ xảy ra.

Bây giờ đến điều kiện thứ hai. Khi người trị liệu kinh nghiệm được thái độ nồng nhiệt, tích cực, và chấp nhận, đối với những gì trong con người của thân chủ, thì thái độ này sẽ tạo ra sự thay đổi. Điều này hàm ý là người trị liệu chân thành mong muốn thân chủ sống bất cứ một cảm quan nào đang diễn ra trong lòng thân chủ lúc đó. Sợ hãi, bối rối, đau đớn, kiêu hãnh, giận dữ, thù ghét, yêu thương, can đảm, hay kinh hoàng. Có nghĩa là người trị liệu quan tâm đến thân chủ, theo cách không chiếm hữu. Có nghĩa là người trị liệu tôn trọng thân chủ một cách toàn diện, không có điều kiện. Qua điều này, tôi có ý nói người trị liệu không chỉ chấp nhận thân chủ khi thân chủ hành động cách này, và không chấp nhận khi thân chủ hành động cách kia. Nó có nghĩa là một tình cảm tích cực, không dè dặt, không phê phán. Từ ngữ tôi thường dùng để chỉ điều này là một sự “tôn trọng tích cực”, vô điều kiện. Các công trình khảo cứu cũng chứng tỏ rằng người trị liệu càng kinh nghiệm được thái độ trên, thì sự trị liệu càng dễ thành công.

Điều kiện thứ ba chúng tôi gọi là sự cảm thông trọn vẹn. Khi người trị liệu cảm các cảm quan và ý nghĩa cá nhân mà thân chủ đang kinh nghiệm trong mỗi lúc, khi người trị liệu có thể tri giác chúng từ “bên trong”, như thân chủ tri giác, và khi người ấy có thể thông đạt những điều mình cảm thông đó cho thân chủ, thì điều kiện thứ ba được thỏa mãn. Tôi nghĩ, mỗi người trong chúng ta đều thấy rằng loại cảm thông trên hết sức hiếm hoi. Chúng ta chẳng nhận được mà cũng chẳng cảm thông một cách hoàn toàn khác hẳn. “Tôi hiểu điều gì không tốt đã xảy đến cho bạn.”, “Tôi hiểu cái gì đã làm cho bạn hành động cách đó”, hoặc “Tôi cũng đã kinh nghiệm sự bối rối của bạn và tôi phản ứng hoàn toàn khác hẳn”, đó là những loại cảm thông mà chúng ta thường cho và nhận, một loại cảm thông có tính cách thẩm định, phê phán từ bên ngoài. Nhưng khi có người hiểu được tôi và cảm thấy như thế nào, mà không muốn phân tích tôi, hoặc phê phán tôi, thì tôi có thể triển nở và trưởng thành trong không khí đó. Công cuộc khảo cứu cũng xác nhận nhân xét chung này.

Khi người trị liệu có thể nắm được kinh nghiệm từng phút, từng phút, đang diễn ra trong thế giới nội tâm của thân chủ y như thân chủ thấy và cảm kinh nghiệm đó, mà không để mất chính mình trong diễn trình cảm thông ấy, thì sự thay đổi thế nào cũng xảy ra.

Các cuộc nghiên cứu nhiều thân chủ khác đều chứng tỏ rằng, khi người trị liệu có đủ ba điều kiện trên, và khi thân chủ tri giác được chúng tới một mức độ nào đó, thì thân chủ thấy mình đau đớn, nhưng nhất định là học hỏi được nhiều và trưởng thành, và cả thân chủ lẫn người trị liệu đều coi kết quả là một sự thành công. Theo các nghiên cứu của chúng tôi thì dường như chính những thái độ như thế, hơn là kiến thức, kỹ thuật, và sự khéo léo của người trị liệu, chịu trách nhiệm trước hết về sự thay đổi trong việc trị liệu.

NHỮNG ĐỘNG LỰC CỦA SỰ THAY ĐỔI

Các bạn có thể hỏi: “Nhưng tại sao một người đang đi tìm sự giúp đỡ lại trở nên lành mạnh hơn, khi người ấy được tham dự, trong một thời gian, vào mối tương giao với một nhà trị liệu có những yếu tố trên? Việc này xảy ra như thế nào?” Thì đây tôi xin cố gắng trả lời thật vắn tắt cho câu hỏi của các bạn.

Phản ứng của người thân chủ kinh nghiệm được loại tương giao trị liệu tôi vừa mô tả, trong một thời gian, là một phản ứng hổ tương với các thái độ của người trị liệu. Trước hết, khi thấy người khác lắng nghe một cách chấp nhận các cảm quan của mình, dần dần người ấy có thể lắng nghe chính mình. Người ấy bắt đầu nhận những sự thông đạt từ trong chính mình – ý thức rằng mình đang giận dữ, nhận biết khi mình sợ hãi, cũng như khi mình cảm thấy lòng đầy can đảm. Khi người ấy trở nên mở rộng hơn đối với những gì đang diễn ra trong mình, người có thể lắng nghe các cảm quan mà mình đã luôn luôn chối bỏ hoặc ức chế. Thân chủ có thể lắng nghe các cảm quan dường như hết sức kinh khủng đối với mình, hoặc cảm quan hết sức lộn xộn, hết sức bất thường, hết sức hổ thẹn, mà chưa bao giờ thân chủ có thể nhận biết, trong chính mình.


Trong khi học nghe chính mình, thân chủ cũng trở nên chấp nhận mình hơn. Khi biểu lộ những khía cạnh dấu kín dễ sợ của chính mình, thân chủ thấy người trị liệu luôn luôn tôn trọng mình và các cảm quan của mình một cách tích cực vô điều kiện. Dần dần thân chủ cũng tiến tới chỗ có cùng một thái độ như vậy đối với chính mình, chấp nhận đúng như con người thật của mình, và vì thế thân chủ sẵn sàng tiến bước trên tiến trình thành nhân.

Và cuối cùng, vì lắng nghe các cảm quan nội tâm một cách chính xác hơn, trở nên ít phê phán, và chấp nhận mình hơn, thân chủ cũng tiến tới chỗ trung thực, toàn diện hơn (congruence). Thân chủ thấy mình có thể bước ra khỏi đằng sau tấm mặt nạ mình đã sử dụng, vứt bỏ những hành vi phòng vệ, và công khai trở thành cái gì thật sự là mình. Khi các sự thay đổi trên diễn ra, khi thân chủ trở nên ý thức  chính mình hơn, chấp nhận mình hơn, ít phòng vệ và cởi mở hơn, thân chủ thấy rằng, cuối cùng, mình được tự do thay đồi và phát triển theo những chiều hướng tự nhiên đối với cơ thể con người.

DIỄN TRÌNH

Bây giờ tôi xin trình bày bằng những khẳng định phát xuất từ những khảo cứu thực nghiệm. Tôi thấy thân chủ di chuyển trên mỗi số của một hàng số liên tiếp. Bắt đầu từ bất cứ chỗ nào trên mỗi hàng số, thân chủ cũng di chuyển tới cuối hàng có những số cao hơn.

Về cảm quan và ý nghĩa riêng tư, thân chủ tránh xa tình trạng, trong đó cảm quan không được nhận thức, không được thừa nhận, không được biểu lộ. Thân chủ tiến tới chỗ linh động hơn, trong đó các cảm quan thay đổi không ngừng được kinh nghiệm ngay tức khắc, một cách ý thức, chấp nhận, và có thể được biểu lộ ra rất chính xác. Diễn trình còn bao hàm một sự thay đổi trong cung cách kinh nghiệm của mình. Một ví dụ là, con người quá lý trí thường nói về mình và cảm quan của mình một cách trừu tượng, khiến các bạn không biết cái gì đang thực sự diễn ra trong người ấy. Từ sự xa cách đó, thân chủ tiến tới chỗ trực tiếp kinh nghiệm, công khai sống trong sự kinh nghiệm của mình, và biết rằng mình có thể quay về kinh nghiệm để khám phá những ý nghĩa hiện hữu của nó.

Diễn trình bao hàm một sự nới rộng việc nhận thức kinh nghiệm. Từ sự giải thích kinh nghiệm theo những đường lối cứng rắn, được coi như những dữ kiện ngoại tại, thân chủ tiến tới sự giải thích luôn luôn thay đổi, mở rộng, về ý nghĩa của kinh nghiệm, những cơ cấu được đổi mới bởi mỗi một kinh nghiệm mới.


Nói chung, sự thực hiển nhiên chứng tỏ rằng, diễn trình tránh xa sự cố định, sự ngăn cách với cảm quan và kinh nghiệm, tránh xa một quan niệm cứng rắn về bản thân, sự xa lánh người khác và hành động phi nhân bản. Diễn trình hướng tới sự trôi chảy; sự thay đổi; sự trực tiếp với cảm quan và kinh nghiệm; chấp nhận cảm quan và kinh nghiệm; thí nghiệm những cơ cấu mới, khám phá một bản ngã luôn luôn thay đổi, trong kinh nghiệm luôn luôn thay đổi của mình; những tương giao thực sự, thân mật; và sự hợp nhất toàn diện của đời sống.

Chúng tôi còn đang tiếp tục học hỏi thêm nữa về diễn trình, theo đó, sự thay đổi đã diễn ra này, và tôi không dám chắc bài tóm tắt hết sứ ngắn ngủi hôm nay lại được một phần cái phong phú của sự khám phá của chúng tôi.

NHỮNG KẾT QUẢ CỦA VIỆC TRỊ LIỆU

Sau đây tôi xin nói về những kết quả của việc trị liệu, về những sự thay đổi lâu dài, đã xảy ra. Cũng như bao điều khác tôi đã nói, tôi sẽ tự giới hạn vào những lời phát biểu có bằng chứng khảo cứu hẳn hoi. Thân chủ thay đổi và tổ chức lại quan niệm về bản ngã của mình. Thân chủ tránh xa việc coi mình là không thể chấp nhận được đối với chính mình, như là không đáng tôn trọng, như là phải sống theo tiêu chuẩn của người khác. Thân chủ tiến tới một quan niệm về mình như là một người có giá trị, một con người tự điều khiển, có thể tạo ra những tiêu chuẩn và thẩm định mọi giá trị trên nền tảng kinh nghiệm của chính mình. Thân chủ phát triển nhiều thái độ tích cực hơn đối với mình. 

Một thiên khảo cứu chứng minh rằng lúc bắt đầu trị liệu các thái độ hiện có đối với bản ngã là bốn phần năm tiêu cực, nhưng đến giai đoạn thứ năm của việc trị liệu, các thái độ tích cực đối với bản ngã gắp đôi thái độ tiêu cực. Thân chủ trở nên ít phòng vệ hơn, và do đó, cũng mở rộng hơn đối với kinh nghiệm của mình cũng như của người khác. Thân chủ trở nên thực tiễn hơn, và cá biệt hơn trong những nhận thức của mình. Thân chủ cải thiện nhiều trong sự thích ứng về tâm lý, dù được đo bằng trắc nghiệm Rorschach, hay trắc nghiệm TAT, bằng sự định giá của nhà trị liệu, hay bất cứ một chỉ số nào khác. Các mục tiêu và lý tưởng của thân chủ về mình cũng thay đổi để cho chúng dễ được thực hiện hơn. Sự sai biệt ban đầu giữa bản ngã thật sự và bản ngã thân chủ mong muốn đã bị giảm thiểu vô cùng. Căng thẳng mọi loại đều được giảm trừ – căng thẳng thể chất, cũng như những lo âu, phiền muộn về tâm lý. Thân chủ mô tả hành vi của chính mình như là trưởng thành hơn, và điều quan trọng nhất, thân chủ được những người biết rõ mình coi là đã cư xử theo cung cách trưởng thành hơn.


Không những chỉ có các khảo cứu trong thời gian trị liệu chứng minh là có sự thay đổi mà các khảo cứu theo dõi sau khi trị liệu từ sáu cho đến mười tám tháng cũng chứng tỏ rằng các thay đổi vẫn còn tồn tại. Có lẽ, các dữ kiện tôi vừa đưa ra sẽ làm sáng tỏ rằng tại sao tôi cảm thấy chúng tôi đang tiến gần tới điểm chúng tôi có thể viết một phương trình đích thực trong lãnh vực tế nhị này của sự tương giao giữa người với người.

Sử dụng tất cả những khám phá do các khảo cứu hiện có, thì sau đây là phương trình sơ khởi mà chúng tôi tin là chứa đựng nhiều dữ kiện:

Thân chủ càng nhận thức được rằng người trị liệu chân thực hay thành thực, cảm thông tôn trọng mình một cách vô điều kiện, thì thân chủ càng tránh xa lối sống ngưng động, cố định, vô cảm, vô ngã, và càng hướng theo lối sống được đánh dấu bởi sự kinh nghiệm một cách linh động, thay đổi và chấp nhận, những tình cảm cá biệt của riêng mình. Hậu quả của chuyển động này là một biến đổi trong nhân cách và hành vi của thân chủ hướng tới sự trưởng thành và lành mạnh tâm linh, tới những tương giao thực tiễn với bản ngã, với tha nhân, và với hoàn cảnh xung quanh.

HÌNH ẢNH CHỦ QUAN

Tới đây, tôi đã nói về diễn trình của việc khải đạo và trị liệu một cách khách quan, nhấn mạnh những gì chúng tôi biết, và viết ra thành một phương trình trong đó, ít nhất chúng tôi có thể dùng được những từ ngữ chuyên biệt. Nhưng bây giờ, tôi thử cố gắng đạt tới những dữ kiện trên, tôi sẽ trình bày công thức này y như nó diễn ra một cách chủ quan trong người trị liệu cũng như trong thân chủ. 

Tôi muốn làm như vậy vì việc trị liệu, như  nó diễn ra một cách chủ quan trong người trị liệu cũng như trong thân chủ. Tôi muốn làm như vậy vì việc trị liệu, như nó đã diễn ra, là một kinh nghiệm hết sức cá nhân, chủ quan. Kinh nghiệm này có những đặc tính hoàn toàn khác hẳn các đặc tính khách quan của nó được nhìn từ bên ngoài.

KINH NGHIỆM CỦA NGƯỜI TRỊ LIỆU

Đối với người trị liệu, đây là sự mạo hiểm mới trong sự tương giao. 


Người trị liệu cảm thấy: “Đây là một người khác, thân chủ của mình. Mình hơi sợ anh ấy, sợ những miền sâu thẳm trong anh cũng như sợ những miền sâu thẳm nơi chính mình, nhưng  khi anh ấy nói, mình cảm thấy kính trọng anh, cảm thấy có một mối thân tình ruột thịt đối với anh ấy. Mình cảm thấy thế giới anh ấy đáng sợ cho anh biết là chừng nào, và anh cố bám chặt vào để giữ vững nó. Mình muốn cảm các cảm quan của anh ấy và muốn anh ấy biết mình cảm thông được hết các cảm quan đó. Mình muốn anh ấy biết rằng mình đứng chung với anh trong cái thế giới nhỏ bé chật chội, gò bó của anh, và mình có thể nhìn thế giới đó một cách tương đối không sợ hãi. Có lẽ mình có thể làm nó thành một thế giới an toàn hơn đối với anh. Mình muốn các cảm quan của mình trong mối tương giao với anh càng sáng tỏ và trong suốt chừng nào càng hay chừng ấy, để chúng trở thành một thực tại đối với anh. Mình muốn các cảm quan của mình trong mối tương giao với anh trong cuộc hành trình đáng sợ vào nội tâm của anh, vào sự sợ hãi, thù ghét, và yêu đương đã bị chôn vùi mà anh không bao giờ có thể khơi cho chúng trào ra được trong anh. Mình nhìn nhận rằng đây là một cuộc hành trình hết sức hiện sinh và hết sức bất ngờ đối với mình, cũng như đối với anh, và mình có thể không ý thức được sự sợ hãi của mình, sẽ co rút trở lại vào nội tâm mình, vì một vài cảm quan mà anh ấy khám phá được. Tới mức này, mình biết mình sẽ bị giới hạn trong khả năng giúp đỡ anh rất nhiều. Mình biết, nhiều lần sự sợ hãi của anh coi mình như một người vô tâm, hay ruồng rẫy, một kẻ quấy rầy, không hiểu được anh. Mình muốn chấp nhận trọn vẹn các cảm quan này trong lòng anh, nhưng mình cũng hy vọng những tình cảm chân thực của mình sẽ lộ ra thật rõ rệt để anh không thể nào không nhận thức được. Trên hết mọi điều, mình muốn anh ấy gặp nơi mình một con người thực sự. Mình không cần phải lo ngại rằng các cảm quan của mình có tính cách trị liệu hay không. Cái gì mình hiện hữu, cái gì mình cả, đã đủ tốt để làm một nền tảng cho sự trị liệu rồi, nếu như mình có thể sống cái gì mình hiện hữu, cái gì mình cảm trong đó, một cách thật trong suốt, trong sự tương giao với anh ấy. Lúc đó, có lẽ anh sẽ có thể sống cái gì anh hiện hữu, một cách công khai, không sợ sệt".

KINH NGHIỆM CỦA THÂN CHỦ

Và thân chủ, về phần mình, trải qua nhiều giai đoạn khá phức tạp mà người ta chỉ có thể gợi ý ra mà thôi. Có lẽ sơ lược các cảm quan của thân chủ đã thay đổi theo những cách sau đây. “Mình thấy sờ sợ ông ta. Mình muốn được giúp đỡ nhưng không biết có nên tin ông ta không. Ông ta có thể thấy những điều mình không thấy nơi mình, những thành phần đáng sợ và xấu xa. Dường như ông ta không phán xét mình, nhưng mình chắc là có. Mình không thế nói cho ông ta biết những kinh nghiệm đã qua có liên quan tới mối bận tâm của mình. Ông ta dường như hiểu được những điều đó, vậy mình có thể thổ lộ về mình một chút xíu nữa.

“Nhưng vì bây giờ mình đã chia sẻ với ông ta những gì thuộc khía cạnh xấu của mình, chắc ông ta đang khinh mình. Mình tin chắc điều đó, nhưng kỳ lạ là mình chỉ tìm thấy rất ít bằng chứng về điều đó. Bạn có nghĩ rằng điều tôi kể với ông ấy không đến nỗi xấu xa quá không? Mình có thế không cần hổ thẹn về nó vì nó là một phần của mình không? Mình không còn cảm thấy ông ta khinh mình nữa. Điều này khiến mình cảm thấy muốn đi xa hơn, khám phá mình, có lẽ biểu lộ mình nhiều hơn. Mình thấy ông ta là thứ bạn đồng hành như mình đã làm – hình như ông ta thực sự biết cảm thông”.

“Nhưng bây giờ mình lại thấy sợ, và lần này sợ hết sức là sợ. Mình không biết rằng việc khám phá những chỗ kín đáo xa lạ của mình sẽ làm cho mình cảm được những cảm quan mà mình chưa bao giờ kinh nghiệm trước đây không? Thật rất kỳ lạ, bởi vì một phần nào, chúng không phải là những cảm quan mới lạ gì. Mình cảm biết chúng vẫn luôn luôn có đó. Nhưng dường như chúng xấu xa và khó chịu quá nên không bao giờ mình dám để cho chúng trào ra ở trong mình. Và nay, khi mình sống những cảm quan này với ông ta nhiều giờ, mình cảm thấy run sợ kinh khủng, dường như thế giới của mình sụp đổ ra từng mảnh. Thế giới này thường vững chắc, kiên cố. Bây giờ thì lỏng lẻo, dễ thẩm thấu, dễ bị chỉ trích, tấn công. Thật chẳng thích thú gì phải biết cảm biết những cảm quan mà trước đây mình luôn luôn sợ hãi. Đó là lỗi của ông ta. Nhưng lạ thay, mình mong mỏi được gặp ông ta và cảm thấy an toàn khi ở cạnh ông ta.

Mình không biết mình là ai nữa, nhưng đôi lúc, khi mình đang sống vài tình cảm, thì dường như mình vững chải và thực sự trong một giây phút, mình bối rối vì những mâu thuẫn tìm thấy trong mình – Mình hành động một cách và cảm một cách khác. Mình nghỉ một việc và cảm một việc khác. Thật là ngạc nhiên vô cùng. Đôi khi cũng thật phiêu lưu và buồn cười thấy mình cố khám phá xem mình là ai. Nhiều lúc mình chợt bắt gặp cảm giác rằng có lẽ mình là con người có giá trị, bất kể nó có nghĩa gì.


“Mình bắt đầu thấy rất thỏa mãn, mặc dầu thường là đau đớn, để chia sẻ thật đúng điều mình đang cảm thấy lúc nay. Bạn biết không, cố lắng nghe chính tôi và nghe những gì đang diễn ra trong tôi, thật là rất hữu ích. Tôi không quá sợ cái gì đang diễn ra trong tôi nữa. Nó dường như rất đáng tin cậy. Tôi dùng nhiều giờ gặp gỡ với ông ta để đào sâu vào trong tôi, để biết tôi đang cảm gì. Đó là một việc rất đáng sợ, nhưng tôi muốn biết. Tôi luôn luôn tin cậy ông ta, và điều này giúp tôi. Tôi cảm thấy tôi rất dễ bị tổn thương và bất xứng, nhưng tôi biết ông ta không muốn làm tôi tổn thương, và tôi còn tin ông ta trọng tôi nữa. Tôi cho rằng khi tôi cố gắng đi sâu vào trong chính tôi, thì có lẽ tôi có thể cảm được cái gì đang diễn ra trong tôi, và có thể biết được ý nghĩa của nó, tôi sẽ có thể biết tôi là ai, và tôi cũng sẽ biết tôi phải làm gì. Ít nhất, đôi lúc tôi cảm thấy biết như vậy, cạnh ông ta.

“Tôi cũng có thể nói cho ông ấy nghe thật đúng là tôi đang cảm thấy như thế nào về ông ta trong một lúc nào đó và, thay vì điều này giết chết mối tương giao, như tôi thường sợ, nó lại làm cho tương giao sâu thêm. Bạn có nghĩ rằng tôi cũng có thể sống những cảm quan của tôi như thế với người khác không? Có lẽ điều này cũng sẽ không quá nguy hiểm đâu.

Bạn biết không, tôi cảm thấy như thể tôi đang trôi trên dòng sông hết sức phiêu lưu, tôi đang là chính tôi. Đôi khi tôi thất bại, đôi khi tôi bị tổn thương, nhưng tôi biết rằng các kinh nghiệm này không có gì tàn bạo cả. Tôi không biết thật đúng tôi là ai, nhưng tôi có thể cảm được, các phản ứng của tôi vào lúc nào đó, và dường như hợp thành một nền tảng vững chắc cho hành vi của tôi trong mọi lúc. Có lẽ đây có nghĩa là tôi trở thành chính tôi. Nhưng có lẽ, tôi chỉ có thể làm được điều này vì tôi cảm thấy được an toàn trong mối tương giao với người trị liệu. Hay tôi có thể là chính tôi như vậy ngoài mối tương giao đó không? Tôi tự hỏi. Có lẽ tôi có thể.”


Điều tôi vừa trình bày không diễn ra mau lẹ đâu, có thể cần nhiều năm. Có thể vì những lý do gì, chúng ta không biết rõ, nó sẽ không xảy ra. Nhưng ít nhất, nó cũng đủ để gợi ra một cái nhìn từ nội tâm về hình ảnh có kiện chứng đã được trình bày, đó diễn trình tâm lý trị liệu như nó xảy ra trong cả người trị liệu lẫn thân chủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét