Chương 7:
“SỐNG CON
NGƯỜI THẬT CỦA MÌNH”
Một quan
điểm của nhà trị liệu về mục tiêu cá nhân
******
Ngày nay đa số các nhà tâm lý học xem như sỉ
nhục nếu họ bị chỉ trích là có những tư tưởng triết học. Tôi không chia sẻ phản
ứng này. Tôi không thể nào không thắc mắc về ý nghĩa của những điều tôi quan
sát. Một số những ý nghĩa này dường như bao hàm những tư tưởng hấp dẫn đối với
thế giới hiện đại của chúng ta.
Năm 1957, bác sĩ Russel Becker, một người
bạn, và trước kia là học trò và đồng nghiệp của tôi, đã mời tôi thuyết trình
đặc biệt cho một buổi triệu tập toàn trường ở Đại học Wooster thuộc tiểu bang
Ohio. Tôi đã quyết định tìm hiểu rõ hơn ý nghĩa của những phương hướng cá
nhân mà các thân chủ đã chọn trong bầu không khí tự do của liên hệ trị liệu.
Khi viết xong bài đó tôi rất băn khoăn rằng tôi không diễn tả được gì mới mẻ
hoặc có ý nghĩa. Tràng vỗ tay kéo dài của thính giả đã làm tôi phần nào bớt lo
âu.
Khi thời gian trôi qua làm cho tôi có thể
nhìn một cách khách quan hơn những gì tôi đã nói, tôi cảm thấy hài lòng ở hai
điểm. Tôi tin rằng nó diễn tả đúng các điều nhận xét đối với tôi đã kết tinh
thành hai đề tài quan trọng: niềm tin tưởng của tôi nơi cơ thể con người, khi
nó hoạt động tự do; và chất lượng hiện sinh của cuộc sống vừa ý, một đề tài
được một số triết gia hiện đại nhất của chúng ta trình bày, tuy nhiên nó đã
được Lão Tử diễn tả một cách gọn gàng, hơn 25 thế kỷ đây, khi người nói: “Cung
cách hành động là hiện hữu”. (The Way to do is to be).
******
NHỮNG CÂU HỎI
“Mục tiêu của tôi ở đời là gì?”
“Tôi đang nỗ lực
để làm gì?”
“Mục đích của tôi là gì?”.
Đó là những câu hỏi mà mỗi người tự đặt
ra cho mình lúc này hoặc lúc khác, khi thì bình tĩnh và đăm chiêu, khi thì
trong bấp bênh đau khổ hoặc tuyệt vọng. Đó là những câu hỏi cũ, cũ rích đã được
đặt ra và đã được giải đáp ở mỗi thế kỷ trong lịch sử. Tuy nhiên đó cũng là
những câu hỏi mà mỗi người phải đặt ra và giải đáp cho bản thân theo cách của
mình. Đó là những câu hỏi mà tôi, với tư cách là nhà hướng dẫn, nghe diễn tả
nhiều cách khác nhau, khi những người đàn ông và đàn bà gặp khốn khổ nội tâm
tìm cách học hỏi hoặc am hiểu hoặc lựa chọn, những hướng đi cho cuộc đời họ.
Một phần ta không thể nói gì mới mẻ về
những câu hỏi đó. Thực ra lời mở đầu trong nhan đề tôi đã chọn cho bài này được
trích trong tác phẩm của một người đã vật lộn với các câu hỏi đó cách đây hơn
một thế kỷ. Chỉ diễn tả một ý kiến cá nhân khác về toàn bộ các mục đích được
bàn cãi đó, xem ra có vẻ tự phụ rồi. Nhưng vì tôi đã làm việc trong nhiều năm
với những con người bấn loạn và khó thích nghi, tôi tin rằng tôi có thể nhận ra
được một nét chung, một khuynh hướng, một trật tự, trong các giải đáp tạm thời
cho những câu hỏi đó, mà họ đã tìm ra cho chính mình. Vì thế tôi muốn chia sẻ
với các bạn điều mà tôi cảm thấy rằng con người dường như cố gắng đạt đến, khi
họ được tự do lựa chọn.
MỘT SỐ GIẢI ĐÁP
Trước khi thử đưa các bạn vào thế giới kinh
nghiệm bản thân tôi với các thân chủ của tôi, tôi muốn nhắc lại với các bạn
rằng các câu hỏi mà tôi đã nêu ra không phải là những vấn đề giả tạo và những
người trong quá khứ hoặc hiện tại không phải đồng ý trên các giải đáp cả đâu.
Khi những người thời xưa đã tự đặt câu hỏi về mục đích cuộc đời, một số đã trả
lời theo sách giáo lý là “mục đích chính của con người là ngợi khen Thiên
Chúa”. Những người khác nghĩ rằng mục đích cuộc đời là chuẩn bị cho mình được
bất diệt. Những người khác đã nhắm một mục tiêu trần thế hơn nhiều – thụ hưởng
và buông thả và thỏa mãn mọi ước muốn nhục dục. Có những người khác nữa – và
điều này được áp dụng cho nhiều người ngày nay – xem mục đích của cuộc đời là
chiếm được của cải vật chất, địa vị, kiến thức, quyền thế. Một số người nhắm
mục tiêu hiến thân hoàn toàn và tận tụy cho một chính nghĩa ngoài bản thân, như
Thiên Chúa giáo, hoặc Cộng Sản… Một người như Hitler thấy mục tiêu của mình là
trở thành lãnh tụ của một nòi giống làm chủ thế giới. Ngược lại, nhiều người
Đông phương đã nỗ lực diệt mọi ước muốn cá nhân, làm chủ bản thân đến mức tối
đa. Tôi nói đến những sự lựa chọn khác biệt đó để thấy một số những mục tiêu
rất khác nhau mà người ta theo đuổi, và để gợi ý rằng thực sự có thể có nhiều
mục tiêu.
Trong một công trình nghiên cứu quan trọng gần
đây, Charles Morris đã điều tra một cách khách quan, những hướng sống được sinh
viên của sáu quốc gia khác nhau yêu chuộng – Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Hoa
Kỳ, Canađa và Na Uy (10). Như ta có
thể đoán được, ông đã tìm thấy những sự khác biệt rõ rệt về mục tiêu giữa các
nhóm đó. Ông cũng đã cố gắng, qua một cuộc phân tích yếu tố của các sự kiện,
xác định các giá trị tiềm tàng dường như tác động trên hàng ngàn sự lựa chọn cá
nhân riêng biệt đó. Mặc dù không đi vào chi tiết của cuộc phân tích của ông,
chúng ta có thể ghi lại năm chiều hướng nổi bật và phối hợp bằng nhiều cách
tích cực và tiêu cực, xem ra đã hướng dẫn những sự lựa chọn cá nhân đó.
Chiều kích giá trị đầu tiên ấy bao hàm sự yêu
chuộng một cuộc sống có trách nhiệm, đạo đức, tự kiềm chế, đánh giá cao và bảo
tồn những gì con người đã đạt được.
Chiều kích thứ hai đặt trọng tâm nơi niềm hoan hỉ
khi con người có hành động đầy nghị lực để thắng vượt trở ngại. Nó bao hàm một
sự tin tưởng để khởi xướng thay đổi, trong hướng giải quyết các vấn đề cá nhân
và xã hội, hoặc trong việc vượt qua các chướng ngại trong thế giới thiên nhiên.
Chiều kích thứ ba nhấn mạnh giá trị của một cuộc
sống nội tâm tự mãn với một ý thức về bản thân phong phú và cao độ. Việc kiểm
soát con người và đồ vật bị loại bỏ để đề cao một trực giác sâu sắc và đầy
thông cảm đối với bản thân và tha nhân.
Chiều kích thứ tư đề cao một sự cởi mở đối với
con người và thiên nhiên. Cảm hứng được xem như đến từ một nguồn ngoài bản
thân, và con người sống và phát triển trong sự đáp ứng trung thành đối với
nguồn đó.
Chiều kích thứ năm và cuối cùng đặt trọng tâm ở
sự hưởng lạc, ở sự thỏa mãn bản thân. Lạc thú đơn sơ của cuộc sống, sự buông
theo giờ phút thoáng qua, thoải mái cởi mở đón nhận cuộc sống, được đánh giá
cao.
Đây là một cuộc nghiên cứu có ý nghĩa, một trong
những cuộc nghiên cứu đầu tiên đã đo lường một cách khách quan các giải đáp từ
những nền văn hóa khác nhau cho câu hỏi: Tôi sống để làm gì? Nó đã giúp xác
định một số chiều kích cơ bản đã ảnh hưởng sự lựa chọn. Như Morris nói về các
chiều kích đó “giống như thể những con người ở các văn hóa khác nhau có cùng
chung năm cung căn bản của thang âm nhạc trên đó họ sáng tác những bản nhạc
khác nhau”.
MỘT QUAN ĐIỂM KHÁC
Tuy nhiên tôi cảm thấy một cách mơ hồ không được
hài lòng với công trình nghiên cứu này. Không có “lối sống” nào mà Morris đặt
ra trước mặt các sinh viên như là có thể lựa chọn được, và không có chiều kích
nào có vẻ chứa đựng một cách thỏa đáng mục tiêu đời sống nổi bật trong kinh
nghiệm của tôi với các thân chủ. Khi tôi nhìn hết người này đến người kia phấn
đấu trong những giờ trị liệu, để tìm ra lối sống cho bản thân, dường như
có toát ra một mẫu chung, nó không hoàn toàn nằm trong sự mô tả nào của Morris
cả.
Cách hay nhất để nói rõ mục tiêu đời sống này như
tôi trông thấy nó xuất hiện trong tương quan của tôi với các thân chủ là dùng
câu của Soren KierKegaard: “Sống con người thật của mình”.
Tôi hoàn toàn biết
rằng điều này có vẻ đơn giản đến nỗi trở thành phi lý. Sống con người thật của
mình xem ra như nói lên một sự kiện hiển nhiên hơn là một mục tiêu…
Nó có
nghĩa gì? Nó bao hàm những gì? Tôi muốn dành phần còn lại của các nhận xét của
tôi cho các câu hỏi đó. Tôi chỉ muốn nói ngay từ đầu rằng nó có vẻ bao hàm một
số điều kỳ lạ. Theo kinh nghiệm của tôi với các thân chủ, và theo sự nghiên cứu
của bản thân tôi, tôi tự thấy mình đi đến những quan điểm có thể rất xa lạ đối
với tôi, muời hoặc muời lăm năm trước đây. Vậy nên tôi tin rằng các bạn sẽ nhìn
các quan điểm này với một sự hoài nghi phê bình, và chỉ chấp nhận chúng khi nào
chúng phù hợp với kinh nghiệm riêng của các bạn.
HƯỚNG ĐI ĐƯỢC CÁC THÂN CHỦ THEO
Tôi thử vạch ra vài khuynh hướng mà tôi
trông thấy khi tôi làm việc với các thân chủ của tôi. Khi tiếp xúc với những
người ấy: tôi nhắm tạo một bầu không khí đầy an toàn, ân cần, thông cảm, trong
chừng mực mà tôi có thể làm được một cách chân thành. Tôi không thấy rằng can
thiệp vào kinh nghiệm của thân chủ bằng chẩn đoán hoặc giải thích, hoặc gợi ý
và hướng dẫn là thỏa đáng và hữu ích. Do đó mà các khuynh hướng mà tôi trông
thấy, xuất hiện do nơi chính thân chủ, hơn là phát xuất từ nơi tôi.
TRÁNH XA BỀ NGOÀI
Tôi nhận thấy trước tiên rằng, một cách đặc trưng
thân chủ cho thấy một khuynh hướng lánh xa cái tôi không phải là họ. Nói cách
khác, dù không biết được họ đang hướng về cái gì, nhưng họ đang tránh xa một
cái gì đó. Và dĩ nhiên khi làm như vậy, họ đang bắt đầu xác định, dù là một
cách tiêu cực, con người của họ.
Đầu tiên, điều này có thể được diễn tả đơn thuần
như là sợ phô bày con người thật của mình. Thí dụ một cậu mười tám tuổi nói,
trong một buổi gặp gỡ đầu: “Tôi biết rằng tôi không nóng như vậy, và tôi sơ
người ta sẽ thấy điều đó. Cho nên tôi làm những việc ấy… Họ sẽ khám phá
ra một ngày kia rằng tôi không nóng như vậy. Tôi đang cố gắng lùi lại ngày đó
càng xa càng tốt… Nếu ông biết được tôi như tôi biết mình – (ngừng) tôi sẽ
không nói cho ông biết con người mà tôi thực sự nghĩ là tôi đâu. Có một chỗ độc
nhất mà tôi sẽ không cộng tác, và đúng là chỗ đó… Biết được tôi nghĩ gì về
mình, sẽ không giúp cho ý kiến của ông về tôi đâu”.
Rõ ràng là chính việc tỏ ra sợ đó, là một phần
của sự trở thành con người của anh ta. Thay vì chỉ là một bề ngoài, như thế đó
là con người thật của anh ta, anh ta đang tiến gần hơn đến chính mình, tức là
một con người sợ sệt núp đằng sau một bề ngoài, bởi vì anh xem mình xấu xí
không thể để cho người khác trông thấy được.
TRÁNH XA NHỮNG CÁI “TÔI PHẢI”
Một khuynh hướng khác thuộc loại đó có vẻ hiển
nhiên nơi việc thân chủ tránh xa hình ảnh gò bó về những gì họ “buộc phải
sống”. Một số người đã hấp thụ nơi cha mẹ ý niệm “Tôi phải ngoan” một cách sâu
xa đến nỗi phải phấn đấu nội tâm kịch liệt lắm, họ mới ra khỏi mục tiêu đó.
Thí
dụ một thiếu phụ mô tả mối liên hệ bất mãn của cô với cha mình: Trước hết cô ấy
kể cô “muốn được cha thương dường nào”. “Tôi nghĩ rằng trong tất cả tình cảm
của tôi đối với cha tôi đó, tôi thực sự rất muốn có một liên hệ tốt đối với
ông… Tôi rất muốn cha tôi lo lắng cho tôi, nhưng tôi không nhận được điều mình
thực sự mong muốn.” Cô ấy luôn cảm thấy phải đáp lại tất cả đòi hỏi và mong chờ
của người cha và “điều đó quá sức chịu đựng. Bởi vì khi tôi đáp lại cái này thì
có cái khác, và cái khác và cái khác nữa, và tôi không bao giờ thực sự đáp ứng
đầy đủ. Nó giống như một đòi hỏi vô tận.” Cô ấy cảm thấy giống mẹ cô, tùng phục
và chiều chuộng, luôn cố gắng đáp lại các đòi hỏi của chồng. “Và thực sự tôi
“không” muốn trở thành con người như thế. Tôi thấy rằng đó không phải là một
cách xử sự hay, nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng đó là cách tôi phải sống, nếu tôi
muốn được nghĩ đến nhiều, và thương nhiều. Tuy nhiên ai muốn yêu một người lạt
lẽo vô duyên như vậy?”. Nhà trị liệu trả lời: “Ai thực sự muốn yêu một tấm thảm
chùi chân?”. Cô ấy tiếp tục: “Ít ra tôi không muốn được yêu bởi loại
người có thế yêu một tấm thảm chùi chân!”
Như vậy, mặc dù những lời trên đây không diễn tả
gì về con người mà cô có thể đang hướng về, nhưng sự mệt mỏi và chán chường
trong giọng nói và lời lẽ của cô ta thấy rõ rằng cô đang tránh xa con người
phải ngoan ngoãn, con người phải tùng phục.
Một số người nhận ra rằng họ đã cảm thấy bỏ cuộc
phải xem mình như xấu, và chính cái ý niệm đó về bản thân họ, mà họ thấy mình
đang lánh xa. “Tôi không biết vì sao tôi có cảm tưởng rằng mình nên xấu hổ về
bản thân mình… Xấu hổ về mình, trước đây là điều tôi phải thực hiện… Hồi đó có
một thế giới trong đó xấu hổ về mình là cách cảm nghĩ tốt nhất… Nếu bạn bị
người ta chỉ trích rất nhiều thì cách độc nhất để được một chút tự trọng, là
cảm thấy xấu hổ về cái phần nơi bạn mà người ta không chấp nhận đó…
“Nhưng bây giờ tôi cương quyết từ chối làm những
điều theo quan điểm cũ… Giống như thể tôi xác tín rằng có người nói “Con đường
độc nhất của anh là phải xấu hổ về chính mình – Vậy anh hãy làm như vậy!”. Và
tôi đã chấp nhận điều đó một thời gian dài, rất dài, nhủ rằng: “Phải, chính tôi
đó!”. Nhưng bây giờ tôi đứng lên chống lại người đó, nói rằng: “Tôi bất cần
những gì anh nói. Tôi sẽ không xấu hổ về chính mình”. Rõ ràng là anh đang từ bỏ
ý niệm mình là xấu và đáng hổ thẹn.
TRÁNH XA ĐÁP ỨNG NHỮNG MONG ĐỢI CỦA KẺ
KHÁC
Những thân chủ khác thấy mình tránh xa điều mà
nền văn hóa mong đợi nơi họ. Trong văn hóa kỹ nghệ thông thường của chúng ta
chẳng hạn, như Whyte đã mạnh mẽ nêu lên trong quyển sách gần đây của ông (11), có những áp lực rất lớn để trở thành những
đặc điểm mà người ta hoàn toàn mong chờ nơi “con người tổ chức”. Thí dụ ta phải
hoàn toàn là một thành viên của nhóm, phải trau dồi cá tính để thích nghi với
nhu cầu của nhóm, phải trở thành “con người gọi dũa có thể điều khiển những con
người gọt dũa”.
Trong một bài nghiên cứu vừa mới hoàn thành về
các giá trị của sinh viên trong xứ này, Jacob tóm tắt những điều ông tìm ra
bằng những lời sau đây: “Tất cả hiệu quả chính của nền giáo dục đại học
trên các giá trị của sinh viên, là làm cho họ chấp nhận toàn bộ những tiêu
chuẩn và thái độ tiêu biểu cho nam và nữ sinh viên đại học trong cộng đồng Mỹ…
Tác động của kinh nghiệm đại học là… xã hội hóa cá nhân, trau dồi, gọt dũa hoặc
“uốn nắn” các giá trị của họ, để họ có thể ăn khớp một cách thoải mái vào hàng
ngũ học sinh đại học Mỹ (12).
Đi ngược lại các áp lực phải hòa mình đó, tôi
thấy rằng khi thân chủ được tự do sống theo ý muốn của mình, họ thường hay phẫn
uất và đặt vấn đề về khuynh hướng của tổ chức, của đại học hoặc của nền văn
hóa, muốn uốn nắn họ theo khuôn mẫu nào đó. Một trong những thân chủ của tôi
phát biểu khá giận dữ: “Tôi đã cố gắng quá lâu sống theo những gì có ý nghĩa
đối với kẻ khác, mà thực sự không có ý nghĩa chút nào đối với tôi. Tôi đã cảm
thấy mình xứng đáng hơn thế, ở một mức độ nào”. Cũng như những người khác, anh
ấy có khuynh hướng tránh xa điều mà người ta mong đợi.
TRÁNH XA LÀM HÀI LÒNG KẺ KHÁC
Tôi thấy rằng nhiều người đã tự huấn luyện bằng
cách cố gắng lằm đẹp lòng người khác, nhưng một lần nữa, khi họ được tự do, họ
tránh xa không muốn sống như vậy nữa. Thí dụ một nhà chuyên nghiệp, nhìn lại
quãng đường ông đã trải qua, viết như sau, vào cuối khóa trị liệu: “Cuối cùng,
tôi cảm thấy tôi thực sự phải bắt đầu làm những gì tôi muốn làm, không phải
những gì tôi nghĩ rằng tôi phải làm, và bất chấp những gì người khác cảm thấy
rằng tôi phải làm. Đây là một cuộc đảo ngược hoàn toàn tất cả đời tôi. Tôi đã
luôn luôn cảm thấy tôi phải làm việc này việc nọ bởi vì người ta mong đợi điều
ấy nơi tôi. Tôi quá ngán điều ấy rồi! Tôi nghĩ rằng từ nay tôi sẽ chỉ sống con
người của tôi mà thôi – giàu hay nghèo, tốt hay xấu, hợp lý hay phi lý, lô gích
hay không lô gích, trứ danh hay vô danh. Cám ơn ông đã giúp tôi khám phá lại lời
của Shakespeare “Hãy trung thành với con người thật của bạn”.
Vậy ta có thể nói rằng, một cách tiêu cực, cá
nhân xác định mục tiêu của họ, mục đích của họ, bằng cách khám phá trong sự tự
do và an toàn của một liên hệ thông cảm, vài hướng đi mà họ không muốn theo. Họ
thích không dấu diếm chính mình và các tình cảm của mình, đối với bản thân,
hoặc ngay cả đối với một số người gần gũi. Họ không muốn sống cái mà họ “phải”
sống, dù đó là đòi hỏi do cha mẹ, hoặc nền văn hóa đặt ra, dù điều đó được xác
định một cách tích cực hoặc tiêu cực. Họ không muốn uốn mình theo một cách
khuôn khổ chỉ để làm hài lòng kẻ khác. Nói một cách khác, họ không muốn sống
một cách giả tạo, áp đặt từ bên ngoài. Họ ý thức rằng họ không quý chuộng những
mục tiêu đó, mặc dù có lẽ họ đã sống theo chúng suốt đời họ, cho đến nay.
HƯỚNG ĐẾN TỰ ĐỊNH ĐOẠT
Nhưng cái gì được tích cực bao hàm trong kinh
nghiệm của những thân chủ đó? Tôi sẽ cố gắng mô tả một số khía cạnh tôi trông
thấy trong các hướng đi mà họ theo.
Trước hết, thân chủ hướng về sự tự lập. Ở đây,
tôi muốn nói là dần dần người ấy chọn lựa những mục tiêu mà y muốn hướng đến. Y
lấy trách nhiệm về bản thân mình. Y quyết định những sinh hoạt nào, và cách cư
xử nào có ý nghĩa đối với mình, và những gì không có ý nghĩa. Tôi nghĩ rằng khuynh
hướng tự điều khiển này được minh họa rộng rãi trong các thí dụ tôi đã nêu lên.
Tôi không muốn cho cảm tưởng rằng những thân chủ
của tôi bước đi một cách vui vẻ hoặc tin tưởng trên hướng này. Thực sự là
không. Sự tự do thể hiện chính mình là một sự tự do trách nhiệm kinh khủng và
con người hướng về đó một cách trân trọng, sợ sệt và hầu như ban đầu không có
chút tin tưởng nào.
Tôi cũng không muốn cho cảm tưởng rằng người ấy
luôn luôn có những lựa chọn đúng đắn. Tự điều khiển một cách trách nhiệm có
nghĩa là chọn lựa – và rồi học hỏi qua các hậu quả – Cho nên các thân chủ thấy
rằng đây là một thứ kinh nghiệm đạm bạc nhưng hứng thú. Như một thân chủ nói:
“Tôi cảm thấy sợ hãi và yếu đuối, và không chỗ nương tựa, nhưng tôi cũng cảm
thấy một sức mạnh trong tôi”. Đây là một phản ứng thông thường khi thân chủ
điều khiển đời mình và hành vi của mình.
HƯỚNG VỀ TIẾN TRIỂN
Điều nhận xét thứ hai khó nói bởi vì chúng ta
không có những từ thích hợp để diễn tả. Các thân chủ có vẻ hướng một cách rõ
rệt hơn về tiến triển uyển chuyển, thay đổi. Thấy mình hôm nay không còn giống
hôm qua, thấy rằng mình không còn giữ những tình cảm như trước, đối với kinh
nghiệm hoặc người nào đó, thấy rằng mình không luôn luôn nhất quán, không làm
họ bối rối. Họ ở trong một sự thay đổi liên tục, và có vẻ bằng lòng tiếp tục
trong dòng lưu chuyển đó. Họ dường như bớt nỗ lực tìm kiếm kết luận và những
trạng thái cuối cùng.
Một thân chủ nói: “Mọi việc chắc chắn đổi thay
nhiều, khi tôi không thể nói trước ngay cả hành vi của tôi ở đây nữa. Trước đây,
đó là điều tôi có thể nói trước được. Bây giờ, tôi không biết tôi sẽ nói gì sau
đây. Ồ, thật là một cảm giác kỳ lạ… Chính tôi cũng ngạc nhiên rằng tôi đã nói
những điều đó… Mỗi lúc tôi đều thấy một cái gì mới mẻ. Đó là một sự phiêu lưu,
đúng thế, – vào nơi vô định… Bây giờ tôi bắt đầu thưởng thức điều này, tôi vui
mừng về điều này, ngay cả về tất cả những sự tiêu cực đã qua nữa.” Người ấy
đang bắt đầu đánh giá mình như là một quá trình hay thay đổi, ban đầu trong giờ
trị liệu, nhưng sau này người ấy sẽ thấy điều này đúng trong chính cuộc đời của
mình.
Tôi không thể không nhớ đến sự mô tả của Kierkegaard về con người thực sự
hiện hữu. “Một con người hiện hữu luôn luôn ở trong quá trình trở thành… và
diễn tả tất cả tư tưởng của mình theo một diễn trình. Người ấy ở trong tình
trạng giống như nhà văn và lối hành văn của ông ta; vì nhà văn chỉ có được lối
hành văn độc đáo khi người không dứt điểm, nhưng “chuyển khối nước của ngôn
ngữ” mỗi lần người ấy bắt đầu, làm cho từ ngữ thông thường nhất tìm lại được sự
tươi mát của một cuộc ra đời mới.”
Tôi nghĩ rằng điều này diễn tả rất hay hướng
đi mà các thân chủ theo, tiến về phát triển những tiềm năng đang nảy nở hơn là
sống hoặc trở thành một mục tiêu cố định nào đó.
HƯỚNG VỀ CHẤP NHẬN SỰ PHỨC TẠP
Điều đó cũng bao gồm một quá trình phức tạp nữa.
Có lẽ một sự minh họa sẽ giúp ở đây.
Một trong những nhà trị liệu của chúng tôi
đã đích thân được tâm lý trị liệu giúp đỡ nhiều, gần đây đã đến bàn với tôi về
liên hệ của anh với một thân chủ rất khó và bị bấn loạn. Điều làm tôi chú ý là
anh ta không muốn nói đến thân chủ ngoại trừ cách ngắn gọn nhất. Anh muốn chắc
chắn rằng, anh ý thức rõ ràng sự phức tạp của chính tâm tình anh ta trong liên
hệ – những tâm tình nồng nhiệt của anh với thân chủ, sự bất mãn tạm thời và sự
khó chịu, sự thông cảm lo lắng cho hạnh phúc của thân chủ, nỗi lo sợ bệnh tình
thân chủ có thể nặng hơn, niềm lo lắng của anh về dư luận của kẻ khác, nếu ca
này không thành công.
Tôi nhận thấy rằng thái độ trên hết của anh ta là nếu anh
có thể sống, một cách rất cởi mở và trong suốt, tất cả tâm tình phức tạp, hay
thay đổi và đôi khi mâu thuẫn của anh trong mối liên hệ đó, mọi sự sẽ tốt đẹp.
Nhưng nếu anh chỉ là một phần của các tâm tình của anh thôi, và một phần là bề
ngoài hoặc tự vệ, anh chắc chắn rằng mối liên hệ sẽ không tốt. Tôi thấy rằng ý
muốn sống tất cả con người của mình trong mỗi lúc – tất cả sự phong phú và phức
tạp, không dấu diếm gì đối với chính mình, và không có gì sợ sệt nơi chính mình
– đây là một ước muốn thường có nơi những người đã tiến nhiều trong cuộc trị
liệu.
Tôi không cần nói rằng điều này rất khó, và là một mục tiêu không thể đạt
được đến mức tuyệt đối. Tuy nhiên, một trong những khuynh hướng rõ rệt nhất nơi
các thân chủ là hướng về trở thành tất cả sự phức tạp của con người đang
thay đổi của mình, trong những lúc quan trọng.
HƯỚNG VỀ CỞI MỞ ĐỐI VỚI KINH NGHIỆM
“Sống con người thật của mình” còn bao hàm nhiều
thành phần khác nữa. Một thành phần có lẽ đã được ám chỉ đến rồi là con người
hướng về việc sống trong một tương quan cởi mở, thân thiện, gần gũi với
kinh nghiệm bản thân. Điều này không xảy ra dễ dàng. Thường, khi thân chủ cảm
thấy một góc cạnh nào mới của bản thân, ban đầu y phủ nhận nó. Chỉ khi nào y
kinh nghiệm khía cạnh của bản thân đến nay đã bị phủ nhận, thì y mới tạm chấp nhận
nó như một phần của chính mình. Như một thân chủ nói với một chấn động mạnh,
sau khi kinh nghiệm khía cạnh trẻ con, lệ thuộc của mình: “Đó là một sự xúc
động mà tôi không bao giờ cảm thấy rõ rệt – một xúc động mà tôi không giờ có!”.
Anh ta không thể chấp nhận kinh nghiệm những tình cảm trẻ con của anh. Nhưng
dần dần anh chấp nhận được chúng như là một phần của chính mình, anh sống gần
với chúng và trong chúng khi chúng xảy ra.
Một thanh niên khác, cà lăm, với nhiều vấn đề, đã
tự mở rộng lòng mình đối với vài tâm tình chôn vùi của anh ta, vào cuối khóa
trị liệu. Anh ta nói: “Ôi, đó là một cuộc chiến đấu kinh khủng. Tôi không bao
giờ ý thức điều đó. Tôi nghĩ rằng sự đau đớn đã đi đến tột độ. Tôi muốn nói là
tôi đang bắt đầu cảm thấy nó, hiện giờ đây. Ồ, đau đớn khủng khiếp… Thật
khủng khiếp khi mở miệng. Tôi muốn nói, và rồi tôi không muốn… Tôi đang
cảm thấy – tôi nghĩ rằng tôi biết – đó chỉ là căng thẳng – căng thẳng kinh
khủng – sự kích động (stress), đó là từ chính xác, tôi đã cảm thấy nhiều stress.
Tôi mới bắt đầu cảm thấy nó bây giờ đây, sau tất cả những năm nay… thật khủng
khiếp. Tôi không thở nổi nữa, tôi bị ngột ngạt, bị thắt chặt bên trong… Tôi cảm
thấy như thể tôi bị đè bẹp (Anh bắt đầu khóc). Tôi chưa bao giờ ý thức điều đó,
tôi không bao giờ biết điều đó”.
Ở đây, anh ta đang cởi mở đón nhận những cảm
giác nội tâm rõ ràng không mới mẻ đối với anh ta, nhưng cho đến giờ phút này,
anh chưa bao giờ có thể kinh nghiệm hoàn toàn được. Bây giờ anh tự cho phép
mình kinh nghiệm chúng, anh sẽ thấy chúng bớt khủng khiếp, và anh sẽ có thể
sống gần gũi với kinh nghiệm bản thân.
Từ từ, các thân chủ hiểu rằng kinh nghiệm là một
người bạn gần gũi, chứ không phải là kẻ thù đáng sợ. Và tôi nghĩ đến một thân
chủ, vào cuối khóa trị liệu, khi bối rối về vấn đề gì, anh thường úp đầu vào
hai bàn tay và nói: “Bây giờ tôi đang cảm thấy gì đây? Tôi muốn biết rõ là cái
gì”. Rồi anh ta thường chờ đợi, một cách bình tĩnh và kiên nhẫn, cho đến lúc
anh ta có thể nhận ra được hương vị đích xác của các tình cảm xảy đến nơi anh.
Tôi thường thấy rằng thân chủ cố gắng lắng nghe chính mình, cố gắng nghe các sứ
điệp và ý nghĩa đang được truyền thông bởi chính các phản ứng sinh lý của mình.
Người ấy không còn sợ những gì họ có thể tìm thấy nữa. Dần dần họ muốn gần gũi
với các nguồn thông tin nội tâm của mình hơn là trấn áp chúng.
Trong bản nghiên cứu của ông về cái mà ông
gọi là những người thực hiện bản ngã (self – actualizing people), Maslow (13) cũng đã ghi nhận một đặc điểm như thế. Nói
về những người ấy, ông viết: “Việc họ dễ dàng đi sâu vào thực tại, việc họ tiến
gần hơn đến sự chấp nhận và hồn nhiên, giống như thú vật hoặc trẻ con, đòi hỏi
một ý thức cao hơn về những thúc đẩy, ước muốn, tư tưởng và phản ứng chủ quan
của chính bản thân họ”.
Sự cởi mở lớn hơn đó, đối với những gì xảy ra bên
trong, được liên kết với một sự cởi mở tương tự đối với các kinh nghiệm về thực
tại bên ngoài. Maslow có thể nói về các thân chủ mà tôi quen biết, khi ông nói:
“Những người thực hiện bản ngã có một khả năng kỳ diệu, để luôn luôn đánh
giá một cách mới mẻ và ngây thơ, những cái tốt căn bản của cuộc sống, với kính
sợ, thích thú, ngạc nhiên và ngay cả xuất thần, dù cho các kinh nghiệm đó có
thể cũ mèm đối với kẻ khác”.
HƯỚNG VỀ CHẤP NHẬN THA NHÂN
Một sự cởi mở đối với tha nhân và chấp nhận tha
nhân, tương quan mật thiết với sự cởi mở đối với kinh nghiệm nội tâm và ngoại
giới, nói chung. Khi một thân chủ bắt đầu có khả năng chấp nhận kinh nghiệm bản
thân, người ấy cũng bắt đầu chấp nhận kinh nghiệm của kẻ khác. Người ấy đánh
giá cao về kinh nghiệm bản thân lẫn kinh nghiệm tha nhân, theo đúng thực
tại khách quan của chúng. Để trích dẫn Maslow nữa, về những người thực hiện bản
ngã của ông: “Người ta không than van về nước vì nó ướt, cũng không than van về
đá vì nó cứng… Như trẻ nhỏ nhìn thế giới với cặp mắt mở rộng, ngây thơ và không
phê phán, chỉ ghi nhận và quan sát mà không tranh luận hoặc đòi hỏi nó phải
khác đi, cùng một cách ấy người thực hiện bản ngã nhìn bản tính người nơi chính
mình và nơi tha nhân”.
Thái độ chấp nhận những gì hiện hứu, tôi thấy nó phát
triển nơi các thân chủ trong trị liệu.
HƯỚNG VỀ TIN Ở MÌNH
Còn một cách khác để mô tả đặc tính mà tôi trông
thấy nơi mỗi thân chủ, là càng ngày họ càng tin tưởng và đánh giá cao sự
tiến triển nơi bản thân họ. Nhìn các thân chủ của tôi, tôi càng hiểu hơn những
người có óc sáng tạo. El Greco chẳng hạn, khi nhìn một vài tác phẩm đầu tay của
ông, chắc hẳn đã thấy rằng, “những họa sĩ giỏi không vẽ như thế”. Nhưng ông vẫn
tin tưởng kinh nghiệm sống của ông, sự tiến triển của bản thân, tin đủ để có
thể tiếp tục diễn tả những nhận thức độc đáo của chính mình. Như thể ông ta có
thể nói: “Họa sĩ giỏi không vẽ như thế, nhưng tôi vẽ như thế”.
Hoặc trong một
lãnh vực khác, Ernest Hemingway chắc chắn đã biết rằng “Văn sĩ giỏi không viết
như thế”. Nhưng may thay, ông đã hướng về trở thành Hemingway, trở thành chính
mình, hơn là hướng về quan niệm của một người nào khác về một văn sĩ giỏi.
Einstein dường như đã quên rằng nhà vật lý giỏi không nghĩ giống ông. Thay vì
thối lui vì thiếu chuẩn bị đầy đủ về vật lý học, ông chỉ hướng về thể hiện
Einstein, hướng về suy nghĩ những tư tưởng của ông, hướng về sống sâu sắc và
chân thật con người của ông. Đây không phải là một hiện tượng chỉ xảy ra nơi
nghệ sĩ hoặc thiên tài thôi đâu. Nhiều lần nơi các thân chủ của tôi, tôi đã
trông thấy những người bình dị trở thành suy tư và sáng tạo trong lãnh vực
riêng của họ, khi họ tin tưởng hơn nơi quá trình đang tiếp diễn trong chính bản
thân họ, và đã dám cảm nghiệm những tình cảm riêng của mình, dám sống theo các
giá trị mà họ khám phá ra bên trong, và dám diễn tả chính mình theo cách độc
đáo của họ.
HƯỚNG ĐI CHUNG
Để tôi thử xem tôi có thể diễn tả một cách súc
tích hơn điều được bao hàm trong những nét biến chuyển mà tôi trông thấy nơi
các thân chủ, và những yếu tố mà tôi đã cố gắng mô tả. Dường như là cá nhân,
một cách ý thức và chấp nhận, hướng tới sống quá trình đang thực sự diễn tiến
bên trong. Người ấy tránh xa cái không phải là con người của mình, tránh xa bề
ngoài. Y không muốn tỏ ra cao hơn con người thật của mình, với những cảm giác tội
lỗi hoặc kém tự tin kèm theo đó. Càng ngày y càng lắng nghe những ngõ ngách sâu
kín nhất của con người sinh lý và tình cảm của mình, và tự thấy mình càng ngày
càng muốn sống một cách đích xác hơn và sâu xa hơn, con người thật đó.
Một thân
chủ khi bắt đầu cảm thấy hướng đi của mình, tự hỏi một cách ngạc nhiên và nghi
ngờ trong một cuộc gặp gỡ “Nếu tôi sống thực sụ điều tôi muốn sống, có thích
hợp không?”. Kinh nghiệm xa hơn của người ấy và của nhiều thân chủ khác, hướng
về một câu khẳng định, Có. Sống con người thật của mình, đó là lối sống
mà người ấy đánh giá cao hơn hết, khi người ấy được tự do theo bất cứ hướng
nào. Đây không phải chỉ là một sự lựa chọn giá trị trong tâm trí, nhưng là cách
mô tả đúng nhất những thái độ mò mẫm, ướm thử, không chắc chắn, của người đang
thám hiểm trên con đường hướng về điều y muốn sống.
MỘT SỐ NGỘ NHẬN
Đối với nhiều người, lối sống mà tôi đã cố gắng
mô tả có vẻ là một con đường không đem đến hài lòng chút nào. Nếu đó là một sự
khác biệt thực sự về giá trị thì tôi tôn trọng nó như là một sự khác biệt.
Nhưng tôi nhận thấy rằng đôi khi thái độ ấy do một số ngộ nhận gây ra. Tôi muốn
phá tan những ngộ nhận ấy, nếu có thể được.
CÓ PHẢI LÀ BẤT BIẾN KHÔNG ?
Đối với vài người, sống con người thật của mình
là không thay đổi; nghĩ vậy là quá xa sự thật. Sống con người thật của mình là
bước vào trong một quá trình. Sự thay đổi được dễ dàng, có lẽ được tăng lên tối
đa, khi ta chịu sống con người thật của mình. Thực vậy, chính con người từ chối
các cảm giác và phản ứng của mình, mới là con người hay đến để được trị liệu.
Người ấy đã cố gắng thay đổi, thường là trong nhiều năm, nhưng vẫn thấy mình bị
cứng đọng ở những thái độ mà họ không thích. Chỉ khi nào người ấy có thể trở
thành con người thật của mình hơn, có thể trở thành cái mà người ấy phủ nhận
nơi bản thân hơn, thì mới có triển vọng thay đổi được.
CÓ PHẢI LÀ XẤU KHÔNG?
Một
phản ứng thường gặp hơn đối với lối sống tôi đã mô tả là sống con người thật
của mình có nghĩa là trở nên xấu xa, vô luân, tha hồ phóng túng, phá hoại. Nó
như có nghĩa là “cọp sổ lồng”. Đây là một quan điểm tôi biết rất rõ vì tôi đã
gặp nó nơi hầu hết tất cả thân chủ. “Nếu tôi dám để các tình cảm đã bị
ngăn chặn lại trong tôi, tuôn chảy, và nếu tôi phải sống trong những tình cảm
đó thì sẽ là một tai họa”. Đây là thái độ nói ra hay không nói ra, của hầu hết
mọi thân chủ khi họ tiến đến kinh nghiệm những khía cạnh chưa từng biết của bản
thân. Nhưng tất cả quá trình kinh nghiệm của họ về trị liệu đi ngược lại những
nỗi lo sợ đó. Họ thấy rằng dần dần họ có thể là sự giận dữ, khi giận dữ là phản
ứng thực sự của họ, nhưng giận dữ được chấp nhận như vậy hoặc trong suốt, thì
không phá hoại. Họ thấy rằng họ có thể là sự sợ hãi nhưng biết mình đang sợ hãi
không hủy diệt họ. Họ cảm thấy họ có thể thương hại mình, và điều ấy không
“xấu”. Họ có thể cảm thấy, sống cảm quan tình dục của họ, hoặc tình cảm “lười
biếng” của họ, hoặc các tâm tình thù hằn của họ, và trời không sập. Lý do là họ
càng có khả năng cho phép các cảm giác đó lưu thông và hiện hữu trong họ, thì
chúng càng có một chỗ thích hợp trong một sự hài hòa tình cảm. Họ khám phá rằng
họ có những tình cảm khác cùng hòa lẫn với những tình cảm kia tạo nên một thế
quân bình. Họ cảm thấy mình thương yêu và âu yếm và quan tâm và dễ hợp tác,
cũng như chống đối hoặc đầy ham muốn, hoặc tức giận. Họ cảm thấy hứng thú và
hăng say và hiếu kỳ cũng như lười biếng hoặc thụ động. Họ cảm thấy can đảm và
thích phiêu lưu cũng như sợ sệt. Các tình cảm của họ khi họ sống gần gũi và
chấp nhận sự phức tạp của chúng, tác động trong một sự hòa hợp xây dựng, hơn là
lôi cuốn họ theo một con đường xấu xa vô độ nào.
Đôi
khi người ta diễn tả sự quan tâm này bằng cách nói rằng nếu một cá nhân sống
con người thật của mình, thì sẽ thả lỏng con thú nơi mình ra. Điều này làm tôi
hơi buồn cười bởi vì tôi nghĩ rằng chúng ta có thể nhìn các con thú kỹ hơn một
chút. Sư tử thường tiêu biểu cho con “thú thèm mồi”. Nhưng nó thế nào? Nếu nó
không bị sai lệch rất nhiều bởi sự tiếp xúc với loài người, thì nó có một số
đức tính mà tôi đã mô tả. Chắc chắn rằng nó giết khi nó đói nhưng nó không giết
bừa bãi và không ăn quá mức. Nó giữ được đường nét đẹp của nó khá hơn một số
chúng ta. Khi còn nhỏ thì nó yếu ớt và lệ thuộc, nhưng nó tiến đến độc
lập. Nó không bám chặt vào sự lệ thuộc. Lúc thơ ấu nó ích kỷ và qui về mình, nhưng
khi trưởng thành nó chứng tỏ một trình độ hợp lý về tinh thần hợp tác, và nuôi
nấng chăm sóc và che chở con cái. Nó thỏa mãn những ước muốn dục tính của nó
nhưng điều này không có nghĩa là chạy theo những cuộc truy hoan dâm đãng bừa
bãi. Các khuynh hướng và thôi thúc của nó có một sự điều hòa bên trong. Theo
nghĩa căn bản, nó là một thành viên xây dựng và đáng tin cậy của giống feils
leo. Và điều mà tôi đang cố gắng gợi ý là khi ta thực sự và sâu sắc là một
thành viên độc đáo của giống người, đó không phải là một cái gì phải làm cho
người ta ghê tởm. Ngược lại nó có nghĩa là ta sống một cách hoàn toàn và cởi mở
quá trình phức tạp của việc trở nên một trong những thụ tạo nhạy cảm nhất,
thông cảm và sáng tạo nhất trên hành tinh này. Theo kinh nghiệm của tôi, sống
hoàn toàn con người độc đáo của mình không phải là một quá trình có thể gán cho
nhãn hiệu là xấu được. Có những từ thích hợp hơn, đó là một quá trình tích cực
hoặc xây dựng, hoặc thực tế, hoặc đáng tin cậy.
ẨN Ý XÃ HỘI
Tôi
xin được đi sâu một chút vào một số ẩn ý xã hội của lối sống mà tôi đã cố gắng
mô tả. Tôi đã trình bày nó như một hướng có vẻ rất có ý nghĩa đối với cá nhân.
Nó có thể có ý nghĩa gì đối với những nhóm hoặc những tổ chức không? Nó có thể
là một hướng đi được lựa chọn một cách hữu ích bởi một cộng đoàn, một giáo hội,
một tập đoàn kỹ nghệ, một đại học, một quốc gia không? Đối với tôi, điều ấy có
thể được. Ta hãy nhìn, chẳng hạn, việc điều khiển đất nước chúng ta về ngoại
vụ. Nhìn chung, chúng ta nhận thấy, nếu chúng ta nghe những lời tuyên bố của
các thủ lãnh chúng ta trong những năm qua, và đọc các tài liệu của họ, rằng
chính sách ngoại giao của chúng ta luôn luôn đặt nền tảng trên những mục đích
đạo đức cao; rằng nó luôn luôn nhất quán với chính sách chúng ta đã theo trước
đây; rằng nó không bao hàm ước muốn ích kỷ nào cả; và rằng nó không bao giờ sai
lầm trong các phán đoán và lựa chọn của nó. Tôi nghĩ có lẽ các bạn sẽ đồng ý
với tôi rằng nếu chúng ta nghe một cá nhân nói như vậy, chúng ta sẽ nhận ra
ngay đó chắc là một mã ngoài, và những lời tuyên bố đó không thể diễn tả quá
trình thực sự đang diễn tiến nơi người ấy.
Giả sử
chúng ta tượng tưởng một chút xem, với tư cách một quốc gia, chúng ta có thể
đối phó thế nào trong chính sách ngoại giao của chúng ta, nếu chúng ta sống một
cách cởi mở, hiểu biết và chấp nhận con người thật của chúng ta. Tôi không biết
chính xác con người thật của chúng ta ra sao, nhưng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta
thực sự cố gắng diễn tả con người thật của chúng ta, thì lúc đó mối tương quan
của chúng ta đối với các nước ngoài sẽ có những yếu tố này.
Với tư
cách là một quốc gia, chúng ta đang ý thức một cách chậm chạp sức mạnh to lớn
của chúng ta, và quyền hành và trách nhiệm kèm theo sức mạnh đó.
Chúng
ta đang hướng, phần nào vô thức và vụng về, đến việc chấp nhận một địa vị lãnh
đạo thế giới, có trách nhiệm.
Chúng
ta phạm nhiều lầm lỗi. Chúng ta thường không nhất quán.
Chúng
ta rất xa sự hoàn hảo.
Chúng
ta có những quyền lợi ở nước ngoài nước rất ích kỷ, thí dụ như dầu hỏa ở Trung
Đông.
Mặt
khác, chúng ta không có ý muốn đô hộ các dân tộc.
Chúng
ta có những cảm tưởng phức tạp và mâu thuẫn đối với sự tự do, độc lập và quyền
tự quyết của cá nhân và quốc gia. Chúng ta ước muốn những điều này và tự hào về
sự ủng hộ của chúng ta trong quá khứ đối với với các khuynh hướng đó, nhưng
chúng ta thường sợ những hậu quả của chúng.
Chúng
ta đánh giá cao và tôn trọng phẩm giá con người, nhưng khi chúng ta sợ, chúng
ta lại tránh xa con đường dẫn đến đó.
Giả sử
chúng hiện ra kiểu ấy, trong các liên hệ ngoại giao của chúng ta, một cách
thẳng thắn và trong suốt. Chúng ta cố gắng trở thành quốc gia thật của chúng ta
trong tất cả sự phức tạp và ngay cả mâu thuẫn của chúng ta nữa. Kết quả ra sao?
Đối với tôi kết quả sẽ tương tự như các kinh nghiệm của một thân chủ khi người
ấy sống con người thật của mình một cách chân thành hơn. Chúng ta hãy nhìn vài
hậu quả có thể xảy đến.
Chúng
ta sẽ thoải mái hơn nhiều, vì chúng ta không cần dấu diếm gì cả.
Chúng
ta sẽ có thể tập trung vào vấn đề trước mắt, hơn là phí sức lực để chứng tỏ
rằng chúng ta đạo đức hoặc nhất quán.
Chúng
ta có thể dùng tất cả trí sáng tạo của chúng ta để giải quyết vấn đề hơn là để
tự vệ.
Chúng
ta sẽ nhìn nhận công khai các quyền lợi ích kỷ của chúng ta, và sự quan tâm
thông cảm của chúng ta đối với kẻ khác, và để cho các ước muốn đối lập nhau đó
tìm thấy thế quân bình, có thể chấp nhận được đối với chúng ta, với tư cách là
một dân tộc.
Chúng
ta sẽ có thể tự do thay đổi và lớn lên trong địa vị lãnh đạo của chúng ta, bởi
vì chúng ta sẽ không bị ràng buộc bởi những ý niệm cứng ngắc về quá khứ
của chúng ta, về bộ mặt ta phải có và nên có.
Chúng
ta sẽ thấy rằng người ta sẽ ít sợ chúng ta hơn nhiều, bởi vì kẻ khác sẽ ít có
khuynh hướng nghi ngờ cái gì ở đằng sau mã ngoài.
Bởi
chính sự thẳng thắn của chúng ta, chúng ta sẽ gợi lên sự thẳng thắn và thực tế
nơi kẻ khác.
Chúng
ta sẽ tìm giải đáp cho các vấn đề thế giới trên cơ sở các sự kiện thực sự liên
hệ, hơn là theo mã ngoài do các bên thương thuyết khoác cho mình.
Nói
tóm lại, điều mà tôi muốn gợi ý qua thí dụ tưởng tượng này, là các quốc gia và
tổ chức có thể khám phá ra, như các cá nhân đã khám phá, rằng sống con người
sâu xa của mình là một kinh nghiệm rất đáng làm. Tôi muốn gợi ý rằng quan điểm
này còn quan trọng hơn là một khuynh hướng đã được quan sát trong kinh nghiệm
của các thân chủ: nó chứa đựng những hạt giống của triết lý về toàn bộ đời sống
con người.
TÓM LƯỢC
Tôi đã
bắt đầu cuộc nói chuyện này với câu hỏi mà mỗi người tự đặt ra – Tôi sống để
làm gì? Tôi đã cố gắng nói với các bạn điều mà tôi đã học nới các thân chủ của tôi;
những người này, trong mối liên hệ trị liệu, không bị đe dọa và được tự do lựa
chọn, đã diễn tả trong đời sống của họ, một hướng đi và một mục tiêu chung.
Tôi đã
cho thấy rằng họ có khuynh hướng tránh xa sự dấu diếm bản thân, tránh xa sống
theo sự mong đợi của kẻ khác.
Chiều hướng đặc biệt, tôi đã nói, là thân chủ cho
phép mình tự do sống quá trình thay đổi, uyển chuyển của con người họ. Họ cũng
hướng về một sự cởi mở thân thiện đối với quá trình đang diễn tiến nơi mình –
học lắng nghe chính mình một cách nhạy cảm.
Điều này có nghĩa rằng người ấy
càng ngày càng trở thành một sự hòa hợp các phản ứng và cảm giác phức tạp thay
vì là sự cứng ngắt đơn giản và nông cạn.
Điều này có nghĩa là khi người ấy
hướng về việc chấp nhận bản thân, người ấy càng ngày càng chấp nhận kẻ khác một
cách lắng nghe và thông cảm như vậy. Người ấy tin tưởng và đánh giá cao các quá
trình nội tâm phức tạp của mình, khi chúng chớm nở. Người ấy thực tế một cách
sáng tạo và sáng tạo một cách thực tế. Người ấy thấy rằng sống quá trình đó nơi
bản thân là đưa mức thay đổi và phát triển nơi mình đến tối đa. Người ấy liên
tục khám phá rằng sống tất cả con người của mình theo hướng uyển chuyển đó
không đồng nghĩa với xấu xa hoặc vô tội. Trái lại, y cảm thấy càng thêm tự hào
vì đã trở nên nhạy cảm, cởi mở, thực tế, tự điều khiển mình từ bên trong, can
đảm và sáng tạo, thích nghi với những phức tạp của hoàn cảnh luôn thay đổi.
Điều ấy có nghĩa rằng cá nhân, trong ý thức và trong hành động, cố gắng sống
thích hợp với phản ứng toàn diện của cơ thể mình.
Theo danh từ của Kierkegaard,
điều ấy có nghĩa là “sống con người thật của mình”. Tôi tin rằng tôi đã cho
thấy rõ rằng đó không phải một hướng đi dễ dàng, cũng không phải là một hướng
có thể đạt đến một lần rồi thôi. Nó là một cách sống cứ tiếp tục mãi.
Trong
khi cố gắng thám hiểm các giới hạn của một ý niệm như thế, tôi đã gợi ý rằng
phương hướng này không phải chỉ nhất thiết dành riêng cho các thân chủ trong
trị liệu, hoặc là cho những cá nhân đang tìm một mục tiêu ở đời. Nó cũng có ý
nghĩa như thế đối với một nhóm, một tổ chức hoặc một quốc gia, và có thể mang
lại những hiệu quả đáng giá như vậy.
Tôi
hoàn toàn nhìn nhận rằng lối sống mà tôi đã phác họa ra là một sự lựa chọn giá
trị, nhất định khác với các mục tiêu thường được lựa chọn, hoặc được áp dụng
trong cách xử thế. Tuy nhiên, vì nó xuất phát từ những con người có nhiều tự do
lựa chọn hơn bình thường, và vì nó có vẻ diễn tả một khuynh hướng chung nơi
những cá nhân đó, nên tôi hiến nó cho các bạn để suy xét.
*****
Chú thích:
10. Morris. C.W Varieties of Human Value University of Chicago Press, 1956.
11. Whyte, W.H The Oraganization Man, Simon & Schster, 1956.
12. JACOB P . E Changing Values in College New Haven: Hazon Foudation, 1956.
13. Maslow, A.H. Motivation and Personality, Harper and Bros, 1954
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét