Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Ba điều kiện của mối-tương-giao-lành-mạnh giữa Tham Vấn viên và Thân Chủ

      


Tiến sĩ Tâm lý TÔ THỊ ÁNH

1. Trung thực (congruence)

            Tham Vấn Viên (TVV) phải thể hiện ra bên ngoài những gì đang xảy ra bên trong, nghĩa là “khi trải nghiệm (experiece) của tôi trong phút này xuất hiện trong ý thức của tôi cũng hiện diện trong sự diễn tả ra ngoài, khi đó cả ba bình diện - trải nghiệm, ý thức, diễn tả - đều ăn khớp với nhau” (Freedom to learn - Chương 11).


            Chỉ bằng cách này, mối tương giao lành mạnh mới thực sự hiện hữu, và nó có hiện hữu thì mới có ích được: “Trong khi tiếp xúc với những người khác, tôi đã nhận thấy rằng nếu tôi hành động có vẻ như không trung thực là tôi, thì kết cuộc chẳng giúp ích gì cho ai cả. Nghĩa là nếu thực sự tôi bực mình và gay gắt, mà lại làm ra vẻ bình thản, vui vẻ, thì chẳng ích gì. Nó cũng chẳng ích lợi gì khi tôi làm ra vẻ biết câu giải đáp trong khi thực sự mù tịt, hoặc khi thực sự chống đối nhưng lại tỏ ra là người muốn yêu thương kẻ khác. Nói một cách khác, trong tương giao của tôi với thân chủ, nếu tôi cố mang mặt nạ để che giấu tâm trạng thực sự của tôi ở bên trong thì mối tương giao của tôi cũng chẳng đem lại kết quả hữu ích nào” (Tiến trình thành nhân - Chương 1).
            
2. Tôn trọng vô điều kiện


            Tôn trọng vô điều kiện là nhiệt tình tôn trọng người kia như một con người có giá trị, bất kể địa vị, hành vi hoặc cảm quan tích cực hay tiêu cực của người ấy; tôn trọng người ấy như một con người riêng biệt, với tâm trạng của họ trong lúc này. Thái độ tương tự như thái độ của người mẹ đối với trẻ thơ. “Khi tham vấn viên trải nghiệm được một tình cảm nồng nhiệt, tích cực và chấp nhận đối với thân chủ, thì thái độ này sẽ tạo ra sự thay đổi. Điều này hàm ý nghĩa là TVV chân thành mong muốn thân chủ sống bất cứ cảm quan nào đang diễn ra trong lòng họ lúc đó: sợ hãi, bối rối, đau đớn, kiêu hãnh, giận dữ, thù ghét, yêu thương, can đảm hay kinh hoàng” (Tiến trình thành nhân - Chương 4).
           
 Sự chấp nhận mọi phương diện biến chuyển của thân chủ tạo nên một mối tương giao ấm cúng, an toàn mà người ấy có thể sử dụng được. Chấp nhận không có nghĩa là tán thành. Chấp nhận để rồi người kia thay đổi. Các công trình khảo cứu chứng tỏ rằng nhà trị liệu càng chấp nhận thân chủ, thì sự trị liệu càng dễ thành công.
            
3. Thấu cảm (empathy)


            Nhà trị liệu nhờ một nghệ thuật lắng nghe sâu sắc, cảm được từ bên trong những cảm quan mà thân chủ đang sống, hiểu vấn đề trên bình diện của thân chủ, từ quan điểm của họ, nhìn mọi việc trong nhãn giới của thân chủ. Chấp nhận không có nghĩa nhiều nếu nó không đưa đến sự cảm thông.

            “Chỉ khi tôi cảm thông được các cảm quan và tư tưởng, dù chúng hết sức kinh khủng đối với bạn, hết sức yếu đuối, hết sức kỳ quái... thì bạn mới thực sự cảm thấy tự do thám hiểm mọi hốc kẹt kín đáo và nứt rạn đáng sợ trong nội tâm của bạn. Cũng như những kinh nghiệm thường bị chôn vùi của bạn” (Tiến trình thành nhân - Chương 2).

            Khi ba điều kiện trên được thực hiện thì tham vấn viên trở thành một bạn đồng hành của thân chủ, theo chân người đó trong cuộc tìm kiếm bản ngã của họ. Các công trình khảo cứu cho thấy rằng những thái độ như thế, hơn là kiến thức, kỹ thuật hay sự khéo léo của tham vấn viên, có ảnh hưởng trước hết trên sự thay đổi nơi thân chủ.

            Về sự hiện hữu của ba điều kiện trên, Rogers xác nhận: “Không phải lúc nào tôi cũng có thể thực hiện được loại tương giao này đối với người khác, nhưng nếu tôi giữ được trong tôi thái độ chân thực và trong suốt, thái độ nhiệt tình tôn trọng và thái độ cảm thông sâu xa, thì sự thay đổi và phát triển con người một cách xây dựng nhất định sẽ xảy ra. Tôi chỉ dùng chữ nhất định sau khi đã suy nghĩ rất lâu và kỹ càng” (Tiến trình thành nhân - Chương 2)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét