Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

CÁC PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU TÂM LÝ (Phần 01)


BS NGUYỄN MINH TIẾN dịch

Tom Gredler, đã nghĩ hưu được 6 năm. Ông đã hoạch định trước việc nghỉ hưu của mình: nhưng rồi ông nhận thấy rằng thời gian rảnh rỗi đưa ông tới những đợt trầm cảm (depression). Nhà máy sản xuất những vật phẩm bằng giấy, nơi ông làm việc đã từng là cả cuộc đời của ông. Ông đã làm việc cật lực trong nhiều năm đến nỗi không có một thú vui hoặc một hoạt động nào khác. Giờ đây, 6 năm sau khi nghỉ hưu, ông cảm thấy buồn chán, bất an trước những thử thách và có những cơn lo âu.

Tom Gredler chưa từng được biết về những cơn lo âu như thế. Những nỗi sợ hãi mà ông cảm thấy làm nhịp tim đập nhanh, huyết áp tăng và cảm giác nghèn nghẹn ở cổ, là những triệu chứng chính của cơn lo âu cấp diễn. Lần bị cơn đầu tiên, ông đã đi tắm và nằm nghỉ. Lần thứ hai ông uống một ly bourbon. Lần thứ ba cơn xảy ra khi ông đang lái xe khiến ông suýt đâm sầm vào xe tải. Tom tìm đến bác sĩ gia đình để xin giúp đỡ. Ông thắc mắc không biết mình có bị bệnh tim không. Vị bác sĩ nhanh chóng nhận diện triệu chứng và chuyển ông đến một nhà tâm lý lâm sàng (clinical psychologist). Trước khi gọi điện cho nhà tâm lý, ông còn bị hai cơn như vậy nữa, có một cơn vào lúc nửa đêm.

Nhà tâm lý cũng trạc tuổi Tom, ông đã từng thấy nhiều người bị những cơn khủng hoảng tương tự khi về hưu. Công việc đầu tiên là giúp cho Tom nhận ra vấn đề của mình. Phải mất bốn buổi làm việc với nhà tâm lý Tom mới nhận ra ông có đang cảm giác thiếu thốn, ông thấy rằng không ai còn nhờ cậy ông nữa, và thấy rất nhớ công việc ở nhà máy. Ông nhớ lại những giá trị mà công việc hằng ngày đã mang lại cho đời sống của ông, và ông không biết rằng tình trạng stress đã xảy ra khi ông không còn làm việc nữa. Nhà trị liệu đã giúp Tom nhận ra nỗi sợ hãi của mình, giúp Tom có những ý tưởng thực tế về những điều ông có thể và không thể trông đợi từ việc hưu trí của ông, cũng như từ gia đình và bạn bè của ông.

Trường hợp của Tom không phải là ít. Nhiều người khi về hưu đã bị stress trong cái giai đoạn mà lẽ ra họ phải tận hưởng những lợi ích sau nhiều năm lao động miệt mài. Đối với nhiều người, về hưu đồng nghĩa với việc trú ẩn an toàn, một thời gian để an hưởng. Tuy nhiên, với một số người khác, về hưu có thể là khoảng thời gian khủng hoảng, phiền não, nhìn lại và nhận ra những lỗi lầm và cả thành công của bản thân. Khi về hưu, nhiều người đã tự hỏi liệu đời sống hiện tại và đời sống trong quá khứ, giai đoạn nào có ý nghĩa hơn?
    
   
Trong khi tự hỏi và tự ngờ vực như vậy, nhiều người dùng thời gian này để xác định xem điều gì là quan trọng đối với họ và tổ chức lại trước khi tiếp tục đáp ứng với những thử thách khác. Tuy nhiên, đôi khi sự tự ngờ vực diễn ra quá mức, dẫn đến lo âu, không hạnh phúc, kém thích nghi. Nhiều trường hợp thích nghi được nhờ những nhà chuyên môn, Tom lựa chọn sự trị liệu tâm lý. Những người trầm cảm nặng có thể cần đến thuốc chống trầm cảm, hoặc nặng hơn, có thể trị liệu bằng sốc điện. Người được chẩn đoán là tâm thần phân liệt có thể cần đến những thuốc chống loạn thần (antipsychotic drugs). Người có rối loạn ít nghiêm trọng hơn có thể được trị liệu bằng cách như tự chuẩn bị những chế độ ăn cho mình hoặc luyện tập thể lực. Các nhà tâm lý không loại trừ những sự lựa chọn những hình thức trị liệu ấy. Thật thế, trong nhiều trường hợp, đây là phương pháp điều trị được ưa thích. 

Tuy nhiên, trị liệu tâm lý là phương pháp mà hầu hết các nhà tâm lý dùng để điều trị những rối loạn cảm xúc. Trị liệu tâm lý (psychotherapy) là trị liệu những tình trạng kém thích nghi bằng biện pháp tâm lý. Mục đích là giúp người ta đương đầu tốt hơn với đời sống và giúp người ta có lối sống thoả đáng hơn về mặt cảm xúc. Trị liệu tâm lý có thể giúp những người như Tom thích nghi được với những tình huống thử thách mới trong khi đời sống của họ luôn luôn thay đổi.
Nói chung, liệu pháp tâm lý có hai loại: liệu pháp nội thị (insight therapy) cố gắng giúp đương sự hiểu được những động cơ đằng sau hành vi của họ. Các nhà trị liệu nội thị cho rằng sự kém thích nghi và hành vi bất thường xảy ra khi người ta không hiểu chính mình một cách đầy đủ. 

Trái lại, liệu pháp hành vi (behavior therapy), đôi khi được gọi là sửa đổi hành vi (behavior modification), được dựa trên giả định rằng hầu hết các hành vi, kể cả bình thường hay bất thường, đều do “học tập” mà có. Các nhà trị liệu hành vi cố gắng thay đổi những hành vi bất thường và kém thích nghi bằng cách dùng những nguyên tắc học tập (learning principles). Những kỹ thuật đặc hiệu dùng trong trị liệu tâm lý thay đổi tuỳ theo quan điểm của nhà trị liệu tâm lý về cách phát triển nhân cách và cách phát triển những hành vi bất thường. Ngoài những phương pháp trị liệu tâm lý khác nhau, bài này còn đề cập những yếu tố liên quan đến việc lựa chọn một nhà tâm lý trị liệu thích hợp nhất đối với những vấn đề đặc thù của đương sự và một số điều kiện cần thiết để điều trị hiệu quả.

NHỮNG YẾU TỐ GIÚP ĐIỀU TRỊ TÂM LÝ HIỆU QUẢ


Nhiều người tìm kiếm trị liệu tâm lý như Tom đã thắc mắc liệu cách can thiệp này có thực sự giúp ích cho họ không? Việc trị liệu bằng cách nói chuyện có thực sự mang lại điều gì đổi khác hay không?

Câu trả lời thật đơn giản: việc trị liệu là có hiệu quả - nhưng không phải tất cả những phương pháp trị liệu, nhà trị liệu và các thân chủ đều giống nhau cả. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đến việc trị liệu tâm lý. Trong số đó, yếu tố quan trọng nhất là phái tính, nhân cách, kinh nghiệm và sự cảm thông của nhà trị liệu. 

Bất kể việc trị liệu tâm lý thuộc loại nào, một số yếu tố cần phải có ở nhà trị liệu lẫn thân chủ để việc trị liệu tạo được sự thay đổi. Trước tiên, một nhà trị liệu tốt phải bày tỏ với thân chủ sự quan tâm, hiểu biết, tôn trọng, cư xử khéo léo, sự chín chắn và khả năng giúp đỡ. Thứ hai, nhà trị liệu tốt phải có những đề xuất, khích lệ, diễn giải, ví dụ và (có lẽ) cả khen thưởng để giúp thân chủ thay đổi và suy nghĩ lại về tình huống của mình. Thứ ba, thân chủ phải sẵn lòng thực hiện một số thay đổi trong suy nghĩ và lối sống của mình; những thay đổi hành vi của thân chủ sẽ không xảy ra chỉ vì có một người khác muốn họ được hạnh phúc. Một nhà trị liệu có hiểu biết, khách quan và dễ chấp nhận sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thay đổi hành vi, nhưng chính thân chủ sẽ là người thực hiện hành vi đó.

Các yếu tố khác như tầng lớp xã hội, tuổi tác, sự giáo dục, kỳ vọng vào việc. trị liệu và mức độ lo âu của thân chủ cũng quan trọng. Động cơ đúng đắn cũng là điều quan trọng; thật khó lòng giúp đỡ hay trị liệu một thân chủ có tính miễn cưỡng. Giúp một thân chủ có một động cơ để thay đổi thường là mục tiêu đầu tiên của việc trị liệu. Tất cả nhà trị liệu cần nhạy bén trước tất cả những yếu tố này.
       
Thông thường người ta cho rằng nhiều thân chủ có thể giảm bớt triệu chứng của họ mà không cần trị liệu tâm lý. Quan điểm này liên hệ đến một yếu tố chung của hai liệu pháp nội thị và liệu pháp hành vi: đó là hiệu ứng placebo. Hiệu ứng placebo là khi sự thay đổi hành vi ra như kết quả của một sự thay đổi kỳ vọng nơi đương sự hơn là kết quả của bất kỳ điều trị đặc hiệu nào. Các thầy thuốc thấy rằng khi bệnh nhân được kê toa những viên thuốc đường vô hại và được bảo rằng những viên thuốc này có thể trị được bệnh, thì đôi khi những triệu chứng bệnh cũng giảm bớt. Tương tự, những người được trị liệu tâm lý cũng có thể giảm triệu chứng, đơn giản chỉ vì họ được đưa vào trị liệu và giờ đây đang trông chờ sự thay đổi. Hiệu ứng placebo trong trị liệu tâm lý chỉ xảy ra thoáng qua; bất kỳ một hiệu quả trị liệu nào có tính lâu dài đều có nhiều khả năng là do sự cố gắng của thân chủ và của nhà trị liệu trong quá trình trị liệu.
Có nhiều thử thách đối với hiệu quả của trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đều cho rằng trị liệu tâm lý rất có hiệu quả. Một trong số những nghiên cứu quan trọng nhất của Smith và Glass (1977), dùng các kỹ thuật thống kê tinh vi để phân tích kết quả của những phương pháp trị liệu khác nhau. Những nghiên cứu phân tích hiệu quả toàn bộ của trị liệu tâm lý cũng cho thấy hiệu quả tích cực trong một số lớn các tình huống. tuy nhiên, hiệu quả trị liệu thay đổi tùy theo loại rối loạn được trị liệu. Ví dụ, trị liệu tâm lý có tỉ lệ thành công cao với những chứng ám ảnh sợ đặc hiệu (specific phobia), nhưng ít thành công với những bệnh tâm thần phân liệt, trị liệu nhóm dài hạn được thấy hiệu quả hơn trị liệu cá nhân ngắn hạn trong một số rối loạn, và trị liệu hành vi thường là phương pháp có hiệu quả nhất ở trẻ em.

Nhiều nhà nghiên cứu đoan chắc rằng hầu hết các cách trị liệu tâm lý đều tương đương nhau, nghĩa là bất kể phương pháp nào được áp dụng, kết quả thường là như nhau. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà nghiên cứu đều tin rằng như vậy. 

Nhà tâm lý nổi tiếng Alan Kazdin (1986) khẳng định nghiên cứu về hiệu quả của điều trị tâm lý là rất khó thực hiện và khó diễn giải. Ông cho rằng những nghiên cứu như thế thường được thực hiện trong một điều kiện lý tưởng, dùng những biện pháp tiếp cận hạn hẹp, không thể mô phỏng những tình huống trị liệu như trong thực tế. 

Ví dụ, nghiên cứu thường được thực hiện với những thân chủ được thu hút qua các quảng cáo trên báo; liệu những nghiên cứu như thế có tính phổ quát đối với số thân chủ thực tế không? Kazdin không nói rằng những nghiên cứu đó không nên thực hiện, nhưng mục tiêu hạn hẹp của nó cần được đánh giá cẩn thận và cần pahỉ phát triển thêm những nghiên cứu mới. Có lẽ sẽ vô vọng khi trả lời câu hỏi: “phương pháp trị liệu nào tốt nhất?”; thay vì vậy, việc trả lời cho một câu hỏi như: “phương pháp trị liệu nào hữu ích cho thân chủ nào, với vấn đề nào và với nhà trị liệu như thế nào?” có lẽ sẽ được diễn đạt tốt hơn. Không phải tất cả các thân chủ, nhà trị liệu, phương pháp trị liệu và thời gian trị liệu đều tương ứng nhau. Vì những lý do này, việc nghiên cứu về trị liệu cần nhắm vào cả lý thuyết và thực hành. 

Trị liệu tâm lý là có hiệu quả, nhưng việc nghiên cứu được thực hiện để khảo sát đã không được hòan hảo như các nhà tâm lý thực hành mong muốn. Các chiến lược nghiên cứu mới về trị liệu tâm lý còn đang được triển khai. Khi có thêm nhiều nghiên cứu được hoàn chỉnh, chúng ta có thể thấy rõ phương pháp trị liệu nào là hiệu quả đối với rối loạn nào, cho đối tượng nào.

Về mặt thực hành, làm thế nào thân chủ và nhà trị liệu biết được việc trị liệu là có tiến bộ? Theo Mahrer và Nadler (1986), có 11 dấu hiệu của tiến triển tốt trong trị liệu:
1.     Thân chủ đang cung cấp và bộc bạch những tư liệu riêng tư có ý nghĩa
2.     Thân chủ đang khám phá những ý nghĩa của cảm xúc và sự việc
3.     Thân chủ đang khám phá những tư liệu mà họ tránh né trước khi trị liệu
4.     Thân chủ đang bày tỏ khả năng nội thị đáng kể trong hành vi cá nhân của họ
5.     Thân chủ có cách giao tiếp chủ động, nhanh nhẹn, giàu nghị lực
6.     Có một quan hệ quý trọng lẫn nhau giữa nhà trị liệu và thân chủ
7.     Thân chủ tự do bày tỏ những cảm xúc mạnh của mình (tích cực hoặc tiêu cực) đối với nhà trị liệu
8.     Thân chủ bày tỏ những cảm xúc mạnh ngoài thời gian trị liệu
9.     Thân chủ hướng đến một hệ thống những đặc trưng nhân cách khác
10.  Thân chủ biểu hiện sự cải thiện khả năng ngoài lúc trị liệu
11.  Thân chủ cho thấy có tình trạng tổng quát tốt, những cảm xúc tốt và thái độ tích cực.

LIỆU PHÁP NỘI THI (INSIGHT THERAPY)

Khi trải qua những thay đổi trong cuộc sống, đôi lúc con người sẽ thay đổi những ứng xử theo cách khác với bình thường. Một số người trở nên sống cô lập, một số người bị trầm cảm; một số tìm kiếm những quan hệ mới. Tom Gredler, người mở đầu chương sách này, đã bị những cơn lo âu, Tom đã tìm sự giúp đỡ của nhà trị liệu, và để làm việc đó, đầu tiên ông phải cố gắng hiểu được những cảm xúc của mình. Nếu Tom đến gặp một nhà trị liệu nội thi (insight therapist), có lẽ ông sẽ phải giành nhiều thời gian để khám phá những mối quan hệ và những cảm xúc trước đây đối với những người có ý nghĩa trong đời của ông. Thông qua việc khám phá bằng lời nói ấy, Tom có thể nhận biết được những mâu thuẫn quan trọng trong đời sống của ông, cũng như những động lực thực sự của ông.

Hai điều mặc định cơ bản của liệu pháp nội thị là: (1) việc nhận ra động cơ của bản thân sẽ giúp đương sự thay đổi và trở nên thích nghi hơn; và (2) những mâu thuẫn mà đương sự không tự nhận biết được (và do vậy không giải quyết được) là nguyên nhân của tình trạng kém thích nghi. Mục đích của liệu pháp nội thị là chữa trị những nguyên nhân của hành vi bất thường hơn là chữa trị chính những hành vi đó. Liệu pháp nội thị giúp thân chủ xem xét đời sống dưới một nhãn quan khác để họ có thể lựa chọn những lối sống thích nghi hơn. Phần này sẽ trình bày tiêu biểu 3 phương pháp của liệu pháp nội thị.

Phân tâm học (Psychoanalysis)

Phân tâm học của Freud chú trọng giúp người bệnh bộc lộ những động cơ vô thức - Những động cơ đã dẫn đến những mâu thuẫn tâm lý và hành vi kém thích nghi. Phân tâm học được thực hiện bởi các nhà trị liệu được đào tạo chuyên biệt về lý thuyết lẫn thực hành. Hầu hết các nhà tâm lý lâm sàng, kể cả những người định hướng theo kiểu trị liệu nội thị, đều không phải là các nhà phân tâm. Tuy nhiên, nhiều nhà trị liệu sử dụng một liệu pháp có ít liên hệ hoặc bắt nguồn từ lý thuyết của Freud. Các nhà tâm lý cho rằng những lý thuyết như vậy được dựa trên cơ cấu tâm động học (psychodynamic).

Phương pháp phân tâm không phải là thích hợp với tất cả mọi người, vì có nhiều vấn đề khó khăn khi thực hiện phân tâm như: người bệnh phải tham gia tích cực, phải phát âm rõ ràng, có khả năng nắm bắt được những mối quan hệ phức tạp và tinh vi đang được khám phá. Nhiều người đến trị liệu đã không tham gia tích cực hoặc không đủ khả năng tài chính để theo đuổi trị liệu phân tâm. Việc trị liệu phân tâm cổ điển bao gồm việc gặp gỡ nhà phân tâm 1 giờ mỗi ngày, 5 ngày/ tuần, một trị liệu phân tâm điển hình có thể tốn đến 100.000 USD. Nhiều người rõ ràng đã không thể đầu tư đủ thời gian, tiền bạc và sức lực cần thiết để hòan tất đủ một quá trình trị liệu phân tâm.

Mục đích trị liệu     
 Theo lý thuyết Freud, các mâu thuẫn giữa những suy nghĩ và quá trình vô thức gây ra hành vi kém thích nghi. Là kết quả của một sự mất cân bằng giữa cái Ấy (Id), cái Tôi (Ego) và cái Siêu Tôi (superego). Những mâu thuẫn này hiếm khi được đương sự nhận biết trực tiếp. Những người tìm đến trị liệu tâm lý đã không hài lòng với hành vi của họ, nhưng lại không có khả năng thay đổi được. Mục đích của trị liệu phân tâm là giúp người bệnh hiểu được những động cơ vô thức đã kiềm giữ không cho họ thay đổi. Chỉ khi người bệnh nhận biết được những động cơ vô thức đã chi phối hành vi của họ, lúc đó họ mới thực sự tự do chọn lựa những hành vi mà từ đó cho phép họ hướng đến đời sống mãn nguyện hơn. Vì trị liệu phân tâm dựa trên sự phát triển mối tương quan đặc biệt giữa nhà trị liệu và bệnh nhân, cho nên tính tương hợp (compatibility) là điều bắt buộc. Trong vài buổi gặp đầu tiên, nhà trị liệu và bệnh nhân phải quyết định xem mình có thoải mái để cùng làm việc với nhau hay không.
Kỹ thuật
Trị liệu phân tâm sử dụng một vài kỹ thuật được thiết kế để giúp người bệnh và nhà trị liệu đưa ra ánh sáng và khảo sát những đòi hỏi gây mâu thuẫn của nhân cách người bệnh. Hầu hết những kỹ thuật này là đặc hiệu của phân tâm học. Ví dụ, người bệnh trong trị liệu phân tâm kinh điển sẽ nằm trên một băng ghế, và nhà trị liệu thì ngồi ngoài tầm nhìn của người bệnh. Kiểu bố trí này cho phép bệnh nhân cám thấy thư giãn hơn, ít lo sợ hơn khi có sự hiện diện của nhà trị liệu. Tương tự, vì Freud tin rằng những hành vi hiện nay có thể là kết quả của những động cơ vô thức có cơ sở từ những kinh nghiệm hoặc những sang chấn từ thời thơ ấu, nhiều kỹ thuật được dùng trong phân tâm học có liên quan đến việc khám phá những kinh nghiệm trước đó. Những đồ đệ của Freud ít nhiều bớt cứng nhắc hơn trong khi sử dụng các kỹ thuật của Freud. Ví dụ, các nhà phân tâm hiện nay thường dùng cách tiếp xúc mặt-đối-mặt hơn là sử dụng chiếc ghế dài. Các kỹ thuật sắp bàn đến dưới đây thường được cập nhật để thỏa mãn những yêu cầu của nhà phân tâm học và bệnh nhân.


Hai kỹ thuật chính trong phân tâm học là liên tưởng tự do (free association) và phân tích giấc mộng (dream analysis). Trong liên tưởng tự do, bệnh nhân được yêu cầu hãy nói ra bất kỳ điều gì xảy ra trong đầu mình, dẫu cho nó có vẻ rất tầm thường hoặc vô nghĩa, và dù cho người bệnh có muốn hay không muốn bộc lộ những ý nghĩ nó ra hay không. Những mục đích của liên tưởng tự do là nhằm giúp người bệnh nhận diện những mối liên hệ và những mô hình trong ý nghĩ của họ và cho phép vô thức tự thể hiện mà không bị “kiểm duyệt”. Mặc dù người bệnh có khuynh hướng tự kiểm duyệt những ý nghĩ, ký ức, suy nghĩ mà họ thấy xấu hổ, ngượng ngùng hoặc khó nói đến, một người nếu làm việc tích cực với nhà trị liệu phân tâm sẽ không cố kiềm giữ bất kỳ một thông tin nào.

Trong phân tích giấc mộng, người bệnh được yêu cầu mô tả lại giấc mơ của mình cho nhà trị liệu một cách chi tiết. Nhà trị liệu thậm chí còn khuyến khích người bệnh mơ mộng. Freud tin rằng giấc mơ là phản ánh của vô thức trong cố gắng tự thể hiện một cách có ý thức. Vì những giấc mơ cung cấp một con đường đi đến những tư liệu của cõi vô thức, mục đích của phân tích giấc mộng là khám phá, với sự giúp đỡ của nhà trị liệu, ý nghĩa của những giấc mơ của bệnh nhân và vì thế sẽ bộc lộ những ước muốn, những động cơ vô thức của người ấy.

Hai khái niệm khác của phân tâm học là kháng cự (resistance) và chuyển di (transference). Kháng cự (hoặc phản kháng) là tình trạng người bệnh không sẵn lòng hợp tác với nhà trị liệu, đôi khi đến mức chống đối. Nhà phân tâm thường diễn giải hành vi này có nghĩa là người bệnh mong muốn tránh né việc bàn đến một chủ đề riêng biệt nào đó; hoặc là một giai đoạn đặc biệt khó khăn của việc trị liệu đang đến gần. Để giảm thiểu khả năng kháng cự, nhà trị liệu phải cố gắng chấp nhận hành vi của người bệnh. Khi nhà trị liệu không phán xét, mà chỉ lắng nghe, người bệnh sẽ dễ dàng hơn trong việc giải thích và mô tả các cảm xúc của mình một cách hoàn toàn. Người bệnh cũng học được cách chấp nhận những cảm xúc ấy.
       Trong hiện tượng chuyển di, người bệnh chuyển những cảm xúc có được về một mối quan hệ trước đây sang cho nhà trị liệu. Bằng cách cho phép sự chuyển di xảy ra, nhà trị liệu sẽ tạo cơ hội cho người bệnh hiểu được những cảm xúc ấy tốt hơn và có thể hướng dẫn hoặc điều khiển đương sự trong việc thám sát những tư liệu bị dồn nén hoặc khónhận biết. việc khảo sát những ý nghĩ hay cảm xúc mà trước đó được coi là không thể chấp nhận được (và vì thế bị dồn nén) sẽ giúp người bệnh hiểu được và xác định được những mâu thuẫn nằm phía sau chi phối những hành vi của người ấy.

Nhà phân tâm theo hướng ego-analysis (Phân tích cái Tôi)


Một số nhà phâm tâm được gọi là ego-analysist hoặc ego-pshychologist đã cải biên một số ý tưởng của Freud về phân tâm học. Giống như Freud, các nhà phân tâm này coi phân tâm học là phương pháp thích hợp để trị liệu những bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc. Tuy nhiên, không giống Freud, họ cho rằng con người có thể kiểm soát có ý thức đối với những đòi hỏi bức bách về mặt sinh học: kiểm soát việc chúng có thể được bộc lộ hay không, bộc lộ khi nào, bằng cách nào. Những nhà phân tâm theo nhóm này chấp nhận một liệu pháp nhằm giúp người bệnh phát triển mạnh hơn khả năng kiểm soát của cái Tôi, tức phần nhân cách điều hành theo những nguyên lý thực tế và cố gắng kiểm soát hành vi bằng cách đáp ứng một cách thực tế đối những đòi hỏi của môi trường. Các nhà phân tâm cổ điển chủ yếu chú trọng đến phần vô thức trong cái Ấy và cái Siêu Tôi, và sau đó mới làm gia tăng khả năng kiểm soát của cái Tôi ở người bệnh.

Tính hiệu quả
Vì trị liệu phân tâm quá tốn tiền và mất thời giờ, nên dễ hiểu là đã có sự lưu ý về tính hiệu quả của nó. Ít có nghiên cứu so sáng nào được thực hiện để cho thấy trị liệu phân tâm có hiệu quả như những liệu pháp khác, trừ việc nó không hiệu quả hơn những liệu pháp khác.

Liệu pháp thân chủ trọng tâm (Client-centered therapy)


Liệu pháp thân chủ trọng tâm được phát triển bởi Carl Rogers, cũng là liệu pháp nội thị, nhưng khác với phân tâm học, nó cho rằng con người có khả năng đáng kể về lựa chọn, kiểm soát và ý chí tự do trong việc xác định hành vi của họ. Freud nhìn thấy con người vốn dĩ có tính ích kỷ và thích hưởng lạc, và những vấn đế về hành vi được xem xét là do những xung năng có tính đối kháng (conflicting impulses). Trái lại, Rogers lại nhìn thấy con người cơ bản là những cá thể tốt, thuần thục và có tính xã hội, luôn tiến bộ và trưởng thành hơn. Đối với các nhà trị liệu theo trường phái Rogers, các hành vi “có vấn đề” xảy ra khi môi trường ngăn cản đương sự phát triển và thể hiện tiềm năng vốn có của con người. Những mặc định sau đây giúp định hình liệu pháp của Rogers:
1. “Nhân chi sơ tính bổn thiện” con người vốn dĩ là tốt, có thể đương đầu hiệu quả với môi trường
2. Hành vi của con người là có mục đích, được chi phối bởi những mục đích
3. Những người lành mạnh có thể nhận biết mọi hành vi của họ và có thể lựa chọn mô hình hành vi của họ
4. Những hành vi của thân chủ chỉ có thể được hiểu từ những quan điểm của người đó. Ngay cả khi thân chủ không diễn giải được những sự kiện trong thế gian, nhà trị liệu phải hiểu được cách thức thân chủ xem xét những sự kiện này
5. Trị liệu chỉ hiệu quả khi thân chủ thay đổi hành vi của mình, chứ không phải khi nhà trị liệu thực hiện điều đó.

Mục đích trị liệu
       Roger xem nhân cách được cấu trúc xung quanh cái Ngã (self). Ông tin rằng con người có một khuynh hướng bẩm sinh muốn hiện thực hóa chính mình cùng những khả năng của mình. Trong suốt cuộc đời, con người sẽ đi về hướng cái Ngã lý tưởng (Ideal self) của mình, trở nên trưởng thành được thỏa mãn nhờ quá trình tự hiện thực hóa(self-actualization). Sự hiểu biết cái Ngã cũng là điểm trung tâm trong liệu pháp của Rogers.
Mục đích của liệu pháp Rogers là giúp cho con người thực hiện những thay đổi: giải phóng những tiềm năng sẵn có ở một con người vốn có năng lực thuần thục. Theo Rogers thân chủ yêu cầu nhà trị liệu giúp đỡ họ trong tiến trình tự hiện thực hóa và hình thành cái Ngã mạnh mẽ. Một nhà trị liệu theo phương pháp Rogers không mang đến một sựchữa trị (cure). Thay vào đó nhà trị liệu sẽ giúp thân chủ có một nhãn quan thực tế (một ý nghĩa về một cái Ngã) rồi từ đó xem xét thế giới.

Kỹ thuật
Để giúp thân chủ khám phá và hiện thực hóa một cái Ngã chưa được khám phá, liệu pháp thân chủ trọng tâm của Rogers có tính chất không hướng dẫn (non-directive). Trong liệu pháp không hướng dẫn, nhà trị liệu sẽ không hướng dẫn thân chủ, mà tạo điều kiện cho thân chủ phát triển khả năng tự xem xét. Thân chủ học cách đánh giá thế giới dựa trên những ưu điểm của chính mình, với sự diễn giải rất ít của nhà trị liệu. Nhà trị liệu sẽ xem xét thân chủ và tình trạng sức khỏe của thân chủ từ chính quan điểm của người đó. Thậm chí, dùng chữ “thân chủ” thay cho chữ “bệnh nhân” cũng là điều bắt buộc trong phương pháp trị liệu của Rogers. Trong phân tâm học, nhà trị liệu hướng dẫn người bệnh cách “chữa trị” và giúp họ hiểu được hành vi của họ. Trong liệu pháp Rogers, nhà trị liệu không phải có uy quyền toàn năng. 

Một “giáo lý” cơ bản của phương pháp trị liệu thân chủ trọng tâm là nhà trị liệu phải là người ôn hòa, biết chấp nhận, biết thể hiện những cảm xúc tích cực đối với thân chủ. Để hóa giải những kinh nghiệm tiêu cực của thân chủ đối với những nguời không biết chấp nhận, vì thế đã tin rằng mình là người “xấu”, nhà trị liệu phải bày tỏ sự tôn trọng vô điều kiện và sự quan tâm tích cực. Họ cố gắng chấp nhận và nhận biết một cách đầy đủ những tình cảm của thân chủ, khuyến khích thân chủ nói ra những cảm xúc ấy, bất kể thân chủ nói hoặc làm điều gì. Sự thấu cảm(empathic understanding) này là một phần quan trọng trong quan hệ điều trị. Nhà trị liệu chấp nhận thân chủ là một người vừa có điểm tốt vừa có điểm không tốt, tôn trọng các giá trị của thân chủ.

Trong liệu pháp thân chủ trọng tâm, thân chủ học cách đánh giá lại thế giới bằng cách sử dụng hệ tham chiếu mới. Riêng trong liệu pháp Rogers, thân chủ phải học cách làm rõ và chấp nhận những quan điểm của chính họ để cảm thấy mình có giá trị và được mãn nguyện. Mặc dù cách nhà trị liệu thân chủ trọng tâm có tính chất không hướng dẫn, tuy vậy họ vẫn phải được đào tạo thuần thục. Khi họ phát hiện ra một hành vi hoặc một thái độ không đúng, họ có thể hướng dẫn thân chủ đơn giản bằng cách đặt câu hỏi thích hợp, hoặc đáp ứng lại bằng những lời cảm thán “ồ” hay “à, à”. Thậm chí, chỉ bằng những cử động nhỏ như một cái gật đầu, một cái khoát tay họ có thể giúp thân chủ đi đúng hướng.
       Trong liệu pháp Rogers, nhà trị liệu và thân chủ ngồi đối diện nhau, thường là ngồi trên những chiếc ghế đặt cùng một bên của bàn làm việc.  Một không khí làm việc tập trung được duy trì thay vì một không khí thư giãn, và thân chủ được dẫn vào cuộc hội thoại. Lúc đầu, thân chủ có khuynh hướng bày tỏ những thái độ và ý tưởng được người khác chấp nhận. Vì thế, một cảm giác ép buộc phải thành công có thể nói “tôi nên đạt điểm cao trong các khóa học của mình” khi cô muốn ngụ ý rằng “bởi vì cha mẹ tôi mong muốn tôi thành đạt”. Khi cuộc trị liệu tiếp diễn và thân chủ cảm nhận được sự thấu cảm từ nhà trị liệu, người nữ thân chủ thường sẽ dùng những ý tưởng của chính mình để đánh giá bản thân. Kết quả là cô sẽ nói về mình bằng những cách tích cực hơn và cố gắng cư xử như chính cô muốn hơn là theo cách mà cô nghĩ là người khác muốn cô phải có. Giờ đây, cô có thể tuyên bố đại loại như: “Tôi nên đạt điểm cao trong các khóa học vì chúng có ý nghĩa với tôi”. Lời tuyên bố này phản ánh một tái độ mới, tích cực hơn, dễ chấp nhận hơn về chính bản thân cô. Khi thân chủ cảm nhận tốt hơn về chính mình, cô sẽ dần dần yêu cầu nhà trị liệu cho cô biết làm thế nào để đương đầu với thế giới và có thể cô đã sẵn sàng rời khỏi sự trị liệu.

Liệu pháp Gestalt

Liệu pháp Gestalt khác biệt đáng kể so với phân tâm học và liệu pháp thân chủ trọng tâm. Nó thoát ra khỏi những cách trị liệu nội thị cổ điển như phân tâm học, bằng cách nhấn mạnh vào cảm xúc và hành vi hiện có. Liệu pháp này cho rằng con người có trách nhiệm với chính mình và đời sống của mình, và điều cần chú trọng không phải là quá khứ mà là hiện tại.

Fredrick S. Perls (1893-1970) là người khởi xướng liệu pháp Gestalt. Là một thầy thuốc và là một nhà phân tâm được đào tạo tại châu Âu, ông đã đến Hoa Kỳ và nói chung được xem như một kẻ bị giới phân tâm ruồng bỏ. Thay vì nhấn mạnh lý do “tại sao” của những hành vi trong quá khứ như Freud và Rogers, Perls nhấn mạnh vào những sự kiện trong hiện tại là “cái gì” và diễn ra “như thế nào”. Perls cho rằng cách tốt nhất để giúp bệnh nhân chấm dứt lo âu và các cảm giác không thoải mái khác là phải nhắm vào sự hiểu biết và nhận thức của người bệnh về thế giới trong hiện tại hơn là những tình huống và kinh nghiệm trong quá khứ.

Mục đích trị liệu

Các nhà trị liệu Gestalt tin rằng những người không nhận biết một cách đầy đủ những sự kiện xung quanh họ sẽ cảm thấy yếu đuối, bị cách ly, tràn ngập sự căng thẳng, và bị héo mòn dần.

Bởi những nỗi sợ hãi, lo âu khiến che phủ sự nhận biết của họ về thực tại. Chỉ khi nào đương sự nhận biết được cái gì “tại đây và vào lúc này” (here and now) thì họ mới trở nên nhạy cảm với những căng thẳng và dồn nén mà trước đó đã gây ra nơi họ những hành vi kém thích nghi. Một khi họ nhận biết được những cảm xúc hiện tại của mình và chấp nhận chính mình, người bệnh sẽ có thể hiểu hành vi trước đây và hoặc định những hành vi thích hợp trong tương lai. Vì thế, mục đích của liệu pháp Gestalt là mở rộng sự nhận biết của người bệnh về những thái độ và cảm xúc trong hiện tại (self-awareness), và từ đó chức năng thích nghi tự nhiên có thể họat động trở lại.

Từ quan điểm của trường phái Gestalt, một người lành mạnh là người đang tiếp xúc với những cảm xúc của mình và với thực tế. Khi một người có một “công việc chưa hoàn tất”, hoặc một mâu thuẫn chưa được giải quyết, những cảm xúc này phải được giải quyết (Perls gọi những mâu thuẫn này là những “Gestalt chưa hoàn tất”). Vì thế, việc trị liệu theo các nhà tâm lý Gestalt nhắm vào việc tái lập lại và hướng đương sự trở về cái Ngã toàn vẹn của chính mình.

Kỹ thuật

Liệu pháp Gestalt không tập trung vào việc bộc lộ các căn nguyên từ quá khứ đối với các hành vi hiện tại. Nó khảo sát những cảm xúc và hành vi mà thân chủ có lẽ không nhận biết được. Liệu pháp Gestalt nên được xem là một liệu pháp dựa trên kinh nghiệm được thiết kế nhằm giúp thân chủ tự phát triển một cách hoàn hảo hơn trước những tình huống hiện tại. Nhà trị liệu thường yêu cầu tập trung vào những cảm xúc trong hiện tại về một kinh nghiệm khó khăn trong quá khứ. Giả định cơ bản cho rằng những cảm xúc được biểu lộ hiện tại có thể được hiểu và giải quyết dễ dàng hơn là những đáp ứng và những sự kiện được gợi nhớ lại. Vì thế, các nhà trị liệu Gestalt có thể yêu cầu người bệnh làm sống lại một tình huống và bàn về điều đó như thể nó đang xảy ra trong hiện tại.

Nhiều kỹ thuật Gestalt được thiết kế để giúp bệnh nhận tỉnh táo hơn đối với những cảm giác quan trọng trong bản thân họ và về môi trường xung quanh họ. Một trong số những kỹ thuật đó là cho người bệnh thay đổi cách thức mà họ nói về thế giới, để nói về những cảm xúc và tình cảm như thể chúng là của một người khác. Một kỹ thuật khác là yêu cầu thân chủ cư xử theo một cách thức trái ngược lại với cách mà họ cảm thấy. Ví dụ, một người cảm thấy thù địch và gây hấn với ông chủ của mình có thể được yêu cầu hãy cư xử như thể anh ta có một mối quan hệ ôn hòa và đầy tình cảm với ông chủ của mình. Quan điểm cho thân chủ sử dụng những lời lẽ khác và giải quyết tình huống theo những cách khác là nhằm giúp họ hiểu được cảm xúc thật sự của họ và vì thế mở rộng những hiểu biết của họ về thế giới. Những lo âu trước đó được kinh qua trong hiện tại và được hướng vào những hành vi có tính xã hội hơn, sáng tạo hơn.


Mục đích trị liệu là nhằm giúp người bệnh giải quyết những mâu thuẫn cũ và cho phép họ giải quyết được những mâu thuẫn trong tương lai. Việc trị liệu không “cố định” con người; hơn nữa, nó còn giúp chính bản thân họ và cho phép họ sống thích nghi trong tương lai.

      Bảng tóm tắt các liệu pháp nội thị

Liệu pháp
Mục đích
Kỹ thuật

Phân tâm học

Khám phá những mâu thuẫn và các đòi hỏi bản năng bị dồn nén; cho thấy bản năng chi phối hành vi hiện tại như thế nào.
Liệu pháp hướng dẫn, trong đó nhà phân tâm đóng vai trò chủ động diễn giải các giấc mộng và liên tưởng tự do của người bệnh.
Liệu pháp thân chủ trọng tâm
Giúp đương sự có một cách nhìn để thích nghi, tự hiện thực hóa và thỏa mãn những tiềm năng cá nhân.
Liệu pháp không hướng dẫn, trong đó thân chủ tự phân tích hành vi của chính mình; môi trường trị liệu hoàn toàn có tính chấp nhận với sự quan tâm vô điều kiện của nhà trị liệu.
Liệu pháp Gestalt
Mở rộng khả năng nhận biết về tình huống hiện tại và tái lập các chức năng tự nhiên
Liệu pháp tự chọn trong đó thân chủ được yêu cần xem xét thế giới theo một nhãn quan khác và được khuyến khích nhắm vào các tình huống hiện tại hơn là quá khứ.



Liệu pháp hành vi (Behavior Therapy)

Một số người không muốn bàn về những kinh nghiệm thời thơ ấu, khám phá những động cơ vô thức, hoặc tìm kiếm giải pháp cho những mâu thuẫn nội tâm. Giống như Tom Gredler, họ chỉ muốn làm sao để hòa hợp với công việc và đời sống gia đình. Đôi khi, các nhà trị liệu đồng ý rằng vấn đề đưa thân chủ vào liệu pháp nội thị không bảo đảm được một sự khám phá như thế; và liệu pháp hành vi thường được lựa chọn.

Nhưng cũng có những lý do khác. Nếu Tom tìm đến một nhà trị liệu hành vi vì ông bị chứng lo âu, nhà trị liệu có lẽ sẽ chỉ dẫn cho Tom làm thế nào để giải quyết và làm giảm bớt lo âu. Việc khám phá những mâu thuẫn hoặc động cơ nội tại có lẽ sẽ được giới hạn ở mức tối thiểu hoặc không cần đến. Các nhà trị liệu luân phiên chú trọng đến việc hướng dẫn cho Tom những hành vi có tính thích nghi hơn và giúp ông loại bỏ những hành vi cũ kém thích nghi đã dẫn đến chứng lo âu.

Liệu pháp hành vi, hoặc đôi khi gọi là sửa đổi hành vi, liên quan đến việc áp dụng một cách hệ thống các nguyên lý học tập (learning principles) để giúp con người thay thế những hành vi kém thích nghi bằng những hành vi mới.


Nhà trị liệu hành vi không quan tâm nhiều đến những nguồn gốc của một hành vi, mà chỉ quan tâm đến việc thay đổi hành vi. Vì thế, mục đích trị liệu cho một người có tình trạng căng thẳng là làm sao để loại bỏ tình trạng đó. Vì trọng tâm trị liệu là hành vi hiện có, nên ngay cả khi nhà trị liệu không kết luận được chắc chắn những nguyên nhân của hành vi có vấn đề ấy, thì sự thiếu những thông tin như thế vẫn không ảnh hưởng nhiều đến phương pháp trị liệu. Các nhà trị liệu hành vi trước tiên sẽ cho đương sự học cách loại bỏ những hành vi cũ, sai lầm và sau đó sẽ học những hành vi mới. Sự nội thị (insight) không được xem là cần thiết cho sự thay đổi hành vi, và những khái niệm nhưđộng cơ vô thức (unconsious motivation) cũng không được sử dụng.

Các nhà trị liệu hành vi cho rằng con người biểu hiện những hành vi bất thường bởi vì họ có vấn đề kém thích nghi với tình huống của họ; nếu như họ được hướng dẫn những cách đối phó mới, tình trạng kém thích nghi sẽ không còn.

Các nhà trị liệu hành vi không luôn chú trọng đến những vấn đề về hành vi, nguồn gốc đưa thân chủ đến với trị liệu. Đôi khi, trong lúc xem xét các vấn đề của thân chủ, nhà trị liệu có thể nhận thấy rằng vấn đề hiện tại của thân chủ được gây nên bởi một số tình huống khác. Trong trường hợp đó, nhà trị liệu có thể quyết định tập trung vào việc thay đổi tình huống căn nguyên. 

Ví dụ, nhà trị liệu có thể khám phá ra rằng việc hôn nhân của thân chủ bị “trục trặc” do có quá nhiều cuộc cãi vã với người bạn đời và sự cãi vã thường xảy ra một lúc sau khi uống nhiều rượu. Nhà trị liệu có thể khám phá thêm rằng việc uống rượu lại hay xảy ra sau một ngày làm việc căng thẳng ở cơ quan, mà điều này càng trầm trọng thâm do thân chủ đặt ra những kỳ vọng quá cao cho chính năng suất làm việc của mình. Trong tình huống đó, nhà trị liệu có lẽ sẽ tập trung vào việc giúp thân chủ phát triển những tiêu chuẩn thực tế từ đó làm giảm nhẹ căn nguyên nguồn gốc gây ra vấn đề của anh ta tức là sự căng thẳng được cảm thấy tại cơ quan. Nhà trị liệu tập trung giúp thân chủ phát triển những tiêu chuẩn thực tế phù hợp với những khả năng đã được biết rõ của thân chủ, những năng lực làm việc trong quá khứ, và khả năng thực tế trong tương lai.

Những thân chủ trong liệu pháp hành vi không được khuyến khích nhận lấy những giá trị của nhà trị liệu hoặc diễn giải những sự kiện trong quá khứ để tìm ý nghĩa của chúng. Mặc dù một nhà trị liệu hành vi có thể làm bộc lộ một chuỗi sự kiện dẫn đến một hành vi đặc hiệu, nhưng khám phá đó sẽ không gợi ra một sự đi sâu khảo sát những kinh nghiệm trước kia của thân chủ. Thật vậy, các nhà trị liệu hành vi xem sự thăm dò không cần thiết trước kia của thân chủ là một sự xâm phạm đời tư cá nhân.

Mục đích trị liệu

Mục đích của sự thay đổi hành vi là gây ảnh hưởng đối với hành vi hiện có bằng cách sử dụng những nguyên lý học tập cơ bản nhằm tái cấu trúc những đáp ứng của đương sự. Sử dụng một mô hình giáo dục hơn là y khoa, một nhà trị liệu hành vi hướng dẫn cho thân chủ những kỹ năng hơn là chữa trị một căn bệnh. 

Các nhà trị liệu hành vi cho rằng hành vi của con người bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong môi trường sống của họ, trong cách thức mà họ đáp ứng với môi trường và trong cách mà họ quan hệ với người khác. Dĩ nhiên, khi đương sự bước vào một quan hệ trị liệu, nhiều hành vi của họ có thể thay đổi, không chỉ riêng hành vi được điều trị đặc hiệu. Vì thế, một người được điều trị vì chứng tic do căng thẳng (nervous tic) có thể thấy rằng không chỉ tần số của tic giảm đi, mà anh ta còn trở nên tham gia một cách dễ dàng hơn vào những cuộc thảo luận về các chủ đề tình cảm và làm việc tốt hơn. Ngoài ra, các nhà trị liệu hành vi cho rằng, một khi hành vi của một người được thay đổi, nhiều thái độ, nỗi lo sợ và những mâu thuẫn cũng có thể trở nên dễ được sửa đổi hơn.

Hầu hết các nhà trị liệu nội thị cho rằng nếu chỉ có hành vi biểu hiện công khai được điều trị thì sự thay thế triệu chứng sẽ xảy ra. Thay thế triệu chứng (symptom substitution) là sự xuất hiện một hành vi này để thay thế cho một hành vi khác đã bị loại bỏ do được trị liệu. Vì thế, theo các nhà trị liệu nội thị, nếu nhà trị liệu chỉ loại bỏ tic do căng thẳng mà không xem xét đến các nguyên nhân bên dưới của tình trạng tic đó, thân chủ có thể sẽ biểu lộ rối loạn của mình bằng cách phát sinh một triệu chứng khác như nói lắp chẳng hạn. Trái lại, nhà trị liệu hành vi thì cho rằng sẽ không xảy ra sự thay thế triệu chứng.

Một vài nghiên cứu đã hỗ trợ quan điểm của các nhà hành vi học: Nếu trị liệu bao gồm việc sử dụng đúng các nguyên tắc hành vi thì sự thay thế triệu chứng sẽ không xảy ra. Dữ liệu cũng cho thấy rằng liệu pháp hành vi ít nhất cũng hiệu quả như liệu pháp nội thị và trong một số trường hợp còn hiệu quả hơn.

Các kỹ thuật cơ bản

Tất cả các thông số quan trọng đối với liệu pháp nội thị cũng quan trọng đối với liệu pháp hành vi. Bầu không khí trong hai kiểu gặp gỡ làm việc dường như giống nhau đối với tất cả thân chủ lẫn nhà quan sát. Tuy nhiên, những kỹ thuật áp dụng nói chung khác nhau rất nhiều.


Liệu pháp hành vi nói chung bao gồm ba thể thức: (1) Nhận diện hành vi có vấn đề và tần số xuất hiện của nó; (2) Trị liệu chính hành vi đó, có thể gồm giáo dục lại (reeducation), huấn luyện giao tiếp (communication training) và một số hình thức điều kiện hóa ngược (counter-conditioning); (3) sau đó quan sát để đánh giá xem có sự thay đổi hành vi lâu dài hay không. Nếu thân chủ vẫn thể hiện hành vi theo kiểu mới, nhà trị liệu có thể biết rằng việc trị liệu đã có hiệu quả.

Liệu pháp hành vi sử dụng bốn kỹ thuật tổng quát để giúp các thân chủ thay đổi hành vi của họ: điều kiện hóa có tác động (operant conditioning), điều kiện hóa ngược (counter-conditioning), làm mẫu (modeling) và tái cấu trúc nhận thức (cognitive restructuring). Trước khi mô tả các kỹ thuật, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng việc trị liệu thường bao gồm một hoặc nhiều kỹ thuật phối hợp với nhau. Một rối loạn phức tạp, nhà trị liệu càng cần phải lồng ghép, phối hợp và sử dụng một tập hợp nhiều kỹ thuật trị liệu khác nhau.

Một nhà trị liệu cũng có thể sử dụng một vài kỹ thuật trị liệu hành vi khác nhau hoặc phối hợp các kỹ thuật trị liệu nội thị với trị liệu hành vi. Một nhà trị liệu tâm lý giỏi sẽ áp dụng bất kỳ sự phối hợp kỹ thuật nào cần thiết để giúp đỡ thân chủ một cách đầy đủ và hiệu quả. Khi nhà trị liệu phối hợp các phương pháp, cách này gọi là phương pháp chiết trung (eclectic approach)

Điều kiện hóa có tác động (operant conditioning)

Điều kiện hóa có tác động bao gồm việc tạo ra sự củng cố (reinforcer) và khen thưởng (reward) một cách tích cực đối với những đáp ứng đúng. Sự củng cố là bất kỳ điều gì làm gia tăng khả năng tái xuất hiện một đáp ứng đã có trước đó. Việc củng cố có thể được sử dụng để phát triển và duy trì những hành vi có ích. Ngoài ra, loại bỏ một sự củng cố tích cực cũng có thể dùng để làm giảm tần số xuất hiện của những hành vi chống đối xã hội (antisocial behavior). Những kỹ thuật củng cố tích cực (positive reinforcement techniques) đã được áp dụng ở những nơi như lớp học, bệnh viện tâm thần, nhà tù, nhà hàng… Chúng cũng được dùng để giúp cho những ai muốn làm giảm cân, bỏ thuốc lá hoặc muốn có bạn mới.

Các thủ thuật điều kiện hóa có tác động được sử dụng trong nhiều hệ thống để tạo ra những hành vi mong muốn, bao gồm việc gia tăng tốc độ đọc, cải thiện hành vi học tập trong lớp, ăn mặc đúng cách, và giữ vệ sinh cá nhân. Chúng có công dụng hữu hiệu nhất đối với trẻ em có tính chống đối xã hội, những người học chậm, hoặc những người kém thích nghi. Một số nhà nghiên cứu thấy chúng cũng có hiệu quả đối với những bệnh nhân trong bệnh viện tâm thần. 

Ví dụ, Ayllon và Haughton (1964) đã hướng dẫn nhân viên của họ áp dụng cho những bệnh nhân nằm viện kỹ thuật củng cố khả năng diễn đạt lời nói khi loạn tâm (psychotic verbalization) trong một thời gian; rồi củng cố khả năng diễn đạt lời nói lúc ổn định (neutral verbalization) trong một khoảng thời gian khác. Như dự kiến, tần số của diễn đạt lời nói loạn tâm tăng lên khi được củng cố, và giảm khi không được củng cố. Bất kể hành vi mong muốn là gì, phương pháp nói chung đều giống nhau; bởi vì một hành vi được củng cố có khuynh hướng tái xuất hiện trở lại, các nhà trị liệu thì chỉ củng cố những hành vi mong muốn.

Kinh tế qui đổi (token economy)

Trong kinh tế qui đổi, những người tham gia sẽ nhận được những vật qui đổi (token) khi họ thực hiện được những hành vi phù hợp. Sau đó, họ có thể dùng vật này để đổi lấy một tiết mục hoặc một họat động khác có tính củng cố tích cực, như kẹo, quần áo mới, hoặc những trò chơi. Một vật qui đổi được dùng trong kinh tế qui đổi theo cách thức rất giống như tiền được sử dụng trong xã hội. Người càng có nhiều vật qui đổi thì càng nhận được nhiều củng cố qua trao đổi.

Kinh tế qui đổi dùng để sửa đổi hành vi trong những hệ thống xã hội, thường là trong những nhóm có nhiều người. Mục đích của chúng là nhằm củng cố những hành vi phù hợp với những tiêu chuẩn xã hội. Ví dụ, một bệnh nhân nằm viện có thể nhận được những vật qui đổi vì việc họ lau sạch bàn ghế, giúp đỡ nhà giặt trong bệnh viện, hoặc giữ gìn vệ sinh cá nhân và ngoại hình. Số lượng vật qui đổi được tặng cho mỗi hành vi được qui định tùy theo mức độ khó khăn của hành vi hoặc công việc và thời gian bao lâu để một người thực hiện được hành vi đó. Vì thế, một người bệnh có thể nhận được 3 vật qui đổi cho việc đánh răng, nhưng có thể nhận được 4 vì đã tham gia vào những hành vi hữu ích cho xã hội. Vào cuối mỗi tuần, người bệnh có thể “chuộc” những vật qui đổi để lấy những vật phẩm trang điểm, vật dụng để đọc và viết, hoặc nhận phép đặc biệt được đi dạo trong sân bệnh viện.

Ayllom và Azrin (1965) theo dõi năng suất làm việc ở một nhóm bệnh nhân trong thời gian 45 ngày, họ cho rằng khi những vật qui đổi (tác nhân củng cố) được cho tuỳ theo năng suất, nhóm bệnh nhân ấy có thể đạt đến 46 giờ công lao động mỗi ngày; còn khi không được cho vật qui đổi, năng suất sẽ giảm 10 giờ công mỗi ngày.
     
Một lợi điểm của kinh tế qui đổi là nó có thể được điều hành bởi một nhân viên bán chuyên nghiệp (paraprofessional) như điều dưỡng, hoặc bất kỳ ai khác như phụ huynh, bạn bè, nhân viên cứu trợ và các nhân viên khác, tất cả đều có thể tham gia vào kinh tế qui đổi. Không những phương pháp này giúp người bệnh học tập và duy trì được những hành vi theo công việc chuyên biệt như nội trợ và tự chăm sóc bản thân, mà sự thể hiện những hành vi như thế còn đi kèm với sự giảm bớt các tình trạng trầm cảm và hoang tưởng.

Loại trừ và trừng phạt

Loại trừ (extinction) và/hoặc trừng phạt (punishment) có thể được áp dụng để làm giảm tần số xuất hiện của một hành vi không mong muốn. Sự loại trừ có thể được dùng để làm giảm khả năng thể hiện một hành vi đuợc duy trì bởi các tác nhân củng cố. Giả sử một đứa bé lên ba đang quấy rối trong nhà khi đòi được kể chuyện thật nhiều. Nếu không có ai đọc chuyện cho nó nghe, nó liền la thét lên cho đến khi đạt được điều mình muốn; bằng cách đọc chuyện khi đứa trẻ khóc như thế, cha mẹ nó đã củng cố hành vi la khóc ấy: đứa trẻ khóc, họ đọc. Một cách để loại bỏ hành vi khóc lóc này là hãy ngưng củng cố nó. Sự củng cố ở đây là đọc chuyện, do vậy việc đọc chuyện phải được ngưng lại. Giờ đây, khi đứa bé khóc, cha mẹ không đọc chuyện cho nó nữa. Có khả năng đứa trẻ sẽ khóc to, khóc dữ trong hai, ba đêm để cố buộc cha mẹ phải đọc chuyện. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không củng cố hành vi của đứa bé, hành vi đó sẽ dần dần được loại bỏ.

Một cách thứ hai để làm giảm tần số xuất hiện của hành vi không mong muốn là trừng phạt nó. Trừng phạt thường kèm với sự biểu lộ một kích thích đối nghịch (aversive stimulus). 

Ví dụ, nếu một đứa trẻ chơi với những đồ vật dễ vỡ đặt trên bàn, cha mẹ đôi khi nói:”không được” và đánh khẽ vào bàn tay của trẻ. Trong một phòng thí nghiệm với các đối tượng là người lớn, một nhà nghiên cứu có thể tạo ra một loại kích thích đối nghịch mạnh hơn, có thể là cho điện giật chẳng hạn. Thông thường, sự trừng phạt đối với những hành vi không mong muốn được đi kèm với sự củng có tích cực những hành vi mong muốn và hòa hợp với xã hội.

Giả lơ (Time-out)

Giả lơ, hoặc loại bỏ đương sự khỏi nguồn gây củng cô (đúng hơn là tác nhân gây củng cố), là một kỹ thuật được áp dụng rộng rãi liên quan đến nhiều nguyên lý cơ bản trong lý thuyết về học tập. Giả lơ tác dụng như một sự trừng phạt vì nó cũng làm giảm các hành vi đặc hiệu không mong muốn. 

Hãy xem một đứa trẻ nổi giận tam bành mỗi khi nó muốn đòi cục kẹo, một cây kem, hoặc một món đồ chơi của đứa em trai nhỏ. Khi không chịu nổi, cha mẹ thường chìu theo nó. Tuy nhiên, trong cách giả lơ, khi đứa trẻ đổ hư, nó sẽ bị đem đi nơi khác và được đặt vào một căn phòng không có đồ chơi, không có ti vi và cũng chẳng có ai khác; nó có thể được đặt vào một “chiếc ghế suy nghĩ” (thinking chair) cách xa những người khác trong gia đình. Trong cách giả lơ, đứa trẻ không những đã không được điều mình muốn, nó còn được cách ly khỏi những tác nhân gây củng cố. Đứa trẻ được giữ ngồi trên chiếc ghế hoặc trong căn phòng trong một khoảng thời gian nhất định. nếu nó không chịu ở lại, thời gian ngồi sẽ được tính thêm. Một khi sự giả lơ này được kết hợp với việc củng cố tích cực cho những hành vi tốt, đứa trẻ có vấn đề về hành vi sẽ có được những tiến bộ ngoạn mục.

Điệu kiện hóa ngược (counter-conditioning)

Phương pháp quan trọng thứ hai trong liệu pháp hành vi - điều kiện hóa ngược -  nhắm vào việc tập cho đương sự một đáp ứng mới có tính thích nghi trước một kích thích quen thuộc. Thông thường, một kích thích đặc hiệu (S1) sẽ gây ra một đáp ứng đặc hiệu (R1). Người ta hy vọng rằng, sau khi đương sự trải qua quá trình điều kiện hóa ngược, hoặc tái điều kiện hóa (reconditioning), thì cùng một kích thích như trước (S1) sẽ gây nên một đáp ứng mới (R2). Hai phương thức cơ bản của điều kiện hóa ngược là: giải cảm ứng hệ thống (systematic desensitization) vàđiều kiện hóa ngược đối nghịch (aversive counterconditioning)

Giải cảm ứng hệ thống

Trong giải cảm ứng hệ thống, đương sự được học cách thư giãn khi đứng trước một kích thích mà trước đó gây ra lo âu. Ví dụ, một người ngồi lái xe là một tình huống kích thích (S1) đôi khi gây ra một đáp ứng sợ hãi quá đáng (R1). Sau cùng, qua điều trị, ý nghĩ về việc lái xe một mình (S1) thay vào đó có thể gây nên một đáp ứng tò mò hoặc thư giãn hơn (R2). Giải cảm ứng hệ thống là quá trình gồm ba giai đoạn. Trước tiên, đối tượng học cách làm thế nào để thư giãn. Thứ hai, đối tượng mô tả ra tình huống gây ra sự lo âu. Thứ ba, trong lúc thư giãn sâu, đối tượng tưởng tượng ra tình huống gây lo âu. Đối tượng dần dần được tiếp xúc với một nguồn gây lo âu, thường là bằng cách tưởng tượng ra một loạt những tình huống gây sợ hãi hoặc lo âu mà cả thân chủ lẫn nhà trị liệu cùng thiết lập nên. 

Ví dụ, nhà trị liệu có thể yêu cầu một thân chủ sợ lái xe một mình hãy tưởng tượng rằng có một chiếc xe hơi đang ở đằng xa. Rồi tiếp tục tưởng tượng mình tiến đến gần chiếc xe hơn. Sau cùng, thân chủ bắt đầu tưởng tượng mình đã vào trong xe. Khi thân chủ nhận ra rằng mình sẽ không bị thương hoặc bị cô lập, chỉ bằng cách tưởng tượng ra cảnh như thế, anh ta sẽ “dung nạp” cảnh tượng gây stress ấy và sau cùng thực hiện được hành vi mà mình tưởng tượng ra.

Có nhiều tranh cãi về cơ chế tác dụng của giải cảm ứng hệ thống. Nghiên cứu vẫn tiếp tục xem xét sự giải cảm ứng hệ thống vừa như một công cụ, vừa như một quá trình trị liệu. Bất kể nó tác dụng như thế nào, giải cảm ứng hệ thống đã là một hình thức trị liệu thành công cho hàng ngàn người.

Điều kiện hóa ngược đối nghịch


Trong điều hóa ngược đối nghịch, một kích thích có hại hoặc đối nghịch được đi kèm theo một kích thích đã gây hành vi không mong muốn. Cũng như trong giải cảm ứng hệ thống, mục đích là nhằm luyện cho đương sự có một đáp ứng khác đối với kích thích ban đầu. 

Ví dụ, những người nghiện rượu thường nhận thấy rượu như một “phần thưởng” ngay cả khi họ nhận biết rằng rượu có hại cho sức khỏe và ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa họ với người khác. Một nhà trị liệu hành vi sẽ tập trung vào việc tập cho người nghiện rượu một đáp ứng mới đối với rượu. Bước đầu tiên là tập cho đương sự liên hệ giữa rượu và triệu chứng nôn ói. Nếu những chỉ dẫn bằng lời chưa đủ, nhà trị liệu sẽ cho đương sự dùng một loại thuốc gây ói mỗi khi người này uống rượu. Mục đích là làm cho việc uống rượu hoặc kết quả của uống rượu trở nên khó chịu. Sau cùng, với cách trị liệu như thế, chỉ mỗi việc nghĩ đến rượu thôi cũng có thể gây buồn nôn và vì thế tránh được hành vi uống rượu. 

Nói chung, những kỹ thuật điều kiện hóa ngược đối nghịch sẽ có hiệu quả cao nhất khi được kết hợp với những tình huống ngẫu nhiên khác làm thúc đẩy các kiểu hành vi thích nghi. Trong nhiều trường hợp, điều kiện hóa ngược đối nghịch được kết hợp với sự củng cố tích cực những hành vi hoà hợp xã hội.

Làm mẫu (modeling)

Khi một ngôi sao màn bạc mặc một chiếc áo len, ngành công nghiệp áp len có thể dự đoán chính xác rằng nhiều người khác cũng sẽ bắt đầu mặc loại áo này. Con người hay bắt chước những “gu” âm nhận và cách ăn mặc. Trẻ em cũng đặc biệt nhạy cảm với hành vi của người  khác, đặc biệt là cha mẹ chúng. Trẻ thường học cách đi tiêu trong nhà xí, cách ứng xử khi vào bàn ăn, cư xử với thú vật theo cách mà nó đã quan sát và bắt chước cha mẹ hoặc người lớn khác.


Người lớn cũng học đuợc những đáp ứng mới bằng cách quan sát những “người làm mẫu”. Albert Bandura và công sự (1969) đã nhận thấy lợi ích của cách trị liệu lấy việc làm mẫu làm kỹ thuật trị liệu chính. Bandura, Blanchard và Ritter (1969) đã cho những người sợ rắn xem phim hoặc người thật biểu diễn cầm rắn trong tay. Trong cả hai trường hợp, nỗi sợ rắn của các đối tượng đã giảm đi. Các kỹ thuật tương tự cũng có hiệu quả đối với những người sợ chó và các loại súc vật khác.

Một nhà tri liệu dùng phương pháp làm mẫu sẽ cố tập cho thân chủ cách quan sát và bắt chước hành vi của những người quả quyết và hành động có mục đích. Một vấn đề trong phương pháp làm mẫu là đương sự thường quan sát hành vi của những kiểu mẫu không đúng. 

Ví dụ, mặc dù cha mẹ có vai trò thích hợp là người làm mẫu, nhưng một cách vô thức họ có thể dạy cho con những hành vi không thích nghi. Phương thức làm mẫu đối với hành vi cho rằng những người có hành vi bất thường đã từng tiếp xúc và “ sao chép” những hành vi không đúng ấy. Đó là lý do để nhiều người mong muốn những cảnh bạo lực trên truyền hình, phim ảnh phải được lược bỏ đi. Những người phản đối cảnh bạo lực trong phim ảnh cho rằng người ta sẽ bắt chước những hành vi được xem thấy trên màn hình.

Tái cấu trúc nhận thức (cognitive restructuring)

Mặc dù hầu hết các liệu pháp hành vi chỉ giải quyết những hành vi được thể hiện, ngày càng có nhiều nhà trị liệu hành vi xem xét đến quá trình suy nghĩ của đương sự. Các nhà trị liệu nhận thức (cognitive therapist) quan tâm đến việc sửa đổi những kiểu suy nghĩ không thích nghi hoặc sai lầm của những đối tượng bị rối nhiễu. Giống như các hình thức trị liệu hành vi khác, trị liệu tái cấu trúc nhận thức nhắm vào hành vi hiện tại và không quan tâm đến những kinh nghiệm thời thơ ấu. Liệu pháp nhận thức - hành vi (cognitive behavior therapy) ít nhất cũng hiệu quả ngang bằng hoặc thậm chí trong vài trường hợp, có hiệu quả hơn những liệu pháp khác.

Liệu pháp cảm xúc - hợp lý (RET: rational-emotive therapy)


Liệu pháp nhận thức được biết đến nhiều nhất là liệu pháp cảm xúc - hợp lý, được triển khai bởi Albert Ellis. Hầu hết các liệu pháp hành vi cho rằng hành vi bất thường được gây ra bởi những mô hình hành vi sai lầm hoặc phi lý. Ellis và cộng sự cho rằng hành vi bất thường bắt nguồn từ những cách suy nghĩ sai lầm hoặc phi lý. Nếu những quá trình suy nghĩ sai lầm có thể được thay thế bằng những ý nghĩ hợp lý hơn về thế giới, thì sự kém thích nghi và hành vi bất thường sẽ không còn.

Ellis tin rằng rối nhiễu tâm lý là hậu quả của những sự kiện trong đời sống của một con người đã gây ra cho người ấy những niềm tin phi lý (irrational belief). Ba loại niềm tin sai lầm liên quan đến cá nhân, người khác, hoặc thế giới nói chung, sẽ dẫn đến những cảm xúc và hành vi tiêu cực. Vì thế, mục đích đầu tiên của liệu pháp cảm xúc - hợp lý là giúp đương sự xem xét lại những sự kện trong quá khứ đã gây nên những niềm tin phi lý ấy. Công việc của nhà trị liệu là nhằm bộc lộ những mô hình suy nghĩ của thân chủ và giúp thân chủ nhận ra cách suy nghĩ của họ là sai lầm; còn nhà trị liệu sẽ cố gắng thay đổi những tin tưởng và suy nghĩ phi lý ấy. Nếu liệu pháp cảm xúc- hợp lý thành công, thân chủ sẽ chấp nhận những hành vi mới dựa trên những cách nghĩ mới hợp lý hơn.

Ellis đã trình bày một vài định kiến phi lý (irrational assumption) cơ bản mà ông cảm thấy là nguyên nhân của nhiều vấn đề cảm xúc và hành vi kém thích nghi. Những định kiến phi lý này có thể được nêu dưới đây:

Ý tưởng phi lý: Điều bức thiết đối với một người là được thương yêu và được hầu hết mọi người chấp nhận vì tất cả những việc mà người ấy làm.
Ý tưởng phi lý: Một người phải giỏi giang, đầy đủ và thành công trên tất cả mọi phương diện.
Ý tưởng phi lý: Một số người là xấu xa, đồi bại và hung ác, và nên bị trừng phạt vì những tội lỗi của họ
Ý tưởng phi lý: Thật là một thảm họa khi tình huống không diễn ra theo cách mà bạn muốn.
Ý tưởng phi lý: Sự bất hạnh của con người có nguyên nhân từ bên ngoài. Con người ít có hoặc không có khả năng kiểm soát nỗi buồn của mình và không thể tự gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực.

Những đinh kiến phi lý này thường dựa trên một sự thật chung là: con người có những nhu cầu được ưa thích, được trở nên giỏi giang, được yêu thương, và có được cảm giác an toàn. Chỉ khi đương sự đặt vào mình những giá trị phi lý hoặc cường điệu thì những nhu cầu này trở nên kém thích nghi và dẫn đến những rối loạn cảm xúc, lo âu và hành vi bất thường. 

Những người đang trải qua trạng thái lo âu, trầm cảm và kém thích nghi nói chung đều không hạnh phúc, bởi vì họ nhận vào quá nhiều những điều “nên thế này”, “phải thế kia”. Như Ellis nói: “Một khi đương sự tin vào một điều vô lý bao gồm trong những ý niệm này, chắc chắn anh ta sẽ có khuynh hướng trở nên bị ức chế, thù địch, chống đối, mặc cảm tội lỗi, vô tích sự, trơ lỳ, mất tự chủ và không hạnh phúc”. 

Liệu pháp cảm xúc-hợp lý cố gắng đặt những định kiến trong nhận thức của đương sự về thế giới vào trong một “cái khung hợp lý” (reasonable framework), cố gắng lập lại thăng bằng giữa những như cầu của đương sự với những đòi hỏi của một môi trường phức tạp và luôn thay đổi. 

Ellis (1987) đã viết:
Tất cả mọi người đều sinh ra với những khuynh hướng rất mạnh mẽ để suy nghĩ một cách quanh co về những ước muốn và sở thích quan trọng của họ, và tự làm hại mình bằng cách “ leo thang” theo những điều nên làm, những đòi hỏi và những mệnh lệnh hết sức võ đoán và tuyệt đối… Bởi những khuynh hường do giáo dục và di truyền, một số ngưòi có khuynh hướng dễ suy nghĩ, cảm xúc và cư xử theo cách tự làm hại cho mình… Tôi cho rằng hầu như tất cả mọi người vẫn thường giữ lấy những điều tin tưởng rõ ràng là phi lý và vì thế không thể có được sự lành mạnh và khả năng tự lực. Nhưng tôi cũng cho rằng tất cả mọi người - đặc biệt là những ai mà chúng ta “dán nhãn” là nhiễu tâm nghiêm trọng, nhiễu tâm giáp ranh, loạn tâm - thường giữ lấy những điều phi lý hư huyễn hoặc rối rắm – và vì thế ít có khả năng loại bỏ được chúng.

Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em, thiếu niên, người lớn, và thậm chí cả những người già vẫn thường duy trì những ý tưởng phi lý và liệu pháp nhận thức thường có hiệu quả đặc biệt. Liệu pháp nhận thức - hành vi được áp dụng có hiệu quả trong trị liệu chứng trầm cảm (depression), ăn vô độ (bulimia), sụt cân; và nó vẫn tiếp tục là một kỹ thuật trị liệu được áp dụng rộng rãi.

Các phương pháp trị liệu nhận thức khác


Một liệu pháp tái cấu trúc nhận thức khác cũng nhắm vào những ý tưởng phi lý là liệu pháp nhận thức của Aaron Beck (1963). Lý thuyết của Beck cho rằng chứng trầm cảm được gây ra do những quan điểm tiêu cực của con người về thế giới, về bản thân mình và về tương lai. Từ quan điểm của Beck, một thân chủ cần được giúp đỡ để phát hiện những suy nghĩ không thực tế và học những cách thức mới để “sắp xếp” lại những kinh nghiệm của bản thân. Thân chủ cũng được giúp đỡ cách sử dụng những kỹ thuật giải quyết vấn đề tương tự trong quãng đời còn lại của họ. Những đối tượng của sự cải thiện nhiều nhất là những người mà bản thân trông đợi mình cải thiện qua trị liệu hoặc những người phát triển được những ý tưởng tích cực về tương lai của họ trong thực tế.

Một số nhà nghiên cứu cảm thấy rằng những gì mà người ta nói về chính mình sẽ xác định được những điều mà họ sẽ làm. Nếu bạn chấp nhận quan điểm này, giống như Donald Meichenbaum, bạn hẳn sẽ thấy rằng một mục đích của việc trị liệu là phải làm thay đổi những gì mà thân chủ nói về chính bản thân mình. 

Quan điểm của Meichenbaum hoàn toàn thiên về nhận thức; ông khẳng định rằng một nhà trị liệu phải thay đổi những điều tự hướng dẫn của đương sự (individual’s self-instructions) và nhờ đó mà hành vi của người này sẽ thay đổi theo. Meichenbaum đã phát triển những kỹ thuật tự lực (self-help technique) và huấn luyện những phương thức để dạy cho đương sự suy nghĩ theo những cách thức cho phép giảm nhẹ những hành vi có vấn đề của mình. 

Những kỹ thuật tự lực này mang lại lợi ích cho những người có các vấn đề khác nhau như mắc cỡ, nói lắp, bốc đồng, thậm chí cả tâm thần phân liệt. Ngoài việc phải sửa đổi những ý tưởng phi lý, thân chủ còn phải học một số việc khả thi mà họ có thể áp dụng để giúp cho hành vi của họ trở nên thích nghi hơn. 

Ví dụ, những đối tượng của Meichenbaum có thể tiến hành những vở kịch độc thoại riêng qua đó họ sẽ phải suy nghĩ và đối phó với tình huống theo những cách thức thích nghi hơn. Việc sử dụng những cách phát biểu như thế, kết hợp với luyện tập thư giãn và củng cố những hành vi thích nghi, khiến cho cách thức tự hướng dẫn này trở nên rất hiệu quả. Việc nghiên cứu cách tự trị liệu như thế cho thấy rằng nó cũng rất có hiệu quả như một liệu pháp nhận thức-hành vi.

Thôi miên và thiền định


Nhiều nhà trị liệu, cả trị liệu nội thị lẫn trị liệu sửa đổi hành vi, đã sử dụng kỹ thuật thôi miên (hypnosis) và thiền định (meditation) như các biện pháp bổ sung cho việc trị liệu của họ. Hầu hết mọi người đều quen thuộc với chữ thôi miên. Những đối tượng được thôi miên vẫn nhận biết về những gì xung quanh họ và rõ ràng vẫn còn ý thức, nhưng mức độ nhận biết và sự sẵn lòng tuân theo các chỉ dẫn của họ đã bị thay đổ. Các nhà tâm lý đã quan tâm đến việc sử dụng thôi miên như một công cụ để trị liệu.

Mặc dù được dùng như một kỹ thuật trị liệu trong vòng 150 năm nay, một số nhà nghiên cứu vẫn nghi ngờ về hiệu lực và độ tin cậy của thôi miên. Nghiên cứu cho thấy rằng chỉ cần cho các đối tượng biết rằng họ sẽ được tham gia vào thử nghiệm thôi miên thì cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi của họ. Tuy vậy, những người hoài nghi vẫn chiếm thiểu số, và thôi miên vẫn còn là một thủ thuật được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong trị liệu. 

Các nghiên cứu vẫn tiếp tục để xác định giá trị điều trị của nó.

Có bằng chứng cho thấy tính mẫn cảm với thôi miên (hypnotic susceptibility) của một đối tượng có thể ảnh hưởng đến kết quả của một số kỹ thuật trị liệu. 

Đôi khi nhà trị liệu dùng thôi miên để giúp người bệnh thư giãn, nhớ lại, giảm bớt lo âu, hoặc thậm chí để làm giảm cân. Trong những nghiên cứu như thế, những nhóm bệnh nhân béo phì đã được thôi miên trong một vài buổi trị liệu. Những đề nghị đặt ra cho người bệnh sau khi thôi miên có thể thành công trong việc làm giảm sự thèm ăn của họ. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy thôi miên có thể làm giảm chứng lo âu thực nghiệm, nhưng nó không làm tăng khả năng học các kiến thức văn hóa hoặc hiểu ngôn ngữ. Các báo cáo lâm sàng cho thấy thôi miên giúp ích trong việc giảm hút thuốc lá, mặc dù ít có bằng chứng cho thấy nó thực sự giúp bỏ hẳn thuốc lá.

Để có những thay đổi qua trị liệu, nhà trị liệu đã cho các thân chủ của mình áp dụng một kỹ thuật có liên quan khác: thiền định. Thiền định là một kỹ thuật nhằm đạt đến một sự hòa hợp với thế giới thông quan sự tập trung cao độ, giới hạn các kích thích từ bên trong và một sự thư giãn sâu.

Thiền định được xem tương tự như một phản hồi sinh học (biofeedback), vì các đối tượng được hướng dẫn cách thư giãn sâu và tập trung để đặt thân thể họ dưới sự kiểm soát của ý thức trong những khoản thời gian kéo dài. Thiền định cũng tương tự như thôi miên do tình trạng nửa mê nửa tỉnh mà nó gây ra.


Nhiều biến đổi sinh lý xảy ra trong thiền định cũng có thể được gây ra bằng các kỹ thuật khác như thôi miên, giải cảm ứng hệ thống, hoặc thậm chí trong trị liệu tâm lý. 

Deikman (1970) xem thiền định là một trong số vài kỹ thuật mà người ta có thể sử dụng để đạt đến trạng thái trầm tĩnh khiến cho các thông tin có thể được thâu nạp với một cơ cấu chức năng theo kiểu tiếp nhận. 

Deikman tin rằng có sự tồn tại của hai cơ cấu ý thức - một là chủ động (active), một là tiếp nhận (receptive). Theo Deikman, thiền định cho phép cơ cấu tiếp nhận hoạt động. Bằng cách thực hành, những người thiền định có thể học cách điều chỉnh cơ cấu tiếp nhận của họ, cho phép “khởi động các khả năng bị kém chức năng trong cơ cấu hoạt động của đương sự”.

 (Dịch từ quyển MASTERING PSYCHOLOGY của Lester A. Lefton  Laura Valvatne; in lần thứ III. Chương15: Psychotherapy)

(Còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét