Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

TIẾN TRÌNH THÀNH NHÂN - Phần 10

Chương 8:

Quan điểm của một nhà trị liệu về đời sống đẹp:

CON NGƯỜI SỐNG TRÀN ĐẦY

*****


Vào khoảng 1952 hoặc 53, trong khi tránh mùa Đông đến những vùng khí hậu ấm hơn, tôi đã viết một bài nhan đề: “Quan điểm về con người Sống Tràn Đầy”. Đây là một cố gắng mô tả hình ảnh con người sẽ hiện ra nếu sự trị liệu kết quả tối đa. Tôi hơi sợ, bởi con người hay biến đổi, tương đối, cá biệt, dường như là kết quả luận lý của diễn trình trị liệu. Tôi cảm thấy có hai câu hỏi. Luận lý của tôi có đúng không? Nếu đúng, thì đây có phải là mẫu người tôi đề cao không? 

Để có cơ hội duyệt lại các ý tưởng này tôi đã sao chép bài nói trên ra làm nhiều bản, và trong những năm tiếp theo tôi đã phân phát hàng trăm bản cho các nhà khảo cứu liên hệ. Vì tôi tin chắc vào các tư tưởng trong bài, nên tôi đã giao nó cho một trong những tờ báo chuyên về tâm lý lớn nhất. Viên chủ bút cho tôi biết là ông ta sẽ cho in bài này, nhưng ông cảm thấy cần phải lồng vào nó vào trong một cái khung tâm lý cổ điển hơn. Ông ta đề nghị nhiều thay đổi căn bản. Việc này làm tôi cảm thấy rằng có thể bài này không được các tâm lý gia chấp nhận dưới hình thức mà tôi đã viết và tôi bỏ ý định xuất bản. 

Từ đó, bài “Quan niệm về Con Người Sống Tràn Đầy” vẫn tiếp tục là mối quan tâm của nhiều người, và Tiến sĩ Hayakawa đã viết một bài về bài  này trong tờ báo của các nhà Từ ngữ học ETC. Do đó, nó là một trong những bài hiện ra trong trí tôi trước nhất, khi tôi suy nghĩ để viết cuốn sách này. Tuy nhiên, khi đọc lại, tôi thấy rằng sau nhiều năm, nhiều luận đề và tư tưởng chính yếu nhất trong bài đã được hấp thụ và có lẽ được diễn tả hay hơn trong những bài khác. Cho nên tôi miễn cưỡng gạt bỏ nó lần nữa và thay thế bằng một bài diễn tả quan điểm của tôi về đời sống đẹp, dựa trên bài “Con Người Sống Tràn Đầy” và tôi tin la nó diễn đạt được các phương diện thiết yếu của bài trên trong một hình thức ngắn gọn, dễ đọc hơn. Sự nhượng bộ duy nhất của tôi đối với quá khứ là cho thêm vào tên của chương này một cái phụ đề.

*****

Quan điểm của tôi về ý nghĩa của đời sống tốt đẹp đã dựa trên kinh nghiệm riêng khi làm việc với người khác, trong một tương giao hết sức mật thiết và thân mật, được mệnh danh là phép trị liệu tâm lý. Vì vậy, các quan điểm này đều có một nền tảng duy nghiệm hoặc thực nghiệm, trái hẳn với nền tảng duy trí hoặc triết lý. Tôi đã học được đời sống tốt đẹp là gì, nhờ quan sát và tham dự vào cuộc phấn đấu của những người bối rối, bất an, để thực hiện cuộc đời đó.

Tôi làm sáng tỏ ngay từ đầu là kinh nghiệm này tôi đã thâu thập được nhờ ưu điểm của một lý thuyết định hướng đặc biệt về phép trị liệu tâm lý đã được khai triển nhiều năm rồi. Rất có thể là mọi phép trị liệu tâm linh đều giống nhau tự căn bản, nhưng vì tôi không còn tin chắc điều đó như trước đây, nên tôi muốn nói rõ rằng, kinh nghiệm trị liệu đối với tôi có hiệu lực nhất là phép trị liệu mệnh danh “Thân chủ trọng tâm”.

Tôi xin cố gắng mô tả thật vắn tắt phép trị liệu này khi nó đạt tới mức tối đa về mọi mặt, vì qua nó tôi đã học được thế nào là đời sống tốt đẹp. Nếu phép trị liệu đạt tới mức tối đa, cả về cường độ lẫn trường độ, thì có nghĩa là người trị liệu đã lập được một mối tương giao hết sức cá nhân và chủ quan đối với thân chủ, không phải như mối tương giao giữa một nhà khoa học với đối tượng nghiên cứu, hay một thầy thuốc chẩn đoán và trị liệu, mà là mối tương giao giữa một con người với một con người. 

Có nghĩa là người trị liệu cảm thấy thân chủ là một con người có giá trị nội tại vô điều kiện; giá trị bất chấp tình trạng, hành vi, hoặc cảm quan của thân chủ. 
Có nghĩa là người trị liệu hết sức chân thật, không núp sau mặt nạ phòng vệ, nhưng gặp thân chủ với những tình cảm mà cơ thể mình đang kinh nghiệm được. 
Có nghĩa là người trị liệu có thể thông hiểu được thân chủ, không có những rào cản nội tâm ngăn trở mình cảm nghiệm thân chủ trong mỗi lúc tương giao, người trị liệu có thể chuyển đạt cho thân chủ điều gì mình đã cảm thông trọn vẹn với thân chủ. 
Có nghĩa là người trị liệu thoải mái đi vào mối tương giao này một cách trọn vẹn, không cần ý thức nó sẽ đưa mình tới đâu, sẵn lòng cung cấp một bầu không khí cho phép thân chủ được tự do tối đa trở thành chính mình.


Đối với thân chủ, phép trị liệu đạt mức tối đa này có nghĩa là một sự khám phá ra các cảm quan càng ngày càng kỳ dị, lạ lùng và nguy hiểm ở trong mình, sự khám phá chỉ có thể xảy ra khi thân chủ dần dần nhận biết rằng mình được chấp nhận vô điều kiện. Thân chủ biết được các thành phần kinh nghiệm của mình, trong quá khứ, đã bị chặn khỏi ý thức vì quá đe dọa và tác hại đối với cơ cấu của cái tôi. 

Trong mối tương giao, thân chủ thấy mình đang kinh nghiệm đầy đủ, trọn vẹn, các cảm quan đó, tới độ có lúc thân chủ là chính sự sợ hãi hoặc giận dữ, hoặc trìu mến, hoặc sức mạnh của mình. Và khi thân chủ sống các cảm quan luôn luôn biến đổi này, trong tất cả mọi cường độ của chúng, thân chủ khám phá ra rằng mình đã kinh nghiệm chính mình, mình là chính các cảm quan đó. Thân chủ thấy hành vi của mình thay đổi theo một cung cách xây dựng hòa hợp với cái tôi vừa mới kinh nghiệm được của mình.

Thân chủ tiến tới chỗ ý thức rằng mình không còn sợ bất cứ cái gì của kinh nghiệm nữa, mà có thể tự do đón nhận nó như một thành phần của bản ngã đang thay đổi và triển nở của mình.

Đây là một bản phác họa những gì phương pháp Thân chủ Trọng tâm sẽ đạt tới khi nó ở mức tối đa, và bối cảnh trong đó tôi đã cấu tạo nên những quan điểm về cuộc sống đẹp.

MỘT NHẬN XÉT TIÊU CỰC

Vì đã cố cộng cảm trong những kinh nghiệm của thân chủ nên dần dần tôi đi tới một kết luận tiêu cực về đời sống đẹp. Dường như đối với tôi, đời sống đẹp không phải là một tình trạng cố định. Theo sự thẩm định của tôi, nó không phải là một tình trạng đạo đức, hoặc thỏa lòng, hoặc niết bàn, hoặc hạnh phúc. Nó không phải là một tình trạng con người được thích ứng, hoặc sung mãn, hoặc hiện thực. Dùng danh từ tâm lý học, thì nó không phải là một tình trạng giảm bớt kích thích, hoặc giảm bớt căng thẳng, hoặc “homeo-stasis”, hoặc quân bình.

Tôi tin rằng, tất cả các danh từ này được dùng với ngụ ý là, nếu người ta thực hiện được một hoặc nhiều tình trạng trên, thì tức là người ta đã thực hiện được mục tiêu của cuộc đời. Thật vậy, đối với nhiều người hạnh phúc hoặc sự thích ứng được coi như là những tình trạng đồng nghĩa với cuộc đời tốt đẹp. Và các nhà khoa học xã hội đã luôn luôn nói đến sự giảm trừ căng thẳng, hoặc sự thực hiện tình trạng quân bình, hoặc thăng bằng, như thể các tình trạng này đã tạo nên mục tiêu của cuộc sống.

Vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi đế ý thấy rằng kinh nghiệm của tôi không hậu thuẫn cho một định nghĩa nào trong các định nghĩa trên cả. Nếu tôi chú tâm vào kinh nghiệm của những người đã biểu lộ mức độ tiến triển lớn lao nhất trong tương giao trị liệu, và của những người trong các năm sau khi trị liệu, đã tạo được, và còn đang tạo được, những tiến bộ thực sự hướng về cuộc đời tốt đẹp, thì dường như đối với tôi, họ không được mô tả tương xứng bằng bất cứ một danh từ nào trong các danh từ chỉ những tình trạng cố định của sự sống kể trên. Tôi tin, họ sẽ tự coi như bị thóa mạ, nếu họ được mô tả tương xứng bằng bất cứ một danh từ nào trong các danh từ chỉ những tình trạng cố định của sự sống kể trên. Tôi tin, họ sẽ tự coi như bị thóa mạ, nếu họ được mô tả là “hạnh phúc”, hoặc “thỏa lòng”, hoặc ngay cả “thực hiện bản ngã”. Vì tôi biết họ, nên tôi sẽ coi là thiếu chính xác, khi nói tất cả các thúc đẩy, căng thẳng, của họ được giảm trừ, hoặc nói họ đang ở trong một trạng thái quân bình.

Vì thế, tôi bị thúc đẩy tự hỏi xem có cách nào có thể tổng quát hóa được tình trạng của họ không, có định nghĩa nào có thể gán cho cuộc sống tốt đẹp để xứng hợp với những sự kiện tôi đã quan sát được không. Tôi thấy điều này không dễ chút nào cả, và những điều sau đây chỉ được phát biểu với tính cách thử đề nghị mà thôi.

MỘT NHẬN XÉT TÍCH CỰC


Nếu tôi muốn thâu tóm vào trong một ít chữ điều gì, đối với tôi, xác thực cho những người này, thì tôi tin điều đó sẽ như thế này:

Đời sống tốt đẹp là một tiến trình, chứ không phải là một trạng thái sống. Nó là một chiều hướng tiến tới, chứ không phải là một chỗ đạt đến.

Chiều hướng tạo nên cuộc đời tốt đẹp là chiều hướng được lựa chọn bởi toàn cơ thể, khi con người có được sự tự do tâm lý để tiến theo một chiều hướng nào đó.

Chiều hướng được lựa chọn bởi toàn cơ thể này dường như có những đặc tính đại cương nhận biết được, và các đặc tính này giống hệt nhau nơi nhiều cá nhân khác biệt.

Vậy tôi có thể phối hợp các lời  phát biểu trên đây thành một định nghĩa, ít nhất, cũng có thể dùng làm một căn bản để suy nghĩ và thảo luận. Đời sống đẹp, theo quan điểm kinh nghiệm của tôi, là một điển hình theo một chiều hướng, do cơ thể con người lựa chọn, khi con người được tự do nội tâm đế tiến theo một chiều hướng, và các đặc tính đại cương của chiều hướng được lựa chọn này dường như khá phổ quát.

CÁC ĐẶC TÍNH CỦA TIẾN TRÌNH

Bây giờ tôi xin ghi rõ các đặc tính của tiến trình này, y như chúng đã hiện ra nơi không biết bao nhiêu người trong trị liệu.

CÀNG NGÀY CÀNG MỞ RỘNG ĐỐI VỚI KINH NGHIỆM

Trước hết, tiến trình bao gồm sự càng ngày càng mở rộng đối với kinh nghiệm. Giai đoạn này càng ngày càng thêm có ý nghĩa đối với tôi. Nó là một đối cực của sự phòng vệ. Sự phòng vệ, như tôi đã mô tả trong quá khứ, là phản ứng của cơ thể đối với những kinh nghiệm được tri giác hoặc dự đoán là có tính cách đe dọa, là không phù hợp với hình ảnh hiện có của cá nhân về chính mình, hoặc hình ảnh của mình trong tương quan với thế giới bên ngoài. Các kinh nghiệm đe dọa này tạm thời được làm cho vô hại bằng cách bóp méo đi trong ý thức hoặc ngăn chặn không cho tới ý thức. Tôi hoàn toàn không thể thấy được, một cách chính xác, các kinh nghiệm, cảm quan, phản ứng, trong tôi, khác biệt hẳn với hình ảnh về tôi mà tôi đã có. Một phần lớn của diễn trình trị liệu là sự thân chủ liên tục khám phá thấy rằng mình đang kinh nghiệm những cảm quan và thái độ mà từ trước tới giờ mình đã chưa bao giờ ý thức được, mình đã không thể “nhìn nhận” như một phần của chính mình.


Nếu một người đã có thể hoàn toàn mở rộng đối với kinh nghiệm thì tất cả mọi kích thích, hoặc xuất phát trong cơ thể, hoặc từ hoàn cảnh xung quanh, đều sẽ được tự do chuyển đến hệ thần kinh mà không bị bóp méo bởi bất cứ một cơ năng phòng vệ nào. Sẽ không cần có một cơ năng phòng vệ để báo trước cho cơ thể kinh nghiệm nào đe dọa bản ngã. Trái lại, dù kích thích đó là sự va chạm của một hình thể, màu sắc, âm thanh, ở xung quanh với cảm giác thần kinh, hoặc là một dấu vết ký ức trong quá khứ, hoặc là một cảm giác nội tạng, sợ hãi, thích thú, hay ghê tởm, người ấy sẽ sống kích thích đó, sẽ đem nó ra ý thức được trọn vẹn.

Vậy một phương diện của tiến trình mà tôi gọi là “đời sống đẹp” là sự di chuyển khỏi cực phòng vệ tới cực mở rộng  cho kinh nghiệm. Cá nhân trở nên có thể lắng nghe chính mình nhiều hơn, có thể kinh nghiệm cái gì đang diễn ra trong mình nhiều hơn. Người ấy mở rộng hơn đối với cảm quan sợ hãi, chán nản, đau đớn, của mình. Người ấy cũng mở rộng hơn đối với cảm quan can đảm, trìu mến, và thán phục của mình. Người ấy tự do sống các cảm quan của mình một cách chủ quan, y như chúng hiện hữu trong mình, và cũng tự do ý thức các cảm quan đó. Người ấy có thể sống đầy tràn các kinh nghiệm của cơ thể hơn là chặn đứng chúng khỏi ý thức.

CÀNG NGÀY CÀNG SỐNG HIỆN SINH

Một đặc tính thứ hai của tiến trình tôi cho là đời sông đẹp, là nó bao gồm một khuynh hướng muốn sống tràn đầy trong mọi lúc. Đây là một tư tưởng có thể dễ bị hiểu lầm, và có lẽ hơi mơ hồ trong chính tư tưởng của tôi. Tôi xin cố giải thích xem tôi muốn nói gì.

Tôi tin điều hiển nhiên là khi một người đã mở rộng hoàn toàn đối với kinh nghiệm mới của mình, hoàn toàn không còn sự phòng vệ nào, thì mỗi khoảnh khắc đều mới lạ. Hình trạng toàn diện của kích thích nội tâm hoặc ngoại giới, hiện hữu trong giây phút này, đã không bao giờ hiện hữu trước đây theo cùng một cung cách y hệt. Vì thế, người ấy biết rằng, điều gì tôi sẽ thành trong giây phút tới, chứ tôi cũng như người khác không thể nào nói trước được. Không phải lúc nào tôi cũng thấy thân chủ biểu lộ thật đúng loại cảm quan này.

Một cách để diễn tả sự sinh hoạt trong cuộc sống hiện sinh như vậy, là nói rằng bản ngã và nhân cách sẽ hiện lên từ nhiều kinh nghiệm, hơn là kinh nghiệm biến cải hoặc bóp méo đi cho hợp với cơ cấu của bản ngã được quan niệm trước. Có nghĩa là người ta trở nên một tham dự viên và một quan sát viên của diễn trình liên tục của kinh nghiệm cơ thể, hơn là một kiểm soát viên của diễn trình đó.

Sống như vậy trong mọi lúc có nghĩa là không có sự cứng nhắc, không có sự tổ chức chặt chẽ, không áp đặt cơ cấu có sẵn lên trên kinh nghiệm. Trái lại, có nghĩa một sự thích ứng tối đa, một sự khám phá ra cơ cấu trong kinh nghiệm, một tổ chức linh hoạt, biến đổi, của bản ngã và nhân cách.

Khuynh hướng sống hiện sinh này rất hiển nhiên đối với tôi nơi những người đang ở trong diễn trình của đời sống tốt đẹp. Hầu như người ta có thể nói rằng nó là đặc tính chủ yếu của diễn trình này. Trái lại, hầu hết chúng ta đều đem một cơ cấu, một sự thẩm định tiền chế vào kinh nghiệm, và không bao giờ chịu rời bỏ nó, nhưng lại nhồi nặn và bóp méo cho kinh nghiệm vừa vặn với những quan niệm có sẵn của chúng ta, bực bội vì tính linh hoạt làm cho kinh nghiệm khó vừa vặn với khuôn mẫu được kiến trúc rất cẩn thận của chúng ta. Mở rộng tâm hồn đối với cái gì đang diễn ra ngay bây giờ, và khám phá trong diễn trình này bất cứ cơ cấu nào đó có thể có, đó là một trong những đặc tính của đời sống tốt đẹp, đời sống trưởng thành, đối với tôi, như tôi đã thấy các thân chủ của tôi đạt tới.

CÀNG NGÀY CÀNG TIN VÀO CƠ THỂ CỦA MÌNH

Còn một đặc tính khác nữa của người đang sống đời sống tốt đẹp là càng ngày càng tin vào cơ thể của mình như một phương tiện để đạt đến hành vi thỏa đáng nhất trong mỗi trạng huống của đời sống. Tôi lại xin giải thích tôi muốn nói gì ở đây.

Khi lựa chọn hành động trong một cảnh ngộ nào, nhiều người thường dựa trên những nguyên tắc hướng dẫn, trên bộ luật do một tập thể hoặc một công đoàn đặt ra, trên sự phê phán của người khác, hoặc theo đường lối hành động của người khác trong những trường hợp tương tự ở quá khứ. Nhưng khi quan sát thân chủ thì các kinh nghiệm họ đang sống dạy tôi rất nhiều, tôi thấy những người đó càng ngày càng tin vào toàn thể phản ứng của cơ thể trước một tình trạng mới, bởi vì càng ngày họ càng khám phá thấy rằng nếu họ mở rộng đối với kinh nghiệm của họ, thì cái gì họ “cảm thấy đúng” là một hướng dẫn viên đầy khả năng, và đáng tin cậy cho những hành vi thật sự thỏa đáng của họ. Vì tôi cố tìm hiểu nguyên do của sự kiện này nên tôi muốn tiếp tục dòng tư tưởng của tôi.


Con người hoàn toàn mở rộng đối với kinh nghiệm của mình thì sẽ đạt tới mọi dữ kiện có thể dùng được trong một tình trạng, để dựa vào mà hành động: những đòi hỏi của xã hội, những nhu cầu phức tạp và có thể mâu thuẫn của chính mình, những hồi ức về các tình trạng tương tự của mình, nhận thức của bản ngã về tình trạng hiện tại v.v…Thực ra dữ kiện sẽ rất là phức tạp, nhưng người ấy có thể cho phép toàn cơ thể, ý thức của mình tham dự, xét từng kích thích từng nhu cầu, từng đòi hỏi một, xét từng cường độ tương đối và sự quan trọng của chúng, và sau khi đắn đo, cân nhắc, sẽ khám phá ra được hành động làm thỏa mãn mọi nhu cầu của mình trong tình trạng đó, dùng sự mô tả tương tự, người ta có thể so sánh người này với một máy điện toán khổng lồ. Vì mở rộng đối với kinh nghiệm của mình, nên mọi dữ kiện từ các ấn tượng giác quan, từ ký ức, từ những điều học hỏi trước đây, từ những tình trạng tạng phủ bên trong, đều được đưa vào máy. Máy coi tất cả vô số những thúc đẩy và động lực này những dữ kiện và mau lẹ tính ra hành động sẽ là véc tơ ít tốn kém nhất để thỏa mãn nhu cầu trong tình trạng đó. Đây là hành vi của con người chúng ta giả thiết.

Khuyết điểm của hầu hết chúng ta làm cho diễn trình này không đáng tin cậy là việc làm đem vào máy các tài liệu không thuộc tình trạng hiện tại, hoặc lại bỏ các tài liệu liên quan tới tình trạng này. Chính vì các hồi ức và học hỏi trước đây được đem vào máy y như thể chúng là thực tại hiện tại, chứ không phải là hồi ức hoặc học hỏi, mà máy mới đưa ra những câu trả lời sai lầm về hành vi. Hoặc khi những kinh nghiệm có tính cách đe dọa bị ngăn chặn khỏi ý thức, và do đó không được đưa vào máy hoặc đưa vào dưới hình thức bị bóp méo, điều này cũng tạo ra sai lầm. Nhưng con người giả thiết của chúng ta thấy rằng cơ thể của mình hết sức đáng tin cậy, bởi tất cả mọi dữ kiện hữu ích sẽ được sử dụng và sẽ hiện ra trong hình thức thật chính xác hơn là bị bóp méo. Do đó hành vi của người ấy càng ngày càng thỏa mãn được nhu cầu của mình – nhu cầu tăng triển, nhu cầu kết thân với người khác, v.v…

Trong việc đắn đo, cân nhắc và tính toán, cơ thể của người ấy có thể sai lầm. Thông thường nó đưa ra câu giải đáp đúng nhất cho dữ kiện hữu ích, chỉ trừ đôi khi vì dữ kiện thiếu sót mà thôi. Nhưng nhờ yếu tố mở rộng đối với kinh nghiệm, nên bất cứ một sai lầm, một hậu quả đáng tiếc nào, cũng sẽ được sửa sai mau lẹ. Các sự tính toán, có thể nói, luôn luôn ở trong diễn trình được sửa sai, bởi chúng thường được kiểm soát lại trong  hành vi.

Có lẽ các bạn không thích lối so sánh với máy điện toán của tôi. Vậy tôi xin trở về với các thân chủ mà tôi biết. Khi thân chủ mở rộng đối với mọi kinh nghiệm của họ, họ thấy càng ngày họ càng có thể tin vào các phản ứng của mình. Nếu cảm thấy thích biểu lộ sự giận dữ, họ sẽ biểu lộ, và cảm thấy việc này phát ra một cách thỏa đáng, bởi họ cũng chú trọng tới các nhu cầu yêu mến, kết thân, và tương giao như vậy. Họ ngạc nhiên về tài trực giác của mình, trong việc tìm ra những hành vi cho các mối tương giao nhân loại phức tạp và phiền toái. Chỉ sau đó, họ mới biết các phản ứng nội tâm của họ đáng tin cậy một cách kinh ngạc như thế nào, trong việc đưa tới những hành vi thỏa đáng.

DIỄN TRÌNH SỐNG TRÀN ĐẦY


Tôi muốn kết hợp ba đặc tính diễn tả đời sống đẹp làm thành một bức tranh chặt chẽ hơn. Hình như, con người khi được tự do về tâm lý, sẽ tiến theo chiều hướng trở thành một con người sống tràn đầy hơn. Người ấy có thể tràn đầy trong, và với mọi cảm quan, mọi phản ứng của mình. Người ấy càng ngày càng sử dụng được mọi dụng cụ cơ thể để cảm nghiệm, chính xác chừng nào hay chừng nấy, tình trạng hiện hữu nội tâm cũng như ngoại giới. Người ấy sử dụng mọi tin tức mà hệ thống thần kinh của mình có thể cung cấp, sử dụng trong ý thức, và nhìn nhận toàn bộ cơ thể của mình là thường thường khôn ngoan hơn ý thức. Người ấy có thể cho phép toàn bộ cơ thể của mình hoạt động tự do trong tất cả sự phức tạp của nó để chọn lựa, từ vô số những hành vi có thể có, hành vi nào thỏa đáng một cách bao quát nhất, chân thực nhất, trong giây phút đó. Người ấy có thể tin cậy cơ thể của mình trong việc này, không phải vì nó không sai lầm, nhưng vì người ấy có thể mở rộng đầy đủ để đón nhận hậu quả của mọi hành động của mình, và sửa chữa, nếu chúng tỏ ra không được thỏa đáng lắm.

Người ấy có thể kinh nghiệm mọi cảm quan của mình, và không sợ bất cứ một cảm quan nào, người ấy là người lọc lựa sự thật cho chính mình, và mở rộng đối với sự thật từ mọi nguồn tới, người ấy dấn thân trọn vẹn vào diễn trình và trở nên chính mình, vì thế, người ấy khám phá thấy mình có một xã hội tính lành mạnh, và thực tiễn, người sống trọn vẹn hơn trong lúc này, nhưng biết rằng đây là sự sống lành mạnh nhất cho mọi lúc. Người ấy trở nên cơ thể sống tràn đầy, và nhờ ý thức được chính mình trôi chảy trong kinh nghiệm, và qua kinh nghiệm, người ấy trở nên một con người sống tràn đầy hơn.

CÁC HÀM Ý

Mỗi quan điểm về các yếu tố tạo thành đời sống đẹp đều kéo theo nhiều hàm ý, và quan điểm mà tôi vừa trình bày cũng không ngoài qui luật đó. Tôi hy vọng các hàm ý này có thể gợi ra nhiều suy nghĩ. Có hai hoặc ba hàm ý tôi muốn thảo luận ở đây.

MỘT VIỄN TƯỞNG MỚI VỀ TỰ DO VÀ TẤT YẾU


Cái thứ nhất của các hàm ý trên có thể không hiển hiện ngay lập tức. Ngày xưa, đó là vấn đề “muốn làm gì thì làm”. Bây giờ tôi xin trình bày vấn đề đã hiện ra với tôi trong một ánh sáng mới như thế nào. Nhiều lần tôi đã bối rối về sự mâu thuẫn sống động, hiệu hữu  trong tâm lý trị liệu giữa tự do và tất yếu. Trong mối tương giao trị liệu, những kinh nghiệm chủ quan kích thích mạnh nhất, là kinh nghiệm, trong đó thân chủ cảm thấy nơi chính mình một năng lực lựa chọn dứt khoát. Thân chủ được tự do – trở nên chính mình hay sau một mặt nạ, tiến tới trước hay thụt lùi, cư xử theo đường lối phá hoại mình và người khác, hay theo đường lối tăng trưởng, nói trắng ra là được tự do sống hoặc chết, cả về ý nghĩa thể lý cũng như tâm lý của các từ này. Nhưng khi bước vào lãnh vực trị liệu tâm linh với những phương pháp khảo cứu khách quan, chúng tôi cũng như các nhà tâm lý khác, đều đụng phải một sự tất yếu hoàn toàn. Theo quan điểm này, mỗi một tư tưởng, cảm quan, và hành động của thân chủ đều bị quyết định bởi cái đi trước đó. Chẳng có gì là tự do cả. Sự lưỡng nan mà tôi đang cố diễn tả đây cũng không khác gì sự lưỡng nan trong các lãnh vực khác – nó được đẩy tới tiêu điểm gay gắt, và dường như cũng khó giải quyết nhất.

Tuy nhiên, sự lưỡng nan này có thể được quan niệm trong một viễn tượng tươi mới hơn, khi chúng ta xét nó theo định nghĩa mà tôi đã nói về con người sống tràn đầy. Chúng ta có thế nói, khi sự trị liệu đạt mức tối đa, thì con người sẽ kinh nghiệm được tức khắc sự tự do trọn vẹn nhất, tuyệt đối nhất. Người ấy muốn, hoặc lựa chọn, những hành động liên quan tới tất cả mọi kích thích nội tâm cũng như ngoại giới, bởi hành vi đó sẽ là hành vi thỏa mãn sâu xa nhất. 

Nhưng, đây cũng giống hành động, mà một quan điểm khác có thể bảo là được quyết định bởi tất cả mọi yếu tố của hoàn cảnh. Hay để tôi đối lập người này (người tự do) với người mà sự phòng vệ đã thành cơ cấu. Người phòng vệ muốn hoặc chọn theo một hành động đã có sẵn, nhưng nhận thấy không thể nào hành động theo cách anh ta đã chọn được. Anh ta bị quyết định bởi những yếu tố trong hoàn cảnh sống, nhưng các yếu tố này bao gồm sự phòng vệ, sự từ khước, hoặc bóp méo các dữ kiện chân thực. Do đó, chắc chắn hành vi của anh ta sẽ không làm cho anh ta thỏa mãn bao nhiêu. Hành vi của anh ta được quỵết định nhưng anh ta không có tự do để chọn lựa một cách có hiệu lực. Trái lại, người sống tràn đầy, không những chỉ kinh nghiệm, mà còn sử dụng tự do tuyệt đối khi người ấy chọn lựa.

Tôi không ngây thơ đến độ nghĩ rằng điều này giải quyết vấn đề chủ quan và khách quan, vấn đề tự do và tất yếu. Tuy nhiên tôi nhận thấy rằng con người càng sống đời sống tốt đẹp thì càng kinh nghiệm được sự tự do lựa chọn, và những sự lựa chọn đó càng được thể hiện trong hành vi.

SỰ SÁNG TẠO, MỘT YẾU TỐ CỦA ĐỜI SỐNG ĐẸP

Tôi tin rằng ta có thể thấy rõ là một người dấn thân vào diễn trình mà tôi gọi là đời sống đẹp, sẽ là một người sáng tạo. Với sự mở rộng nhạy cảm đối với thế giới của mình, với sự tin cậy vào khả năng tiếp xúc với môi trường, anh sẽ thực hiện được một lối sống và những công trình sáng tạo. Anh không hẳn sẽ thích nghi với nền văn hóa của anh, và hầu như chắc chắn anh sẽ không a dua theo người khác. Nhưng bất cứ lúc nào và bất cứ giữa nền văn hóa nào, anh cũng sẽ sống một cách xây dựng, trong sự hài hòa với môi trường. Trong vài trường hợp anh có thể rất khổ sở nhưng anh sẽ tiếp tục tiến đến trở thành chính mình và xử sự thế nào để thỏa mãn tối đa nhu cầu sâu xa của mình.
Tôi tin rằng một người như thế sẽ được những nhà nghiên cứu về tiến hóa nhìn nhận như một mẫu người có khả năng thích nghi và sinh tồn trong những điều kiện môi trường đổi thay. Anh có thể thích nghi một cách sáng tạo đối với những điều kiện mới cũng như cũ. Anh sẽ đi tiên phong trong sự tiến hóa của con người.

SỰ ĐÁNG TIN CẬY CỦA BẢN CHẤT CON NGƯỜI


Một hàm ý khác của quan điểm tôi vừa trình bày là bản chất của con người, khi được tự do tiến triển thì có tính cách xây dựng và đáng tin cậy. Đối với tôi đây một kết luận không thể tránh được của một phần tư thế kỷ kinh nghiệm trong lãnh vực tâm lý trị liệu. Khi chúng ta có thể giải thoát cá nhân khỏi sự phòng vệ, để cho y được mở rộng đối những nhu cầu cá nhân cũng như những đòi hỏi của môi trường thì ta có thể tin rằng những phản ứng của y sẽ tích cực, hướng tới trước, và xây dựng. Chúng ta không cần hỏi ai sẽ xã hội hóa anh, bởi vì một trong những nhu cầu sâu xa nhất của anh là kết thân và trao đổi với người khác. Trong lúc anh trở thành chính mình một cách hoàn toàn hơn thì anh sẽ được xã hội hóa một cách thực tiễn hơn. Chúng ta không cần hỏi ai sẽ kiểm soát những xung lực hung hãn của người ấy, vì khi người ấy mở rộng đối với mọi thôi thúc của mình hơn, thì nhu cầu của người ấy là muốn được người khác yêu mến, và xu hướng yêu thương người khác nơi người ấy cũng mạnh như những thôi thúc để gây hấn hoặc để chiếm đoạt.

Người ấy sẽ gây hấn trong những trường hợp sự gây hấn thích hợp một cách thực tiễn, nhưng sẽ không có nhu cầu chạy tới sự gây hấn. Hành vi toàn diện của người ấy, trong lãnh vực này cũng như lãnh vực khác, khi người ấy tiến tới chỗ mở rộng đối với mọi kinh nghiệm của mình, sẽ quân bình và thực tiễn hơn, hành vi thích hợp cho sự sống còn, và tăng trưởng của một sinh vật có xã hội tính cao độ.

Tôi ít có thiện cảm đối với quan niệm khá thịnh hành cho rằng con người tự căn bản là phi lý, và các xung lực của con người nếu không được kiểm soát, sẽ đưa tới chỗ hủy diệt tha nhân và chính mình. Hành vi của con người cực kỳ hợp lý, hướng tới các mục tiêu mà cơ thể đang cố thành đạt, một cách rất tinh vi và trật tự. Thảm kịch đối với phần lớn chúng ta là sự phòng vệ của chúng ta không cho chúng ta ý thức được sự hợp lý này, đến nổi theo ý thức, chúng ta hướng tới một hướng, trong khi theo cơ thể chúng ta đang hướng tới một hướng khác. 

Nhưng, trong con người đang sống đời sống đẹp, con số những cản trở đó sẽ giảm dần, và người ấy sẽ càng ngày tham dự vào sự hợp lý của cơ thể mình. Chỉ có một sự kiểm soát các xung lực còn tồn tại. hoặc tỏ ra cần thiết, là sự thăng bằng tự nhiên và nội tại giữa một nhu cầu với một nhu cầu khác, và sự khám phá ra các hành vi thỏa mãn được nhiều tất cả mọi nhu cầu. Kinh nghiệm về sự thỏa mãn cùng cực mọi nhu cầu (ví dụ gây hấn, tình dục v.v…) theo cách bạo động đối với sự thỏa mãn các nhu cầu khác (ví dụ tình bằng hữu, tương giao thân mật v.v…) – một kinh nghiệm rất thông thường trong những người mà sự phòng vệ đã thành cơ cấu – sẽ giảm bớt rất nhiều. Người ấy sẽ tham dự vào những hoạt động tự điều chỉnh hết sức phức tạp của cơ thể – những máy kiểm duyệt về phương diện tâm lý cũng như về phương diện thể lý – theo một cung cách để sống càng ngày càng hòa hợp với chính mình cũng như với tha nhân.

ĐỜI SỐNG CÀNG NGÀY CÀNG PHONG PHÚ


Hàm ý cuối cùng tôi muốn nói, là diễn trình sống tốt đẹp này cúo một sự phong  phú lớn lao hơn nhiều, so với cuộc sống chật hẹp mà hầu hết chúng ta đang sống. Tham dự vào diễn trình có nghĩa là người ta bị lôi cuốn vào kinh nghiệm, thường thường đáng sợ, nhưng cũng thỏa mãn, một sự sông nhạy cảm rộng mở hơn, biến đổi hơn, và phong phú hơn. 

Dường như đối với tôi, khi thân chủ đã tiến tới một cách có ý nghĩa trong sự trị liệu, thì thân chủ sẽ sống thân mật với những cảm quan đau đớn, nhưng cũng sống một cách sống động hơn những cảm quan ngây ngất xuất thần, cơn giận dữ được cảm biết rõ ràng hơn, nhưng tình yêu thương cũng được cảm biết như vậy, sự sợ hãi là một kinh nghiệm được nhận thức sâu xa, nhưng lòng can đảm cũng được nhận thức như vậy. 

Và lý do mà những người này có thể sống tràn đầy rộng mở như vậy là vì họ có một niềm tin căn bản vào chính mình như là những dụng cụ đáng tin cậy để đương đầu với đời sống. Tôi tin hiển nhiên, đối với tôi, tại sao các tĩnh từ như hạnh phúc, thỏa lòng, sung sướng, vui vẻ, dường như hoàn toàn không thích hợp với sự mô tả tổng quát diễn trình mà tôi gọi là đời sống đẹp, mặc dù người sống trong diễn trình này có nhiều khi kinh nghiệm thấy một trong cảm quan trên. Nhưng các tĩnh từ, phong phú, say mê, đầy thích thú, đầy ý nghĩa và đầy khích lệ. Tôi tin rằng, diễn trình sống tốt đẹp này không phải là một đời sống dành cho những người yếu tim. Nó hàm ý sự mở rộng và tăng gia càng ngày càng hơn tiềm năng của con người. Nó hàm ý lòng can đảm để sống. Nó có nghĩa là một sự lao mình trọn vẹn vào giòng đời. Nhưng điều đáng say mê sâu xa nhất nơi con người là khi con người được tự do nội tâm, con người sẽ chọn tiến trình thành nhân này làm đời sống tốt đẹp.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét